Chính sách nào cho các dự án dầu khí trước ngày Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực?
TCCS - Để rõ ràng, đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt và các chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt đối với các dự án dầu khí đã và đang triển khai trước ngày Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực, vẫn còn một số vấn đề, nội dung cần phải được tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ ràng hơn trong Dự thảo Luật.
Thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động dầu khí đã và đang triển khai
Với nguyên tắc xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật Dầu khí trên cơ sở 6 nhóm chính sách lớn mà Bộ Công Thương trình Chính phủ và đã được Chính phủ trình Quốc hội, về cơ bản, các nội dung sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi (Dự thảo Luật) đã khắc phục được khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các hoạt động dầu khí.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để thiết lập khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện Luật Dầu khí (sửa đổi), đặc biệt khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, như rõ ràng và đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt và các chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, vẫn còn một số vấn đề, nội dung cần phải được tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ ràng hơn trong Dự thảo Luật.
Cụ thể, một trong những vấn đề mà các nhà đầu tư còn nhiều băn khoăn là các dự án dầu khí đã và đang triển khai trước ngày Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực có được hưởng các ưu đãi theo quy định của Luật Dầu khí (sửa đổi) mới này hay không? Thực tiễn triển khai các hoạt động dầu khí cho thấy có rất nhiều hợp đồng dầu khí đã được ký kết từ hơn 20 năm trước, cá biệt có những hợp đồng dầu khí được ký kết trước khi Luật Dầu khí hiện hành có hiệu lực, trong khi hoạt động dầu khí những năm gần đây đang có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, đến nay Dự thảo Luật vẫn chưa có quy định cho phép các dự án dầu khí đã và đang triển khai trước ngày Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực được hưởng các ưu đãi theo quy định Luật Dầu khí (sửa đổi).
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Việc xây dựng và ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) là vô cùng cần thiết. Một trong những mục tiêu của sửa đổi Luật Dầu khí lần này là nhằm tăng cường thu hút đầu tư, để có những dự án đầu tư mới trong lĩnh vực dầu khí cũng như nâng cao hiệu quả của các hoạt động dầu khí đã và đang triển khai”.
Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các nhà thầu, nhà đầu tư tại các dự án dầu khí đã và đang triển khai, nhiều chuyên gia cho rằng cần bổ sung thêm vào quy định chuyển tiếp (Điều 69 Dự thảo Luật) trường hợp Luật Dầu khí quy định ưu đãi đầu tư mới, ưu đãi đầu tư cao hơn thì nhà đầu tư dầu khí, nhà thầu dầu khí được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Dầu khí kể từ thời điểm Luật Dầu khí có hiệu lực đến thời điểm kết thúc hợp đồng; trường hợp Luật Dầu khí quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi mà nhà thầu dầu khí được hưởng trước đó, thì nhà thầu dầu khí tiếp tục được áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định của hợp đồng dầu khí. Cũng có ý kiến cho rằng nhiều hợp đồng có điều khoản quy định trong trường hợp chính sách thay đổi thì nhà đầu tư có quyền lựa chọn, áp dụng những chính sách mới, ưu đãi hơn; cần thiết rà soát để có phương án xử lý, tránh xung đột pháp luật.
Ngoài ra, tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 13 Luật Đầu tư năm 2020 về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật cũng có quy định: Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư mới, ưu đãi đầu tư cao hơn thì nhà đầu tư hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư, trừ ưu đãi đặc biệt đối với dự án đầu tư thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 20 của Luật này. Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư.
Như vậy, để tiếp tục “giữ chân” nhà thầu dầu khí hiện tại, đặc biệt là để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao tính thực thi và hiệu lực của các chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, việc bổ sung nội dung về đảm bảo đầu tư tại điều khoản chuyển tiếp là cần thiết. Điều này giúp tiết kiệm được thời gian và tối ưu hóa việc đưa các phát hiện dầu khí được đánh giá có quy mô nhỏ, hiệu quả cận biên vào khai thác trên cơ sở điều chỉnh các điều khoản, điều kiện của hợp đồng dầu khí đã ký. Mặt khác, việc bổ sung quy định chuyển tiếp về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí cũng phù hợp với chính sách đảm bảo đầu tư cho các nhà đầu tư theo quy định Luật Đầu tư, cũng như phù hợp với bất kỳ hệ thống pháp luật nào trên thế giới về bảo đảm đầu tư.
Cần quy định việc xử lý chi phí của Petrovietnam
Tương tự, việc cho phép chuyển tiếp để áp dụng Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn đang diễn ra trong hoạt động dầu khí cũng đang được nhà đầu tư trông chờ. Cụ thể như, Dự thảo Luật hiện đã quy định tại khoản 4 Điều 64 về việc xử lý các chi phí mà Petrovietnam thực hiện thay các nghĩa vụ của nước chủ nhà trong các hợp đồng dầu khí hoặc xử lý các chi phí liên quan đến việc tiêu thụ phần sản phẩm của nước chủ nhà hoặc các chi phí quản lý của Petrovietnam khi thực hiện một phần công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dầu khí. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa có quy định chuyển tiếp để bảo đảm xử lý được các loại chi phí này mà Petrovietnam đã thực hiện trước khi Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực.
Các chuyên gia cho rằng, việc bổ sung quy định này là cơ sở để giải quyết các vướng mắc về chi phí khi Petrovietnam thực hiện các công việc quản lý nhà nước về dầu khí đã được phân công. Về bản chất trong trường hợp bổ sung quy định về vấn đề này sẽ không liên quan đến vai trò của Petrovietnam với tư cách là doanh nghiệp và không ảnh hưởng đến quyền lợi của nước chủ nhà trong các hợp đồng dầu khí đã ký. Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất và tính khả thi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền, và tháo gỡ các vướng mắc hiện hữu thì cần quy định việc xử lý chi phí của Petrovietnam (theo quy định tại Khoản 4 Điều 64) cũng được áp dụng đối với các hợp đồng dầu khí đã được ký kết trước ngày Luật Dầu khí mới có hiệu lực.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định, Luật Dầu khí (sửa đổi) có đặc thù là phân cấp, phân quyền trong trường hợp đặc biệt là với công ty dầu khí quốc gia - Petrovietnam. Việc giao quyền cho Petrovietnam bản chất là giao trách nhiệm, giao quyền đến đâu thì trách nhiệm đến đó, kèm theo là công tác kiểm tra, giám sát.
Về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, Petrovietnam là doanh nghiệp nhà nước, được Nhà nước giao, ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước là theo đúng tinh thần của Dự thảo Luật về phân cấp, phân quyền và cũng phù hợp với hệ thống pháp luật dầu khí ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tất nhiên, trong Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng đã có kèm theo các cơ chế giám sát, như giám sát của Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Trước những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, đặc biệt là đối với các hoạt động đầu tư mở rộng gia tăng thu hồi/tận thu các mỏ hiện có, thăm dò mở rộng các đối tượng tiềm năng, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư đang kỳ vọng Luật Dầu khí (sửa đổi) sau khi hoàn thiện sẽ góp phần tạo bước đột phá về mặt cơ chế, phát huy được nguồn lực nội tại sẵn có, cũng như đẩy mạnh thu hút đầu tư từ bên ngoài vào ngành dầu khí nói chung, đặc biệt ở khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí nói riêng, để có thể tiếp tục khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước./.
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) ủng hộ 1 tỷ đồng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh Quảng Ngãi  (22/07/2022)
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tổ chức “Hành trình Biển Đông tung bay quốc kỳ”  (20/07/2022)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển