Việt Nam năm 2018: Đánh giá của cộng đồng quốc tế
TCCS - Theo đánh giá của cộng đồng quốc tế, năm 2018 Việt Nam đạt được nhiều thành tựu lớn trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng để bắt kịp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0).
Những kết quả ấn tượng
Theo đánh giá của quốc tế, trong suốt hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng trung bình gần 7%/năm. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần gấp 5 lần. Việt Nam ngày nay nổi lên như một nền kinh tế có thu nhập trung bình và là nước xuất khẩu đang phát triển mạnh. Sự tăng trưởng của Việt Nam cũng có tính bao trùm, với tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm xuống dưới 7%, so với mức hơn 60% vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX.
Đánh giá về sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, trang mạng Bloomberg (Mỹ) nhận định, Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, từ một quốc gia chỉ xuất khẩu dầu thô, cà phê và giày dép đã trở thành một trung tâm sản xuất thu hút những công ty lớn, như Samsung Electronics của Hàn Quốc. Theo Bloomberg, một trong những yếu tố quyết định sức hút này là tầng lớp trung lưu đang hình thành nhanh chóng trong xã hội Việt Nam, tạo sức mua ngày càng tăng.
Báo Financial Times (Anh) dẫn những con số tăng trưởng ấn tượng trên nhiều lĩnh vực cho thấy sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam. Trong quý đầu năm 2018, GDP Việt Nam tăng trưởng 7,38%, cao nhất trong 10 năm gần đây, nhờ những bước tiến trong ngành công nghiệp và xây dựng. Kể từ tháng 1-2018, VN-Index đã tăng khoảng 17%, vượt trước các thị trường lớn ở châu Á và đưa thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trong những thị trường chứng khoán hàng đầu thế giới. Trong bài báo đăng tải trên chuyên trang phân tích của Viện Brookings Institution (Mỹ), tác giả đã gọi đất nước hình chữ S với cụm từ “điều kỳ diệu Việt Nam” sau khi nêu bật những thành tựu mà Việt Nam đạt được ngay cả khi nền thương mại toàn cầu đang bị đình trệ. Theo tác giả bài viết, những yếu tố quan trọng để Việt Nam đạt được những thành tựu này, bên cạnh những điều kiện khách quan, như nguồn nhân lực trẻ giá rẻ, sự ổn định chính trị, vị trí địa lý gần với các tuyến đường vận chuyển chính... thì phải kể đến chính sách hợp lý của Chính phủ Việt Nam về hội nhập kinh tế toàn cầu, tự do hóa thương mại và đầu tư vào nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng.
Tờ báo Pháp Le Temps đăng bài viết mang tựa đề “Việt Nam - công xưởng mới của thế giới” nói về những “bí ẩn” của “phép lạ” kinh tế Việt Nam, trong đó có mức lương thấp, ưu đãi thuế để khuyến khích các nhà đầu tư và các thỏa thuận về tự do thương mại. Tất cả điều đó tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường nước ngoài.
Tờ Nikkei Asian Review dẫn nghiên cứu của Financial Times cho biết, chi tiêu của hộ gia đình tại Việt Nam đạt mức tăng cao nhất 3 năm qua trong bối cảnh thu nhập được cải thiện đáng kể. Financial Times đã tiến hành khảo sát 5.000 người tiêu dùng tại Việt Nam, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin và Ma-lai-xi-a. Kết quả cho thấy người tiêu dùng Việt Nam lạc quan nhất về triển vọng kinh tế quốc gia, với Chỉ số tâm lý kinh tế (Economic Sentiment Index) đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2015. Theo đánh giá, với lực lượng lao động trẻ dồi dào, giá rẻ, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và dần trở thành một trung tâm sản xuất của khu vực.
Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 1987 là một dấu mốc lịch sử đối với Việt Nam khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chính thức được Quốc hội thông qua lần đầu tiên. Sau 30 năm, dòng vốn FDI đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Từ một nước nghèo, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình trong khu vực và là một trong những nơi thu hút vốn nước ngoài mạnh mẽ nhất.
Theo báo cáo mới nhất của hãng đánh giá tín dụng uy tín thế giới Moody’s, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trên 6% trong thập niên qua, Việt Nam đã vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất chỉ trong một thời gian ngắn và đủ khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực lắp ráp các sản phẩm điện tử có giá trị gia tăng cao hơn, đồng thời vẫn giữ lợi thế so sánh trong xuất khẩu các mặt hàng cần nhiều lao động. Khả năng cạnh tranh tăng cùng với việc đẩy mạnh chuyển tiếp sang hoạt động công nghiệp giá trị gia tăng cao sẽ hỗ trợ tăng trưởng ở mức cao trong trung hạn.
Báo cáo Bước tiến mới: giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam nhận định, đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là các vùng dân tộc thiểu số với tỷ lệ giảm mạnh tới 13%, mức giảm lớn nhất trong 3 thập niên qua. Đây là kết quả rất đáng khích lệ và những nỗ lực tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các dân tộc thiểu số có thể gia tăng cơ hội cho những nhóm người này và giảm sự bất bình đẳng kéo dài. Tỷ lệ nghèo (theo chuẩn quốc gia) đã giảm xuống còn 9,8% vào năm 2016.
Báo cáo ghi nhận, hiện nay 70% người dân Việt Nam đã được bảo đảm về kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Các tầng lớp trung lưu này đang phát triển nhanh chóng, tăng hơn 20% trong giai đoạn 2010 - 2017. Tính từ năm 2014, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu. Con số đó cho thấy các hộ gia đình đang có những cải thiện về kinh tế sau khi thoát nghèo.
Báo cáo Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương của WB cho biết, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Theo Báo cáo, sự phát triển thực sự ấn tượng của hệ thống giáo dục Việt Nam có thể trở thành bài học kinh nghiệm đối với các quốc gia khác trên thế giới. Cũng theo Báo cáo này, hệ thống giáo dục Việt Nam đứng trong nhóm 10 nước dẫn đầu thế giới.
Báo cáo Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Trường hợp Việt Nam cho biết, những hiệp định thương mại đa phương như CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam. Ngay cả khi dựa trên những giả định khiêm tốn thì CPTPP dự kiến cũng sẽ góp phần làm tăng thêm 1,1% GDP tính đến thời điểm năm 2030. Với thêm giả định tăng năng suất khiêm tốn, CPTPP sẽ góp phần làm GDP tăng thêm 3,5%.
Hiệp định này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho mọi nhóm thu nhập, nhưng những lao động có tay nghề cao và thuộc nhóm có thu nhập 60% từ trên xuống sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Ngoài ra, dự kiến tăng trưởng đầu tư nước ngoài cũng sẽ kéo theo tăng trưởng ngành dịch vụ và tăng năng suất lao động. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ có thêm cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và nhờ vậy, khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bà V. Koa-koa (Victoria Kwakwa), Phó chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng, kinh tế Việt Nam có triển vọng rất tốt thông qua xuất khẩu và FDI khả quan. Bày tỏ tin tưởng diễn biến kinh tế Việt Nam sẽ tốt đẹp, bà cho biết, kết quả các nghiên cứu gần đây cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới ngày càng lớn đối với tiềm năng của Việt Nam, nhất là kinh tế vĩ mô, chính trị - xã hội ổn định và nhiều cơ hội phát triển trên mọi lĩnh vực.
Ông E. Xít-uých (Eric Sidgwick), Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, tăng trưởng kinh tế đạt được trên tất cả các ngành, với động lực là ngành sản xuất chế tạo tiếp tục mở rộng, sản xuất nông nghiệp tăng cao, ngành dịch vụ ổn định, tiêu dùng trong nước được duy trì tốt, và đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp có vốn FDI và doanh nghiệp trong nước. Theo lãnh đạo ADB, nền kinh tế nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tốt trong ngắn hạn nhờ nhu cầu nội địa được duy trì, điều kiện kinh doanh được cải thiện, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Tăng chi tiêu công trong nửa cuối năm nay được dự báo sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong đầu tư.
Ông J. Út (Justin Wood), Giám đốc khu vực châu Á của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), nhận định: Những năm gần đây kinh tế Việt Nam đang phục hồi trở lại và tăng trưởng rất nhanh. Lạm phát và nợ công được giữ ở mức ổn định, xuất nhập - khẩu tăng mạnh; các vấn đề cũ liên tục được Chính phủ khắc phục; đầu tư nước ngoài đang gia tăng mạnh mẽ… Có thể thấy bức tranh kinh tế Việt Nam đang sáng sủa hơn rất nhiều nhờ những nỗ lực cải tổ nền kinh tế của Chính phủ. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam luôn được cải thiện trong thời gian gần đây, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp mới cũng như những doanh nghiệp nước ngoài phát triển tốt hơn.
Ông O. Đi-on (Ousmane Dione), Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, nhận định: Việt Nam đã trở thành một câu chuyện thành công trên toàn cầu về phát triển ngành năng lượng trong một vài thập niên vừa qua. Sự thành công của ngành năng lượng là một yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, sự tăng trưởng kinh tế cao và bền vững của quốc gia, sự vượt bậc trong công tác giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân.
Một số khuyến nghị
Theo các chuyên gia quốc tế, hành trình trở thành một nền kinh tế hiện đại hóa, công nghiệp hóa của Việt Nam mới đang ở bước khởi đầu. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải giải quyết những thách thức mang tính cấu trúc, như vấn đề già hóa dân số, tăng trưởng năng suất chậm và đầu tư thấp, cũng như chi phí môi trường trong quá trình phát triển ngày càng lớn. Giải quyết những trở lực mang tính cấu trúc này, Việt Nam cũng cần phải lựa chọn hướng đi trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, với những chuyển đổi về mô hình thương mại toàn cầu và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa tạo ra những cơ hội, vừa mang lại những rủi ro, thách thức mới.
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, việc sử dụng ưu đãi lớn về thuế để thu hút vốn FDI của Việt Nam đang mang lại kết quả không tương xứng và tạo ra “sân chơi” chưa thật sự bình đẳng cho khối doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân. UNDP nhận định, bối cảnh tài chính cho phát triển ở Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng, đặc trưng bởi FDI và dòng kiều hối cao tương phản với sự giảm sút của dòng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và doanh thu của Chính phủ không đủ để đáp ứng nhu cầu cao về chi tiêu công và nghĩa vụ trả nợ ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, chính sách thu hút FDI bằng mọi giá đã tạo nên môi trường chưa thật sự bình đẳng cho khối doanh nghiệp tư nhân trong nước. Và nếu tách khu vực FDI ra thì nền kinh tế thuần túy vẫn chỉ là nhập siêu. Do đó, UNDP khuyến nghị Việt Nam cần thu hút FDI bằng những điều kiện căn bản về kết cấu hạ tầng, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo WEF, hiện Việt Nam đang yếu ở chỉ số “năng lực đổi mới”, bao gồm những yếu tố, như nghiên cứu và phát triển, sáng chế, đưa ra những ý tưởng mới. Việt Nam đã làm rất tốt khi từ nước có thu nhập thấp lên thành nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên để phát triển thành nước có thu nhập cao, Việt Nam cần cải thiện các yếu tố này.
WEF cho rằng, nếu muốn đi từ thu nhập trung bình lên thu nhập cao, Việt Nam cần tạo ra những giá trị mới, những sáng chế mới, ý tưởng mới. Đây là điều mấu chốt để Việt Nam phát triển kinh tế trong tương lai. Mặc dù Việt Nam đã đạt nhiều kết quả lớn về cắt giảm thuế quan, nhưng hiện vẫn còn nhiều cơ hội để giảm chi phí thương mại thông qua hợp lý hóa các biện pháp phi thuế quan hoặc kiểm tra chuyên ngành, nâng cao hiệu quả quản lý cửa khẩu và dịch vụ hậu cần. Điều đó có thể được thực hiện qua một chương trình tổng thể gồm bốn trụ cột: 1- Giảm chi phí thương mại - liên quan đến thời gian tuân thủ các thủ tục và biện pháp kiểm tra chuyên ngành trước khi ra cửa khẩu và tại cửa khẩu; 2- Cải thiện chất lượng kết nối và hạ tầng liên quan đến thương mại; 3- Hình thành ngành dịch vụ logistics cạnh tranh; 4- Tăng cường phối hợp liên ngành và phối hợp với khu vực tư nhân.
Báo cáo Chèo lái qua bất ổn của WB nêu rõ: Hội nhập khu vực và toàn cầu khiến nhiều nền kinh tế trong khu vực, trong đó có Việt Nam, dễ bị tổn thương hơn trước những “cú sốc” đến từ bên ngoài. Những rủi ro chính đối với duy trì tăng trưởng bền vững bao gồm xu hướng bảo hộ thương mại leo thang, biến động trên thị trường tài chính tăng lên, kết hợp với tình trạng tài chính và ngân sách trong nước dễ bị tổn thương. Trong bối cảnh rủi ro tăng lên, các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, như Việt Nam, cần vận dụng đầy đủ các chính sách tái cơ cấu, cẩn trọng kinh tế vĩ mô sẵn có để bình ổn các “cú sốc” bên ngoài và nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng.
Báo cáo Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam nhấn mạnh: Bối cảnh tài chính của Việt Nam đang thay đổi một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, Báo cáo lưu ý rằng, mặc dù đầu tư tư nhân của Việt Nam tăng gấp đôi vào năm 2015 so với năm 2002, song chỉ chiếm khoảng 40% tổng nguồn vốn phát triển quốc gia. Theo Báo cáo, đầu tư tư nhân bình quân đầu người của Việt Nam ở mức 490USD trong năm 2015, so với mức trung bình 690USD/người của các nước ASEAN, bởi vậy Việt Nam nằm trong số các nước có đầu tư tư nhân thấp nhất trong khu vực. Do đó, cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển về quy mô, năng suất, năng lực cạnh tranh.
Theo các chuyên gia quốc tế, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam gia nhập nền công nghiệp 4.0. “Sản xuất tại Việt Nam” cần được thay thế bằng “Nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam”. Điều này có nghĩa Việt Nam không chỉ dựa vào lao động chi phí rẻ, mà còn đầu tư vào công nghiệp của tương lai. Để hiện thực hóa tương lai này, cần thúc đẩy công nghệ để tận dụng đổi mới sáng tạo; đưa vào hoạt động và củng cố nền tảng thể chế; đầu tư vào con người của ngày hôm nay và tương lai.
Các chuyên gia WB cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những tác động sâu rộng đến một vài ngành công nghiệp mà trước đây Việt Nam rất thành công. Để tận dụng được cuộc cách mạng này, Việt Nam cần đầu tư vào con người và phát triển các kỹ năng cần thiết. Việt Nam cần đào tạo được những nhân công với kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu việc làm. Vì thế, việc đầu tư vào giáo dục - đào tạo, đặc biệt là các ngành công nghệ khoa học và toán học, là “chìa khóa” để thu hút dòng vốn FDI trong kỷ nguyên kỹ thuật số, bởi đây sẽ là những kỹ năng được tìm kiếm trong tương lai.
Theo báo cáo Điểm lại, ấn phẩm bán thường niên về kinh tế Việt Nam của WB số cuối năm, nêu rõ triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong bối cảnh thương mại Việt Nam có độ mở cao, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ còn hạn chế, Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động bên ngoài. Căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang có thể dẫn đến suy giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời thanh khoản trên toàn cầu bị thắt chặt có thể làm giảm dòng vốn đầu tư cũng như đầu tư nước ngoài. Trong nước, cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng chậm lại có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh tăng trưởng và làm tăng sức ép đối với khu vực công. Báo cáo khuyến nghị, là một nền kinh tế mở, Việt Nam cần duy trì chính sách tiền tệ có khả năng ứng phó, tỷ giá linh hoạt và bội chi ngân sách thấp để nâng cao khả năng chống chịu những “cú sốc” có thể diễn ra.
Theo ông O. Đi-on, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, sự tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam đang tạo ra chi phí môi trường ngày càng lớn. Theo chỉ số hiệu quả hoạt động môi trường do Đại học Yale xây dựng để xếp hạng 180 quốc gia trên toàn thế giới, Việt Nam xếp thứ 132. Những vấn đề môi trường ngày càng tăng này không chỉ tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, mà còn có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng trong dài hạn. Hoạt động quản lý tài sản tự nhiên của Việt Nam và xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu có ý nghĩa rất quan trọng để bảo đảm sự tăng trưởng bền vững trong các lĩnh vực then chốt, như nông nghiệp, chế biến thực phẩm và du lịch.
Ông C. Hi-li (Chang Hee-lee), Giám đốc văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhận định: CPTPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại những lợi ích về kinh tế cho Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo ra hàng triệu việc làm. Tuy nhiên, thách thức đối với lao động Việt Nam cũng không nhỏ, nhất là về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề cao và vốn hiểu biết, kiến thức và ứng xử trong môi trường quốc tế. Bà M. Co-ly (Marva Corley), chuyên gia ILO, nhấn mạnh thêm rằng, mặc dù trong các điều khoản của hiệp định thương mại không đề cập cụ thể liên quan đến kỹ năng lao động của người lao động, kinh nghiệm từ một số quốc gia cho thấy, việc chuẩn bị kỹ năng cho người lao động là rất quan trọng để họ đáp ứng nhu cầu trong các ngành, đặc biệt là ngành trao đổi xuất khẩu giữa các quốc gia. Nếu chúng ta nhìn rộng hơn sẽ thấy tầm quan trọng của kỹ năng đối với người lao động. Khi có kỹ năng, họ sẽ tích cực tham gia các hoạt động kinh doanh, sản xuất; họ sẽ có đối thoại tốt hơn với chủ sử dụng lao động và sẽ tạo ra các bước tiến bộ cho doanh nghiệp. Các bước tiến bộ của doanh nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, điều kiện làm việc của người lao động và tác động lớn hơn đến toàn xã hội. Đó là lợi ích từ các FTA thế hệ mới và là điểm rất quan trọng mà Việt Nam cần chuẩn bị kỹ năng cho người lao động./.
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 25-2 đến ngày 03-3-2019)  (05/03/2019)
Nâng mức hỗ trợ cho nông dân phải tiêu hủy lợn do dịch tả châu Phi  (04/03/2019)
Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp Tiểu ban Kinh tế - Xã hội  (04/03/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển