Bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường cho sự phát triển ổn định, bền vững
1. Trật tự an toàn xã hội là kết quả của một trạng thái xã hội ổn định, bền vững được điều chỉnh bởi hệ thống quy phạm pháp luật, đạo đức và chính trị. Đó là trạng thái mong muốn tất yếu của một xã hội có nhà nước. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội là hai bộ phận chủ yếu của an ninh quốc gia, có liên hệ mật thiết với nhau, từ vấn đề trật tự an toàn xã hội có thể chuyển hóa thành vấn đề an ninh chính trị và các thế lực thù địch, phản động luôn luôn tìm cách lợi dụng các vấn đề của trật tự an toàn xã hội để thổi phồng, kích động chuyển hóa thành các vấn đề an ninh chính trị.
Ngay từ những năm đầu tiên thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đặc biệt đến công tác an ninh trật tự. Trong Sắc lệnh số 23 ngày 21-02-1946, Người nêu rõ khái niệm bảo vệ “an toàn quốc gia” và giữ gìn “trị an, trật tự”. Trong quá trình phát triển đất nước, bên cạnh việc quan tâm bảo đảm an ninh chính trị, Đảng, Nhà nước cũng đặc biệt coi trọng nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nghị quyết số 31/BCT của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1980 về “Nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới” đã xác định bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội là hai bộ phận gắn bó chặt chẽ với nhau trong nhiệm vụ chung bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Hội nghị Trung ương 8 khóa XI ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trong đó xác định trong bất kỳ tình huống nào, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tiếp tục tinh thần đó, Đại hội XII của Đảng yêu cầu, quốc phòng và an ninh phải có đủ sức mạnh để “ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến, để đất nước “không bị động, bất ngờ”; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác quốc tế trong hợp tác với Việt Nam. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: phải “Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước”(1).
Như vậy, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, Đảng, Nhà nước đặt ra yêu cầu các cấp chính quyền và cơ quan chức năng phải thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cho người dân; bảo đảm xã hội công bằng, minh bạch, thượng tôn pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm, giữ gìn cuộc sống bình yên cho người dân. Thực hiện tốt những nhiệm vụ đó chính là xây dựng môi trường thuận lợi cho sự phát triển ổn định, bền vững đất nước.
2. Thời gian qua, tình hình an ninh trật tự ở nước ta cơ bản đã được đảm bảo tốt. Các cấp chính quyền, lực lượng chức năng đã phối hợp xử lý đồng bộ các vụ việc, bảo đảm giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đời sống bình yên của nhân dân. Việt Nam được thế giới đánh giá cao về tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội một phần quan trọng là bởi tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đây là tiền đề để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, du lịch và các lĩnh vực khác. Những số liệu ấn tượng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thời gian qua,… là những minh chứng rõ nét.
Tuy nhiên, thời gian qua ở một số địa bàn tình hình trật tự an toàn xã hội có diễn biến phức tạp. Tội phạm có tổ chức gia tăng, nhiều băng nhóm lưu manh trong lứa tuổi thanh thiếu niên dùng súng, lựu đạn và hung khí gây ra các vụ đâm chém, truy sát lẫn nhau, gây bức xúc dư luận xã hội và lo lắng trong nhân dân. Tội phạm giết người, nhất là các vụ giết người thân, giết người do mâu thuẫn cá nhân, bộc phát vẫn xảy ra nhiều, khó phòng ngừa, ngăn chặn.
Trong lĩnh vực tội phạm về kinh tế, tham nhũng, nổi lên là sai phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thủ đoạn chủ yếu vẫn là thông đồng, móc ngoặc giữa các nhóm đối tượng trong và ngoài ngân hàng để trục lợi hoặc cố ý làm trái các quy định của Nhà nước. Tội phạm trên lĩnh vực thuế tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Ngoài ra, tội phạm lừa đảo thông qua kinh doanh đa cấp, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đã gây ra thiệt hại lớn.
Các cuộc tấn công mạng gây ra rủi ro, mất an toàn, an ninh thông tin xảy ra nhiều hơn. Liên tục xuất hiện tình trạng giả mạo thư điện tử, lợi dụng phát tán phần mềm độc hại; phát tán thông tin sai sự thật chống phá Đảng, Nhà nước…
Tình hình khiếu kiện đông người, vượt cấp chưa được giải quyết triệt để, và chưa có dấu hiệu suy giảm, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự ở trung ương và các địa phương. Lợi dụng vụ việc Fomorsa gây ô nhiễm môi trường, ở một số địa phương có tình trạng gây rối, gây mất an ninh trật tự. Người dân bị lôi kéo, kích động, có các hành động vi phạm pháp luật như đập phá tài sản, công trình công cộng, bắt giữ người trái pháp luật, chống người thi hành công vụ, gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Một số nơi xuất hiện tình trạng tội phạm có tổ chức, sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ, nhất là tội phạm ma túy, tham nhũng, kinh tế, môi trường, xâm hại tình dục trẻ em, phá rừng, khai thác cát trái phép, bán hàng đa cấp số lượng lớn, tội phạm qua mạng internet… Diễn biến phức tạp của tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng mạng xã hội đưa tin chống phá, gây mất đoàn kết nội bộ; cùng với nạn chặt phá rừng, khai thác cát, sỏi trái phép; tình trạng “chống lưng” cho tội phạm, vấn nạn ma túy… đang gây bức xúc trong xã hội.
Một trong những biểu hiện mới, đáng lo ngại qua các vụ, việc đã xảy ra là một số vụ việc có tính tổ chức, có sự chỉ đạo, chỉ huy, có kịch bản, lôi kéo nhiều người tham gia trong một thời gian ngắn.
Nguyên nhân tình trạng này, bên cạnh những bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý chậm được xem xét giải quyết dứt điểm, gây tâm lý bức xúc trong nhân dân, là sự chống phá của các thế lực thù địch. Các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ chế độ thông qua internet và các hình thức khác. Những bất cập trong quản lý, điều hành, tình trạng tham nhũng lãng phí, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên được các thế lực thù địch khai thác, bôi nhọ trên báo chí và các trang mạng xã hội, tạo nên bức tranh “xám xịt” về hình ảnh chính quyền, cán bộ, công chức trong mắt một bộ phận nhân dân, gây nên tâm lý coi thường, chống đối của người dân đối với các cấp chính quyền. Mạng xã hội cũng là kênh quan trọng để các thế lực thù địch lợi dụng để hô hào, kích động, tập hợp lực lượng một cách nhanh chóng.
Về nguyên nhân chủ quan, cấp ủy đảng, chính quyền ở một số nơi chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nên chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; lực lượng trực tiếp chống tội phạm ở nhiều nơi còn yếu; công tác quản lý xã hội, công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, về đạo đức, lối sống và vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm còn nhiều hạn chế. Hiệu quả phòng ngừa tội phạm còn thấp; tỉ lệ điều tra, khám phá một số loại tội phạm chưa cao…
Việc nắm tình hình, tham mưu giải quyết điểm nóng ở một số nơi còn thiếu kinh nghiệm, nhất là trong xử lý khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai; công tác đấu tranh trấn áp tội phạm chưa đủ mạnh, nhiều nơi chưa có chiều sâu, chưa phát động và phát huy rộng rãi vai trò của quần chúng nhân dân.
Công tác bám dân, nắm tình hình của cơ quan chức năng chưa chủ động, còn lúng túng, một số trường hợp xử lý thiếu chuyên nghiệp, chưa thực hiện nghiêm pháp luật và nhất là chưa có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng chức năng. Hệ thống chính trị cơ sở ở một số nơi thiếu sức chiến đấu, xa dân, không nắm được tình hình cũng như những suy tư, trăn trở của người dân để có biện pháp đấu tranh, giải quyết vấn đề khi nó mới vừa manh nha. Tình trạng một số cán bộ, công chức vi phạm quy định về phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật chưa được xử lý dứt điểm dẫn đến mất niềm tin trong nhân dân cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến an ninh trật tự diễn biến phức tạp.
3. Bảo đảm trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng bảo đảm an ninh quốc gia, tạo môi trường thuận lợi để phát triển bền vững đất nước. Quán triệt nhiệm vụ đó, tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương về vấn đề an ninh trật tự, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương phải nêu cao trách nhiệm cá nhân, trước hết là của những người lãnh đạo, người đứng đầu trong việc bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. Người đứng đầu địa phương cần tăng cường nâng cao nhận thức về an ninh trật tự trong nhân dân; bên cạnh chỉ đạo sản xuất kinh doanh phải chỉ đạo quyết liệt bảo đảm an ninh trật tự. Người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền phải chịu trách nhiệm và tổ chức thực hiện, kiểm tra, giải quyết kịp thời các yếu tố dẫn đến nguy cơ gây mất an ninh trật tự ở địa phương, nhất là tăng cường củng cố chính quyền cơ sở.
Các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, xác định công tác này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của mình; đề ra các nghị quyết, chương trình để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, kế hoạch phòng, chống tội phạm; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phòng, chống tội phạm. Người đứng đầu cấp ủy đảng và chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm trước hết về tình hình tội phạm và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tội phạm ở ngành, địa phương mình.
Tăng cường công khai, minh bạch các chương trình, dự án, nhất là những chương trình dự án lớn, thu hồi nhiều đất, có tác động lớn đến môi trường cần tiến hành tham vấn và phản hồi ý kiến nhân dân vùng chịu ảnh hưởng. Các kế hoạch, hành động, dự án có thể dẫn đến nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự, cần tiến hành thận trọng, tính toán kỹ lưỡng và phải có giải pháp để bảo đảm an ninh trật tự.
Rà soát lại việc triển khai các dự án liên quan đến thu hồi đất; giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp phát sinh, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân; không để kẻ xấu kích động, lôi kéo chống phá. Tổ chức đánh giá đúng thực trạng phẩm chất đạo đức cán bộ, công chức và kiên quyết xử lý cán bộ vi phạm, nhất là xử lý nghiêm minh các vụ việc tiêu cực, tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII, xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Huy động sức mạnh tổng hợp của các đoàn thể nhân dân, Mặt trận Tổ quốc tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm và giáo dục pháp luật cho thanh niên, học sinh, sinh viên. Các địa phương chủ động xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Bộ Công an cần tăng cường xây dựng, củng cố lực lượng; tăng cường huấn luyện, diễn tập trong xử lý điểm nóng, trấn áp tội phạm; diễn tập phối hợp các lực lượng trong bảo đảm an ninh trật tự; tiến hành sơ kết, tổng kết định kỳ về công tác bảo đảm an ninh trật tự để rút kinh nghiệm; chủ động nghiên cứu các khía cạnh xã hội về nguyên nhân xuất hiện tội phạm; chủ động phối hợp kịp thời với các địa phương giải quyết tốt mọi tình huống xảy ra.
Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý báo chí truyền thông, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các cơ quan báo chí chủ động ngăn chặn, phản bác các luồng thông tin xuyên tạc, sai sự thật, kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho dư luận và nhân dân; xử lý nghiêm các sai phạm về thông tin./.
---------------------------------------------------------
(1). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 148.
Xã hội bắt đầu từ gia đình  (28/06/2017)
Chủ tịch nước bắt đầu chuyến thăm chính thức Liên bang Nga  (28/06/2017)
Đoàn Đảng Hành động nhân dân Singapore cầm quyền thăm Việt Nam  (28/06/2017)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 19 đến 25-6-2017)  (28/06/2017)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri Cần Thơ  (28/06/2017)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay