Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 16 đến 22-7-2018)
TCCSĐT - Sau khi chính thức bình thường hóa quan hệ, Ethiopia lần đầu tiên bổ nhiệm đại sứ nước này tại Eritrea sau 2 thập niên căng thẳng ngoại giao song phương và Eritrea đã rút binh sĩ khỏi khu biên giới tranh chấp với Ethiopia. Đây được coi là bước tiến trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia láng giềng ở vùng sừng châu Phi này.
Bước tiến trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Eritrea và Ethiopia
Ông Redwan Hussein được bổ nhiệm làm Đại sứ Ethiopia tại Eritrea. Ảnh: AFP/TTXVN
Eritrea vốn là một tỉnh của Ethiopia trước đây. Sau 30 năm chiến tranh đòi độc lập và tách khỏi Ethiopia, năm 1993, Ethiopia đã đồng ý để Eritrea tách ra thành một quốc gia độc lập. Song do việc phân định đường biên giới giữa Ethiopia và Eritrea chưa rõ ràng cùng với nhiều vấn đề khác đã khiến quan hệ hai nước ngày càng rạn nứt và dẫn tới bùng nổ cuộc xung đột tranh chấp khu vực đường biên giới chung vào tháng 5-1998. Sau nhiều nỗ lực ngoại giao, sự trung gian hòa giải của nhiều nước, tổ chức quốc tế, tháng 6-2000, hai bên đã ký Hiệp định ngừng bắn. Tiếp đó, ngày 12-12-2000, hai bên ký kết Hiệp định hòa bình. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã được triển khai tại khu đệm ở dọc biên giới hai nước, vào sâu lãnh thổ Eritrea 25km để giám sát việc thực hiện Hiệp định hòa bình. Theo Hiệp định hòa bình, một ủy ban độc lập có nhiệm vụ điều hành khu vực tranh chấp giữa Ethiopia và Eritrea. Tuy nhiên, Eritrea không chấp nhận phán quyết của ủy ban này, cho rằng Badme, thành phố quan trọng mang tính biểu tượng mà cả Eritrea và Ethiopia đều tuyên bố chủ quyền, phải được trao cho Eritrea. Chính vì vậy, trong suốt những năm qua, khu vực biên giới chung giữa hai nước vẫn căng thẳng và tiềm ẩn nguy cơ xung đột vũ trang.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 4-2018, Thủ tướng Ethiopia A. Ahmed đã đề xuất nước này sẽ rút quân khỏi khu vực tranh chấp và muốn tổ chức đàm phán nhằm chấm dứt căng thẳng. Đáp lại thiện chí trên, ngày 20-6, Tổng thống Eritrea I. Afwerki đã miêu tả những lời đề nghị hòa đàm trên của Ethiopia là “những dấu hiệu tích cực”. Tuy nhiên, phía Eritrea nêu rõ, việc phân định biên giới phải được hoàn thành trước khi tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào về bình thường hóa quan hệ song phương.
Ngày 26-6, đoàn đại biểu cấp cao Eritrea do Ngoại trưởng Osman Saleh dẫn đầu đã có chuyến thăm lịch sử Ethiopia. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một phái đoàn cấp cao Eritrea kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước 1998 - 2000, cho thấy những tín hiệu tích cực nhằm chấm dứt hai thập niên xung đột và đối đầu giữa hai quốc gia láng giềng này. Trong khuôn khổ chuyến thăm Eritrea kể từ ngày 08-7, Thủ tướng Ethiopia A. Ahmed cho biết, hai nước đã bình thường hóa quan hệ, mở cửa trở lại các đại sứ quán và biên giới, nối lại hoạt động giao thông hàng không và hoạt động của các cảng biển. Sau chuyến thăm Eritrea của Thủ tướng Ethiopia A. Ahmed, ngày 14-7, Tổng thống Eritrea I. Afwerki đã thực hiện chuyến thăm tới Ethiopia nhằm thúc đẩy hòa giải giữa hai nước từng thù địch.
