Tỉnh Điện Biên phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh
TCCS - Với dân số có trên 82% là người dân tộc thiểu số, tỉnh Điện Biên luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Với tinh thần “Điện Biên Phủ anh hùng” phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, tỉnh đã vượt khó, tự lực tự cường, quyết tâm cao, tập trung bố trí nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ vậy, công tác dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Chú trọng, quan tâm chăm lo công tác dân tộc
Nhằm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác dân tộc; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỉnh Điện Biên tích cực tập trung triển khai quyết liệt, sâu rộng các chính sách dân tộc trên địa bàn; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc, chính sách dân tộc gắn với mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn, bảo tồn, phát huy văn hóa vùng đồng bào DTTS được xác định là một trong những nội dung trọng điểm. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 10-12-2021, về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 29-7-2021, của Tỉnh ủy Điện Biên về “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc, gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019, của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 22-11-2023, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 968/KH-UBND, ngày 8-3-2024, về triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 22-11-2023, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới.
Theo đó, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời ban hành các nghị quyết, quyết định, đề án về cơ chế, chính sách tổ chức thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc theo thẩm quyền, trong đó có một số chính sách của địa phương đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Tổ chức bộ máy cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện được chú trọng kiện toàn theo quy định, phối hợp thực hiện công tác dân tộc trong hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS được tăng cường.
Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các ban, ngành chức năng các cấp, nhất là các địa phương vùng đồng bào DTTS, thường xuyên chú trọng công tác phổ biến, tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nội dung tuyên truyền bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương với các hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng địa bàn cơ sở, qua đó tiếp tục củng cố vững chắc lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước, tăng cường đồng thuận trong xã hội và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên, nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua được phát động để tăng cường nguồn lực xã hội hóa góp phần giúp đồng bào DTTS thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế, xóa nhà tạm. Cấp ủy, chính quyền quan tâm và ban hành các nghị quyết, đề án lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục đối với đồng bào DTTS.
Công tác kiểm tra, giám sát về công tác dân tộc, chính sách dân tộc được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp chú trọng thực hiện, Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên, sâu sát lãnh đạo, chỉ đạo Ban Dân tộc, các sở, ngành và các huyện trong tham mưu, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức nhiều cuộc họp, các đợt công tác, kiểm tra để trực tiếp nắm tình hình ở cơ sở, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đồng thời chỉ đạo lồng ghép nguồn lực bảo đảm hiệu quả, tối ưu nhất trong thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn vùng đồng bào DTTS.
Những kết quả đạt được
Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng sự quyết tâm cao, nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, của bà con DTTS nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2019 - 2024 đạt khoảng 9,3%/năm; GRDP 9 tháng năm 2024 ước đạt 11.423,4 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2023 (xếp thứ 3/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố). Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 46,51 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2023 đạt 4.875 tỷ đồng; năm 2023 đạt 1.640 tỷ đồng, tăng 12,44% so với năm 2020.
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tỉnh triển khai thực hiện toàn diện, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân nông thôn, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Toàn tỉnh Điện Biên hiện có 54 xã đạt chuẩn và cơ bản chuẩn nông thôn mới, trong đó có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, số tiêu chí bình quân đạt 14,12 tiêu chí/xã, có 200 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.
Tỉnh Điện Biên chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển du lịch, dịch vụ gắn với phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Tỉnh chú trọng công tác vận động, hướng dẫn, hỗ trợ đồng bào các DTTS thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tận dụng lợi thế của từng địa phương phát triển sản xuất theo hướng nâng cao giá trị. Từ đó hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, giá trị kinh tế cao, tạo bước đột phá cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn.
Từ năm 2019 đến năm 2024, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa, cơ cấu kinh tế của 3 khu vực (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ) cơ bản chuyển dịch theo định hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Tỷ lệ lao động chuyển dịch từ giảm tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ lệ lao động trong khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ - thương mại. Ước thực hiện năm 2024: tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 69,5% (giảm 3,08% so với năm 2019); khu vực công nghiệp - xây dựng 10,3% (tăng 0,57% so với năm 2019); khu vực dịch vụ - thương mại 20,2% (tăng 2,54% so với năm 2019).
Trên cơ sở các định hướng về cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp đã thúc đẩy phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ sản phẩm theo hướng đa dạng, quy mô lớn hơn, góp phần ổn định đầu ra trong sản xuất nông nghiệp và hình thành các vùng sản xuất tập trung với quy mô, diện tích lớn. Thông qua hoạt động liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò cầu nối, tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động, tạo được niềm tin cho thành viên.
Về phát triển du lịch, dịch vụ gắn với phát huy giá trị văn hoá dân tộc, tỉnh đã phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2025, định hướng phát triển 2030; công nhận và cấp bằng công nhận cho 8 nghề truyền thống, 1 làng nghề và 1 làng nghề truyền thống; trong đó, nghề làm giày thêu của người Hoa (Xạ Phang); nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông; nghề làm bánh khẩu xén, bánh chí chọp; nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc duy trì chợ phiên tại một số huyện, tạo điều kiện, cơ hội cho cộng đồng phát triển giao thương, buôn bán, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định cuộc sống.
Tỉnh luôn quan tâm phát triển kinh tế gắn với giữ gìn, bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các DTTS. Đặc biệt chú trọng khơi dậy, phát huy những giá trị văn hóa cộng đồng các DTTS, tạo thành những sản phẩm văn hóa - du lịch đậm đà bản sắc dân tộc như: Lễ hội té nước (Bun Huột Nặm) của dân tộc Lào, Lễ cầu mưa, Lễ tra hạt của dân tộc Khơ mú, Tết hoa mào gà của dân tộc Cống,… thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Những năm qua, tỉnh Điện Biên tập trung ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thông qua các nguồn lực được tập trung đầu tư, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu dần được hoàn thiện, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 96,52%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 78,7%; các công trình thủy lợi cơ bản cung cấp đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt; tỷ lệ xã có trạm y tế đạt 100%; tỷ lệ xã có chợ xã, liên xã đạt 18,26%; tỷ lệ nhà văn hóa, thể thao cấp huyện đạt 100%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa đạt 79,07%; tỷ lệ thôn, khu dân cư có nhà văn hóa đạt 55,5%; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện sinh hoạt an toàn đạt 93,75%; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 99,8%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90,5%; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được xử lý đạt 94%; tổng số thuê bao di động ước đạt 86,8 thuê bao/100 người dân; tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 72%.
Thực hiện Dự án “Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang triển khai thực hiện 7 dự án với quy mô bố trí, sắp xếp ổn định cho khoảng 466 hộ gia đình, kinh phí đã thực hiện 46,882 tỷ đồng.
Tiếp tục thực hiện đầy đủ chủ trương, chính sách xóa mù chữ đối với đồng bào dân tộc; duy trì và nâng cao chất lượng 129/129 đơn vị cấp xã, 10/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và xóa mù chữ mức độ 2. Đến nay, có 128/129 đơn vị cấp xã, 9/10 đơn vị cấp huyện của tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 111/129 đơn vị cấp xã, 4/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.
Mạng lưới khám, chữa bệnh từ tỉnh đến xã tiếp tục được quan tâm đầu tư và từng bước nâng cấp về cơ sở vật chất và trang thiết bị, số giường bệnh cấp huyện hiện có 2.120; tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 36,43%; đội ngũ y, bác sĩ được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạt tỷ lệ 12,79 bác sĩ/vạn dân, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh từng bước được cải thiện. Hằng năm, khám bệnh cho trên 780.000 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú trên 100.000 lượt; kê đơn cấp thuốc tuyến xã trên 200.000 lượt, trung bình 1 người dân được khám bệnh 1,3 lần/năm. 100% số cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh và thực hiện chuyển đầu ra dữ liệu khám, chữa bệnh lên cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế theo quy định. Bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,2%.
Tỉnh đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ việc làm, bảo hiểm y tế đối với người nghèo, cận nghèo, người DTTS, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi và đối tượng hưởng trợ giúp xã hội; giải quyết kịp thời, đầy đủ chế độ cho các đối tượng chính sách, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, cứu trợ, trợ cấp cho các đối tượng yếu thế góp phần ổn định cuộc sống. Triển khai hiệu quả việc hỗ trợ xây dựng nhà ở, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ nguồn xã hội hóa và thông qua Chương trình “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội”; năm 2024, thực hiện hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo bằng nguồn vốn do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Giai đoạn 2019 - 2024, ước tính toàn tỉnh huy động được trên 2.500 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo. Dự ước đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh theo chuẩn nghèo mới giảm xuống còn 31,97% (giảm 5% so với năm 2023). Tổng số lao động tham gia học nghề đạt trên 52.000 người (bình quân trên 8.600 người/năm); số lao động là người DTTS được học nghề chiếm tỷ lệ 82,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực từ 52,16% năm 2018 lên 62,15% vào năm 2023 (tăng 9,99% so với năm 2018), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 35,25%. Giải quyết việc làm mới cho trên 59.000 lao động; trong đó, lao động vùng đồng bào DTTS chiếm từ 75 - 78% so với số lao động được giải quyết việc làm mới. Năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi là 0,31%; tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi là 3,36%.
