Khủng hoảng di cư: Liên minh châu Âu nỗ lực đạt sự gắn kết
TCCSĐT - Câu chuyện giải quyết vấn đề người di cư của Liên minh châu Âu (EU) bế tắc trong suốt 3 năm qua đã có tín hiệu khai thông khi tại Hội nghị Thượng đỉnh EU hồi cuối tháng 6-2018, “sự hợp tác của châu Âu” đã được đặt trên các lợi ích quốc gia với việc lãnh đạo các nước thành viên EU có cách tiếp cận toàn diện hơn đối với vấn đề này, nhất trí thiết lập các trung tâm kiểm soát người tị nạn.
Cuộc khủng hoảng người tị nạn bùng phát năm 2015, hàng loạt biện pháp, kể cả trên quy mô toàn EU lẫn trong nội bộ từng nước thành viên đã được áp dụng nhằm hạn chế dòng người nhập cư trái phép đổ về châu Âu. EU đã không ngần ngại huy động thêm lực lượng, chi những khoản tiền lớn, từ củng cố biên giới ngoại khối đến tài trợ kinh tế cho các nước liên quan để đổi lại sự hợp tác. Thêm vào đó, các chiến dịch truy quét, phá hủy tàu thuyền của các tổ chức buôn người, các hoạt động tuần tra thường xuyên trên các tuyến đường biển của châu Âu cũng bắt đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, những phương cách được đưa ra dù khá tốn kém, song mới chỉ có tác dụng tạm thời trong ngắn hạn chứ chưa giải quyết được tận gốc cuộc khủng hoảng đang là nguyên nhân gây bất đồng không chỉ giữa các nước EU mà còn xuất hiện ngay trong nội bộ từng nước thành viên.
Những mâu thuẫn tồn tại
Nhiều tranh cãi trong việc phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư bắt buộc. Khi mới bắt đầu diễn ra cuộc khủng hoảng di cư, một số nước Bắc Âu và Tây Âu, như Áo, Bỉ, Hà Lan và Thụy Điển đã từng ủng hộ chính sách mở cửa đón người tị nạn của Thủ tướng Đức A. Merkel, ưu tiên giải quyết vấn đề mang tính nhân đạo, cho phép hàng trăm ngàn người tị nạn vượt biên giới của họ đến các quốc gia này. Các nước Tây Âu khác như Pháp, Anh phản ứng thận trọng hơn và mở cửa ít hơn với người tị nạn. Các quốc gia Trung Âu ngay lập tức đã lựa chọn các chính sách hạn chế di cư. Tuy nhiên, trước tình trạng dòng người tị nạn tập trung nhiều và ngày càng gia tăng vào cuối năm 2015, các nước châu Âu bắt đầu nhìn nhận lại vấn đề. Để thoát khỏi vấn nạn này, EU đã thông qua chương trình phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn nhằm hỗ trợ những nước “cửa ngõ” châu Âu như Italy và Hy Lạp. Đây cũng là cách để các nước cùng thể hiện tinh thần đoàn kết và trách nhiệm chia sẻ gánh nặng chung. Nhưng sự phân bổ đã vấp phải sự phản đối gay gắt của một số nước thành viên Đông và Trung Âu. Nếu như các nước Tây Âu ủng hộ một “sự thống nhất linh hoạt”, sẵn sàng mở cửa tiếp nhận người di cư, thì các nước Đông Âu (như nhóm Visegrad (V4) gồm Ba Lan, Hungary, Slovakia, CH Séc) lại ra sức bác bỏ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn. Thậm chí, nhóm Visegrad đã từ chối không tham dự Hội nghị thượng đỉnh không chính thức về vấn đề người di cư được tổ chức tại Brussels (Bỉ) hồi tháng 6 vừa qua. Việc lựa chọn một chính sách sao cho vừa hiệu quả, vừa đáp ứng được vấn đề nhân đạo vẫn đang là một bài toán hóc búa cho EU.
Ngăn chặn dòng người di cư. Tiếp đó, thay vì tập trung vào những biện pháp cụ thể để giúp đỡ những người tị nạn dễ bị tổn thương, các nhà lãnh đạo châu Âu lại ưu tiên nhiều hơn các biện pháp nhằm ngăn chặn dòng người di cư, buộc nhiều người tị nạn đã chọn phương thức thực hiện hành trình nguy hiểm để đến được châu Âu. Trên thực tế, có hai tuyến đường chính mà người tị nạn đến châu Âu, đó là: Tuyến đường biển Aegean, nối từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp; tuyến đường qua Địa Trung Hải, nối từ Lybia đến Italy. Trong đó, tuyến đường biển Aegean gần như hoàn toàn đóng cửa, một phần do việc kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn ở Balkan, một phần vì thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ được ký kết tháng 3-2016 nhằm trục xuất dòng người di cư “bất thường”.
Tuyến đường qua Địa Trung Hải cũng khó khăn không kém. Năm 2015, một lực lượng cảnh sát phối hợp, được gọi là EUCAP ra đời với mục tiêu hàng đầu là phá các mạng lưới chuyên chở người tị nạn bất hợp pháp qua biển, đã khiến Libya trở thành một trong những điểm khởi hành chính của người di cư tìm cách vượt biển để tới châu Âu. EU đã phải tài trợ cho các cơ quan an ninh Libya, bao gồm cả Lực lượng bảo vệ bờ biển. Tuy vậy, không ai có thể tính được hết số tiền mà EU đã phải chi cho việc triển khai các lực lượng an ninh Libya và số người vượt tuyến đường biển này tính đến nay hơn 650.000 người(1).
Chưa hết, ngày 09-6-2018, mâu thuẫn giữa các nước EU về vấn đề người tị nạn “lại thổi bùng” kể từ sau sự kiện tàu Aquarius của Tổ chức tình nguyện SOS Mediterranee cứu được 629 người di cư tại vùng biển Địa Trung Hải, bị cả Malta và Italy từ chối mở cảng cho tàu cập bờ. Mâu thuẫn này không mới khi trên thực tế, mặc dù EU đã áp dụng cơ chế phân bổ hạn ngạch người nhập cư cho các nước thành viên, song các nước ở sâu trong lục địa vẫn chưa hoàn tất việc áp dụng quy định này, còn những nước ở “tuyến ngoài” vẫn quá tải vì số người tị nạn mắc kẹt tại đây chưa được giải quyết, trong khi những người mới vẫn không ngừng đổ về.
Nhiều khó khăn trong sửa đổi Hiệp ước Dublin. Nhìn chung, chính sách tị nạn chung châu Âu, hay còn gọi là Hiệp ước Dublin(2) đang gây gánh nặng cho các nước “tuyến đầu” của cuộc khủng hoảng như Italy và Hy Lạp, đòi hỏi các nhà lãnh đạo châu Âu phải xem xét có thay đổi phù hợp với tình hình thực tế. Ngày 22-6-2016, EU đã đưa ra thỏa thuận thành lập Cơ quan châu Âu về bảo vệ biên giới và bờ biển (EBCG) có thể can thiệp vào các nước ở vị trí “tiền tuyến” như Hy Lạp và Italy nhằm hạn chế dòng người di cư. EBCG thay thế Cơ quan giám sát biên giới EU (Frontex) với thẩm quyền lớn hơn, có mục tiêu hợp nhất các phương tiện của các nước thành viên EU để kiểm soát tốt hơn các đường biên giới ngoại vi. Trong năm 2017, EBCG đã có 500 nhân viên, kinh phí hoạt động tăng từ 238 triệu euro từ năm 2016 lên 281 triệu euro vào năm 2017. Tới năm 2020, EBCG dự kiến sẽ có kinh phí hoạt động khoảng 322 triệu euro, 1.000 nhân viên chính thức và 1.500 nhân viên dự bị(3).
Một cơ quan khác, Văn phòng hỗ trợ cư trú châu Âu (EASO) có trụ sở tại Malta cũng đang có những điều chỉnh tương tự để trở thành Cơ quan tị nạn mới của EU. Nhân viên và ngân sách của EASO theo đó cũng sẽ tăng lên. Ngân sách của EASO đã tăng từ 53 triệu euro trong năm 2016 lên 87 triệu euro vào năm 2017, dự kiến sẽ tăng lên 114 triệu euro vào năm 2020. Quy mô nhân viên dự kiến sẽ tăng từ 125 người trong năm 2016 lên 500 người vào năm 2020(4). Cơ quan này có nhiệm vụ hài hòa hóa chính sách tị nạn. Bằng cách thu thập và phân tích thông tin về các quốc gia xuất xứ của người tị nạn, cơ quan này sẽ thiết lập khung cơ cấu cho các hoạt động chung do các nước thành viên tiến hành, chẳng hạn như việc chọn lọc và phát hiện vấn đề, việc kiểm tra y tế, giám sát việc đi lại hay cấp thị thực cho người tái định cư.
