TCCSĐT - Đại hội XII của Đảng xác định: “Bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội” (1). Là thành viên của xã hội, mọi người dân có quyền được bảo đảm an ninh để bảo đảm và thực hiện các quyền không thể thiếu về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và cả an ninh lãnh thổ.

Quan niệm về an ninh con người và an ninh quốc gia trong bối cảnh nhận thức mới của Liên hợp quốc về chủ quyền và nghĩa vụ quốc gia

An ninh con người, theo Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP, năm 1994) được đánh giá qua hai tiêu chí: Một là, an toàn không bị đe dọa bởi đói nghèo, bệnh tật và sự áp bức; hai là, được bảo vệ khi gặp những rủi ro bất thường trong cuộc sống. Hai tiêu chí này được cụ thể hóa ở bảy lĩnh vực chính: an ninh kinh tế là việc bảo đảm về việc làm và thu nhập cơ bản; an ninh lương thực là việc bảo đảm được nhu cầu tối thiểu về lương thực, thực phẩm; an ninh sức khỏe là việc bảo đảm ở mức tối thiểu về phòng - chống dịch bệnh và chăm sóc y tế; an ninh môi trường là việc được bảo vệ trước thiên tai, tai họa do con người gây ra và sự ô nhiễm môi trường sống; an ninh cá nhân là việc được bảo vệ trước những hành vi tội phạm, bạo lực hoặc lạm dụng thể chất do bất kể chủ thể nào gây ra; an ninh cộng đồng là việc được duy trì các mối quan hệ và giá trị truyền thống của cộng đồng; an ninh chính trị là việc tôn trọng các quyền con người cơ bản, nhất là các quyền dân sự, chính trị.

Trong khi đó, khái niệm an ninh quốc gia được hiểu là sự an toàn của một nhà nước độc lập, an sinh của mỗi người dân trong quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Nói cách khác, trong nội dung khái niệm an ninh quốc gia, ngoài nội dung của khái niệm an ninh con người còn phải có nội dung an ninh nhà nước (hay an ninh chế độ xã hội) và an ninh lãnh thổ, tức sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia. Là thành viên của xã hội, mọi người dân có quyền được bảo đảm an ninh quốc gia để bảo đảm và thực hiện các quyền không thể thiếu về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và cả an ninh lãnh thổ. Nội hàm của khái niệm an ninh con người, do đó, thể hiện một cách cơ bản nội hàm của an ninh quốc gia.

Cho đến thời điểm gần đây, vấn đề chủ quyền và trách nhiệm quốc gia vẫn còn gây những tranh cãi trên thế giới, thể hiện ở hai luồng ý kiến chủ yếu sau:

- Việc quá nhấn mạnh yếu tố chủ quyền quốc gia gây trở ngại trong việc ngăn chặn các tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại; đặc biệt trong những bối cảnh khẩn cấp mà sự tồn vong của cả một cộng đồng hay dân tộc đang bị đe dọa. Trong những hoàn cảnh như vậy, cần thiết phải có sự “can thiệp nhân đạo” để bảo đảm các nguyên tắc pháp lý toàn cầu về quyền con người được tôn trọng.

- Nhấn mạnh quan điểm truyền thống về quốc gia - dân tộc, theo đó, chủ quyền quốc gia gắn liền và thể hiện ở quyền tự quyết cả về phương diện đối nội và đối ngoại mà không chịu sự can thiệp của bất kỳ chủ thể nào bên ngoài.

Sau những lúng túng và thất bại của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn nạn diệt chủng và thanh lọc sắc tộc diễn ra ở một số nơi trên thế giới vào những năm 1970 - 1990, như ở Cam-pu-chia, Bốt-xnhi-a và Ru-an-đa, quan điểm truyền thống về chủ quyền quốc gia ngày càng tỏ ra thiếu tính thuyết phục. Một quan điểm về “Chủ quyền quốc gia có trách nhiệm” được đề xướng bởi Ph. Đeng - một nhà cựu ngoại giao của Xu-đăng, sau là học giả tại Viện Brốc-king (Mỹ), đồng thời là Trợ lý đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về ngăn ngừa diệt chủng, khởi xướng từ năm 1999 - đã nhận được sự ủng hộ ngày càng rộng rãi của dư luận quốc tế như một giải pháp cho cuộc tranh cãi kể trên. Theo Ph. Đeng, các nhà nước trong khi có những đặc quyền với công dân nước mình xuất phát từ chủ quyền quốc gia thì đồng thời cũng phải chấp nhận “trách nhiệm bảo vệ” họ, đặc biệt trước những tội ác nghiêm trọng về nhân quyền.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới do Liên hợp quốc tổ chức vào năm 2005, tất cả các quốc gia tham dự đã cam kết thực hiện “trách nhiệm bảo vệ” (responsibility to pretect - viết tắt là R2P). Sở dĩ như vậy, vì ngày nay đã có sự thay đổi đáng kể về bản chất của các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới. Nếu như cho đến giữa thế kỷ XX, hầu hết các cuộc xung đột vũ trang đều có tính chất liên quốc gia, thì hiện nay, xung đột có tính chất nội bộ ngày càng nhiều hơn. Quan trọng hơn, tỷ lệ thường dân bị giết trong các cuộc xung đột vũ trang đã tăng từ 1/10 vào đầu thế kỷ XX lên khoảng 9/10 vào năm 2000. Sự thay đổi mang tính bản chất của các cuộc xung đột vũ trang hiện đại đã đặt ra thách thức cho Liên hợp quốc, đó là: Làm thế nào cân bằng được nguyên tắc chủ quyền quốc gia với trách nhiệm quan trọng là duy trì hòa bình và an ninh? Và, quan trọng hơn là, làm thế nào Liên hợp quốc có thể bảo vệ con người trước các tội ác quốc tế? Nguyên tắc R2P có thể là một câu trả lời khả dĩ nhất cho những câu hỏi này trong bối cảnh chính trị quốc tế phức tạp hiện nay. Bởi nguyên tắc “trách nhiệm bảo vệ” (R2P) được nhấn mạnh ở hàm ý không phải là sự “áp đặt”, “can thiệp” từ bên ngoài, mà xuất phát từ “trách nhiệm bảo vệ” vốn dĩ là thuộc tính đặc trưng của chủ quyền quốc gia trong việc chịu trách nhiệm chính yếu đối với những vấn đề thuộc phạm vi, thẩm quyền của mình, như bảo vệ người dân, duy trì và bảo đảm an ninh, hòa bình và thúc đẩy các quyền con người.

Theo nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun, R2P không phải là một thuật ngữ nhằm thay thế cho “can thiệp nhân đạo” mà là một khái niệm mới với những nội hàm và chỉ dẫn mới. Khi khẳng định điều này, nguyên Tổng Thư ký Ban Ki-mun muốn chỉ ra một cách tiếp cận mới để thông qua đó, cộng đồng quốc tế có thể tin tưởng vào vai trò thực sự của Liên hợp quốc đối với việc duy trì nền hòa bình, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, ngăn ngừa và trừng trị những tội ác chống nhân loại; đồng thời với việc chính thức sử dụng rộng rãi khái niệm này nhằm giảm thiểu những quan ngại về chủ nghĩa can dự và can thiệp. Tuy vậy, nhiều học giả cho rằng, xét đến cùng, nội hàm chủ yếu của khái niệm R2P chính là can thiệp, hay không gì khác hơn là sự biến tướng của khái niệm can thiệp nhân đạo cho phù hợp với bối cảnh chính trị - quan hệ quốc tế mới.

Nguyên tắc R2P đã và đang là một công cụ quan trọng trong việc ngăn ngừa các tội ác chống nhân loại do các quốc gia hay nhóm cai trị gây ra cho người dân của họ hoặc dân tộc, quốc gia khác. Tuy vậy, nhiều quốc gia thành viên Liên hợp quốc quan ngại về việc sử dụng tùy tiện, thái quá thẩm quyền, phạm vi áp dụng của nguyên tắc này trong việc tiến hành can thiệp quốc tế và hành động chung nhằm giúp người dân đang trong cơn nguy kịch thoát khỏi tình trạng tồi tệ mà chính phủ hay giới cầm quyền của họ không ngăn chặn được, còn thậm chí gây ra. Thực tế cho thấy, đã có những lạm dụng và sử dụng thái quá nguyên tắc này bởi các quốc gia siêu cường, mà hậu quả là làm trầm trọng thêm tình trạng vi phạm nhân quyền và làm sâu sắc thêm các cuộc khủng hoảng nhân đạo. Các thế lực cực hữu ở phương Tây đã lợi dụng quan niệm về “chế độ quốc tế” thông qua nguyên tắc R2P đã nêu ở trên để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước có chủ quyền. Thí dụ, sự can thiệp và tấn công quân sự của NATO vào Li-bi, một nước độc lập có chủ quyền, là được nhân danh bảo vệ nhân quyền.

Rõ ràng, việc sử dụng nguyên tắc R2P đã và đang dẫn đến những thay đổi rất quan trọng đối với việc tổ chức, hoạt động, thậm chí cả tôn chỉ, mục đích và các nguyên tắc cơ bản của Liên hợp quốc. Vào những năm giữa thế kỷ XX nổi lên nhu cầu cần thiết về việc tôn trọng tính tối thượng, bất khả xâm phạm, chủ quyền quốc gia, quyền tự quyết và tính toàn vẹn lãnh thổ của các nước có chủ quyền với tính cách là trụ cột nền tảng của Liên hợp quốc. Nhưng từ thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI đã diễn ra sự thu hẹp nội hàm các khái niệm “chủ quyền quốc gia”, “quyền dân tộc tự quyết”, “tính toàn vẹn lãnh thổ bất khả xâm phạm”, đồng thời mở rộng khái niệm “chủ quyền xuyên biên giới” thông qua hành động tập thể của cộng đồng quốc tế theo nguyên tắc R2P, mà Liên hợp quốc là đại diện tiêu biểu.

Trong khi nhấn mạnh vai trò hành động tập thể của cộng đồng quốc tế thông qua sự tổ chức, điều hành của Liên hợp quốc, thì cần phải đề cao trách nhiệm của các quốc gia thành viên đối với nghĩa vụ bảo vệ công dân, ngăn ngừa các hành động vi phạm, cũng như các tội ác hàng loạt có thể xảy ra. Đồng thời cần đặc biệt lưu ý đến việc sử dụng triệt để và hiệu quả các biện pháp hòa bình trong việc triển khai R2P của cộng đồng quốc tế đối với một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

Mối quan hệ giữa an ninh con người và an ninh quốc gia ở Việt Nam trong bối cảnh quốc tế hiện nay

Một là, bảo đảm an ninh cá nhân, an ninh tập thể, xét về bản chất, cũng chính là bảo đảm các quyền cá nhân và quyền tập thể tương ứng, đồng thời là cơ sở cho việc bảo đảm an ninh quốc gia.

Quyền cá nhân là các quyền thuộc về mỗi cá nhân, bất kể họ có hay không là thành viên của bất kỳ một nhóm xã hội nào, và việc hưởng thụ các quyền cơ bản là dựa trên cơ sở cá nhân. Một số quyền vừa thể hiện quyền cá nhân, vừa thể hiện quyền tập thể. Thí dụ, thành viên một dân tộc thiểu số thực hiện các quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết, y phục... của dân tộc mình trong sinh hoạt công cộng và trên phương tiện truyền thông. Quyền tập thể là những quyền đặc thù chung của một tập thể, mà để được hưởng thụ các quyền này cần phải là thành viên của tập thể đó. Một số quyền không được thực hiện với tư cách cá nhân, mà phải được thực hiện cùng tập thể, ví dụ quyền hội họp như sinh hoạt đoàn thanh niên, hội phụ nữ,...

Chủ thể của quyền cơ bản là các cá nhân; ngoài ra, còn là nhóm người và các dân tộc. Nói cách khác, ngoài các cá nhân có quyền thì nhóm người và dân tộc, quốc gia cũng có quyền của mình. Do sự ràng buộc giữa các chủ thể quyền nên luật quốc tế và quốc gia đều có những quy định luật pháp để giới hạn quyền.

Luật nhân quyền quốc tế thừa nhận nhu cầu chính đáng và tính chất hợp pháp cho việc xác định giới hạn và tạm đình chỉ thực hiện một số quyền con người vì mục đích bảo vệ an ninh quốc gia. Giới hạn quyền con người là sự áp đặt một số điều kiện hạn chế hay tạm đình chỉ đối với việc thực hiện hay thụ hưởng một số quyền con người, như sự cho phép của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) năm 1966. Đó là, quyền thành lập, gia nhập công đoàn và quyền đình công; quyền tự do đi lại, cư trú, xuất nhập cảnh; quyền được xét xử công khai; quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo; quyền tự do ngôn luận; quyền hội họp hòa bình; quyền tự do lập hội. Việc tạm đình chỉ và giới hạn như vậy là để bảo đảm sự hài hòa giữa bảo vệ quyền con người của cộng đồng và nhu cầu bảo đảm an ninh quốc gia.

Hai là, chủ thể có trách nhiệm bảo đảm an ninh con người và an ninh quốc gia cơ bản là Nhà nước.

Nếu chủ thể của quyền cơ bản là các cá nhân, thì chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền cơ bản là Nhà nước (chính phủ, các thiết chế nhà nước, công chức, viên chức nhà nước). Các chính phủ phê chuẩn các điều ước quốc tế về quyền con người, và vì vậy bị ràng buộc về mặt pháp lý bởi các điều ước đó. Nghĩa vụ của các chính phủ đối với các quyền con người là tôn trọng, bảo vệ và thực thi các quyền con người.

Quyền con người cơ bản phải được bảo đảm bằng pháp luật của Nhà nước; tức là được Nhà nước thừa nhận, được chế định trong khuôn khổ quốc gia và áp dụng cho công dân của mình. Qua đó cho thấy trách nhiệm của Nhà nước là phải bảo đảm an ninh cho con người và an ninh quốc gia.

Ba là, an ninh quốc gia được bảo đảm trên cơ sở cân bằng an ninh con người và an ninh của Nhà nước.

Trong mối quan hệ với an ninh quốc gia, thì an ninh con người có hai đặc trưng. Một mặt, xét về chủ thể quyền con người, thì ngoài định chế Nhà nước đóng vai trò cơ bản, các tổ chức quốc tế, các đảng phái chính trị, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế, các nhóm chính thức và không chính thức, các cộng đồng, các gia đình, các bậc cha mẹ,... tùy theo vị thế của mình, cũng có trách nhiệm bảo đảm quyền con người. Đặc trưng trách nhiệm của các tổ chức ngoài nhà nước (hay xã hội, phi chính phủ) này là tính “không chính thức” so với chủ thể Nhà nước. Theo cách tiếp cận truyền thống, các tổ chức này không thuộc phạm vi tác động trực tiếp của luật nhân quyền quốc tế, vì không phải là một bên ký kết điều ước quốc tế về quyền con người. Tuy vậy, các điều ước quốc tế vẫn đòi hỏi nhiều chủ thể phi chính phủ phải có nghĩa vụ, trách nhiệm bảo đảm và thực hiện quyền con người theo điều ước quốc tế, đặc biệt đối với những điều ước mà Nhà nước đã ký kết. Vì thế, trong lĩnh vực quyền con người, các điều ước quốc tế có tầm ảnh hưởng không thể bỏ qua.

Mặt khác, quyền con người tuy cơ bản được thể hiện ở quyền công dân, nhưng so với quyền công dân thì phạm vi của quyền con người rộng hơn. Xét về phương diện lịch sử, thì quyền con người xuất hiện từ chế độ chiếm hữu nô lệ, khi xã hội phân chia giai cấp, và con người, nhất là người nô lệ, ý thức được phẩm giá của mình. Từ đó, quyền con người được từng bước chế định trong các quan hệ xã hội và tồn tại trong lịch sử nhân loại. Còn quyền công dân chỉ xuất hiện từ cách mạng tư sản và gắn với sự tồn tại của Nhà nước. Xét về phạm vi, quyền con người là khái niệm rộng hơn quyền công dân do không bị bó hẹp trong mối quan hệ giữa cá nhân với Nhà nước, mà thể hiện quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng người theo các cấp độ khác nhau (nhân loại). Quyền con người bao quát đối với cả những người chưa chính thức trở thành công dân (những người dưới 18 tuổi), và những người bị tước quyền công dân. Do đó, an ninh quốc gia quan hệ với an ninh con người không thể chỉ giới hạn trong an ninh công dân.

Bốn là, phát triển đất nước và phát triển con người trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Phát triển con người, theo UNDP, là một tiến trình mở rộng các quyền lựa chọn cho mọi người, trao cho họ những cơ hội tốt hơn trong các vấn đề giáo dục, chăm sóc y tế, thu nhập, việc làm; do đó, cũng là tiến trình mở rộng và nâng cao năng lực thụ hưởng các quyền con người. Điểm khác biệt cơ bản giữa phát triển đất nước và phát triển con người là chiến lược hành động: phát triển đất nước được Nhà nước tổ chức thực hiện theo cách tiếp cận từ trên xuống; còn phát triển con người được tiếp cận cân bằng hơn (gồm cả Nhà nước và các cộng đồng cùng tham gia tổ chức thực hiện)./.

------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.147 - 148