Phương pháp canh tác được thay đổi, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn; tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, nhiều xã khó khăn trở thành xã nông thôn mới; các mô hình sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số xuất hiện ngày càng nhiều; nhiều tấm gương hiến đất, ủng hộ, vận động làm đường, xây dựng nông thôn mới,… thực sự lan tỏa, khơi dậy tinh thần, khát vọng vươn lên, tạo bước đổi thay lớn trong tư tưởng và hành động của đồng bào các DTTS tỉnh Điện Biên.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là công tác cán bộ được quan tâm. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 12.126 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS (có 18 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc rất ít người gồm dân tộc Cống, Si La), chiếm tỷ lệ 49,61%, tăng 7,62% so với năm 2018. Đây là những hạt nhân vô cùng quan trọng, mỗi người ở bất kỳ cương vị công tác nào đều phát huy cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương, ý thức cộng đồng, lãnh đạo, chỉ đạo, tập hợp, đoàn kết, vận động đồng bào tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Giải pháp cho công tác dân tộc tỉnh Điện Biên thời gian tới
Mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng vùng đồng bào DTTS tỉnh Điện Biên hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Điện Biên lần thứ IV, năm 2024 đề ra những mục tiêu như: thu nhập bình quân của người DTTS bằng ½ bình quân chung của cả nước, đạt 113 triệu đồng/người/năm. Có 35% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỉnh có ít nhất 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hỗ trợ giải quyết từ 80% đến 100% số hộ khó khăn đang thiếu đất ở, đất sản xuất. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% và đào tạo có văn bằng chứng chỉ đạt 40%; giải quyết được việc làm từ 75% đến 80% trong số lao động qua đào tạo. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10%, cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn, thôn bản đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 98% dân số. 80% số hộ nông dân người DTTS chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh của địa phương, phù hợp với văn hóa, tập quán từng dân tộc. 100% số xã có kết cấu hạ tầng đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Phấn đấu 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn. Tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 48%. 100% các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể được khôi phục và bảo tồn; điểm du lịch được hỗ trợ đầu tư, khai thác hiệu quả. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững và tăng cường quốc phòng, an ninh, ổn định trật tự an toàn xã hội. Bảo đảm tỷ lệ, cơ cấu hợp lý cán bộ người DTTS các cấp theo quy định… Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh Điện Biên cần tập trung thực một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tuyên truyền, phổ biến quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân tộc, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-11-2023, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII) về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10-2-2022, của Bộ Chính trị, về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn thể xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong tình hình mới. Xem việc thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, nhân dân.
Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng, ban chuyên môn; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng gắn với bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, trên cơ sở phát huy năng lực sở trường của cán bộ, công chức, viên chức.
Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị; gắn công tác quy hoạch đô thị với bố trí nguồn lực đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị và chỉnh trang đô thị.
Bốn là, nâng cao chất lượng giáo dục, xóa mù chữ; duy trì tỷ lệ huy động trẻ, học sinh đến trường theo kế hoạch. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Tiếp tục quan tâm và đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học, trang thiết bị theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, hiện đại hóa, bảo đảm công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh một cách hợp lý, phù hợp với địa bàn dân cư.
Năm là, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện tốt công tác y tế dự phòng; chú trọng đầu tư cho y tế cơ sở; củng cố và tăng cường hoạt động của y tế thôn, bản nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Thực hiện tốt chính sách dân số và phát triển; nâng cao chất lượng dân số. Tiếp tục thực hiện tốt mô hình cụm dân cư không có người sinh con thứ ba. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng, khống chế tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tăng cường xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; thực hiện tốt bảo hiểm y tế toàn dân.
Sáu là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về tầm quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Xây dựng và phát huy tốt các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện tốt các đề án đã được duyệt về lĩnh vực du lịch, bảo tồn và thể dục - thể thao quần chúng. Phục dựng, tôn tạo các điểm di tích lịch sử. Tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống mang tính bản sắc, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng. Phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục, thể thao quần chúng, đặc biệt là các môn thể thao truyền thống của các DTTS. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu sưu tầm, biên soạn thành sách và mở các lớp truyền dạy để bảo tồn văn hóa cho thế hệ sau. Vận động, tuyên truyền bà con giảm dần tục thách cưới và các phong tục lạc hậu khác. Tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước gắn với xây dựng chính quyền số; tuyên truyền, vận động thực hiện xã hội số, kinh tế số.
Bảy là, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tích cực tham gia xây dựng, thực hiện giám sát việc thi hành chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế xã - hội ở địa phương.
Tám là, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín, có sức thuyết phục cao nhằm tập hợp các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động, nhất là phong trào “Dòng họ, thôn bản không có hộ nghèo”.
Chín là, tăng cường công tác quốc phòng, an ninh. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống. Gắn công tác an ninh biên giới với an ninh nội địa, an ninh cửa khẩu; xây dựng vùng biên giới hòa bình, đoàn kết, hữu nghị. Ngăn chặn có hiệu quả việc lợi dụng vấn đề dân tộc, lợi dụng vấn đề tôn giáo, truyền đạo trái phép, các hoạt động chống phá cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.
Phát triển du lịch xanh gắn với xây dựng nông thôn mới  (19/11/2024)
Tỉnh Bình Phước đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế  (02/11/2024)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Quản lý văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí tại khu vực miền Trung hiện nay
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay