Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy nhân tố con người trong nâng cao sức mạnh chiến đấu quân đội
TCCSĐT - Với tầm nhìn xa rộng, Nhà chiến lược quân sự Hồ Chí Minh cho rằng, điều quan trọng không chỉ đơn thuần là thành lập được lực lượng vũ trang mà quan trọng hơn là tìm ra biện pháp để nâng cao sức mạnh chiến đấu mọi mặt cho quân đội cách mạng, trong đó phát huy nhân tố con người là biện pháp cơ bản, quan trọng quyết định.
Từ thực tiễn giáo dục và rèn luyện quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng tới vấn đề phát huy nhân tố con người trong xây dựng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội. Đây là quá trình tác động vào tính tích cực của bộ đội thông qua hệ thống cách thức và biện pháp khoa học, hướng họ vào hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Con người trong quân đội là những người xuất thân từ mọi tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các vùng, miền của đất nước, với sự khác nhau về độ tuổi, giới tính, trình độ, dân tộc... do vậy, hệ thống các giải pháp tác động nhằm xây dựng và phát huy nhân tố con người trong quân đội phải phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể thì mới đạt hiệu quả cao. Cùng với đó phải đồng thời tiến hành các biện pháp nhằm triệt tiêu các trở lực kìm hãm tính tích cực của bộ đội. Theo đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy nhân tố con người trong nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội là những vấn đề có tính nguyên tắc:
Nhận thức đúng, đề cao nhân tố con người trong nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân đội
Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đến việc phát huy nhân tố con người trong nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân tố con người có vai trò rất lớn trong việc tạo ra sức mạnh chiến đấu tổng hợp của quân đội. Người nói: “Vì chúng ta quên một lẽ rất giản đơn dễ hiểu: tức là vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả” (1). Trong đánh giá, xem xét vai trò của các nhân tố tạo ra sức mạnh chiến đấu của quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ con người là nhân tố chủ yếu quyết định thành bại của các hoạt động quân sự. Sức mạnh của quân đội không phải do vũ khí kỹ thuật quyết định mà trước hết là do con người được giác ngộ chính trị quyết định. Con người khi được giác ngộ cách mạng sẽ tích cực đóng góp trí tuệ của mình trong chế tạo vũ khí, trang bị, kỹ thuật, chiến thuật... và vận dụng sáng tạo vào thực hiện nhiệm vụ được giao. Cho dù vũ khí có hiện đại đến đâu thì vẫn do con người sáng tạo ra và luôn có những hạn chế nhất định, con người sẽ có cách đối phó. Hiệu quả của việc phát huy nhân tố con người phụ thuộc vào khả năng của mọi người và mỗi người trong quân đội.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khả năng sáng tạo và sức mạnh của con người là rất lớn. Luận điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng để phát huy nhân tố con người trong nâng cao sức mạnh chiến đấu quân đội. Do vậy, cần nhận thức đúng vai trò quan trọng của con người đối với hoạt động này. Mọi hành động của con người phải bắt đầu từ sự nhận thức đúng, có nhận thức đúng mới có hành động đúng. Qua nhận thức đúng, hoạt động của con người mang tính tích cực sáng tạo, đem lại kết quả, từ kết quả đó có tác dụng kích thích sự phấn đấu vươn lên của mỗi chiến sĩ trong đơn vị.
Phát huy cao độ nhân tố chính trị tinh thần của bộ đội
Thấm nhuần quan điểm của V. I. Lenin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của nhân tố chính trị tinh thần trong hoạt động quân sự. Người cho rằng, để nâng cao sức mạnh quân đội thì trước hết phải tăng cường sức mạnh chính trị tinh thần. Là một nhà văn hóa hòa bình, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động quân sự không bao giờ mang tính tự thân mà luôn phục vụ cho mục tiêu chính trị, gắn bó với hoạt động chính trị. Vì thế, “chính trị là vận mệnh của quân đội cách mạng”, nâng cao sức mạnh chiến đấu quân đội trước hết phải nâng cao sức mạnh chính trị - tinh thần của những người cầm súng, nghĩa là phải “người trước, súng sau”. Người khẳng định: “Dù địch có những vũ khí tối tân, hùng binh ác tướng, nhưng chúng ta lại có những thứ vũ khí mạnh mẽ hơn, bền bỉ hơn chúng. Chúng ta có cái chí quật cường không núng của dân tộc, chúng ta có sự đoàn kết của toàn dân. Chúng ta có cái lòng hy sinh cảm tử của chiến sĩ ở tiền tuyến. Chúng ta có cái sức kiên quyết nhẫn nại của đồng bào ở hậu phương. Đó là những vũ khí luôn luôn chiến thắng quân thù, chứ không lực lượng nào chiến thắng được những vũ khí đó” (2). Để yếu tố chính trị tinh thần của bộ đội luôn được phát huy, nhân lên trong mọi điều kiện hoàn cảnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ phải giáo dục cho bộ đội về bản chất quân đội cách mạng, quân đội nhân dân. Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu hy sinh. Ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc, quân đội không còn lợi ích nào khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “trung với Đảng, hiếu với dân” là yêu cầu hàng đầu đối với quân đội.
Phát huy nhân tố chính trị tinh thần của quân đội thể hiện ở sự thấu tỏ nhiệm vụ của mình là “chiến đấu anh dũng; công tác và lao động tích cực” (3), trong đó chiến đấu là chủ yếu. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói với bộ đội: “Riêng về các chú, chính trị biểu hiện ra trong lúc đánh giặc. Học chính cương, chính sách rồi thì phải thực hiện. Nếu thuộc lầu mà không biết đánh giặc thì vô dụng. Cho nên các chú phải học tư tưởng chiến lược, chiến thuật, học cách dạy bộ đội đánh giặc, học phương pháp chỉ huy chiến đấu,v.v... Tóm lại là học để nâng cao trình độ của người chỉ huy” (4). Theo Người, tinh thần chiến đấu của bộ đội tăng lên vững mạnh, khi họ được giác ngộ chính trị cao, bởi lẽ: “Nói về súng, đạn, xe tăng, máy bay thì có cái ta không có. Nhưng tại sao ta nói ta mạnh hơn? Vì thế của ta mạnh hơn. Nói về người lính. Tinh thần anh lính đứng đằng sau khẩu đại bác của địch rất thấp, nên đại bác chỉ là một cục sắt. Còn bộ đội của ta chỉ có tiểu liên nhưng biết vì ai mà đánh, đánh như thế nào, nên tin ở kháng chiến nhất định thắng lợi, tin vào lực lượng tinh thần của dân ta, cái gì làm cũng được” (5). Tăng cường sức mạnh chính trị tinh thần chính là làm cho bộ đội “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(6).
Trong khi khẳng định vai trò quan trọng của nhân tố chính trị tinh thần trong nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh tới vai trò của các nhân tố khác hợp thành sức mạnh chiến đấu của quân đội. Đó là, trang bị vũ khí kỹ thuật, khoa học, hậu phương chiến tranh, chế độ chính sách; sự thương yêu, đùm bọc giúp đỡ của nhân dân đối với quân đội và lực lượng vũ trang; vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản; sự quản lý của Nhà nước, nghệ thuật quân sự; chất lượng huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu;… đặc biệt là vai trò của các tổ chức trong quân đội. Các tổ chức này trực tiếp định hướng, tập hợp và tạo điều kiện cho bộ đội phát huy tính tích cực, tự giác của mình trong hoạt động quân sự. Mỗi nhân tố trên tuy đóng vai trò khác nhau, nhưng có tác động biện chứng tạo nên sức mạnh của quân đội. Người còn cho rằng, sự phấn đấu vươn lên của mỗi người trong quân đội là nhân tố cơ bản nhất, quyết định đến sự trưởng thành của mỗi cán bộ, binh sĩ, của cơ quan, đơn vị và của toàn quân.