Những biện pháp của Đức, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy… nhằm đối phó với dòng người di cư trái phép thời gian qua, như tăng cường kiểm soát cửa khẩu, đóng cửa biên giới, siết chặt các điều kiện xét đơn tị nạn, tuy có thể giảm áp lực người di cư, song lại làm nảy sinh mâu thuẫn với các nước láng giềng. Trong khi đó, khối tự do đi lại Schengen chưa thể vận hành trở lại do các nước EU liên tục gia hạn quy định siết chặt kiểm soát biên giới.
Như vậy, hậu quả của việc giải quyết khủng hoảng người di cư tập trung vào các biện pháp “chữa cháy” ngắn hạn của EU chỉ giúp số lượng người tị nạn giảm tạm thời nhưng tính chất khốc liệt và mạo hiểm càng gia tăng. Mặc dù số lượng những người nhập cư trái phép qua biên giới EU đã giảm 96% so với thời điểm năm 2015, nhưng số lượng nạn nhân thiệt mạng hoặc mất tích giảm rất ít. Theo Tổ chức Di trú quốc tế (IMO), số người thiệt mạng trên biển trong năm 2016 là 5.143 người, năm 2017 là gần 3.120 người. Chỉ trong hai tháng đầu năm 2018, con số người di cư thiệt mạng đã là 1.000 người(5).
Những hệ lụy khó lường
Chính trị hóa, phân cực hóa. Cách thức ứng phó với vấn đề nhập cư đã và đang trở thành chủ đề để các thế lực lợi dụng nhằm chính trị hóa, phân cực hóa ở nhiều nước EU, khiến chính phủ các nước thành viên trở nên căng thẳng. Những người chỉ trích toàn cầu hóa thuộc nhiều trường phái chính trị khác nhau xuất hiện ở các nước thành viên EU và đã tập hợp thành một phong trào. Còn ở một số nước, chủ nghĩa dân túy, dân tộc chủ nghĩa đã nhận được sự đồng cảm và trở thành các bên tham gia chính trị quan trọng. Phe ủng hộ chủ quyền quốc gia vốn đang lớn mạnh tại EU, có sự chồng lấn một phần với các xu hướng dân tộc chủ nghĩa, dường như ôn hòa hơn và vì vậy, thành công hơn trong các cuộc bầu cử, điển hình là cuộc bầu cử Quốc hội tại Italy, Áo, CH Séc… thời gian qua.
Tư tưởng bài ngoại. Làn sóng nhập cư ồ ạt không những khiến các nước EU lúng túng, mà còn làm xuất hiện tư tưởng bài ngoại ở một số nơi. Tại Bulgaria, người dân biểu tình yêu cầu cách ly người nhập cư, trong khi đảng cực hữu ở Pháp kêu gọi chấm dứt giáo dục miễn phí cho con em người nước ngoài nhập cư trái phép vào nước này. Đặc biệt, hàng loạt vụ tấn công khủng bố và bạo lực ở châu Âu có liên quan tới người nhập cư và tị nạn đang khiến tâm lý “bài nhập cư” ngày càng gia tăng ở các nước EU. Ngoài các thách thức về an ninh, cuộc khủng hoảng di cư còn kéo theo các nguy cơ chính trị, tác động tới nhiều nước châu Âu. Tâm lý phản đối người nhập cư được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Anh quyết định rời khỏi EU (Brexit) gây chấn động.
Xu hướng dân túy, hoài nghi châu Âu. Không nằm ngoài dự đoán, đảng Liên đoàn Công dân Hungary (FIDESZ) theo đường lối cánh hữu của đương kim Thủ tướng V. Orban đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Quốc hội Hungary ngày 08-4-2018(6). Chiến thắng của ông V. Orban là mối lo mới của EU đối với vấn đề nhập cư. Chính tư tưởng “Hungary trên hết” và đường lối cứng rắn chống người nhập cư trái phép đã giúp ông V. Orban chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Hungary. Không chỉ trong phạm vi Hungary, quan điểm chống nhập cư của Thủ tướng V. Orban đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước châu Âu như Ba Lan, Italy, CH Séc, Áo và một số giới chức chính trị Đức. Kết quả các cuộc bầu cử ở châu Âu, kể cả thất bại của liên minh cầm quyền ở Đức trong cuộc bầu cử cấp bang năm 2017, cùng với sự thắng thế của các đảng cực hữu chống người di cư trên chính trường nhiều nước châu Âu, cho thấy xu hướng dân túy, dân tộc chủ nghĩa, hoài nghi châu Âu đang tỏ ra lấn lướt tại châu lục này.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc. Đáng chú ý, trong bài phát biểu về tầm nhìn cho tương lai châu Âu trước Nghị viện châu Âu (EP) ngày 17-4-2018, Tổng thống Pháp E. Macron so sánh những chia rẽ trong lòng châu Âu hiện nay như là hình thức mới của một cuộc “nội chiến”. Tổng thống Pháp cũng cảnh báo về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, kêu gọi bảo vệ công dân châu Âu khỏi mối đe dọa của chiến tranh và chế độ độc tài. Tổng thống E. Macron bày tỏ mong muốn xây dựng một quỹ tài trợ của châu Âu cho các cộng đồng tiếp nhận người tị nạn(6). Tổng thống E. Macron cho rằng, đã đến lúc số phận của châu Âu cần được định đoạt, EU cần tiến lên phía trước, còn những người không ủng hộ con đường này sẽ phải chấp nhận ở “bên lề” của châu Âu. Nhưng nhiều người đang hoài nghi về tính hiệu quả xung quanh các đề xuất của Tổng thống E. Macron. Thực tế là, nội bộ nước Pháp đang chia rẽ xung quanh chính sách nhập cư và ngay bản thân nội bộ đảng Nền Cộng hòa tiến bước (LREM) của Tổng thống Pháp cũng bị chia rẽ vì vấn đề này.
Cần những giải pháp khai thông
Sự kiện Brexit và uy tín ngày càng tăng của các đảng cực hữu ở Tây Âu đã tạo nghi vấn về một châu Âu đoàn kết lâu dài. Căng thẳng chủng tộc, dân số, vấn nạn di cư… được cho là sẽ khiến quá trình hội nhập châu Âu trở nên khó khăn hơn. Đáng chú ý, gần đây có nhiều tiếng nói bày tỏ quan ngại rằng, châu Âu sẽ tiếp tục phải đối mặt với một làn sóng lớn người nhập cư, đi cùng với đó là mối đe dọa an ninh luôn tiềm ẩn, gây mất ổn định và tác động đến đời sống của người dân trong khu vực. Thậm chí có quan điểm còn cho rằng, các thế lực bên ngoài đang sẵn sàng tiếp tay với các phần tử xấu để làn sóng người nhập cư này tiếp tục xảy ra, đe dọa nền văn hóa truyền thống, hệ thống luật pháp và đời sống người dân châu Âu. Châu Âu vì thế sẽ có nguy cơ bị đánh mất giá trị truyền thống vốn có nếu làn sóng này không được ngăn chặn. Những phản ứng và biện pháp vừa qua của EU là chưa đủ mạnh, phần nhiều mang tính tình thế. Vì vậy, các lãnh đạo EU đều hiểu rằng, họ buộc phải hành động quyết liệt hơn trong bối cảnh hiện nay.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra ở Brussel (Bỉ) tháng 6-2018, sau nhiều nỗ lực kêu gọi sự đoàn kết, các nước thành viên EU đã đạt được nhất trí về việc thiết lập các trung tâm tiếp nhận người tị nạn. Đây là một tín hiệu tốt, song vẫn còn nhiều việc phải làm để tiếp tục thu hẹp bất đồng giữa các nước thành viên.
Trước tiên, thúc đẩy việc triển khai các trung tâm tiếp nhận người tị nạn ở cả trong và ngoài khu vực. Theo giới lãnh đạo EU, các trung tâm này sẽ có nhiệm vụ sàng lọc người tị nạn, theo đó chỉ những người tị nạn chiến tranh, trốn tránh xung đột mới được xử lý hồ sơ còn các dạng tị nạn kinh tế sẽ bị gạt bỏ và bị trả lại ngay lập tức các nước xuất phát. Đây được xem là một điểm đột phá so với các biện pháp trước kia, bởi việc lập ra các điểm tiếp nhận này, hay còn được gọi là các “hot-spot”, trước đây vốn bị nhiều nước phản đối. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mặc dù đồng ý về mặt nguyên tắc, nhưng những trạm tiếp nhận này sẽ đặt ở đâu thì EU vẫn chưa có câu trả lời. Hiện tại, các nước Bắc Phi như Algeria, Tunisia, Maroc, hay Albania ở Nam Âu đã công khai tuyên bố không ủng hộ việc đặt các trạm này trên lãnh thổ của mình, trong khi việc đặt tại Libya lại quá rủi ro do quốc gia này vẫn đang trong tình trạng bất ổn chính trị nghiêm trọng.
Tương tự, mọi biện pháp liên quan đến các trung tâm kiểm soát này, bao gồm việc di dời và tái định cư đều được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, tức là không có điều khoản bắt buộc một nước thành viên EU phải gánh trách nhiệm. Chính vì yếu tố “tự nguyện” này nên cả Pháp, Italy hay Tây Ban Nha đều ngỏ ý từ chối việc xây dựng các trung tâm này trên lãnh thổ của mình.
Hai là, xây dựng kế hoạch tài chính và tài trợ hiệu quả.
Vấn đề khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội ở các nước khu vực Bắc Phi - Trung Đông được coi là nguyên nhân trực tiếp (nội tại) gây ra cuộc khủng hoảng di cư. Để giải quyết các hệ lụy này, các nước thành viên EU thời gian qua đã không thể giúp đỡ nhiều những người tị nạn ở châu Âu vì những áp lực trong nước và các mối đe dọa về an ninh, nhưng nếu EU tăng nguồn tài trợ một cách hợp lý thì có thể làm tăng tốc độ khôi phục các khu vực bị chiến tranh tàn phá. Thay vì đổ lỗi cho Ba Lan và các nước Visegrad khác vì không chấp nhận người tị nạn, Brussels cần liên kết với họ để xây dựng kế hoạch tài chính và tài trợ có hiệu quả để ngăn chặn cuộc xung đột ở Syria, giúp tạo ra một môi trường ổn định và an toàn cho người Syria và người Iraq ở quê nhà...
Ba là, tăng cường các hoạt động bảo vệ biên giới, đồng thời coi trọng yếu tố truyền thông trong điều tiết luồng người di cư.
Các cơ quan thực thi pháp luật nhận thấy, tình trạng di dân bất thường và buôn lậu người là một mối đe dọa an ninh vì có sự tham gia ngày càng tăng của các mạng lưới tội phạm. Các nhà phân tích an ninh nghiên cứu khu vực Sahel cho rằng, đối với những kẻ buôn lậu, con người chỉ là một mặt hàng. Thay vì buôn lậu ma túy, vũ khí và các hàng hóa khác, chúng buôn người. Không có bằng chứng nào rõ ràng cho thấy chúng thuộc chủ nghĩa bạo lực cực đoan, nhưng cũng có lo ngại rằng, không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu nguồn thu nhập này của chúng bị tước mất. Fabrice Leggeri, người đứng đầu Frontex cho rằng, truyền thông sẽ là “chìa khóa” để xóa nhòa những viễn cảnh mà những kẻ buôn người vẽ ra cho người di cư về một cuộc sống mới ở châu Âu. Robert Crepinko, người đứng đầu Trung tâm chống buôn người di cư thuộc Tổ chức cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết, tính đến cuối năm 2017, đã có 65.000 kẻ buôn người bị tình nghi trong cơ sở dữ liệu của cơ quan này(7). Hoạt động buôn người đang bùng nổ, dù lượng người di cư có giảm đi. Đây tiếp tục là vấn đề nhức nhối của châu Âu nói riêng, thế giới nói chung.
Bốn là, tăng cường phối hợp trong việc quản lý khủng hoảng di cư.
Các tổ chức của EU đã trở nên hiệu quả hơn khi làm việc với các nước thứ ba để chống lại việc buôn lậu người, chống lại việc tạo điều kiện thuận lợi cho những người di cư bất hợp pháp và phát triển các công cụ để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của di cư, tuy vẫn còn những khoảng trống lớn. Đối với tuyến đường đi qua trung tâm Địa Trung Hải, EU sẽ tăng cường các nỗ lực ngăn những kẻ buôn người đưa người di cư khỏi Libya hay bất kỳ nơi nào khác. EU sẽ tiếp tục sát cánh với Italy và các mặt trận khác trong vấn đề này. Tại tuyến đường phía Đông Địa Trung Hải, các bên sẽ đẩy mạnh việc thực thi đầy đủ thỏa thuận giữa EU - Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó ngăn tình trạng vượt biên từ quốc gia này. Trong bối cảnh dòng người di cư đổ về từ phía Tây Địa Trung Hải, EU sẽ hỗ trợ tài chính, đặc biệt là cho Tây Ban Nha, các nước là điểm xuất phát hoặc là trung chuyển như Maroc để ngăn tình trạng di cư bất hợp pháp.
Trong nội khối, về lâu dài, các nhà lãnh đạo EU nhận thức, Hiệp ước Dublin sẽ chỉ bền vững khi được củng cố bởi các chính sách chung rõ ràng và một cơ chế thực thi mạnh mẽ.
Năm là, giải quyết tận gốc vấn đề nhập cư trái phép.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bất kỳ giải pháp nào đối với thách thức di dân đều phải tập trung vào việc thúc đẩy sự phát triển ở các quốc gia xuất phát điểm di cư. Đối với châu Âu, trọng tâm cần tập trung là châu Phi, nguồn di cư chủ yếu. Tăng trưởng kinh tế nhanh hơn ở châu Phi theo thời gian sẽ làm giảm đáng kể áp lực mà châu Âu phải đối mặt. Sự phát triển lâu dài của châu Phi tất yếu sẽ đòi hỏi sự ổn định chính trị và hòa bình hơn. Các nước châu Âu cần thúc đẩy các nỗ lực kinh tế, ngoại giao,… nhằm giúp các nước khu vực Bắc Phi - Trung Đông ổn định tình hình, loại trừ khủng bố, chấm dứt xung đột, lập lại hòa bình. Chỉ có như vậy mới có thể giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay một cách căn bản, lâu dài, góp phần ổn định tình hình an ninh, kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân ở khu vực đầy biến động này. EU cho rằng, việc giải quyết tận gốc vấn người di cư đòi hỏi mối quan hệ đối tác với châu Phi phải hướng tới sự chuyển biến đáng kể đối với kinh tế - xã hội của châu lục này. Trước mắt, EU nhất trí chuyển 500 triệu euro (582,6 triệu USD) từ Quỹ Phát triển châu Âu (EDF) sang Quỹ EU tại châu Phi(10).
Có thể nói, việc đạt được sự nhất trí đối với vấn đề tiếp nhận người tị nạn mới chỉ được coi là tạm thời tháo ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu. Do vậy, trong thời gian tới, EU vẫn còn nhiều vấn đề cần sự chung tay chia sẻ trách nhiệm./.
----------------------
(1) Vấn đề người di cư: Khoảng 100 người có thể đã chết đuối gần Tripoli (Libya), TTXVN, ngày 29-6-2018
(2) Hiệp ước Dublin quy định những người di cư đến châu Âu chỉ có thể xin quy chế tị nạn ở quốc gia đầu tiên thuộc EU mà họ đến. Với quy định này, hàng vạn người có thể bị trả về những nước nằm ở “cửa ngõ” EU nếu không được nước mà họ muốn xin tị nạn chấp nhận.
(3) EU remain unprepared for next migration crisis pub, https://carnegieeurope.eu, ngày 03-04-2018
(4) Tlđd, https://carnegieeurope.eu, ngày 03-04-2018
(5) Cuộc khủng hoảng người tị nạn đang “nóng” trở lại tại châu Âu, TTXVN, 25-6-2018
(6) Bầu cử Quốc hội Hungary: FIDESZ toàn thắng hứa hẹn chính sách cứng rắn hơn với EU, https://vnanet.vn/webdichvu/vi-VN/LienKetTin/224704.aspx? news=fbGE9VGp9r8=, ngày 10-4-2018
(7) Vấn đề người di cư: Pháp đề xuất giải pháp cho vấn đề người tị nạn tại châu Âu, https://vnanet.vn/webdichvu/vi-VN/LienKetTin/225429.aspx?news=ox/R/ zmyBmo=, ngày 17-4-2018
(8) Crisis-hit EU faces increasing numbers of migrant smugglers, https://www.dailysabah.com, ngày 06-4-2018
(9) EU đưa ra tuyên bố chung về người di cư sau 10 giờ họp căng thẳng, TTXVN, 29-6-2018
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Y tế tư nhân cần hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân  (15/08/2018)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 06 đến ngày 12-8-2018)  (15/08/2018)
Khai giảng Lớp Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII  (14/08/2018)
Tiếp tục đổi mới tư duy về đối ngoại và phát triển đất nước  (14/08/2018)
Gặp mặt kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng  (14/08/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên