Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gỡ khó cho hai dự án nhiệt điện miền Nam
Sau khi đưa dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cơ bản thoát ra khỏi những khó khăn, vướng mắc và trên đà tăng tốc về đích thì mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục chương trình làm việc, quyết tâm gỡ khó cho hai dự án nhiệt điện ở miền Nam là Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 và Long Phú 1.
Ngày 24-9-2018, đoàn công tác của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) do đồng chí Nguyễn Vũ Trường Sơn, Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn dẫn đầu đã đến làm việc tại Ban Quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Song Hậu 1, tỉnh Hậu Giang và Ban Quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Long Phú 1, tỉnh Sóc Trăng.
Báo cáo với đoàn công tác về tình hình thực tế triển khai dự án đến ngày 24-9-2018, ông Hồ Xuân Hiền - Trưởng Ban Quản lý Dự án cho biết, theo bảng tiến độ cấp 3 hiệu chỉnh mà Tổng thầu LILAMA đã trình thì dự kiến ngày phát điện tổ máy 1 vào tháng 12-2020, tổ máy 2 vào tháng 4-2021. Tính đến ngày 15-9-2018, tổng tiến độ lũy kế của dự án đạt 64,11%. Trong đó, công tác thiết kế đã hoàn thành 94,15%; công tác thi công, lắp đặt thiết bị khu vực nhà máy chính như Lò hơi số 1, 2; nhà Tuabin cơ bản hoàn thành và sắp hoàn thành 100%.
Tuy nhiên, hiện quá trình triển khai dự án cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến phương thức thanh toán, đơn giá và điều chỉnh giá hợp đồng EPC,… Ông Hồ Xuân Hiền đã có những kiến nghị với lãnh đạo Tập đoàn để giải quyết những khó khăn này.
Tổng thầu LILAMA và các nhà thầu phụ cũng đã kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án thời gian qua. Nhìn chung, khó khăn lớn nhất của các nhà thầu hiện nay là liên quan đến kinh phí, mà vấn đề này PVN và Ban Quản lý Dự án đang gặp vướng mắc do cơ chế.
Sau khi nghe báo cáo của các bên, lãnh đạo Tập đoàn cùng các đồng chí đại diện các ban chuyên môn đã lần lượt giải đáp đối với từng kiến nghị; đồng thời bàn luận, đưa ra phương hướng tháo gỡ những vướng mắc do cơ chế, giải quyết những tồn tại của dự án. Kết quả là sau buổi làm việc, nhiều vấn đề tồn tại thời gian qua được tháo gỡ, giải quyết được một loạt các khó khăn khác.
Tại buổi làm việc với Ban Quản lý Dự án Sông Hậu 1 vừa qua, PVN cũng công bố quyết định điều động, bổ nhiệm cán bộ đối với Ban Quản lý Dự án. Theo đó, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn đã ký quyết định điều động và bổ nhiệm chức danh Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án Sông Hậu 1 đối với hai ông: Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bảo dưỡng - Sửa chữa Công trình Dầu khí (PVMR) và Trần Quốc Hoàn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC).
Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn mong muốn rằng, các đồng chí mới được bổ nhiệm sẽ đoàn kết nhất trí cùng lãnh đạo cũ, cán bộ, công nhân viên trong Ban Quản lý Dự án và các nhà thầu với quyết tâm đưa dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 về đúng tiến độ, trở thành dự án kiểu mẫu, điển hình cho trong việc Tập đoàn tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhiệt điện, đưa dự án đến thắng lợi cuối cùng.
Trong ba dự án nhiệt điện của PVN đang triển khai hiện nay thì Dự án nhiệt điện Long Phú 1 được đánh giá là khó khăn nhất mà nguyên nhân chính là lệnh cấm vận của Mỹ đối với Nhà thầu Power Machines (PM - Thành viên đứng đầu Liên danh Tổng thầu EPC tại Long Phú 1) vào ngày 26-01-2018.
Điều này khiến cho một dự án vốn rất thuận lợi ban đầu bỗng chốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các Nhà thầu phụ của Mỹ có Chủ sở hữu là các công ty của Mỹ không thể tiếp tục thực hiện các hợp đồng thầu phụ, không thể thực hiện các giao dịch và liên lạc với PM dưới mọi hình thức (email, điện thoại, fax...) và ảnh hưởng gián tiếp đến gần như toàn bộ các nhà thầu phụ còn lại vì PM không thể tiếp tục thanh toán bằng tiền USD (PM ký phần lớn toàn bộ các hợp đồng thầu phụ bằng tiền USD).
Trong khi đó, phần lớn các hợp đồng thầu phụ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận đã gần như hoàn tất công tác gia công, chế tạo tại xưởng và chờ để vận chuyển về công trường. Trong trường hợp không tiếp tục thực hiện các hợp đồng thầu phụ nêu trên mà phải bắt đầu lại công tác lựa chọn nhà thầu và tiến hành thiết kế gia công chế tạo thì tiến độ hoàn thành của Dự án có thể sẽ bị kéo dài khoảng 3 năm, đặc biệt là hợp đồng cung cấp Tuabin, Máy phát với Công ty GE của Mỹ là các thiết bị chính của Nhà máy và có thời gian chế tạo, chạy thử cho đến khi hoàn thành, xuất xưởng khoảng 3 năm.
Đến hết tháng 8-2018, khối lượng hoàn thành công việc ước đạt 77,01% (tăng 0,28% so với tháng 7-2018) so với khối lượng dự kiến theo kế hoạch là 99,35%. Và nguyên nhân chính làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án là do lệnh cấm vận của Mỹ đối với PM, khiến tất cả các phương diện từ thiết kế, mua sắm, gia công chế tạo và xây dựng, lắp đặt của Hợp đồng EPC bị ảnh hưởng tiêu cực và nghiêm trọng.
Ban Quản lý Dự án đánh giá, việc xác định chính xác lại tiến độ vận hành thương mại tổ máy số 1 và 2 của Nhà máy chỉ có thể thực hiện sau khi Tập đoàn, Ban Quản lý Dự án và PM thống nhất phương án xử lý cấm vận và được cấp thẩm quyền chấp thuận.
Ban Quản lý Dự án đã nêu một số kiến nghị với lãnh đạo Tập đoàn nhằm sớm xử lý các vấn đề vướng mắc liên quan đến lệnh cấm vận; về kế hoạch, giải pháp chi tiết đối với những gói thầu đang bị ảnh hưởng; về vấn đề đồng tiền thanh toán,…
Về phương án xử lý khó khăn tại Long Phú 1, ngay khi có thông tin về lệnh cấm vận của Bộ Tài chính Mỹ với PM, PVN cùng Ban Quản lý Dự án và Tư vấn thu xếp vốn đã liên tục tổ chức họp với Liên danh Tổng thầu PM - PTSC, các Nhà thầu phụ và các ngân hàng Nga, ngân hàng quốc tế để trao đổi về các giải pháp tiếp tục triển khai Dự án trong điều kiện Chính phủ Mỹ tiếp tục duy trì lệnh cấm vận với Nhà thầu PM.
Đến nay, các bên đã đánh giá phương án chuyển đổi chủ thể của các hợp đồng thầu phụ với các Nhà thầu ở Mỹ sang bên thứ 3 (không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận) là giải pháp tốt nhất có thể để xử lý các vấn đề liên quan đến cấm vận đối với PM, các nhà thầu phụ tiếp tục triển khai được Dự án, đồng thời hạn chế thấp nhất thời gian chậm tiến độ của Dự án.
Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn yêu cầu các Ban chuyên môn Tập đoàn, Ban Quản lý Dự án Long Phú 1, các nhà thầu, đặc biệt là Nhà thầu PM cần phối hợp chặt chẽ để phân tích và đánh giá tình hình một cách chi tiết, từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến lệnh cấm vận của Mỹ với PM.
Trong các năm vừa qua, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương, sự cố gắng của các doanh nghiệp như EVN, PVN, TKV… thì tình hình sản xuất, cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, do việc một số nguồn điện lớn có thể bị rút khỏi quy hoạch, nhiều dự án đầu tư theo hình thức BOT gặp nhiều vướng mắc chưa thể triển khai theo kế hoạch, cũng như việc một số dự án đang triển khai bị chậm tiến độ trong đó có 2 dự án là Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 và Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 do PVN làm chủ đầu tư, dẫn tới việc thiếu điện trong giai đoạn tới là hiện hữu, nhất là khu vực phía Nam. Tuy nhiên, với vai trò là một trong 3 trụ cột được Thủ tướng Chính phủ giao bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam và Tập đoàn Than khoáng Sản Việt Nam), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực (tài chính, nhân lực) quyết tâm đưa các dự án điện than vào vận hành từ năm 2020, góp phần bảo đảm cân đối cung - cầu điện mà theo dự báo có khả năng thiếu điện từ năm 2020, đặc biệt tại khu vực miền Nam./.
Trong những năm qua, sản lượng điện sản xuất của PVN chiếm khoảng 13% sản lượng điện quốc gia. Hằng năm, lĩnh vực công nghiệp điện đóng góp khoảng 3,3% tổng doanh thu, 1% nộp ngân sách nhà nước của toàn Tập đoàn.
Phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số: Cần những giải pháp mang tính chiến lược  (28/09/2018)
Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang  (28/09/2018)
Hà Nội: Cảnh báo người dân không nên chủ quan với dịch sốt xuất huyết  (28/09/2018)
Phân công chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV  (28/09/2018)
Việt Nam sẽ hoàn thành trọng trách của một thành viên Hội đồng Bảo an  (28/09/2018)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên