Diễn đàn Kinh tế Thế giới và quan hệ với Việt Nam
Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019 (hay còn gọi là Diễn đàn kinh tế Davos) sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 25-01 tại Davos, Thụy Sĩ. Hội nghị lần này quy tụ hơn 3.000 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp, xã hội dân sự, giới học giả, các đại diện của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và truyền thông, hơn 65 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, và đại diện các tổ chức quốc tế.
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tham dự hội nghị.
Tuy nhiên, Hội nghị WEF 2019 sẽ không có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngày 17-01, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy kế hoạch tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới vào tuần tới, do vẫn chưa giải quyết được tình trạng chính phủ đóng cửa một phần và những mâu thuẫn với Quốc hội. Bà Sanders nêu rõ: "Sau khi cân nhắc việc 800.000 người lao động Mỹ không được trả lương và để đảm bảo đội ngũ nhân viên có thể cung cấp sự hỗ trợ cần thiết, Tổng thống Trump đã hủy kế hoạch tham dự WEF Davos".
Những nội dung chính của WEF 2019
Theo kế hoạch, hội nghị WEF 2019 sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 25-01, quy tụ hơn 3.000 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp, xã hội dân sự, giới học giả, các đại diện của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và truyền thông, hơn 65 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, và đại diện các tổ chức quốc tế. Với chủ đề "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", Diễn đàn Davos 2019 đặt mục tiêu xác định các mô hình hòa bình mới, bền vững và toàn diện, nhằm thích nghi với một thế giới mà ở đó, hội nhập toàn cầu mạnh mẽ là tiến trình không thể tránh khỏi, nơi các mô hình quản trị toàn cầu cho thấy khó khăn trong việc thúc đẩy hành động hài hòa giữa các cường quốc trên thế giới. Chương trình hội nghị năm nay sẽ đi sâu vào vấn đề nêu trên với hơn 350 phiên họp, thảo luận và đối thoại. Trong số này, có thể kể đến một loạt đối thoại như đối thoại về địa chính trị, đối thoại toàn cầu về hòa bình và phát triển, đối thoại về tương lai của nền kinh tế, về quản lý các hệ sinh thái môi trường quan trọng, và đảm bảo an ninh mạng, đối thoại về việc làm, và cải cách các thể chế.
Diễn đàn Davos 2019 đặt mục tiêu xác định các mô hình hòa bình mới, bền vững và toàn diện, nhằm thích nghi với một thế giới mà ở đó, hội nhập toàn cầu mạnh mẽ là tiến trình không thể tránh khỏi, nơi các mô hình quản trị toàn cầu cho thấy khó khăn trong việc thúc đẩy hành động hài hòa giữa các cường quốc trên thế giới.
Phát biểu tại buổi họp báo ở Geneva trước thềm Hội nghị, người sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF, ông Klaus Schwab cho biết hội nghị thường niên WEF 2019 sẽ tập trung xác định một chương trình nghị sự toàn cầu, nhằm hoàn thiện hơn toàn cầu hóa, đồng thời hướng đến những đối tượng bị gạt ra ngoài lề, những người bị thiệt thòi, tổn thương trong quá trình toàn cầu hóa này. Chủ tịch điều hành WEF cho biết: “Làn sóng toàn cầu hóa thứ tư cần phải tập trung hơn vào con người, toàn diện và bền vững. Toàn cầu hóa cần quan tâm hơn đến những đối tượng dễ bị tổn thương, thiệt thòi, và quan tâm đến tiếng nói của giới trẻ”. Ông nhấn mạnh rằng chúng ta đang bước vào thời kỳ bất ổn toàn cầu sâu sắc do sự gián đoạn công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự sắp xếp lại địa kinh tế và các lực lượng địa chính trị. Ông kêu gọi những người đứng đầu các bên liên quan tại Davos cần suy nghĩ và cam kết để giải quyết vấn đề này.
Ngoài ra, tại hội nghị, các đại biểu cũng sẽ tham dự một loạt phiên đối thoại như đối thoại về địa chính trị, đối thoại toàn cầu về hòa bình và phát triển, đối thoại về tương lai của nền kinh tế, về quản lý các hệ sinh thái môi trường quan trọng, và đảm bảo an ninh mạng, đối thoại về việc làm, và cải cách các thể chế. Đáng chú ý, tại phiên đối thoại về địa chính trị, các đại biểu sẽ đánh giá tác động, triển vọng và thảo luận việc hợp tác, đối thoại để xử lý các vấn đề địa chính trị; Đánh giá, thúc đẩy cải cách các khuôn khổ thể chế toàn cầu hiện nay để thích ứng với bối cảnh mới về chính trị, kinh tế và xã hội; Định hình các quy định và khuôn khổ thể chế mới nhằm thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong các lĩnh vực…
Tại phiên đối thoại về kinh tế - công nghệ, các đại biểu sẽ đánh giá những biến chuyển về cơ cấu, tương lai nền kinh tế gắn với Cách mạng công nghiệp 4.0, định hình hệ thống tài chính - tiền tệ bảo đảm thúc đẩy phát triển công nghệ mới, tăng trưởng bền vững và phúc lợi xã hội; Đánh giá tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với các lĩnh vực, ngành kinh tế, thảo luận chính sách công nghệ nhằm phát huy các giá trị của công nghệ mới; Thảo luận các vấn đề về an ninh mạng nhằm bảo đảm tính an toàn và tin cậy của các công nghệ mới, công nghệ trụ cột của Cách mạng công nghiệp 4.0…
Tại đối thoại về xã hội - môi trường, các đại biểu tham dự sẽ đánh giá sự thay đổi mạnh mẽ về lao động, việc làm; Thảo luận về sự chuyển đổi từ xã hội tiêu dùng vật chất sang một xã hội mang tính nhân văn cao hơn; Thúc đẩy tư duy hệ thống nhằm cải thiện căn bản việc quản lý toàn diện môi trường sinh thái…
Vài nét về Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)
WEF là một diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Hàng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tôn giáo, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề nổi cộm và thời sự toàn cầu.
Diễn đàn kinh tế thế giới được biết đến lần đầu tiên vào tháng 01-1971 khi một nhóm các doanh nghiệp hàng đầu châu Âu gặp nhau dưới sự bảo trợ của Ủy ban châu Âu và Hiệp hội Công nghiệp châu Âu. Người đứng đầu là ông Klaus Schwab, sau là Giáo sư về Chính sách Kinh doanh thuộc Đại học Geneva, đã chủ trì cuộc họp được tổ chức tại Davos, Thụy Sỹ. Năm 1987 Diễn đàn Quản trị Toàn cầu (EMF) đã đổi tên thành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào cuối tháng 01 hàng năm tại Davos, Thụy Sĩ. Bên cạnh Hội nghị Davos, hàng năm WEF cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu là Hội nghị WEF ASEAN, Hội nghị WEF Thiên Tân hoặc Đại Liên, Trung Quốc, Hội nghị WEF về Ấn Độ, Hội nghị WEF về Mỹ La tinh, Hội nghị WEF về Trung Đông… Các hội nghị là cơ hội lớn để các đại biểu trao đổi về các vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm, cũng như tăng cường các hoạt động kết nối, mở rộng quan hệ đối tác.
Quan hệ hợp tác Việt Nam và WEF
Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989. Hội nghị WEF Davos, Việt Nam đã 3 lần tham dự ở cấp Thủ tướng Chính phủ vào các năm 2007, 2010 và 2017, các năm khác thường tham dự ở cấp Phó Thủ tướng.
Hội nghị WEF ASEAN (trước năm 2016 là WEF Đông Á), Việt Nam đã 4 lần tham dự ở cấp Thủ tướng Chính phủ (2012, 2013, 2014 và 2017); các năm khác thường ở cấp Phó Thủ tướng Chính phủ.
Việt Nam và WEF đã phối hợp tổ chức nhiều Hội nghị của WEF ở khu vực. Năm 2010, Việt Nam đã đăng cai WEF Đông Á trong hai ngày 06 và 07-6-2010 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2016, Việt Nam có sáng kiến tổ chức Hội nghị WEF - Mekong lần đầu tiên ngày 25-10-2016 tại Hà Nội nhằm quảng bá tiểu vùng Mekong đến quốc tế. Năm 2018, Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018) tại Hà Nội từ ngày 11 đến 13-9-2018.
Hội nghị WEF ASEAN 2018 quy tụ nhiều nguyên thủ của các quốc gia ASEAN, lãnh đạo cấp cao của các nước đối tác và khoảng 1.000 đại diện các tập đoàn đa quốc gia (trong đó có nhiều tập đoàn thuộc tốp 500 tập đoàn hàng đầu thế giới với tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ và kỹ năng quản lý), các doanh nghiệp ASEAN và quốc tế, cùng với khoảng 800 doanh nghiệp trong nước tham dự.
Trong ba ngày Hội nghị, đã diễn ra khoảng 60 phiên họp, thảo luận chuyên đề được tổ chức tập trung vào năm nhóm nội dung chính, bao gồm: xác định tầm nhìn mới cho ASEAN về hội nhập khu vực; tìm kiếm các mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số; tìm kiếm động lực và mô hình kinh doanh mới cho các nước ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; cách tiếp cận mới của doanh nghiệp đối với quản trị toàn cầu và khu vực; những nội dung cụ thể về phát triển kết cấu hạ tầng thông minh, đào tạo kỹ năng, việc làm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chủ đề của các phiên thảo luận phong phú, thiết thực, đáp ứng yêu cầu của mọi thành phần đại biểu, như triển vọng kinh tế châu Á, an ninh mạng, định hướng năng lực tự cường của khu vực, công sở 4.0,...
Trong phiên khai mạc toàn thể của Hội nghị, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật những cơ hội và thách thức của ASEAN trước Cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó đề xuất những ưu tiên để ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm ở khu vực, nổi bật như xây dựng các quy tắc của ASEAN trong hợp tác chia sẻ dữ liệu, thành lập khuôn khổ kết nối các vườn ươm sáng tạo quốc gia với mạng lưới vườn ươm của toàn khu vực... Những đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu dự Hội nghị.
Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab đánh giá Hội nghị WEF ASEAN 2018 thành công nhất trong 27 năm tổ chức hội nghị WEF tại khu vực. Việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị WEF ASEAN 2018 đã khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong cộng đồng doanh nghiệp và tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế, cũng như thúc đẩy WEF và các tập đoàn lớn phối hợp, hỗ trợ triển khai các sáng kiến của Việt Nam tại WEF ASEAN 2018 như thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, thúc đẩy hợp tác về rác thải nhựa trong ASEAN.
Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và WEF về “Phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai” được ký vào tháng 01-2017 bên lề Hội nghị WEF Davos (đã ký lại vào tháng 10-2017). Hai bên đang tích cực triển khai Kế hoạch triển khai Thỏa thuận (được Thủ tướng Chính phủ thông qua tháng 10-2017) với các hoạt động khởi động gồm: Hội thảo về Cơ sở hạ tầng và ra mắt Nhóm công tác về Cơ sở hạ tầng ngày 16-11; Hội thảo về Năng lực cạnh tranh và Phát triển bao trùm ngày 17-11-2018 tại Hà Nội.
Về hợp tác trong một số lĩnh vực, Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt của WEF trong khuôn khổ sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp”. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thường xuyên tham dự các hội nghị thường niên của WEF. Từ năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tham gia Ban điều phối dự án “Tương lai của hệ thống sản xuất” của WEF và từ năm 2017 tham gia Nhóm Chiến lược khu vực ASEAN (RSG). Việt Nam và WEF đã phối hợp tổ chức một số hội thảo về năng lực cạnh tranh như Hội thảo “Vai trò doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế” tháng 11-2014.
Về sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, hiện tại, Việt Nam có 10 tập đoàn, công ty lớn là thành viên của WEF. Thành viên Tổ chức bao gồm: Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn FPT, Tập đoàn VinGroup và VinaCapital. Thành viên Diễn đàn bao gồm: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SIG), Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA, Công ty Truyền thông đa phương tiện Đất Việt VAC (DatVietVAC), Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Đầu tư Công nghiệp Việt Nam.
Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị WEF 2019, nhằm quảng bá thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong năm 2018; truyền tải thông điệp về đường lối, định hướng, chính sách, biện pháp lớn của Chính phủ Việt Nam về phát triển kinh tế xã hội năm 2019, qua đó, thúc đẩy các đối tác, tập đoàn hàng đầu tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam góp phần củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Đoàn đại biểu Việt Nam sẽ nhấn mạnh quá trình hội nhập liên kết kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam, nhất là trong việc triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sắp tới là Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), nhằm làm nổi bật hình ảnh kinh tế Việt Nam năng động, cởi mở và là điểm sáng về hội nhập và liên kết kinh tế./.
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 14 đến 20-01-2019)  (21/01/2019)
“Tết ấm yêu thương 2019” - Mang nghĩa tình lên biên giới  (21/01/2019)
“Tết ấm yêu thương 2019” - Mang nghĩa tình lên biên giới  (21/01/2019)
“Tết ấm yêu thương 2019” - Mang nghĩa tình lên biên giới  (21/01/2019)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay