Thành phố Hà Nội xây dựng và phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở toàn diện, bền vững
TCCS - Trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội được phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững. Theo đó, phương thức tổ chức và hoạt động dần được đổi mới, cơ sở vật chất được tăng cường, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí của nhân dân giữa khu vực nội thành và ngoại thành.
Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
Từ nhiều năm nay, công tác quản lý hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Thành phố đã xây dựng, triển khai và ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn, định hướng tổ chức hoạt động cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Cùng với đó, các đơn vị chức năng tích cực tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách trong việc đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, thể thao; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thể thao. Từ nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở ngày càng được hoàn thiện, dần đi vào hoạt động hiệu quả.
Tính đến nay, Hà Nội có 2.155/2.394 số thôn (đạt 90%) đã có nhà văn hóa, có 1.689/5.452 số tổ dân phố (đạt 31%) có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Nhà văn hóa đạt các tiêu chí do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra đạt tỷ lệ cao, cụ thể, hội trường các nhà văn hóa có sức chứa trên 100 người và đầy đủ các công trình phụ trợ, như nhà vệ sinh, nhà xe, sân thể thao đơn giản, các phòng chức năng, các trang thiết bị cơ bản phục vụ các hoạt động của thôn. Phần lớn các nhà văn hóa đều được trang bị các thiết bị thiết yếu, như bộ thiết bị âm thanh, khánh tiết, bàn ghế, tủ sách, tranh, ảnh,… Một số nhà văn hóa có khuôn viên rộng, đã chủ động huy động xã hội hóa đầu tư một số thiết bị, dụng cụ tập luyện thể dục, thể thao, như xà đơn, xà kép, sân cầu lông, sân bóng đá,… phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục, thể thao của nhân dân. Trong những năm qua, hầu hết các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đều do trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố kiêm nhiệm quản lý; nhiệm vụ của họ là quản lý về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tiếp nhận lịch đăng ký sinh hoạt của các đoàn thể, câu lạc bộ, chịu trách nhiệm triển khai các chương trình, công việc được giao và hoạt động cũng rất đa dạng. Bên cạnh những hoạt động mang tính hội họp, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố còn là nơi tổ chức sinh hoạt của các ban, ngành, đoàn thể trong thôn, như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và là nơi tập luyện một số môn thể thao của nhân dân, như bóng đá, bóng bàn, cầu lông, tập dưỡng sinh,… Có thể nói, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đã phát huy được phần nào tính cộng đồng, là thiết chế văn hóa, thể thao thuộc về cộng đồng dân cư, do người dân của chính cộng đồng đó chịu trách nhiệm và duy trì.
Cấp ủy và chính quyền các cấp từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã trên địa bàn chủ động, tích cực trong công tác hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở cho người dân. Quận Cầu Giấy đã quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa từ quận đến phường, đặc biệt là thiết chế văn hóa ở tổ dân phố. Trong 5 năm qua, quận Cầu Giấy xây dựng, cải tạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận và 14 nhà họp tổ dân phố, nhà sinh hoạt cộng đồng; lắp đặt trên 800 thiết bị luyện tập thể thao ngoài trời tại 78 điểm công cộng ở 8/8 phường và 6 trường học với tổng kinh phí từ nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa là 13,5 tỷ đồng; hoàn thành và đưa vào sử dụng mới 2 nhà văn hóa tổ dân phố tại phường Dịch Vọng và Dịch Vọng Hậu. Đến nay, trên địa bàn quận có 276 thiết chế văn hóa, thể thao (195 nhà họp tổ dân phố và nhà sinh hoạt cộng đồng, 81 sân chơi) được duy trì hoạt động, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân. Quận Hai Bà Trưng cũng đang quản lý, sử dụng 113 nhà sinh hoạt cộng đồng và 47 địa điểm sinh hoạt hội họp; 15 điểm sinh hoạt nằm trong các khu chung cư. Thời gian qua, quận đã đầu tư cải tạo và xây dựng mới 122 dự án nhà sinh hoạt cộng đồng, với tổng mức đầu tư là 199 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng mới 66 nhà sinh hoạt cộng đồng. Thị xã Sơn Tây tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động của các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn thị xã giai đoạn 2017 - 2021”; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 36 nhà văn hóa, công trình văn hóa.
Trong thời gian qua, hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ công nhân, viên chức, người lao động được cấp ủy và chính quyền thành phố quan tâm, chú trọng đầu tư xây dựng, sửa chữa. Tính đến thời điểm hiện tại, Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô là địa điểm thường xuyên tổ chức các hoạt động chính trị - xã hội; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao thu hút đông đảo công nhân, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn thành phố đến vui chơi, giải trí, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, thể thao lành mạnh. Cung Văn hóa là một trong số ít đơn vị sự nghiệp văn hóa thực hiện tự chủ về chi thường xuyên. Hằng năm, Cung Văn hóa dành một phần kinh phí không nhỏ để hỗ trợ cho các hoạt động, như duy trì hoạt động của 24 câu lạc bộ sở thích, 25 lớp văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; tổ chức nhiều chương trình biểu diễn văn nghệ phục vụ các hội nghị, sự kiện trong hệ thống công đoàn các cấp thành phố, phục vụ công nhân, viên chức, người lao động tại các khu công nghiệp và khu chế xuất, các quận, huyện trên địa bàn thành phố; tổ chức các lớp đào tạo cán bộ là những hạt nhân văn hóa, văn nghệ cơ sở;…
Hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trên địa bàn thành phố cơ bản được đầu tư xây dựng. Hiện nay, các đơn vị cơ sở phục vụ thanh, thiếu niên và nhi đồng trên địa bàn nội thành Hà Nội chủ yếu là Cung Thể thao Thiếu nhi Hà Nội, Cung Văn hóa Thể thao Thanh niên Hà Nội, Nhà Văn hóa Học sinh, Sinh viên Hà Nội. Các đơn vị này đều có bề dày truyền thống trong việc tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí cho thanh thiếu nhi, hằng năm đều thu hút được rất đông đoàn viên, thanh, thiếu niên và nhi đồng đến tham gia.
Bên cạnh đó, công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa các hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại các huyện, thị xã thuộc khu vực ngoại thành Hà Nội cũng đạt được nhiều kết quả tốt. Những năm qua, triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, kết hợp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hệ thống nhà văn hóa ở các thôn, làng thuộc khu vực ngoại thành Hà Nội đã được cải thiện đáng kể. Tại các huyện Ðan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì…, mỗi thôn có một nhà văn hóa; một số địa bàn còn kết hợp xây dựng nhà văn hóa thôn thành thư viện, hoặc tổ chức các câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ thể thao. Hiện tại, vẫn còn một số huyện, thị xã chưa bao phủ hết số thôn, làng có nhà văn hóa, như huyện Ba Vì còn 35/206 thôn, làng chưa có nhà văn hóa; huyện Ứng Hòa còn 38/140 thôn, làng chưa có nhà văn hóa,… Tuy nhiên, vừa qua Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, bố trí xây dựng các nhà văn hóa cho các thôn, làng trên địa bàn thành phố chưa có nhà văn hóa (hiện còn huyện Phúc Thọ đang hoàn thiện hồ sơ phê duyệt chủ trương).
Tiếp tục đầu tư và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
Nhìn chung, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở bước đầu đạt được nhiều kết quả tốt. Để phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các ngành, đơn vị chức năng của thành phố cần đẩy mạnh thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, tạo quỹ đất, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách và huy động xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở. Đối với các thiết chế văn hóa, thể thao có diện tích, quy mô nhỏ, cần có phương án thỏa thuận, bồi thường thu hồi đất trong dân để mở rộng diện tích sử dụng. Đối với các thiết chế văn hóa, thể thao sử dụng quá lâu, đã xuống cấp, cần đánh giá hiện trạng và lập kế hoạch bố trí vốn để đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng các thiết chế văn hóa cho đúng chức năng, nhiệm vụ, kịp thời phát hiện, khắc phục, có biện pháp giải quyết phù hợp đối với những sai sót, tiêu cực; đồng thời, biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong xây dựng, quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao.
Hai là, các đơn vị chức năng tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các hoạt động văn hóa, thể thao từ cấp thành phố đến cấp cơ sở. Một trong những yếu tố mang tính quyết định, ảnh hưởng đến hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao chính là vấn đề năng lực cán bộ. Trong giai đoạn hiện nay, để hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao có thể vận hành đúng với ý nghĩa và chức năng của nó thì cần phải có một đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp được đào tạo chính quy, bài bản. Vì vậy, việc xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các hoạt động văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở là một việc làm cấp thiết nhất hiện nay.
Ba là, đa dạng hóa các hình thức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Các thiết chế văn hóa, thể thao phải thực sự trở thành nơi giao lưu, sáng tạo, rèn luyện cả về thể chế lẫn tinh thần cho người dân. Các trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao, nhà văn hóa không nên quá chú trọng đến việc tuyên truyền, tổ chức các hoạt động mang tính chất bề nổi, như các phong trào thi đấu thể dục, thể thao, văn nghệ, mà cần chú trọng đến chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao theo bề sâu, nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao của người dân. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các hình thức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, xã hội; khuyến khích sự sáng tạo trong tổ chức các chương trình; gắn việc khai thác, sử dụng nhà văn hóa với việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương.
Bốn là, đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ cấp thành phố đến cấp cơ sở. Thành ủy, ủy ban nhân dân thành phố cần xây dựng chính sách khuyến khích các tổ chức quốc tế, các quỹ hoạt động văn hóa của các tổ chức quốc tế, các tình nguyện viên quốc tế tham gia vào việc hỗ trợ phát triển hoạt động ở các trung tâm văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố. Từng bước đưa việc tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa theo cơ chế tự chủ, từ đó, các trung tâm văn hóa, trung tâm thể dục, thể thao sẽ chủ động hơn trong công tác tuyên truyền, cổ động, khai thác và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao cho người dân trên địa bàn thành phố./.
Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Hà Nội  (29/09/2020)
Một số giải pháp về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân ở thành phố Hà Nội  (29/09/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam