Sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng trong kỷ nguyên số

Nguyễn Thị Đào Trưng
Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh
23:41, ngày 30-10-2024

TCCS - Trong kỷ nguyên số, xu hướng phát triển báo chí đa nền tảng đòi hỏi sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng, đi kèm với đổi mới tư duy lãnh đạo, tư duy lao động của nhà báo. Tại các đài truyền hình, sự chuyển đổi từ sáng tạo nội dung đơn nền tảng sang đa nền tảng là một cuộc cách mạng, đòi hỏi đội ngũ nhà báo chuyển dịch mạnh mẽ, thích ứng với kỹ năng nghiệp vụ và quy trình sáng tạo mới. Đây là nội dung mang tính chiến lược, bao trùm, tác động đến sự thay đổi của toàn ngành báo chí.

Một số vấn đề lý luận chung

Báo chí đa nền tảng là báo chí được phân phối và kết nối người dùng trên tất cả các nền tảng và thiết bị khác nhau, như: báo mạng điện tử, kênh (trực tuyến, tuyến tính), các nền tảng trực tuyến và xem lại, nền tảng truyền thông xã hội (Youtube, Facebook, Zalo, Tiktok...); máy tính bàn, thiết bị di động cầm tay (smartphone, iPad, Notebook…). Với sự phát triển của khoa học - công nghệ, công chúng còn có thể đọc, xem nội dung ở thiết bị này trên một thiết bị khác. Cùng với tiến trình chuyển đổi số báo chí, các đài truyền hình phải chuyển đổi mô hình báo chí đa nền tảng. Nội dung báo chí đa nền tảng được sáng tạo miệt mài, cập nhật liên tục để đủ số lượng và chất lượng phân phối trên các nền tảng, ưu tiên theo thứ tự mobile, social và web. Khác với cách tiếp cận truyền thống là độc giả tìm đến với thông tin, nay, chiến lược phát triển báo chí đa nền tảng (multiplatform journalism) yêu cầu thông tin phải xuất hiện bất cứ nơi nào có độc giả. Đây cũng chính là nguyên tắc cơ bản nhất của báo chí từ xưa đến nay: coi độc giả là ưu tiên cao nhất.

Về mô hình hoạt động, các cơ quan báo chí đa nền tảng phải làm chủ công nghệ nhằm kết hợp các nền tảng trong một chỉnh thể thống nhất. Các Đài truyền hình phải tích hợp với các nền tảng kỹ thuật số để sản xuất, phân phối các sản phẩm truyền hình đáp ứng nhu cầu thông tin và trải nghiệm xem của thế hệ công chúng mới. Các nền tảng thường được truyền hình tích hợp để tổ chức sản xuất tin tức: nền tảng xuyên biên giới (Facebook, YouTube, Tiktok…) và nền tảng, ứng dụng của các đài truyền hình (VTVgo, Hplus, FPTPlay…).

Sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng, trước hết chính là sáng tạo tác phẩm báo chí, được phân phối nội dung theo nền tảng, gồm: (i) Nội dung gốc (phát hành trên kênh truyền thống); (ii) Nội dung trên nền tảng xã hội (social content); (iii) Nội dung trên thiết bị di động (mobile content); (iv) Nội dung trên web (web content).  

Sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng tại các đài truyền hình có những đặc điểm sau: Thứ nhất, đó là tính đa phiên bản. Không chỉ sáng tạo một phiên bản, nhà báo cần phải lao động sáng tạo nội dung đa phiên bản tương ứng với từng nền tảng phát hành. Hầu như các nhà đài hiện nay đều có đầy đủ loại hình đưa tin khác nhau: báo in; truyền hình; podcast; báo ảnh; báo mạng điện tử với tin, bài đa phương tiện (âm thanh, hình ảnh động, video, ảnh chụp, đồ họa, mega story,...). Thứ hai, phải có tính thời sự, tính cập nhật cho sản phẩm ở bất kì thời điểm nào (phi tuyến tính). Thứ ba, thể hiện một số các định dạng đặc thù cơ bản: Hình ảnh động (video); hình ảnh (visual); âm thanh (audio). Thứ tư, là phải gắn với chủ thể sáng tạo là nhà báo đa nền tảng, hay có những cụm từ khác cùng mô tả chủ thể này: “nhà báo đa kĩ năng”, “nhà báo đa năng”, “nhà báo đa phương tiện”.

Sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng đặt ra yêu cầu cần tích hợp đa kỹ năng (Intergrated multi-skills) là yêu cầu tất yếu trong hoạt động báo chí đa nền tảng hiện nay. Nó đòi hỏi nhà báo phải chuyên nghiệp, năng động, linh hoạt trong thực hiện sáng tạo nội dung. Một là, kỹ năng nắm bắt thực tiễn là hoạt đông đầu tiên trong quy trình sáng tạo nội dung BCĐNT, cho dù phóng viên chưa xác định rõ phiên bản nào sẽ ưu tiên làm trước. Chủ đề và đề tài có mối quan hệ biện chứng với nhau, vì vậy phóng viên cần có cả hai kỹ năng: Nảy ra ý tưởng, chủ đề mới sau khi nắm bắt tình hình thực tế cuộc sống và phát hiện đề tài, sự kiện nóng, khai thác chúng để phát biểu chủ đề. Ở bước này, phóng viên sẵn sàng mọi phương án loại hình báo chí/phiên bản tác phẩm sẽ thực hiện, hoặc trước đó đã trù bị sẽ tập trung sáng tạo nội dung cho loại hình/phiên bản/ nền tảng nào. Hai là, phóng viên phải tiếp cận nguồn tin và thu thập, khai thác dữ liệu - thông tin. Việc này đòi hỏi các kỹ năng cơ bản, phóng viên sẽ quyết định loại hình báo chí và phiên bản nội dung, nền tảng nào sẽ xây dựng tác phẩm để tận dụng tốt nhất và tối đa dữ liệu đang có. Ba là, phân tích dữ liệu và hình thành tác phẩm báo chí. Mỗi loại hình báo chí trên mỗi nền tảng đòi hỏi phóng viên có những kỹ năng tương ứng trong xây dựng, biên tập tác phẩm, đáp ứng tính đặc thù, nhất là kỹ năng sử dụng phần mềm, công cụ để hoàn chỉnh tác phẩm, gửi/upload về hệ thống chủ cho ban phụ trách. Phóng viên cần có kỹ năng hiểu và sử dụng đúng thế mạnh mỗi nền tảng cho thể loại tin, bài mình sáng tạo. Bốn là, phóng viên cần có kỹ năng tự mình biên tập lại tác phẩm sau khi đã hoàn thiện để giảm thiểu các sai sót kỹ thuật không đáng có và quan trọng là để có cái nhìn bao quát về nội dung và hình thức sau mỗi quy trình lao động nhất định. Đối với việc gửi tác phẩm về trung tâm, phóng viên cần thành thạo các kỹ thuật truyền tải để đảm bảo thời gian tính - nhất là với các tác phẩm truyền hình và tác phẩm báo ảnh cho website - và an toàn thông tin. Năm là, kĩ năng theo dõi việc sử dụng tác phẩm và xử lý những phản hồi liên quan.

Nhận thức, tư duy chiến lược của lãnh đạo nhà đài là một yêu cầu lớn trong sự chuyển biến về sáng tạo này. Trong đó, các cơ quan báo chí định hình lại vai trò, vị trí của mình trong hệ sinh thái truyền thông mới. Việc thay đổi từ “đơn nền tảng” sang “đa nền tảng” buộc các lãnh đạo cơ quan báo chí phải tính đến các vấn đề quản lý: quản lý nội dung trong quy trình sáng tạo nội dung tác phẩm báo chí đa nền tàng; “độ mở” như thế nào đối với hoạt động tương tác, bình luận, vấn đề pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ, vấn đề tuân thủ những nguyên tắc cộng đồng của nhà cung cấp nền tảng. Bên cạnh đó, sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng không thể tách rời kế hoạch chuyển đổi số của một số tờ báo, bao gồm khâu quản trị nội bộ, quy trình sản xuất thông tin, mô hình tổ chức nhân sự... Những người lãnh đạo trực tiếp quản lí và những người trực tiếp thực hiện sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng chính là những nhân tố quyết định của sự phát triển báo chí đa nền tảng. Tổng giám đốc Đài Truyền hình, các Phó Tổng giám đốc, các Giám đốc Trung tâm tin tức, Trung Tâm nội dung số, Trung Tâm Dịch vụ Truyền hình, các trưởng ban nội dung phải là những người chỉ huy, định hướng đường lối phát triển sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng của đơn vị. Điều này đòi hỏi tầm nhìn, sự đột phá về tư duy chiến lược, đặt ra các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, xây dựng và quản lí quy trình sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng.

Báo chí đa nền tảng cần điều kiện về hạ tầng và công nghệ để phát triển vì sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng cần ứng dụng khoa học - công nghệ trong suốt quá trình tạo ra tác phẩm. Do đó, các nhà đài phải có điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, các nền tảng và ứng dụng tự phát triển để các khách thể trực tiếp sáng tạo có điều kiện phù hợp để thực hiện tin, bài. Nhà đài phải đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống sản xuất, lưu trữ tư liệu và phân phối nội dung đa nền tảng theo hướng đồng bộ, thống nhất, quản lí tài nguyên tập trung, quy trình công nghệ tự động, linh hoạt, liên kết giữa các bộ phận, quản lí thống nhất và trao đổi Metadata thuận lợi. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống bảo vệ bản quyền, thẩm định các sản phẩm nội dung cho cả âm thanh, hình ảnh, đồ họa trên hạ tầng truyền thống và đặc biệt là trên hạ tầng số, xây dựng hệ thống thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng.

Thực trạng sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng tại một số đài truyền hình tại Việt Nam hiện nay

Sau nhiều năm chuyển đổi mô hình từ Đài truyền hình sang cơ quan báo chí đa nền tảng, các đơn vị đã có những dự án với cách tìm tòi, sáng tạo, đầu tư riêng để bước vào thị trường báo chí mới. VTV đã tiến hành chuyên biệt hoá hoạt động từ 2012, với sự ra đời của các đơn vị: Trung tâm Đồ hoạ, Trung tâm sản xuất các chương trình Thể thao, Trung tâm truyền hình Thời tiết và Cảnh báo thiên tai, Trung tâm Tin tức (VTV24), Trung tâm Sản xuất và Kinh doanh Nội dung số (VTV Digital) và một số trung tâm khác. VTV đặt mục tiêu: Đến 2025, bảo đảm giữ vững mức độ phủ trên các nền tảng phân phối mới, phát triển cộng đồng khán giả của Đài truyền hình Việt Nam trên đa nền tảng; mở ra hệ sinh thái số VTV gồm các trụ cột: nội dung số, công nghệ và dữ liệu khán giả; liên kết, hợp tác với các hệ sinh thái số công nghệ, viễn thông hàng đầu, xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ số cho khách hàng. Tháng 6-2023, Trung tâm tin tức, Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) là đơn vị chủ công trong công tác phát triển mô hình tin tức thế hệ mới với dự án nền tảng tin tức Thế hệ mới HTV NewZ. Đây là mô hình tin tức đa phương lần đầu tiên được áp dụng trên cơ sở video đa phương thức và đa phương tiện trên mọi nền tảng số (Youtube, Facebook, Tiktok, web). HTV NewZ đã có mặt trên ứng dụng HTVC - Ứng dụng kết hợp giữa truyền hình và tin tức.

Những kết quả đạt được là độ phủ nội dung báo chí đa nền tảng trên các hạ tầng mới của các nhà đài (VTVgo, Hplus…). Với đội ngũ đông đảo, chuyên nghiệp, thích nghi nhanh với tác nghiệp chuyển đổi số, các nội dung báo chí đa nền tảng đã đến được với công chúng nhiều phân khúc. Tuy nhiên, cũng có thể thấy các hạn chế sau:

Vấn đề sáng tạo nội dung theo phiên bản cho các nền tảng đã triển khai thực hiện nhưng còn ít, chỉ có 10-20% nội dung được sáng tạo mới dựa trên cơ sở phát triển nội dung gốc hoặc cách nhìn mới về cùng một sự kiện, chủ đề. Những nội dung mới này thường thể hiện trong các tin bài multi-form trên nền tảng web, tin ảnh (post) trên nền tảng Facebook. Chất lượng sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng tại các đơn vị khảo sát (VTV, HTV) có sự chênh lệch về trình độ chuyên môn, chiến lược phát triển và quy mô đầu tư. Riêng với nền tảng Tiktok hay Facebook, các nhà đài dường như bỏ ngỏ một không gian mênh mông để sáng tạo mà chỉ dùng đó như một nền tảng khai thác lại nội dung gốc với phiên bản thời lượng ngắn hơn. Nguyên nhân chính là do đội ngũ phóng viên báo hình từ chỗ chỉ chuyên tâm sáng tạo nội dung báo hình, thì nay, phải sáng tạo cùng lúc nhiều nội dung cho nhiều nền tảng, trong khi sự thích nghi tích hợp đa kỹ năng chưa kịp hoàn thiện. Điều này gây cản trở quá trình tác nghiệp và sáng tạo tác phẩm. Một số ít có thể kiêm nhiệm sáng tạo nội dung trên nền tảng web, nhưng chất lượng của nội dung thứ hai thường không cao. Bên cạnh đó, các cơ chế để thúc đẩy nhân tố sáng tạo cũng chưa hoàn thiện, liên quan đến sự khó khăn chung của kinh tế báo chí và chiến lược tự chủ của mỗi đơn vị.

Nhìn chung, công tác sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng ở các đài truyền hình tại Việt Nam hiện nay đáp ứng được về tốc độ chuyển đổi, quy mô phủ sóng, độ nhận diện của nội dung gắn với các nền tảng tương ứng của từng đơn vị, song, vẫn còn một khoảng cách so với yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân chính là do nhiều nhà đài đã xây dựng được mô hình báo chí đa nền tảng hay mô hình toà soạn báo chí số nhưng chưa hoàn chỉnh, chưa đáp ứng được sự hội tụ của: chủ thể số, nội dung số, công nghệ số, công chúng số, kinh tế số, hệ sinh thái số.

Một số vấn đề đặt ra và giải pháp cần chú ý thực hiện trong thời gian tới

Bối cảnh cạnh tranh kinh tế báo chí, tự chủ kinh tế báo chí và những thay đổi trong quá trình đánh giá cán bộ, người lao động, vị trí việc làm gắn với yếu tố đổi mới sáng tạo đã đặt ra các vấn đề đối với kỹ năng và quy trình sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng ở các đơn vị. Nhìn chung dù hết sức nỗ lực, nhưng kỹ năng và quy trình sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, cũng chưa tương xứng với khả năng thực sự của mỗi phóng viên. Về phía các đơn vị chủ quản, việc đáp ứng các điều kiện trong sáng tạo bao gồm: điều kiện về môi trường làm việc; trang thiết bị; thù lao, nhuận bút, cơ chế khen thưởng, khuyến khích… cũng còn rất nhiều hạn chế. Ngày 6-4-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là chiến lược xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Như vậy, chuyển đổi số báo chí, trong đó bao gồm báo chí đa nền tảng và sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng, không chỉ là một cuộc chuyển đổi về công nghệ, mà là một cuộc cách mạng toàn diện về tư duy chiến lược.

Theo đó, cần chú ý triển khai thực hiện tốt một số giải pháp trong thời gian tới, gồm:

Đối với đội ngũ lãnh đạo, cần phải hiểu được về nền tảng, bản chất của các nền tảng, sự khác nhau, lợi thế cạnh tranh của từng nền tảng, từ đó mới có cách chỉ đạo thực hiện sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng sát với thực tế. Đối với những người tham gia sáng tạo tác phẩm báo chí, phải có tư duy tích hợp đa kỹ năng, thích ứng với sự thay đổi trong quá trình tác nghiệp và sáng tạo.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng. Các cơ quan báo chí phải coi trọng việc xây dựng một đội ngũ nhà báo đa nền tảng có đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, có trách nhiệm xã hội.

Các Đảng bộ đài truyền hình, các cấp lãnh đạo quản lý báo chí kiến nghị cáp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí; xây dựng cơ chế về kinh tế báo chí. Kiến nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu xây dựng một cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực, như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Thanh phố Hồ Chí Minh. Các cơ quan quản lí báo chí cần có chủ trương khuyến khích hướng nghiên cứu, thực hiện thí điểm các mô hình liên kết giữa cơ quan báo chí đa nền tảng tự chủ tài chính với doanh nghiệp công nghệ số để tăng cường nguồn lực và tốc độ chuyển đổi sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng./.