Việc Ethiopia lần đầu tiên bổ nhiệm đại sứ nước này tại Eritrea sau 2 thập niên căng thẳng ngoại giao song phương và Eritrea đã rút binh sĩ khỏi khu biên giới tranh chấp với Ethiopia là dấu hiệu mới nhất cho thấy nỗ lực của hai nước trong việc bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh biên giới ác liệt.
FTA Nhật Bản - EU sẽ tạo ra một khối kinh tế chiếm tới 30% GDP toàn cầu
Thủ tướng Nhật Bản S. Abe và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Hội đồng châu Âu D. Tusk sau khi ký kết Hiệp định tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Sau 5 năm đàm phán, EU và Nhật Bản đã chính thức khép lại các cuộc đàm phán thương mại bằng việc ký kết thỏa thuận thương mại tự do (FTA) ngày 17-7. Theo đó, thương mại giữa hai bên sẽ được tăng cường trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng.
Sau khi Nhật Bản và EU ký kết FTA, các nhà lãnh đạo hai bên cũng như lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản đã lên tiếng hoan nghênh. Chủ tịch Hội đồng châu Âu D. Tusk tuyên bố thỏa thuận thương mại tự do này là một “thông điệp rõ ràng” chống chủ nghĩa bảo hộ. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng với việc ký thỏa thuận này, EU và Nhật Bản đang phát đi thông điệp về thương mại tự do và công bằng, và các bên trở nên mạnh và giàu có hơn khi cùng nhau hợp tác.
Thỏa thuận FTA được ký trong bối cảnh cả EU và Nhật Bản, những đồng minh lâu đời của Mỹ, đều nằm trong danh sách các nước và khu vực bị Washington áp thuế mới. Theo ông Jean-Claude Juncker, thỏa thuận này cho thấy thương mại không chỉ là thuế quan và rào cản, mà nó là giá trị. Ông khẳng định, “không có sự bảo hộ trong chủ nghĩa bảo hộ”.
Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu D. Tusk, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe đã mô tả thỏa thuận FTA mới được ký cho thấy những ưu điểm của thương mại tự do vượt trội chủ nghĩa bảo hộ.
Nhật Bản và EU bắt đầu đàm phán thỏa thuận thương mại tự do song phương từ năm 2013. Hai bên đạt được thỏa thuận nguyên tắc tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản - EU vào tháng 7-2017 và nhất trí đạt được thỏa thuận cuối cùng vào tháng 12-2017. Theo các nội dung trong thỏa thuận, Nhật Bản sẽ dỡ bỏ thuế quan đối với 94% hàng hóa nhập khẩu từ EU, trong đó có 82% các sản phẩm nông, ngư nghiệp. Đổi lại, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99% hàng nhập khẩu từ Nhật Bản. EU cũng sẽ xóa bỏ thuế đối với các sản phẩm chủ lực của Nhật Bản.
Việc Nhật Bản - EU ký kết FTA sẽ tạo ra một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn thế giới với khoảng 600 triệu dân. Cũng cần phải nói thêm rằng cả EU và Nhật Bản đều đang tham gia tích cực vào các liên minh thương mại lớn nhất hiện nay. Cụ thể, EU trong những năm gần đây đang tích cực đàm phán với Mỹ về Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), tiếp tục các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm với khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR). Còn Nhật Bản đang tham gia CPTPP, cũng như Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) hứa hẹn sẽ được ký kết trong năm nay. Do vậy, việc ra đời của hiệp định đối tác thương mại mới giữa hai “người chơi” chính và quan trọng trong nền kinh tế thế giới sẽ có tác động tích cực tới thương mại quốc tế.
FTA giữa EU và Nhật Bản sẽ mang đến những lợi ích to lớn cho nền kinh tế các quốc gia thành viên khi EU là đối tác thương mại quan trọng thứ 3 của Nhật Bản và Nhật Bản xếp vị trí thứ 6 về trao đổi thương mại với EU. Theo số liệu thống kê, kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản và EU đạt khoảng 125 tỷ euro (148,69 tỷ USD)/năm). Với EU, sau khi gỡ bỏ các rào cản thương mại, theo ước tính sơ bộ, lượng hàng xuất khẩu của các nước EU sang Nhật Bản với thị trường hơn 126 triệu dân và GDP 5.405 tỷ USD sẽ tăng thêm 30%. Các công ty châu Âu sẽ được tiếp cận thị trường để cung cấp hàng hóa cho 48 thành phố lớn của Nhật Bản và tất nhiên là các công ty này sẽ được gỡ bỏ các rào cản tại thị trường Nhật Bản trong việc cung cấp sản phẩm trong lĩnh vực giao thông đường sắt, vốn sẽ đóng vai trò quan trọng trong thị trường nội địa. Ngược lại, lượng hàng xuất khẩu của Nhật Bản vào thị trường EU sẽ tăng 23,5%, mang lại nhiều cơ hội và việc làm hơn.
Trung Đông: Nấc thang căng thẳng mới
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: EPA/TTXVN
Sau nhiều tháng tranh cãi chính trị, Quốc hội Israel đã thông qua luật Quốc gia dân tộc Do Thái, trong đó coi Israel là nhà nước của người Do Thái và Jerusalem là thủ đô. Động thái này đã gây chia rẽ ngay trong chính nội bộ Israel, đồng thời khiến Palestine và cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối.
Ngày 19-7, dự luật Nhà nước Do Thái, vốn được chính phủ cánh hữu Israel ủng hộ, đã được thông qua. Trước đó, được ban hành ngay sau lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Nhà nước Israel vào ngày 19-4, luật Quốc gia dân tộc Do Thái chủ yếu mang tính biểu tượng này quy định “Israel là quê hương lịch sử của người Do Thái và họ có quyền tự quyết định vận mệnh quốc gia của nước này”. Luật cũng cấm sử dụng tiếng Arab như là một ngôn ngữ chính thức song song với tiếng Do Thái và cấp cho ngôn ngữ này “quy chế đặc biệt” để được phép tiếp tục sử dụng trong các tổ chức Israel. Một điều khoản khác gây tranh cãi là việc khuyến khích phát triển các khu định cư người Do Thái và coi đó là vì lợi ích quốc gia của Israel.
Sau khi Quốc hội Israel thông qua dự luật Nhà nước Do Thái, một loạt các thành viên đối lập trong Quốc hội Israel cũng như cộng đồng người Arab ở Israel và cộng đồng quốc tế đã lên án cuộc bỏ phiếu này. Người đứng đầu liên minh Danh sách Chung, chủ yếu gồm người Arab, Ayman Odeh coi dự luật Nhà nước Do Thái “đặt dấu chấm hết đối với nền dân chủ Israel”. Hiện, tại Israel có khoảng 1,8 triệu người Arab, chiếm khoảng 20% trong 9 triệu dân ở nước này. Cộng đồng người Arab ở Israel đã chỉ trích gay gắt dự luật Nhà nước Do Thái, cho rằng dự luật này mang tính phân biệt chủng tộc.
Tổng thống Palestine M. Abbas nhấn mạnh luật mới “sẽ không làm thay đổi tình hình lịch sử của Jerusalem là thủ đô bị chiếm đóng của Nhà nước Palestine”. Tuyên bố cũng khẳng định Luật Quốc gia dân tộc Do Thái sẽ không ngăn cản người Palestine trong cuộc đấu tranh hợp pháp chống lại sự chiếm đóng của Israel và thành lập một nhà nước độc lập của mình. Liên đoàn Arab (AL) cũng đã lên án Quốc hội Israel.
Trong suốt quá trình lịch sử tồn tại, Jerusalem đã chứng kiến nhiều cuộc xung đột đẫm máu nhằm tranh giành vùng đất linh thiêng này. Jerusalem có một vị trí rất quan trọng trong đức tin của 3 tôn giáo lớn trong khu vực là Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo. Và trong lúc tiến trình hòa bình Israel - Palestine vẫn trong tình trạng bế tắc nhiều năm qua, thì việc Tổng thống Mỹ D. Trump ngày 06-12-2017 chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã khiến cho “chảo lửa” Trung Đông bùng nổ. Việc Quốc hội Israel thông qua luật Quốc gia dân tộc Do Thái một lần nữa khiến tiến trình hòa bình Trung Đông tiếp tục đứng trước chông gai.