Cán bộ phải gương mẫu về mọi mặt, đoàn kết, thương yêu và luôn chăm lo tới đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để phát huy được tính tích cực sáng tạo của con người trong hoạt động quân sự, hình thành ở họ động cơ phấn đấu tốt, khắc phục khó khăn, rèn luyện bền bỉ, một yêu cầu cần phải có là cán bộ phải gương mẫu về mọi mặt, đoàn kết, thương yêu và luôn chăm lo tới đời sống vật chất và tinh thần của chiến sĩ. Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trước bộ đội, làm gương để bộ đội noi theo. Người nhấn mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên “trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến” (7), mà phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, chống sa vào chủ nghĩa cá nhân. Sự trong sáng mẫu mực về lối sống của người cán bộ có tác động to lớn đến nhân cách tốt đẹp của bộ đội.
Sự trong sáng, mẫu mực của cán bộ không chỉ là bản thân mình thực hiện tốt mà còn dạy cho bộ đội làm theo, làm tốt. Cán bộ gương mẫu nghĩa là lời nói phải đi đôi với việc làm, nói ít làm nhiều, bằng việc làm thực tế để lôi cuốn bộ đội. Trong nhiều bài nói, Người đề cập rằng: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (8). Gương mẫu trong việc làm, trong hưởng thụ, trong lối sống của người cán bộ có tác động to lớn tới chiến sĩ. Bởi họ là những cán bộ tiêu biểu cho ngọn cờ lãnh đạo của Đảng trong các đơn vị vũ trang cách mạng, là trung tâm đoàn kết của đơn vị, là “linh hồn”, điểm tựa tinh thần của bộ đội.
Phát huy nhân tố con người trong xây dựng quân đội phải gắn liền với nhiệm vụ chăm lo, tạo ra những điều kiện vật chất, tinh thần cần thiết để mỗi người, mỗi đơn vị, mỗi tổ chức quân đội có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chất lượng, hiệu quả hoạt động thực tiễn phong phú, sinh động của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội theo Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể tách rời với việc thường xuyên chăm lo tới đời sống vật chất, tinh thần của họ. Đây là yếu tố tác động trực tiếp tới sự ổn định tư tưởng và sức khỏe của bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ. Để làm được điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng” (9). Người quan niệm hết sức thiết thực, “thực túc, binh cường” , “ăn no, đánh thắng”. Vì vậy, chăm lo, nuôi dưỡng bảo đảm đời sống, vật chất, tinh thần cho người lính, “phải làm thế nào một bát gạo, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải phải đi thẳng đến chiến sĩ” (10).
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng để phát huy nhân tố con người trong nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội là một tất yếu khách quan. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội thông qua hệ thống tổ chức Đảng, hệ thống chính ủy, chính trị viên trong quân đội sẽ bảo đảm cho quân đội có phương hướng hoạt động đúng. Theo Người, Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội là đặc trưng cơ bản nhất của quân đội cách mạng. Nói chuyện với quân đội về tình hình nhiệm vụ trước mắt tại Hội nghị cao cấp toàn quân (ngày 20-3-1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội… Phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn quân ta” (11). Người cũng khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục” (12).
Đường lối của Đảng là lấy con người làm trung tâm, phát huy nhân tố con người, khơi dậy những tiềm năng với phẩm chất, trí tuệ của con người vào xây dựng và nâng cao sức mạnh chiến đấu quân đội. Người cho rằng, khi bộ đội được quán triệt thấm nhuần đường lối của Đảng, hiểu rõ mục tiêu lý tưởng chiến đấu, mục đích, tính chất của cuộc chiến tranh, phân biệt được đâu là chiến tranh chính nghĩa, đâu là chiến tranh phi nghĩa, bộ đội cầm súng chiến đấu để bảo vệ đất nước, nhân dân, dân tộc, thì đường lối chính trị của Đảng sẽ biến thành hành động cách mạng. Sự giác ngộ chính trị cao của con người là động lực mạnh mẽ giúp họ hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, “phải học tập chính trị. Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng, lại có hại” (13), phải “đưa chính trị vào giữa dân gian” nâng cao ý thức chính trị của từng con người trong quân đội cách mạng. Vì vậy, Đảng phải có đường lối, chính sách đúng, luôn chăm lo mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội. Người cho rằng, đối với binh sĩ, thì từ lời ăn tiếng nói, niềm vui, nỗi buồn, quần áo, nhất nhất phải biết rõ và hết sức chăm nom. Có đồng cam cộng khổ với binh sĩ thì khi dẫn họ đi đâu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi, khi bảo họ đánh, họ sẽ hăng hái đánh. Đảng lãnh đạo quan tâm mọi mặt tới bộ đội, phải săn sóc thường xuyên đến sinh hoạt vật chất của họ: ăn, mặc, nghỉ, luyện tập, công tác, sức chiến đấu. Về mặt tinh thần, phải nâng cao kỷ luật, bài trừ hủ hóa, phát triển văn hóa, và đường lối chính trị trong bộ đội. Đồng thời, Đảng cũng cần có chính sách “khéo” sử dụng con người trong hoạt động quân sự, bố trí sắp xếp đúng người, đúng việc vào các tổ chức quân đội. Vì theo Người, dùng người thực chất là phát huy mọi khả năng, trí tuệ và sở trường của con người nhằm tạo ra sức mạnh quân đội. Dùng người đúng hay sai không chỉ có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của mỗi nhiệm vụ mà tổ chức giao cho đơn vị bộ đội đó thực hiện, mà còn phản ánh sự hiểu biết, trình độ nắm bắt con người, đào tạo, bồi dưỡng con người, đánh giá đúng con người của các tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và cơ quan chính trị các cấp trong quân đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tùy chỗ mà dùng được” (14). Muốn phát huy cao độ tính tích cực của mỗi người trong quân đội, thì công tác cán bộ của Đảng phải quán triệt sâu sắc quan điểm dùng người, hiểu đúng, dùng khéo, thưởng phạt công minh.
Từ những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con người và phát huy vai trò con người trong cách mạng Việt Nam, từ thực trạng về phát huy nhân tố con người trong nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội hiện nay, chúng ta phải không ngừng củng cố, tăng cường, nâng cao nhận thức đúng đắn cho cán bộ, chiến sĩ trong quân đội về vị trí, vai trò của nhân tố con người, tầm quan trọng của việc phát huy nhân tố con người trong nâng cao sức mạnh chiến đấu. Thường xuyên chăm lo xây dựng, bồi dưỡng toàn diện con người đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân đội đặt ra; tiếp tục xây dựng củng cố các tổ chức, các đoàn thể trong quân đội vững mạnh toàn diện; củng cố và vun đắp tình nghĩa quân dân bền chặt, quân đội phải biết “dựa vào dân, dựa chắc vào dân” (15); xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách quân đội và hậu phương quân đội; nêu cao trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân và toàn xã hội trong việc phát huy nhân tố con người nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc./.
-----------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 281
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 219
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 587
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 218
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 199
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 14, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 435
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 16
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 284
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 76
(10) Hồ Chí Minh với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1975, tr. 176
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 365 - 366
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 14, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 435
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 217
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 88
(15) Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr. 130
Thủ tướng mong hàng Việt không “trước tốt, sau kém”  (20/12/2018)
Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc  (20/12/2018)
Chính phủ sẽ hỗ trợ đề án xây dựng Đà Lạt là thành phố thông minh  (20/12/2018)
Xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách thủ tục hành chính  (20/12/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên