Lãng phí và hình thức

Đào Khánh Hùng Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
15:30, ngày 20-07-2012
TCCS - Trong cuộc sống của mỗi con người đều mặc nhiên tồn tại những bản tính cố hữu, có những điều hay, phù hợp với xu hướng phát triển văn minh của nhân loại, nhưng cũng có những điều không tốt, nếu không chế ngự được sẽ là nguyên nhân gây ra những “căn bệnh xã hội”.
Vi-rút “sĩ”

“Sĩ” là một bản tính của con người. Nhưng nếu “sĩ” thái quá sẽ dẫn đến bệnh hình thức, phô trương, lãng phí, cũng từ đó dẫn đến tham ô, tham nhũng và nhiều vấn nạn xã hội khác. Cùng với xu hướng phát triển của một xã hội văn minh, hiện đại, những mặt trái chiều đang phát sinh ngày càng nhiều. Lãng phí và hình thức là một hiện tượng tiêu cực nhưng lại rất phổ biến cần phải chế ngự đối với mỗi tổ chức, mỗi con người, nhất là đối với cán bộ, đảng viên.

Người ta nói “sĩ” là căn bệnh. Không, nói đúng hơn, nó là nguyên nhân, là vi-rút dẫn đến các căn bệnh. Xét về góc độ tích cực, “sĩ” là bản chất, là bản tính thiên bẩm của mỗi con người. Giữ được sĩ diện là thể hiện mình là một trong những biểu hiện của lòng tự trọng. Nhờ biết “giữ sĩ diện”, con người đã giữ được những mối quan hệ hài hòa trong cuộc sống. 

Tuy nhiên, vẫn còn không ít người quan niệm sai lầm khi cho rằng “giữ sĩ diện” chỉ là coi trọng, đề cao những biểu hiện bề ngoài, lấy hình thức phủ quyết nội dung, như vậy là đã quên đi cái đích thực của “sĩ diện”. Trong cuộc sống hằng ngày, có những người vì quá “sĩ” mà làm cho lời nói và hành động của mình trở nên sai trái, tưởng như đó là giữ được sĩ diện, nhưng thực chất lại làm mất đi sĩ diện của bản thân. Trong mua sắm hằng ngày, vì “sĩ”, một số người chẳng cần mặc cả, trong những cuộc vui chơi, nhiều người đã chi tiêu “vung tay quá trán”, thể hiện sự “sành điệu” bằng cách vung tiền không tiếc tay...

Từ “sĩ” đẻ ra... bệnh lãng phí và hình thức

Trong truyện ngắn “Giá ai cho cháu một hào”, Nguyễn Công Hoan kể về một đứa nhỏ đi ăn cắp bị giải về quê. Nó than thở mỗi lần như thế này, nhà nước tốn vì nó đến bảy, tám đồng bạc. Trong khi đó, giá có ai cho nó một hào làm vốn để nó mua đôi thùng đi gánh nước thuê, thì nó chẳng ăn cắp làm gì. Ý nghĩa của truyện muốn nói, do tiếc những món nhỏ, người ta lãng phí những món rất to mà không hay biết. 

Đó là chuyện ngày xưa. Còn ngày nay, có nhiều tập thể chỉ vì “sĩ” nên mặc dù làm ăn thua lỗ vẫn tổ chức hội hè linh đình. Có doanh nghiệp tổ chức cả lễ kỷ niệm 18 tháng thành lập, trong khi số nợ lương công nhân đã sang tháng thứ hai. Có những chuyện tưởng như “điên rồ” khi ngân hàng nọ cho hay về các khoản nợ xấu, mới biết số người tay trắng lập công ty, vay ngân hàng mua xe hơi, tiêu xài trác táng rồi phá sản… rất nhiều. Phải chăng, từ “sĩ” sinh ra bệnh hình thức, lãng phí?

Còn thấy rõ biểu hiện của “sĩ” trong thói quen ẩm thực của người Việt. Nếu ở phương Tây, để biểu hiện thiện chí của mình trong các bữa tiệc, người ta sẽ dùng hết các món ăn được dọn ra. Còn ở nước ta, khi ăn, uống phải để lại một ít mới được coi là... lịch sự. Một bữa cơm thường, có thể thấy số thức ăn thừa đó không đáng là bao. Nhưng nếu mỗi nơi một bữa cơm như thế, hay những bữa tiệc xa hoa hàng chục, hàng trăm mâm cỗ, thì đây là một sự lãng phí đáng để mọi người cùng suy ngẫm.

Có một đơn vị tổ chức sơ kết Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", với khẩu hiệu “Làm theo Bác” là trung tâm, nhưng kết thúc buổi sơ kết thì tổ chức ngay một bữa tiệc chào mừng, trích một nửa kinh phí từ quỹ của đơn vị, còn thiếu thì huy động đóng góp. Đó là sự lãng phí và việc học tập cũng chỉ là hình thức. Lại có buổi họp đóng góp ý kiến về Luật Phòng, chống tham nhũng, có những quan khách lục tục bỏ ra về giữa giờ với lý do này, lý do nọ; vậy đó có phải là tham nhũng về thời gian chăng? Những hiện tượng, hoạt động đó cũng chính là hình thức, phô trương chứ không có sự gắn kết giữa nói và làm.

Như vậy, từ cái “sĩ” trong mỗi con người, mỗi khi không biết chế ngự nó sẽ là nguyên nhân căn bản dẫn đến nhiều căn bệnh khác, trong đó có lãng phí và hình thức. Khi xã hội, đất nước còn khó khăn, mỗi cá nhân, mỗi người đứng đầu tổ chức cần phải chế ngự được bản tính cố hữu đó mới có thể thực hành tiết kiệm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần làm cho cuộc sống văn minh hơn, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn để hướng tới xây dựng xã hội mới trên cơ sở xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa./.