EU - Trung Quốc thúc đẩy hợp tác kinh tế khi căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk. Ảnh: TTXVN
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang leo thang giữa Mỹ với Trung Quốc và EU, Trung Quốc và EU đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thường niên tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 16-7. Hội nghị đã kết thúc với việc hai bên nhất trí thúc đẩy tiếp cận thị trường.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu D. Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Chủ tịch Hội đồng châu Âu D. Tusk đã kêu gọi Mỹ, Trung Quốc và Nga phối hợp với nhau để tránh một “cuộc xung đột và hỗn loạn” thương mại nhằm ngăn chặn nguy cơ căng thẳng thương mại biến thành một cuộc đối đầu khốc liệt. Về phần mình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, nước này muốn hướng đến thương mại cân bằng hơn với EU. Theo ông, Trung Quốc cần thúc đẩy các cuộc đàm phán hiệp định đầu tư với EU và cả hai bên cần chia sẻ mục tiêu sớm hoàn tất các thỏa thuận.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ và duy trì thương mại tự do cũng như chủ nghĩa đa phương. Vốn từ lâu thường bị cáo buộc gây khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài với các biện pháp bảo hộ, Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi cách nhìn nhận trên giữa lúc cuộc chiến thương mại leo thang bằng cách thông qua những khoản đầu tư lớn, như dự án hóa dầu trị giá 10 tỷ USD của công ty BASF (Đức). Trước động thái trên của Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker cho rằng, Trung Quốc có thể mở cửa nền kinh tế nếu đây là điều mà quốc gia Đông Á này mong muốn.
Hội nghị thượng đỉnh thường niên giữa EU và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang leo thang giữa Mỹ với Trung Quốc và EU. Trước các biện pháp “ăn miếng, trả miếng” giữa Mỹ với EU và Trung Quốc, các chuyên gia nhận định căng thẳng thương mại sẽ gây tác động tiêu cực tới các nền kinh tế này, đồng thời tạo ra nguy cơ nghiêm trọng đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Hầu hết các nhà phân tích kinh tế đều nhận định, khi Mỹ và Trung Quốc cùng bấm nút “khai hỏa” cuộc chiến thương mại “lớn nhất trong lịch sử kinh tế”, cuộc chiến này sẽ để lại hậu quả không nhỏ đối với nền kinh tế đầu tàu thế giới. Nhất là khi Mỹ cũng đang phải hứng chịu hậu quả sau khi đánh thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm nhập khẩu từ Canada, Mexico và EU.
Và dù các chuyên gia Trung Quốc khẳng định, căng thẳng thương mại với Mỹ chỉ tác động hạn chế tới nền kinh tế thứ hai thế giới, song nhà kinh tế trưởng của DBS, ông Taimur Baig cho rằng, một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể làm mất đi 0,25% GDP của cả hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc trong năm 2018, và tình hình sẽ còn tồi tệ hơn trong năm tới, khi mà cả hai nước đều phải chứng kiến độ sụt giảm về tăng trưởng kinh tế khoảng 0,5% hoặc cao hơn nữa. Trong khi đó, với EU - nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc - thiệt hại do chính sách tăng thuế của Mỹ gây ra là đáng kể. Mức thuế mới sẽ dẫn đến sự suy giảm đột ngột lượng xuất khẩu sang Mỹ, trong khi khối lượng thép không vào được Mỹ nhiều khả năng sẽ dội ngược lại thị trường các nước EU khiến nguồn cung tại EU càng trở nên dư thừa. Giới phân tích kinh tế ước tính các nhà xuất khẩu châu Âu bị nhắm đến bởi các biện pháp mới của Mỹ sẽ bị thiệt hại khoảng 6 tỷ euro.
Trước thực tế này, rõ ràng việc Trung Quốc và EU nhất trí thúc đẩy tiếp cận thị trường cho thấy nỗ lực tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai bên. Bởi hơn ai hết, cả EU và Trung Quốc đều hiểu rõ những tổn thất nặng nề họ sẽ phải gánh chịu khi căng thẳng thương mại với Mỹ tiếp tục leo thang.
Nỗ lực thúc đẩy CPTPP có hiệu lực vào đầu năm 2019
Đại diện các nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP ở Santiago ngày 08-3. Ảnh: THX/TTXVN
Sau khi ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các nước tham gia đã nhóm họp tại tỉnh Kanagawa, Nhật Bản trong hai ngày 18 và 19-7, nhằm thúc đẩy CPTPP sớm có hiệu lực, đồng thời trao đổi việc mở rộng các thành viên tham gia hiệp định. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh gia tăng quan ngại trên thế giới về chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản K. Umemoto bày tỏ mong muốn CPTPP sẽ sớm có thể phát huy hiệu lực vào đầu năm 2019. Theo quy định thống nhất giữa các quốc gia, CPTPP sẽ bắt đầu có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi ít nhất 6 nước tham gia hiệp định này hoàn thành thủ tục thông qua trong nước. Cho đến nay đã có 3 nước là Nhật Bản, Mexico và Singapore hoàn tất thủ tục phê chuẩn. Australia, New Zealand và Việt Nam là các quốc gia dự kiến sẽ phê chuẩn hiệp định này trong năm 2018. Do đó, dự kiến CPTPP sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019.
Cuộc họp cũng thảo luận về gói thủ tục liên quan tới quốc gia mới muốn tham gia CPTPP, sau khi hiệp định này có hiệu lực. Hiện tại các nước như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Colombia được cho là đang có nguyện vọng tham gia. Ngoài ra, các trưởng đoàn đàm phán đã bàn về việc thành lập một ban thư ký.
Theo giới chuyên gia, sau khi có hiệu lực, hiệp định CPTPP sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại thuộc hàng lớn nhất thế giới, với một thị trường lên tới 500 triệu dân và GDP vào khoảng 10.000 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn cầu và chiếm 15% tổng thương mại toàn cầu. Quan trọng hơn, CPTPP sẽ tượng trưng cho tầm nhìn mới về thương mại toàn cầu trong bối cảnh Tổng thống Mỹ D. Trump vừa chính thức áp thuế mới đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu cùng nhiều hàng hóa khác nhập từ EU, Canada, Mexico và Trung Quốc có tổng trị giá lên tới nhiều tỷ USD.
Giới chuyên gia toàn cầu cũng nhìn nhận CPTPP như một câu trả lời đầy thách thức với chủ nghĩa bảo hộ. Y. Funabashi, Chủ tịch cơ quan tư vấn Sáng kiến châu Á - Thái Bình Dương, viết trong bài bình luận đăng trên tờ Washington Post đầu năm nay rằng: “Thế giới sẽ không đơn giản ngừng lại chỉ vì sự quay lưng của Mỹ”. J. Meltzer, học giả cấp cao về kinh tế toàn cầu và chương trình phát triển tại Viện Brookings, khẳng định CPTPP đẩy Mỹ vào thế bất lợi từ cả góc độ thương mại và chiến lược rộng hơn.
Việc các quốc gia thành viên thúc đẩy CPTPP sớm có hiệu lực, đồng thời nhất trí sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán với các nước muốn gia nhập CPTPP ngay trong năm 2019 sau khi hiệp định này có hiệu lực diễn ra vào thời điểm căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác đang leo thang càng khiến dư luận xem sự kiện này là một thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên ở nhiều nơi trên thế giới, vốn đang trở thành rào cản đối với tăng trưởng thương mại toàn cầu./.
Chế độ hỗ trợ người có công với cách mạng đang định cư ở nước ngoài  (24/07/2018)
Sơ kết công tác phối hợp vận hành Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau  (24/07/2018)
Chuẩn bị cho vận hành lại toàn bộ Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ  (24/07/2018)
Chủ tịch Quốc hội đón, hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Australia  (23/07/2018)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên