Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Từ Đối tác chiến lược đến Đối tác chiến lược toàn diện
TCCSĐT - Hơn 45 năm qua (1972 - 2018), quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ đã phát triển hết sức tốt đẹp, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực quan trọng, nhất là lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh. Đặc biệt hiện nay, trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, Việt Nam được xem là một trong những trụ cột quan trọng nhất.
Từ quan hệ Đối tác chiến lược…
Trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (tháng 7-2007), hai bên ký Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ. Sự kiện này có ý nghĩa trọng đại, đánh dấu bước đột phá mới trong quan hệ hai nước, mở đường cho sự phát triển sâu rộng của quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.
Trước hết, về quan hệ kinh tế, mặc dù so với quan hệ chính trị, quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ có những bước phát triển muộn hơn, song trên nền tảng đối tác chiến lược, quan hệ giữa hai nước trên lĩnh vực này đã đạt được những kết quả quan trọng.
Về thương mại, kim ngạch buôn bán song phương của hai nước có bước phát triển vượt bậc trong những năm qua. Nếu năm 1995, thương mại giữa hai nước mới đạt 72 triệu USD, thì đến năm 2009, kim ngạch thương mại song phương đã tăng lên đáng kể, đạt 2,36 tỷ USD; năm 2013 - 2014 đạt 8,03 tỷ USD… Việc hãng hàng không JetAirways của Ấn Độ mở đường bay thẳng từ New Delhi/Mumbai tới thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2014 góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại cũng như du lịch giữa hai nước.
Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, ấn tượng. Trong 05 năm (2009 - 2013), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ tăng 46,22%/năm (tăng trung bình khoảng 320 triệu USD/năm). Năm 2013, Ấn Độ là quốc gia xếp thứ 16 trong hơn 200 đối tác thương mại của Việt Nam trên thế giới.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong vòng 4 năm qua, Ấn Độ luôn nằm trong nhóm 20/200 quốc gia, lãnh thổ có mức xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất với Việt Nam. Việt Nam xuất sang Ấn Độ chủ yếu các nhóm hàng máy móc, phụ tùng và thiết bị điện tử. Ngoài ra, là các mặt hàng xuất khẩu chính khác, như thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, cao-su… Về phía Ấn Độ, các mặt hàng xuất sang Việt Nam bao gồm sắt thép, thức ăn gia súc và nguyên liệu.
Bên cạnh việc xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam sang Ấn Độ ngày một tăng mạnh, nguồn vốn FDI của Ấn Độ vào Việt Nam theo đó cũng tăng đáng kể. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, năm 2015, Ấn Độ có 95 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 324 triệu USD, xếp thứ 30/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Quy mô vốn bình quân khoảng 3,4 triệu USD/dự án. Hiện nay, các nhà đầu tư Ấn Độ đã đầu tư vào 13/18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân Việt Nam. Đa phần các dự án của Ấn Độ tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngoài ra, dự án FDI của Ấn Độ còn tập trung vào các ngành, như bán buôn, bán lẻ, thông tin truyền thông, xây dựng…
Sự đầu tư của Ấn Độ có mặt tại 23 tỉnh, thành phố của Việt Nam, tuy nhiên, quy mô dự án nhỏ nên tổng vốn đầu tư vào các địa phương này cũng còn rất khiêm tốn. Tập đoàn Tata Group và Bộ Công nghiệp - Thương mại Ấn Độ (MoIT) đã hoàn tất các thủ tục cần thiết để sớm triển khai dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2. Đầu tư của Tata Group vào dự án này thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng của các công ty Ấn Độ vào tiềm năng của thị trường Việt Nam.
Thứ hai, về quan hệ quốc phòng - an ninh. Đây là lĩnh vực còn khá mới mẻ trong quan hệ giữa hai nước. Năm 1994, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực này được thiết lập, với việc hai nước ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng. Tuy nhiên, phải đến nửa sau thập niên 90 của thế kỷ XX, trên nền tảng quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ an ninh - quốc phòng giữa hai nước đánh dấu bước phát triển, với nhiều chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo cấp cao quân đội hai nước. Đặc biệt, vào tháng 3-2000, hợp tác an ninh, quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ được nâng lên một bước khi trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ George Fernandes, hai bên đã ký một số văn bản thỏa thuận về hợp tác lĩnh vực quốc phòng, trong đó đặc biệt quan trọng là Nghị định thư mới về hợp tác quân sự giữa hai nước.
Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee (tháng 8-2014), 07 thỏa thuận đã được ký kết giữa hai bên. Trong đó, tập trung vào việc đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược về chính trị, quốc phòng và hợp tác an ninh, kinh tế... Các nhà lãnh đạo hai nước cho rằng, hợp tác quốc phòng và an ninh là trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Tiếp nối, trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 10-2014), Thủ tướng N. Modi cho rằng, “Hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ với Việt Nam là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của chúng tôi. Ấn Độ tiếp tục cam kết hiện đại hóa lực lượng quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Điều này bao gồm việc mở rộng các chương trình đào tạo vốn đã rất đa dạng, hợp tác tập trận và hợp tác trong cung cấp các thiết bị quốc phòng”(1).
Thời gian qua, hai nước đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại an ninh quốc gia. Đáng chú ý là Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 8 tại thành phố Hồ Chí Minh (ngày 08-11-2013). Hai bên tăng cường các cuộc gặp cấp cao giữa Bộ Quốc phòng hai nước, hợp tác về đào tạo cán bộ, đặc biệt là hợp tác về hải quân, mở rộng hợp tác không quân và thúc đẩy hợp tác phát triển công nghiệp quốc phòng.
Sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee, Ấn Độ đã dành gói tín dụng 100 triệu USD để giúp Việt Nam hiện đại hóa quốc phòng và thắt chặt mối quan hệ hợp tác về năng lượng. Khoản tín dụng này mở ra nhiều cơ hội mới cho hợp tác quốc phòng giữa hai bên. Với những biến đổi sâu sắc về địa - chính trị ở khu vực, những động thái trên đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ của Ấn Độ là mong muốn đóng một vai trò lớn hơn về an ninh ở khu vực này. Mặt khác, cả Ấn Độ và Việt Nam đều nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) (2). Tại cuộc gặp giữa Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên mong muốn và quyết tâm duy trì hòa bình, ổn định, tăng trưởng và thịnh vượng ở châu Á, trong đó khẳng định: “Việt Nam và Ấn Độ nhất trí tự do hàng hải ở Biển Đông không thể bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”.
… đến quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện
Từ nền tảng quan hệ đối tác chiến lược tốt đẹp, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (tháng 9-2016), quan hệ hai nước đã đánh dấu một bước ngoặt mới: nâng mối quan hệ của hai nước lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện. Đây là minh chứng phản ánh sự phát triển sâu rộng, tin cậy và hiệu quả của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ thời gian qua. Qua hai năm nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ kinh tế, quốc phòng - an ninh hai nước từng bước đi vào chiều sâu, thực chất.
Thứ nhất, trên lĩnh vực kinh tế, trong quan hệ thương mại, nếu năm tài chính 2015 - 2016, kim ngạch buôn bán hai chiều Việt Nam - Ấn Độ đạt 7,826 tỷ USD (3), thì hiện nay, sau 2 năm là Đối tác chiến lược toàn diện, thương mại song phương giữa hai nước đã vượt ngưỡng 10 tỷ USD (4). Về hợp tác đầu tư, nếu so sánh thời điểm tháng 9-2016, Ấn Độ có 203 dự án đầu tư tại Việt Nam, với số vốn đăng ký 524 triệu USD, đứng thứ 28/62 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam, thì đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam hiện đạt mức hơn 1,2 tỷ USD. Trong năm 2017, đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam đứng thứ 28/126 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam, với 168 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 756 triệu USD. Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ như TATA, ONGC, Essar… đang đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam (5).
Có thể thấy, trên tầm cao đối tác chiến lược toàn diện, về quan hệ kinh tế, Ấn Độ tiếp tục là một trong mười đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch song phương tăng bình quân 16%/năm trong 10 năm qua (6). Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Ấn Độ không chỉ tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại mà còn dành nhiều ưu tiên cho Việt Nam trong hợp tác phát triển trên tất cả các lĩnh vực quan trọng khác; không chỉ trong khuôn khổ song phương, hai nước còn tiếp tục hợp tác chặt chẽ và ủng hộ nhau tại các diễn đàn đa phương. Việt Nam luôn hoan nghênh những nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Ấn Độ trong triển khai chính sách “Hành động hướng Đông”, tăng cường kết nối, hợp tác phát triển với ASEAN. Với vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Độ ở giai đoạn hiện nay (2015 - 2018), Việt Nam tích cực hợp tác với Ấn Độ, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và các nước ASEAN theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn.
Trong tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ nhân chuyến thăm Ấn Độ của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang tháng 3-2018, hai bên nhất trí cho rằng, việc tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại mạnh mẽ là mục tiêu chiến lược, thành tố cốt lõi của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và cần thiết đối với việc tăng cường quan hệ song phương nói chung,… giao các cơ quan hữu quan hai nước tìm kiếm các biện pháp cụ thể và thiết thực nhằm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 15 tỷ USD vào năm 2020; sớm tổ chức kỳ họp tiếp theo của Tiểu ban Thương mại Hỗn hợp tại Hà Nội vào thời gian sớm nhất trong năm 2018, khuyến khích tăng cường đầu tư hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Thứ hai, quan hệ quốc phòng, hợp tác an ninh. Từ nền tảng quan hệ quốc phòng, an ninh Ấn Độ - Việt Nam được thiết lập năm 1994, quan hệ hợp tác ở lĩnh vực này giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp. Tháng 5-2015, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hai nước đã ký “Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 2015 - 2020” và chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và lực lượng cảnh sát biển Ấn Độ trong việc phối hợp nỗ lực phòng, chống tội phạm và phát triển hợp tác xuyên quốc gia. Tuyên bố nêu trên được xây dựng dựa trên các cơ chế và quá trình quan hệ quốc phòng, an ninh giữa hai quốc gia trước đây, nhằm tăng cường mối quan hệ quốc phòng, an ninh. Tuyên bố đã thể hiện đà phát triển trong việc mở rộng quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam (7). Trong đó, hợp tác quốc phòng giữa hai nước đã được mở rộng ở cả ba quân binh chủng: hải quân, lục quân, không quân và tập trung vào các lĩnh vực, như đào tạo, công nghiệp quốc phòng; đồng thời, hai bên đã ký kết Chương trình hợp tác về các vấn đề gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Thỏa thuận kỹ thuật về chia sẻ thông tin hàng hải phi quân sự.
Về hợp tác an ninh, hai nước tăng cường phối hợp trong các lĩnh vực phòng, chống tội phạm, khoa học hình sự; phòng, chống ma túy, chống khủng bố. Đồng thời, hai nước cũng phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)… Trong vai trò là điều phối viên quan hệ Ấn Độ - ASEAN giai đoạn hiện nay (2015 - 2018), Việt Nam ủng hộ Ấn Độ thực hiện Chính sách “Hành động hướng Đông”, các sáng kiến kết nối khu vực…
Hướng tới tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong tuyên bố chung nhân chuyến thăm Ấn Độ của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang (ngày 04-3-2018), về quốc phòng và an ninh, hai bên nhất trí: Hợp tác quốc phòng - an ninh là trụ cột quan trọng, hiệu quả của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện; hoan nghênh trao đổi đoàn cấp cao về quốc phòng - an ninh, duy trì các cơ chế đối thoại, tăng cường hợp tác giữa các quân, binh chủng, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực an ninh mạng, chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực dưới mọi hình thức, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán người, buôn bán ma túy và an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu và an ninh lương thực…; thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ và khởi động đối thoại cấp thứ trưởng nhằm tăng cường hợp tác trong các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống... Ấn Độ khẳng định luôn sẵn sàng phối hợp với Việt Nam trong hợp tác quốc phòng, đào tạo nâng cao năng lực cho Việt Nam…; nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác hàng hải….
Cùng với những thành tựu đã đạt được ở các lĩnh vực quan trọng khác, có thể thấy, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng và an ninh còn có nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển. Mặc dù quan hệ hợp tác giữa hai bên đã, đang và sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, trở lực, đó là sự thiếu hụt thông tin về đất nước, con người của nhau; sự khó khăn về đi lại; những khác biệt về văn hóa, tôn giáo, tâm lý và thói quen; vấn đề Biển Đông vừa là cơ hội đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho cả hai phía… Tuy nhiên, với những tiềm năng phát triển của hai nước, quyết tâm chính trị tăng cường quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” của lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Ấn Độ, vì lợi ích của mỗi nước và sự ổn định ở khu vực, quan hệ hợp tác kinh tế; quốc phòng, an ninh giữa hai nước thời gian tới đứng trước nhiều triển vọng to lớn. Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để quan hệ hợp tác kinh tế, quốc phòng - an ninh Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục phát triển trên tầm cao Đối tác chiến lược toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả./.
-------------------------------
(1) Thiếu tướng Vinod Anand, Quỹ quốc tế Vivekanada, New Delhi, India: Thành tựu hợp tác quốc phòng, an ninh giữa Ấn Độ và Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Việt Nam - Ấn Độ 45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lực”, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2017, tr. 344
(2) Trần Tuấn Minh: Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Thành tựu và triển vọng, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/1091
(3) PGS, TS Đỗ Đức Định, Hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Việt Nam - Ấn Độ: 45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược”, Tài liệu đã dẫn, tr. 246
(4) Viết tiếp chương mới trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, Báo điện tử Thế giới & Việt Nam, ngày 01-3-2018
(5) Đẩy mạnh quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ, TTXVN/Báo tin tức, ngày 28-02-2018
(6) Đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ phát triển hiệu quả và bền vững, Báo Nhân dân điện tử, ngày 28-02-2018
(7) Thiếu tướng Vinod Anand, Quỹ quốc tế Vivekanada, New Delhi, India, Thành tựu hợp tác quốc phòng, an ninh giữa Ấn Độ và Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Việt Nam - Ấn Độ: 45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lựợc”, Tài liệu đã dẫn, tr. 345
Cùng VietinBank an tâm tích lũy hưởng sức khỏe vàng  (06/12/2018)
Một số vấn đề đặt ra với thực hành dân ca quan họ Bắc Ninh hiện nay  (06/12/2018)
Một số vấn đề đặt ra với thực hành dân ca quan họ Bắc Ninh hiện nay  (06/12/2018)
Giáo dục luôn là ưu tiên trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ  (05/12/2018)
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay