Phát triển và làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước Đông Nam Á của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide
TCCS - Khi ông Suga Yoshihide lên cầm quyền tại Nhật Bản, điều dư luận hết sức quan tâm là chính sách đối ngoại của tân Thủ tướng Nhật Bản được điều chỉnh như thế nào và có gì mới so với người tiền nhiệm. Trong phát biểu của mình, Thủ tướng S. Yoshihide luôn nhấn mạnh sẽ kế thừa những chính sách của cựu Thủ tướng Shinzo Abe - người đã hoạt động tích cực trên trường quốc tế và nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước Nhật Bản. Tuy nhiên, ngoài gam màu chủ đạo là duy trì chính sách ngoại giao Nhật Bản đã triển khai trong 8 năm qua, có thể thấy những nét mới của tân Thủ tướng Nhật Bản thông qua chuyến thăm Việt Nam và Indonesia, từ ngày 18-10 đến 21-10-2020.
Cũng giống như cựu Thủ tướng Nhật Bản S. Abe, tân Thủ tướng Nhật Bản S. Yoshihide đã chọn hai nước Đông Nam Á, gồm Việt Nam và Indonesia, là nơi đầu tiên đi thăm sau khi nhậm chức, không chỉ thể hiện tình cảm đặc biệt đối Việt Nam nói riêng và quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nói chung mà còn cho thấy sự coi trọng khu vực Đông Nam Á trong tổng thể chính sách ngoại giao toàn cầu của Nhật Bản. Tuy nhiên, khác với các chuyến thăm trước đây, trong bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay, chuyến công du tới Việt Nam và Indonesia lần này của tân Thủ tướng Nhật Bản đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Tiếp nối “dấu ấn” cựu Thủ tướng S. Abe
Sau khi Thủ tướng S. Abe trở lại nắm quyền vào tháng 12-2012, ông S. Yoshihide được bổ nhiệm vào vị trí Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản(1) và giữ vị trí này cho đến trước khi trở thành Thủ tướng Nhật Bản vào tháng 9-2020. Với phong cách giản dị và gần gũi, ông S. Yoshihide được coi là “cánh tay phải đắc lực” của cựu Thủ tướng S. Abe giải quyết các vấn đề hóc búa trong gần 8 năm cầm quyền vừa qua; đồng thời, là đồng minh quan trọng trong hàng loạt quyết sách kinh tế quan trọng của cựu Thủ tướng S. Abe thông qua “Abenomics” - chính sách kích thích tiền tệ, tăng chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu, nhằm khởi động nền kinh tế trì trệ lâu năm của Nhật Bản.
Trong quan hệ với Thủ tướng tiền nhiệm S. Abe, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Aso Taro, Tổng Thư ký Nikai Toshihiro và các lãnh đạo chủ chốt của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, ông S. Yoshihide cũng luôn phát huy khéo léo ưu thế trung lập, không thuộc phái nào (trong lịch sử Đảng Dân chủ Tự do hiếm người không thuộc phái nào lên làm Chủ tịch). Ông S. Yoshihide cũng khá được lòng Đảng Công Minh - một đảng trong liên minh cầm quyền của Nhật Bản.
Khi lên cầm quyền, tân Thủ tướng S. Yoshihide tuyên bố kế thừa chính sách của Thủ tướng tiền nhiệm S. Abe với ưu tiên hàng đầu là tích cực giải quyết các vấn đề trong nước, mà trọng tâm là ứng phó với dịch bệnh COVID-19 và phục hồi nền kinh tế đang trì trệ từ nhiều năm nay. Về kinh tế, tân Thủ tướng S. Yoshihide tiếp tục thực hiện chính sách kinh tế Abenomics với quan điểm cho rằng có tăng trưởng kinh tế mới có kiện toàn tài chính. Ngoài ra, ông S. Yoshihide cũng có thêm những chính sách mang dấu ấn riêng về phát triển nền kinh tế số thông qua việc lập Cục Kỹ thuật số trực thuộc Nội các, phát triển địa phương, giải quyết vấn đề già hóa dân số, cam kết không tăng thuế tiêu dùng.
Về chính sách đối ngoại, ông S. Yoshihide tiếp tục kế thừa di sản của chính quyền tiền nhiệm, cụ thể là tăng cường quan hệ đồng minh Nhật Bản - Mỹ; cải thiện quan hệ với các nước láng giềng (Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc) và các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương; phát huy vai trò trong các cơ chế đa phương và sáng kiến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở; giải quyết các vấn đề với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Theo giới quan sát, ông S. Yoshihide là nhà chính trị thuộc mẫu người yêu cầu trong công việc phải có kết quả nhanh chóng. Tuy nhiên, ngoại giao là lĩnh vực cần thời gian và công sức. Ông cũng được cho là người khéo léo và linh hoạt trong xử lý vấn đề nội chính nhưng chưa thực sự có nhiều kinh nghiệm đối ngoại, chính vì vậy ông ưu tiên, dồn sức xử lý các mối quan hệ dễ trước khó sau theo phương thức “lái xe an toàn”. Cá nhân ông S. Yoshihide cũng thừa nhận chưa thể tiến hành ngoại giao tích cực như cựu Thủ tướng S. Abe, theo đó ông sẵn sàng tham vấn với ông S. Abe trong những vấn đề cần thiết và các công việc cụ thể sẽ giao phó cho Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu tiến hành.
Về chính sách quốc phòng - an ninh, tân Thủ tướng S. Yoshihide nhận định môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng khắc nghiệt, khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy những chính sách hiện hành. Dưới thời chính quyền của Thủ tướng S. Abe, Nhật Bản đã nỗ lực tái vũ trang để đối phó với các thách thức bên ngoài, tránh rủi ro khi “phó mặc” an ninh của Nhật Bản cho Mỹ.
Tiếp bước chính sách đối với khu vực của chính quyền tiền nhiệm
Thời gian qua, Nhật Bản đã điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng chủ động hơn trong việc phát huy vai trò dẫn dắt ở khu vực, nhất là thúc đẩy liên kết kinh tế, tự do thương mại và an ninh hàng hải thông qua việc vận động thành công đưa Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào hiệu lực, tiên phong trong đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thúc đẩy “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và đã thành công trong việc tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực và ngoại giao đa phương.
Trong tổng thể chính sách đối ngoại của Nhật Bản, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng luôn có vị trí quan trọng, cả về chiến lược địa - chính trị, giúp phục hồi, tăng trưởng kinh tế của nước này. Điều này được khẳng định qua việc Thủ tướng S. Yoshihide chọn Đông Nam Á là điểm đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức. Trong chuyến thăm, Thủ tướng S. Yoshihide nhấn mạnh, Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể hỗ trợ lẫn nhau và tăng cường quan hệ tương hỗ vì hai bên đều có chung mục tiêu đưa vào thực thi các nguyên tắc cơ bản, như thượng tôn pháp luật, mở cửa và minh bạch ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tại Đại học Việt Nam - Nhật Bản, Thủ tướng S. Yoshihide nhấn mạnh: “ASEAN và Nhật Bản đã cùng chia sẻ những nguyên tắc cơ bản, đó là sự thượng tôn pháp luật, rộng mở, tự do, minh bạch và bao trùm. Chính vì những điều này đã ăn sâu vào lòng xã hội của cả hai bên mà ASEAN và Nhật Bản đã có thể vượt qua mọi trở ngại và thúc đẩy hợp tác”. Thủ tướng S. Yoshihide cam kết, Nhật Bản sẽ giúp các nước Đông Nam Á tăng cường năng lực chấp pháp trên biển.
Bên cạnh đó, Thủ tướng S. Yoshihide khẳng định, Nhật Bản ủng hộ “Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, đồng thời cho biết tầm nhìn của ASEAN và sáng kiến của Nhật Bản về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở có nhiều điểm chung. Ông cũng nhấn mạnh, hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ chỉ đạt được trên các nguyên tắc tự do, rộng mở và thượng tôn pháp luật và khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực, luôn trân trọng tình bạn với ASEAN - người bạn thân thiết không gì có thể thay thế.
Nhấn mạnh Biển Đông là một trong những tuyến giao thông vận tải biển chính nối Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á, Thủ tướng S. Yoshihide cho biết Nhật Bản phản đối bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Các bên liên quan cần hợp tác hướng tới giải quyết hòa bình tranh chấp dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Kết thúc chuyến thăm Việt Nam và Indonesia, Thủ tướng S. Yoshihide cho biết, các bên đã nhất trí hợp tác để xây dựng một tương lai hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Có thể nói, những nội dung trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế và thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm cho thấy, chính sách ngoại giao khu vực của Nhật Bản là mở rộng hợp tác với ASEAN, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh và cân bằng trong quan hệ với các nước lớn.
Dấu ấn Việt Nam trong chính sách ngoại giao khu vực của Thủ tướng S. Yoshihide
Trong chuyến công du tới hai quốc gia Đông Nam Á, tân Thủ tướng S. Yoshihide đã chọn Việt Nam là điểm thăm đầu tiên và thời gian dừng chân lâu hơn so với chuyến thăm Indonesia. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang tiếp tục phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực; sự tin cậy chính trị ngày càng được củng cố; các chuyến thăm, tiếp xúc ở các cấp được duy trì thường xuyên trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội. Chuyến thăm đã để lại dấu ấn sâu sắc đối với quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nói chung và tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước nói riêng, góp phần củng cố sự tin cậy lẫn nhau và niềm tin vào tương lai của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
Trong thời gian ở Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản đã có nhiều hoạt động quan trọng, như chào xã giao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; tiếp xã giao Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản Phạm Minh Chính; gặp gỡ, giao lưu với sinh viên trường Đại học Việt Nam - Nhật Bản; viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; thăm nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại các cuộc hội đàm và tiếp xúc, hai bên đã đạt được kết quả thực chất và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao đến kinh tế, văn hóa, an ninh - quốc phòng, hợp tác trên diễn đàn quốc tế, phòng, chống dịch bệnh COVID-19…
Về hợp tác chính trị - ngoại giao, hai bên bày tỏ hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản với sự tin cậy chính trị cao trong thời gian qua, cũng như việc hai nước tích cực chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Hai bên nhất trí tăng cường sự tin cậy chính trị thông qua thúc đẩy hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, giữa Chính phủ và Quốc hội hai nước; mở rộng giao lưu nghị sĩ Quốc hội thông qua tổ chức nghị sĩ hữu nghị hai nước, giao lưu nghị sĩ trẻ, nghị sĩ nữ.
Hai bên cũng nhất trí tiến hành các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản vào năm 2023; ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và cùng hợp tác chặt chẽ xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, như ASEAN, Mekong, Liên hợp quốc…
Đối với hợp tác kinh tế, hai bên nhất trí thúc đẩy các biện pháp tăng cường kết nối hai nền kinh tế trong tình hình mới, cụ thể là thúc đẩy thực hiện đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chuyển đổi số trong bối cảnh chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu bị đứt gãy bởi dịch bệnh COVID-19 và quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung Quốc; phối hợp chặt chẽ thúc đẩy các cơ chế liên kết kinh tế, như CPTPP, RCEP…
Hợp tác kinh tế trên các lĩnh vực giữa hai nước cũng có bước phát triển. Hai bên đã trao đổi 12 văn kiện hợp tác với tổng trị giá lên đến gần 4 tỷ USD trên nhiều lĩnh vực, từ kỹ thuật số, môi trường, năng lượng cho đến kết cấu hạ tầng... Các văn kiện hợp tác là minh chứng rõ nét sâu sắc về quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước, khôi phục và đẩy mạnh hợp tác trong điều kiện bình thường mới trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế.
Về nối lại đường bay, hai bên thống nhất áp dụng quy chế đi lại ưu tiên giữa hai nước và sẽ sớm nối lại đường bay thương mại. Việc khơi thông các đường bay quốc tế có tác động lớn tới phát triển kinh tế đất nước vì sẽ đưa các chuyên gia, các nhà đầu tư tới Việt Nam. Việc kết nối lại nhanh chóng các vấn đề về giao thương, du lịch, giáo dục - đào tạo, kinh tế giữa Việt Nam - Nhật Bản cũng sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và góp phần ổn định, phục hồi nền kinh tế của cả hai đất nước do những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng S. Yoshihide cho biết sẽ sớm thúc đẩy ký kết Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn tiếp theo; cam kết sớm mở cửa thị trường cho mặt hàng nhãn tươi của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản và quýt “unshu” của Nhật Bản xuất khẩu sang Việt Nam.
Về đào tạo nguồn nhân lực, ông S. Yoshihide khẳng định sẽ tăng số lượng và lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản. Đây là cơ hội để tiếp tục chiến lược thúc đẩy việc làm bền vững, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh thời gian vừa qua, xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.
Đối với vấn đề Biển Đông, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật tại Biển Đông, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trong các hoạt động trên biển.
Có thể thấy, kết quả chuyến thăm thể hiện mối quan hệ hết sức tốt đẹp giữa hai nước. Nhìn rộng ra, những kết quả quan trọng của chuyến thăm không chỉ bó hẹp ở những thỏa thuận, cam kết song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hơn thế, hiệu ứng của chuyến thăm sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ quan hệ song phương, lan tỏa ra tầm khu vực và quốc tế. Đồng thời, từ những nội dung trao đổi của Thủ tướng S. Yoshihide cho thấy Nhật Bản hết sức coi trọng Việt Nam với tư cách là cầu nối với các nước trong khối ASEAN, cũng như các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương./.
--------------------------------
(1) Chánh Văn phòng Nội các là chức vụ quan trọng trong Nội các Nhật Bản, chỉ sau Thủ tướng; có chức năng, nhiệm vụ tổng hợp toàn bộ chính sách trên các lĩnh vực, điều phối các bộ, ngành và là phát ngôn viên của Thủ tướng
Ngày làm việc thứ hai Hội nghị Cấp cao ASEAN 37: Đẩy mạnh kết nối, hợp tác Mekong với Hàn Quốc, Nhật Bản  (14/11/2020)
Chính trường Nhật Bản và người kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe  (31/10/2020)
- Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Đoàn công tác của Tập đoàn Đèo Cả dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm