Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội - Thực tiễn và kinh nghiệm
TCCS - Trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến quốc phòng, an ninh,... Trong đó, kết quả trong xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường từ năm 2010 đến năm 2022 có dấu ấn nổi bật và để lại nhiều kinh nghiệm quý.
Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường - Chủ trương, chính sách đúng đắn của thành phố Hà Nội
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 Ban Chấp hành Trung ương khóa X Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đề ra mục tiêu “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Ðảng được tăng cường”(1). Quán triệt chủ trương của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân là một trong những chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy và được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ.
Ngày 21-4-2010, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 03/2010/NQ-HĐND, Về xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020, nhấn mạnh: Thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020, định hướng 2030 với mục tiêu chung: “Xây dựng nông thôn mới Thủ đô Hà Nội có kinh tế phát triển toàn diện, bền vững, kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội nông thôn được bảo đảm, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại”. Về mục tiêu cụ thể: Giai đoạn 2010 - 2015: Phấn đấu có từ 140-160 số xã (bằng 35%-40%) đạt chuẩn nông thôn mới; giai đoạn 2016 - 2020: Phấn đấu có thêm từ 120-140 số xã (bằng 30%-35%) số xã đạt chuẩn nông thôn mới, để đến hết năm 2020 toàn thành phố có 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; định hướng đến năm 2030: Hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới ở 401 xã trên địa bàn Thành phố (đạt 100%) (2).
Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, bên cạnh đề cập đến công tác tuyên truyền; vấn đề nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ hiện đại gắn với phát triển đô thị; kinh tế và tổ chức sản xuất nông thôn; củng cố, nâng cao chất lượng vai trò của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở; vấn đề văn hóa - xã hội, đã chỉ rõ về môi trường như sau: “Rà soát bổ sung hoàn thiện quy hoạch các lĩnh vực về bảo vệ môi trường. Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch, tổ chức tốt việc thu gom và xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt và chăn nuôi. Hướng dẫn, quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã để không gây ô nhiễm môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, vận động người dân cùng thực hiện” (3).
Như vậy, trong những văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đầu tiên của thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh yêu cầu xây dựng nông thôn mới phải gắn với bảo vệ môi trường.
Ngày 4-6-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Mục tiêu chung của chương trình là: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau hơn 5 năm thực hiện chương trình, ngày 16-8-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1600/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Theo đó, ngày 26-4-2016, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” (gọi tắt là Chương trình số 02). Chương trình số 02 nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố.
Để thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26-4-2016, Thành ủy Hà Nội thành lập Ban chỉ đạo chương trình do đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm Trưởng ban. Tiếp đó, Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy đã thành lập các đoàn kiểm tra, làm việc trực tiếp với các huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan; tổ chức họp giao ban định kỳ (quý/lần) để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chương trình đề ra.
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra mục tiêu: “Đến năm 2025, thành phố Hà Nội có 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% xã nông thôn mới kiểu mẫu, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp thành phố” (4). Đây là quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị và nông dân Thủ đô để hướng đến mục tiêu mới trong giai đoạn mới. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) của Đảng bộ thành phố, ngày 17-3-2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 04-CTr/TU “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” (gọi tắt là Chương trình số 04). Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 là đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo. Ngày 25-5-2021, Ban chỉ đạo Chương trình số 04 ban hành Quyết định số 06-QĐ/BCĐ ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”; đồng thời, ban hành Thông báo số 07-TB/BCĐ phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy; ban hành Kế hoạch số 08-KH/BCĐ về kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII giai đoạn 2021 - 2025.
Tóm lại, xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường là chủ trương, chính sách đúng đắn của thành phố Hà Nội, luôn được Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Trong các chỉ thị, nghị quyết và các chương trình, vấn đề xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường luôn được quán triệt và là mục tiêu hướng tới của thành phố.
Thực tiễn xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ mội trường trên địa bàn thành phố Hà Nội
Trước khi thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn Hà Nội nhiều nơi đời sống người dân còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng yếu kém, nhất là ở các xã xa trung tâm. Thời điểm đó tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống của một bộ phận dân cư vùng xa trung tâm, vùng miền núi còn khó khăn; cơ sở vật chất về giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, điện chiếu sáng còn thiếu, cần nguồn lực lớn để đầu tư phát triển. Trong khi đó, ngành nông nghiệp giá trị sản xuất chỉ đạt bình quân 1,75% năm. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, nhỏ lẻ, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất chưa cao. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đầu tư chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa mới đạt 71,9%; đường trục thôn được bê tông hóa mới đạt 61,5%... Đời sống và thu nhập của một số bộ phận nông dân còn thấp, năm 2010, đạt 13 triệu đồng/người/năm; chênh lệch về thu nhập và hưởng thụ văn hóa của người dân ở khu vực nông thôn và khu vực thành thị còn khoảng cách lớn.
Có thể nói, Hà Nội thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tuy nhiên, với chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, trong 10 năm (2010 - 2019), tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy đạt trên 76,4 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 58 tỷ đồng; ngân sách Thành phố gần 26 nghìn tỷ đồng; ngân sách cấp huyện trên 32,2 nghìn tỷ đồng; ngân sách cấp xã trên 3,4 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách trong giai đoạn này đạt trên 14,7 nghìn tỷ đồng. Từ nguồn lực này, thành phố Hà Nội đã triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội, phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân. Trong 10 năm (2010 - 2019), toàn thành phố đã làm mới 368 km, nâng cấp cải tạo trên 5,5 nghìn km đường giao thông nông thôn; xây mới trên 1,8 nghìn km kênh mương cấp 3… Đặc biệt, toàn thành phố đã xây dựng mới 481 trường, nâng cấp cải tạo 987 trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non đạt chuẩn... (5)
Về kết quả xây dựng nông thôn mới, đến 2019, thành phố Hà Nội có 6 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm và Quốc Oai) được Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, thành phố đã chỉ đạo thị xã Sơn Tây và huyện Thạch Thất hoàn thiện hồ sơ trình công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2019. Đối với các xã, toàn thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được Ủy ban nhân dân thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt trước 2 năm so với mục tiêu đề ra). Trong số 61 xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 10 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 43 đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 8 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 - 14 tiêu chí. Hơn nữa, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm (tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010 là 13 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo của thành phố đã giảm từ 3,64% (đầu năm 2016) xuống còn 1,16% (cuối năm 2018), trong đó tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 5,43% (đầu năm 2016) xuống còn 1,81% (cuối năm 2018) (6).
Đến hết năm 2020, Hà Nội có 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 6 huyện trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 368/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 96,3%), 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tổng nguồn vốn đã huy động cho khu vực nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 là 80.595 tỷ đồng, trong đó đầu tư trực tiếp cho chương trình là 62.459 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước là 56.470 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách là 5.989 tỷ đồng)… Nhờ tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao đời sống nông dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Hà Nội năm 2020 đạt 55 triệu đồng/người/năm, đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn dưới 0,37%, có 4 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh và Hoài Đức không còn hộ nghèo…
Năm 2021, cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh khó khăn, thách thức, nhưng phong trào xây dựng nông thôn mới của Hà Nội vẫn giữ được nhịp độ để về đích theo kế hoạch đề ra. Đến hết năm 2021, Hà Nội có 12/18 huyện, thị xã (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây) đạt chuẩn nông thôn mới. Đến giữa năm 2022, thành phố Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây. Các huyện Ứng Hòa, Ba Vì và huyện Mỹ Đức đang bám sát Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, tiến hành hoàn thiện các tiêu chí huyện, phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Trong đó, về xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện Đan Phượng đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trong năm 2022, huyện Đan Phượng đã đăng ký thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và đang rà soát, hoàn thiện hồ sơ theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2022. Toàn thành phố có 382/382 (đạt 100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5 xã thuộc huyện Đan Phượng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Khi bắt đầu xây dựng nông thô mới, thành phố đã xác định nông dân khu vực nông thôn vừa là chủ thể và trực tiếp thụ hưởng thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới. Thành phố tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn nhận thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhìn chung, hầu hết người dân đều nhận thức được trách nhiệm, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại mà chủ động tham gia thực hiện, nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất, đầu tư công sức, tiền của để xây dựng nông thôn mới.
Có thể khẳng định, trong mỗi kết quả đạt được của Hà Nội trong xây dựng nông thôn mới luôn gắn với vấn đề bảo vệ môi trường. Bởi vì môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Do đó, từ năm 2010 đến năm 2022, thành phố Hà Nội luôn chú trọng và khuyến khích các địa phương đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường, khi bắt tay vào xây dựng nông thôm mới, cả 16/16 xã của huyện Mê Linh đều chưa đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức để người dân tự giác dọn vệ sinh hằng tuần; trồng hoa, cây xanh trên các tuyến đường; tạo bức tường bích họa làm đẹp xóm làng. Việc thực hiện tốt các phong trào “Vì môi trường xanh - sạch - đẹp”, “Không đổ rác, phế thải ra đường, nơi công cộng” và lan tỏa mô hình tự quản “Khu dân cư an toàn sáng, xanh, sạch, đẹp” đã giúp Mê Linh xây dựng được hàng chục km tuyến đường tự quản xanh - sạch - đẹp - nở hoa - kiểu mẫu. Hội Phụ nữ huyện xây dựng và duy trì mô hình “Sạch đồng ruộng” tại 16 xã, thành lập 32 tổ bảo vệ môi trường để thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật và hàng tấn rác thải các loại trên toàn bộ diện tích đất nông nghiệp và xây dựng các bể chứa rác thải tại cánh đồng. Nhờ đó, diện mạo nông thôn mới của huyện ngày càng hiện đại, văn minh.
Tại huyện Thạch Thất, mô hình “Dân vận khéo trong thực hiện vệ sinh sạch đường làng, sạch đồng ruộng” của Hội Phụ nữ huyện đã giúp địa phương xây dựng được hàng trăm đoạn đường phụ nữ tự quản, đường hoa, tường tranh bích họa và biến nhiều điểm chân rác thành đường hoa. 57 điểm sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn đã được các hội viên trồng hoa, cây xanh, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, các xã duy trì nền nếp vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào sáng thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, các ngày lễ, tết; lắp đặt hàng trăm thùng chứa rác thải sinh hoạt, thùng, bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường và hoàn thành tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn.
Ở huyện Chương Mỹ, các cấp hội nông dân đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thành lập các câu lạc bộ tham gia bảo vệ môi trường; mô hình thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật và mô hình không đốt rơm rạ sau thu hoạch trên cánh đồng. Cùng với đó, hội phụ nữ các cấp đã xây dựng được hàng trăm đoạn đường phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp - nở hoa và duy trì có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; mô hình phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường, sử dụng làn nhựa để giảm thiểu sử dụng túi nilon.
Nhìn chung, việc bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trên địa bàn Hà Nội từ năm 2010 đến năm 2022 luôn được triển khai tích cực. Để khắc phục khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, góp phần thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, thành phố đã ban hành nhiều chính sách, như hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng công trình trạm xử lý chất thải đầu mối của khu thu gom xử lý chất thải tập trung, khu tập kết chất thải rắn; xây dựng nhà máy xử lý nước thải làng nghề tại các huyện với công nghệ xử lý sinh học khép kín và dây chuyền thiết bị hiện đại. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý nước thải làng nghề tập trung; nâng cấp các hệ thống xử lý môi trường cũ không đáp ứng yêu cầu… Đặc biệt, trong đợt phát động thi đua xây dựng mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường năm 2021”, lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định, từ năm 2015 đến năm 2021, tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải y tế trên địa bàn đạt từ 98% đến 100%; việc xử lý ô nhiễm nguồn nước thải đạt hiệu quả rõ rệt. Chất lượng môi trường nông thôn tiếp tục được cải thiện đáng kể. Công tác bảo vệ môi trường ở các địa phương cần tiếp tục được phát huy và lan tỏa những mô hình mới, cách làm hay để môi trường nông thôn Thủ đô ngày càng văn minh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội còn một số hạn chế, như công tác xây dựng nông thôn mới giữa các huyện chưa đồng đều; kết quả giảm nghèo tại một số địa bàn chưa thực sự bền vững; việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất chưa nhiều; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là mối lo của người tiêu dùng... Nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, việc thu hút nguồn lực xã hội chưa nhiều, người dân còn trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước. Hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn đầu tư còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng theo đánh giá của các địa phương, môi trường vẫn là tiêu chí khó thực hiện và phải được gìn giữ thường xuyên trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Nguyên nhân do môi trường nông thôn đang chịu sức ép ô nhiễm ngày càng lớn từ sự gia tăng dân số; lạm dụng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; người dân vẫn còn chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư; bỏ trống khâu xử lý chất thải gây ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, với hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, vấn đề môi trường nông thôn tại các địa bàn này đang ở mức báo động. Kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề trên địa bàn thành phố từ năm 2017 - 2020 cho thấy: Có 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng; 95 làng nghề ô nhiễm, tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom, xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%. Đặc biệt, hầu hết các làng nghề của Hà Nội đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Do đó, nước thải đều xả thẳng ra môi trường với độ ô nhiễm ở mức rất cao mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nào. Không chỉ vậy, vẫn còn hiện tượng người dân đổ trộm hoặc tự ý đốt bỏ rác thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh, tác động trực tiếp tới kết quả xây dựng nông thôn mới.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế nêu trên. Trong đó, đáng chú ý, công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, phương châm, cách làm trong xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường tuy đã được cải tiến nhưng hiệu quả chưa cao, hình thức chưa phong phú, một số nơi chưa phát huy được nội lực của địa phương. Công tác dự báo còn hạn chế, chưa lường hết được những khó khăn, thách thức nên xây dựng một số nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp chưa phù hợp…
Một số kinh nghiệm
Thực tiễn quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2010 đến năm 2022 để lại một số kinh nghiệm:
Một là, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở xã phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt nhấn mạnh của yêu cầu xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường.
Hai là, trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện cần linh hoạt, sáng tạo, cụ thể hóa nghị quyết bằng chương trình hành động cụ thể; đồng thời, cụ thể hóa chương trình bằng các đề án, dự án, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Lựa chọn, chỉ đạo thực hiện các công việc có trọng tâm, trọng điểm; thường xuyên kiểm tra, động viên, đôn đốc cơ sở; định kỳ giao ban giữa Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy với ban chỉ đạo các huyện, thị xã để nắm tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.
Ba là, công tác quy hoạch, xây dựng đề án nông thôn mới phải đi trước một bước, gắn với thực tiễn, bảo đảm dân chủ, sự đồng thuận, khoa học, có tính khả thi cao. Cùng với đó, kế thừa tối đa các công trình hiện có kết hợp nâng cấp và xây dựng mới. Lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình là hạt nhân để vận động xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường, làm cho bộ mặt Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp - xanh, sạch, đẹp.
Bốn là, phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân, người dân được bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch những công việc trực tiếp liên quan đến lợi ích của cộng đồng và người dân, nhất là xây dựng quy hoạch, đề án nông thôn mới, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với bảo vệ môi trường.
Năm là, dành nguồn lực đáng kể từ ngân sách thành phố để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình thiết yếu về kết cấu hạ tầng (điện, đường, trường, trạm, bảo vệ môi trường) cho xây dựng nông thôn mới. Tích cực tuyên truyền, vận động các quận của thành phố, doanh nghiệp và nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng nông thôn mới và xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường của thành phố.
Sáu là, chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ và tập huấn về kiến thức xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng nông thôn mới ở thôn, xã. Coi xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các cấp của thành phố. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, định kỳ sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật, có cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.
Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường là chủ trương đúng đắn của thành phố Hà Nội, luôn được Thành ủy Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời; được các cấp, các ngành của thành phố quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc. Kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2010 đến năm 2022 là minh chứng rõ nét về hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy và việc quán triệt thực hiện của các cấp, các ngành của thành phố. Đồng thời, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu vận dụng trong xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường thời kỳ mới, qua đó phấn đấu thực hiện bằng được lời căn dặn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025: “Tất cả chúng ta phải cố gắng làm sao cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần” (7)./.
------------------------
(1) Xem: Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
(2) Xem: Nghị quyết số 03/2010/NQ-HĐND ngày 2-4-2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Về xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020
(3) Xem: Nghị quyết số 03/2010/NQ-HĐND ngày 2-4-2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Về xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020
(4) Xem: Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, lưu Văn phòng Thành ủy.
(5) Xem: Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân
(6) Xem: Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân
(7) Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai phục vụ quá trình phát triển của Thủ đô Hà Nội  (05/12/2022)
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để phục hồi và phát triển kinh tế Hà Nội sau đại dịch COVID-19  (04/12/2022)
Hà Nội cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung, hiệu quả, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư  (02/12/2022)
Lễ trao giải và tôn vinh 22 sáng kiến vì cộng đồng lần thứ IV năm 2022  (30/11/2022)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam