Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 23 đến ngày 29-01-2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam và Đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản
Chiều 23-01, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Ka-man Ma-hô-tờ-ra, Điều phối viên thường trú mới, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam, đến trình Thư Ủy nhiệm của Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Chào mừng ông Ka-man Ma-hô-tờ-ra đến nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, Thủ tướng khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hợp tác với Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ tiếp tục là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, đóng góp vào các nỗ lực chung vì hòa bình, an ninh, phát triển trong khu vực và trên thế giới. Thủ tướng cho rằng giai đoạn hiện nay có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, nhất là trong bối cảnh năm 2017 đánh dấu 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Việt Nam mong muốn Liên hợp quốc tiếp tục phát huy vai trò của mình trong gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế, hỗ trợ các nước thực hiện tốt các chương trình hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân trong đó có việc triển khai thành công Chương trình Nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc ông Ka-man Ma-hô-tờ-ra có một nhiệm kỳ công tác thành công tại Việt Nam.
Về phần mình, ông Ka-man Ma-hô-tờ-ra bày tỏ niềm vinh dự của bản thân được cử đến công tác tại Việt Nam. Ông khẳng định Liên hợp quốc đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam tại Liên hợp quốc và trên trường quốc tế. Ông chúc mừng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội sau hơn 30 năm Đổi mới. Việt Nam cũng là một trong những nước đi đầu trong việc hoàn thành trước hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Đồng thời, ông Ka-man Ma-hô-tờ-ra hoan nghênh sự tham gia, đóng góp chủ động, tích cực và hiệu quả của Việt Nam vào các hoạt động của Liên hợp quốc như tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đóng góp vào các vấn đề phát triển, cũng như tích cực tham gia các cơ chế quan trọng của Liên hợp quốc, như: Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế và Xã hội. Ông Ka-man Ma-hô-tờ-ra khẳng định, trên cương vị Điều phối viên thường trú và Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông sẽ tích cực đóng góp và phối hợp tốt với các cơ quan Việt Nam và Liên hợp quốc trong việc tăng cường quan hệ giữa Liên hợp quốc và Việt Nam, triển khai thành công các hoạt động hợp tác và phát triển đất nước, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) do Chủ tịch JCCI A-ki-ô.Mi-mư-ra dẫn đầu đang thăm làm việc tại Việt Nam. Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng đoàn JCCI do Chủ tịch Akio Mimura dẫn đầu sang thăm Việt Nam trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển hết sức tốt đẹp. Thủ tướng bày tỏ vui mừng bởi các tập đoàn Nhật Bản như Itochu, Marubeni, IHI… đang làm ăn rất thành công tại Việt Nam và cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe kiến nghị của các doanh nghiệp Nhật Bản và sẽ họp bàn để giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Khẳng định, Việt Nam mong muốn duy trì quan hệ chính trị tốt đẹp với Nhật Bản, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam mong muốn Nhật Bản trong thời gian sớm nhất, sẽ vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, vươn lên vào nhóm đầu ASEAN. Thủ tướng nhấn mạnh, sinh viên Việt Nam đang nghiên cứu, học tập rất nhiều ở Nhật Bản và có thành tích tốt, đây là lực lượng lao động tốt của các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như đóng góp vào phát triển quan hệ hai nước. Việt Nam cũng hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản trở thành nhà đầu tư chiến lược trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam.
Về phần mình, Chủ tịch JCCI A.Mimura bày tỏ niềm vinh dự được Thủ tướng tiếp; cảm ơn sự hợp tác tốt đẹp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ông cho biết, Đoàn công tác JCCI lần này có 70 người đại diện cho các doanh nghiệp hàng đầu ở Nhật Bản, cho thấy sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với Việt Nam. Vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước, gắn bó chặt chẽ trên nhiều mặt, ông A.Mimura khẳng định, giới doanh nghiệp hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, nhất là về các lĩnh vực: Phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, công nghiệp… Giới doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là thị trường hấp dẫn về cơ hội đầu tư, thương mại và kỳ vọng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện để thúc đẩy hơn nữa đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam. Cũng tại buổi tiếp, các thành viên JCCI đã kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng cường kết nối doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy giao lưu thương mại song phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tiệc chiêu đãi Đoàn Ngoại giao nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc
Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam - Đinh Dậu 2017, tối 23-01-2017, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã chủ trì Tiệc chiêu đãi Đoàn Ngoại giao. Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Việt Nam; Đại sứ nước Cộng hòa Venezuela Jorge Rondon Uzcategui, Trưởng Đoàn Ngoại giao tại Việt Nam cùng đại diện đại sứ quán các nước, các tổ chức và doanh nghiệp quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu tại tiệc chiêu đãi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020. Vượt qua biết bao khó khăn, thách thức, nhất là thiên tai nặng nề, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu phát triển đã đề ra; giữ vững ổn định chính trị, kinh tế, xã hội, tăng trưởng GDP đạt 6,21%, cao gấp đôi so với trung bình 3% của thế giới; lạm phát được kiểm soát dưới 5%; tổng kim ngạch xuất khẩu là 176 tỷ USD, tăng gần 9%; đạt nhiều tiến bộ về bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm, tạo thêm việc làm cho 1,6 triệu người. Trong năm qua, đất nước, con người Việt Nam đã là sự lựa chọn đến thăm của hơn 10 triệu du khách, bạn bè quốc tế. Việt Nam đã vinh dự đón 24 Nguyên thủ, Lãnh đạo cấp cao các nước và nhiều lãnh đạo của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã có 16 chuyến thăm đối ngoại, tham dự các diễn đàn quốc tế quan trọng. Bên cạnh đó, nhiều Hội nghị cấp cao khu vực đều được tổ chức thành công tại Việt Nam. Qua các chuyến thăm, làm việc đó và rất nhiều hoạt động đối ngoại, hội nhập, giao lưu của người dân, tình cảm với bạn bè quốc tế của Việt Nam càng thêm bền chặt, lòng tin thêm sâu sắc và hợp tác ngày càng rộng mở, hiệu quả hơn. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam , Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả các quốc gia bạn bè, đối tác, các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ đã đồng hành cùng Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF-2017 đã dự báo không khí chung của năm 2017 là sự lạc quan của quá trình phục hồi toàn cầu, những cơ hội phát triển to lớn của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhưng cũng đan xen sự lo âu về chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, rủi ro về kinh tế, tài chính; khủng bố quốc tế, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... Cùng với đó, năm 2017 là năm ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập. Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên chung sức, đồng lòng xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, phát triển năng động, tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang hình thành. Là nước chủ nhà Năm APEC-2017, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và sẽ phối hợp chặt chẽ với các nền kinh tế thành viên để nâng hợp tác APEC lên một tầm cao mới. Chúng tôi chào đón tất cả các bạn đến với Việt Nam trong năm APEC-2017, cùng thúc đẩy hội nhập, liên kết kinh tế khu vực vì hòa bình, thịnh ượng cho khu vực và thế giới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Tại buổi chiêu đãi, Đại sứ Cộng hòa Venezuela Jorge Rondon Uzcategui thay mặt Đoàn Ngoại giao bày tỏ cảm ơn tới Chính phủ Việt Nam đã mời các đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tham dự buổi chiêu đãi ý nghĩa này; nhấn mạnh đây là dịp để ôn cố tri tân, xét lại việc cũ để hướng tới việc mới và chia sẻ sự tinh khiết và bình yên của năm mới. Theo Đại sứ Jorge Rondon Uzcategui, trong suốt năm 2016, Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tựu vượt bậc trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội và củng cố nền tảng chính trị như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra. Đây là một năm có nhiều thành tựu to lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế; GDP đạt 6,21%. Trong lĩnh vực đối ngoại, Việt Nam một lần nữa cho cộng đồng quốc tế thấy rằng Việt Nam là quốc gia hành động có trách nhiệm, vì hòa bình hữu nghị, hội nhập và hợp tác kinh tế. Thay mặt Đoàn Ngoại giao, Đại sứ Jorge Rondon Uzcategui gửi tới nhân dân Việt Nam lời chúc mừng nồng nhiệt vì tất cả những thành tựu này; tin tưởng trong năm Đinh Dậu 2017, Chính phủ Việt Nam tiếp tục hoàn thành mục tiêu đề ra. Đoàn Ngoại giao mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc củng cố chính sách ngoại giao hiệu quả trên cả bình diện song phương và đa phương. Nhân dịp năm mới Đinh Dậu, thay mặt Đoàn Ngoại giao, Đại sứ Jorge Rondon Uzcategui gửi tới Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam lời chúc tốt đẹp, thân ái nhất.
Việt Nam sẵn sàng đảm nhiệm vai trò chủ nhà Năm APEC 2017
Kể từ ngày 01-01-2017, Việt Nam chính thức tiếp nhận vai trò chủ nhà của các hoạt động Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong cả năm 2017. Sau gần hai thập niên đồng hành cùng Diễn đàn APEC, đây là lần thứ hai Việt Nam vinh dự đảm nhận trọng trách này. Đó cũng là cơ hội to lớn để Việt Nam tăng cường quan hệ với các đối tác ở khu vực, đóng góp vào các quan tâm chung của châu Á - Thái Bình Dương, nâng cao vai trò, vị thế trên trường quốc tế song cũng là minh chứng sống động cho sự tín nhiệm cộng đồng quốc tế và khu vực dành cho Việt Nam. Việc "chủ động" gánh vác trọng trách này cũng là bước đi quan trọng triển khai chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể của Việt Nam, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một trọng tâm. Diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến chuyển sâu sắc và khó đoán định hơn, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2017 và những năm tới được dự báo đứng trước không ít thách thức mới. Với gần 200 hoạt động lớn nhỏ ở các cấp xoay quanh chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, trải dài trên 10 tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam trong suốt cả năm 2017, trong đó quan trọng nhất là Tuần lễ cấp cao diễn ra vào tháng 11 tại thành phố Đà Nẵng, Năm APEC 2017 là hoạt động đối ngoại có quy mô lớn nhất mà Việt Nam sẽ tổ chức từ nay đến năm 2020.
Ý thức được trách nhiệm và khối lượng công việc to lớn cần phải triển khai, Việt Nam đã khẩn trương bắt tay vào công tác chuẩn bị từ cách đây gần ba năm. Ngay trong các năm 2014 và 2015, Việt Nam đã tích cực trao đổi và chủ động phối hợp với các chủ nhà Năm APEC để học hỏi kinh nghiệm cả về chuẩn bị nội dung, cơ sở vật chất hậu cần, lễ tân, báo chí… Bộ máy tổ chức cũng đã sớm được hình thành với sự ra đời của Ủy ban Quốc gia APEC 2017 vào tháng 7-2015, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và sự tham gia của 24 Bộ, cơ quan và tỉnh thành thành viên. Với 05 Tiểu ban phụ trách các vấn đề nội dung, vật chất và hậu cần, an ninh và y tế, tuyên truyền và văn hóa và lễ tân, đây là cơ chế then chốt để bảo đảm điều phối một cách tổng thể toàn bộ các công tác chuẩn bị và tổ chức Năm APEC 2017. Trên cơ sở đúc kết bài học của các nước cũng như kinh nghiệm hoạt động đối ngoại đa phương Việt Nam, chúng ta cũng đã sớm hoàn tất các văn bản định hướng dài hạn cho công tác tổ chức, từ việc lựa chọn địa điểm tổ chức Tuần lễ cấp cao và các hoạt động chính trong năm 2017, xây dựng đề xuất về chủ đề và các ưu tiên, công tác đào tạo đội ngũ… để bảo đảm việc chuẩn bị cho Năm APEC diễn ra đồng bộ, hiệu quả và đúng tiến độ. Có thể nói, đến nay, các công tác chuẩn bị trên mọi mặt đã cơ bản được hoàn tất theo đúng lộ trình để Việt Nam sẵn sàng bước vào đảm nhiệm vai trò chủ nhà Năm APEC 2017.
Các Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam chia sẻ những điều thú vị đối với Tết Việt và những mong muốn khi Xuân mới về
Tết Việt luôn là dịp trải nghiệm thú vị của những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Chia sẻ về những cảm nhận của mình đối với Tết Nguyên đán của Việt Nam, Đại sứ Israel tại Việt Nam bà Meirav Eilon Shahar cho biết, bà rất thích cảm giác trước Tết, khi đường phố trở nên tấp nập hơn. Từng chậu đào, cành quất được để sau xe máy chở về nhà. Bà cảm thấy Tết ở Việt Nam rất thân thuộc và tương đồng với Tết của người Do Thái: đó là sự sum vầy, quây quần bên gia đình và người thân. Vui mừng trước những bước tiến nổi bật trong quan hệ hữu nghị và hợp tác của hai nước, Đại sứ Israel Meirav Eilon Shahar cho biết: Các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước ngày càng được mở rộng, không chỉ về nông nghiệp mà còn về an ninh, quốc phòng, khoa học kỹ thuật… Hai chính phủ cũng đang nỗ lực thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước. Về mặt giáo dục- đào tạo, ngày có thêm nhiều khóa học, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm diễn ra ở cả Việt Nam và Israel dành cho học sinh, sinh viên và các cán bộ của Việt Nam.
Tết Việt rất thân thuộc là chia sẻ của Quyền Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, Natalia Shafinskaia. Tết Đinh Dậu 2017 là năm thứ 6 chị Natalia Shafinkaia được hưởng không khí Tết Nguyên đán của Việt Nam. Cảm nhận của chị Natalia Shafinskaia là Tết Việt rất gần gũi, thân thuộc. Chị cũng thích mua cây quất, cành đào để trang trí nhà, thích được mua và chuẩn bị nhiều quà tặng các đối tác, người thân của mình. Chị Natalia Shafinskaia cho biết, gia đình hiện đang sống tại Hà Nội và rất yêu thích các món ăn Việt Nam, đặc biệt là món bánh Chưng. “Nhiều nét văn hóa của Nga và Việt Nam rất giống nhau. Trong ngày Tết ở cả hai nước, các thành viên trong gia đình tụ họp đông đủ. Biểu tượng ngày Tết của Nga là cây thông trong khi ở Việt Nam là cành đào và cây quất. Người Nga cũng có những món ăn dành cho năm mới và ở Việt Nam cũng vậy. Người dân cũng ra đường đi chơi, chào đón năm mới. Tôi cảm thấy Tết Việt rất thân thuộc với mình. Việt Nam như quê hương thứ hai của tôi vậy”, chị Natalia Shafinskaia chia sẻ.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg cho biết, Tết Đinh Dậu này, ông cùng gia đình ăn Tết tại Hà Nội. Nhân dịp này, một vài gia đình người Việt đã mời gia đình Đại sứ đến chơi trong dịp Tết. Đây sẽ là cơ hội để ông và gia đình cảm nhận rõ nhất về Tết của người Việt. Đại sứ Pereric Högberg đã nghe kể, ngày Tết tại Hà Nội sẽ vắng người và giao thông không còn đông đúc nên rất muốn được tận hưởng không khí lắng đọng của ngày Tết nơi đây. Đại sứ Pereric Högberg cho biết, những ngày trước Tết, ông đã đến tư gia Nghệ nhân vẽ tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên tìm hiểu về dòng tranh dân gian này. Đại sứ rất thích thú với những nét văn hóa độc đáo của Việt Nam trong những bức tranh và khâm phục tài hoa của nghệ nhân duy nhất còn lại trong dòng tranh Hàng Trống. Đại sứ Pereric Högberg chia sẻ, Thụy Điển cũng có những sản phẩm mang đậm phong cách văn hóa truyền thống và được gìn giữ từ rất lâu. Đây cũng là một nét tương đồng giữa hai nền văn hóa Việt Nam-Thụy Điển. Cảm nhận về ẩm thực Việt Nam, Đại sứ Pereric Högberg cho biết, ông rất thích món bún chả, bún thang của Hà Nội. Tết này, ông sẽ thưởng thức món bánh Chưng truyền thống ngày Tết của người Việt.
Được hỏi về những mong muốn trong năm 2017, Đại sứ Meirav Eilon Shahar cho rằng, tiềm năng hợp tác thương mại giữa hai nước là rất lớn, vẫn còn nhiều việc phải làm để đẩy mạnh hợp tác thương mại-đầu tư. Việt Nam cần xuất khẩu sang Israel nhiều hơn nữa, cần thêm nhiều đoàn doanh nghiệp sang tìm hiểu thị trường tiềm năng ở các lĩnh vực, thúc đẩy các cuộc gặp giữa các doanh nghiệp… Trong năm 2017, hai Chính phủ sẽ nỗ lực hết mình để Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước sớm được ký kết. Sau khi được ký kết, Hiệp định này sẽ tháo dỡ đáng kể các hàng rào thương mại và thúc đẩy thông thương từ cả hai phía. Bày tỏ mong muốn trong năm tới sẽ thực hiện được nhiều việc, góp phần tăng cường giao lưu văn hóa của hai nước Việt Nam - Liên bang Nga, Quyền Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga Natalia Shafinskaia nhấn mạnh, trong năm 2017, dự kiến Chính phủ Nga tiếp tục trao hơn 900 suất học bổng, đáp ứng nhu cầu sang Nga học tập của các học sinh, sinh viên Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với các trường Trung học Phổ thông và trường Đại học Việt Nam đang giảng dạy tiếng Nga; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình học tập tiếng Nga cho khách du lịch, khách sạn và hướng dẫn viên du lịch. Với mối quan hệ truyền thống hữu nghị gần 50 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1969, Đại sứ Pereric Högberg tin tưởng quan hệ Việt Nam -Thụy Điển trong năm 2017 tiếp tục được phát triển và mở rộng trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và y tế. Đại sứ Pereric Högberg đặc biệt mong muốn thương mại hai nước được tăng cường hơn nữa và khẳng định sẽ nỗ lực hết mình trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, góp phần đưa mối quan hệ tốt đẹp này ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương
Hòa chung không khí đón năm mới trên mọi miền Tổ quốc, cộng đồng người Việt ở nhiều quốc gia trên thế giới tổ chức đón Tết Cộng đồng Xuân Đinh Dậu 2017 trong không khí đầm ấm, thân mật, vui tươi, đậm chất truyền thống. Tưng bừng đón Tết cổ truyền, Cộng đồng người Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Italia, Đức, Hoa Kỳ, Mexico, Canada, Isarel, Algeria, Ai Cập, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Thái Lan, Lào, Campuchia… đã tổ chức Tết Cộng đồng chào mừng xuân Đinh Dậu 2017 trong bầu không khí vui vẻ, thắm tình quê hương. Tham gia sự kiện có đông đảo bà con người Việt đang sinh sống, công tác và học tập tại đất nước sở tại.
Điểm lại những nét chính trong tình hình Việt Nam với các nước bạn cũng như quan hệ song phương trong năm qua, đồng thời khẳng định mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn song cộng đồng người Việt Nam tại đất nước bạn vẫn không ngừng vươn lên vượt qua thách thức, tiếp tục giành được những thành công trên nhiều lĩnh vực. Các Đại sứ bày tỏ sự vui mừng khi thấy bà con Việt Nam ở nước ngoài luôn giữ được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau đặc biệt là trong những lúc khó khăn và một lòng hướng tới quê hương, đất nước. Theo các Đại sứ, cộng đồng người Việt tại các nước mặc dù là một cộng đồng nhỏ nhưng có luôn biết giữ gìn những nét văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc để giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
Nhằm chuẩn bị cho Tết cộng đồng chào mừng xuân Đinh Dậu 2017, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước Italia, Đức, Hoa Kỳ, Mexico, Canada, Isarel, Algeria, Ai Cập, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Thái Lan, Lào, Campuchia… đã tổ chức buổi gói bánh chưng nhằm mang tới không khí cũng như hương vị ẩm thực đặc trưng của Tết cổ truyền. Các Đại sứ cũng gửi lời chúc mừng năm mới tới bà con kiều bào tại nước ngoài, mong bà con phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo tiếp tục gặt hái được những thành công góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước. Tham gia buổi lễ, bà con kiều bào và bạn bè nước ngoài đã được thưởng thức những món ẩm thực đặc trưng của Việt Nam như bánh chưng, nem rán, xôi, nộm, phồng tôm... cùng một số món ăn của nước bạn do chính tay bà con Việt kiều ta chuẩn bị./.
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 23 đến ngày 29-01-2017)  (30/01/2017)
Người nước ngoài chia sẻ những cảm nhận về Tết Việt Nam  (29/01/2017)
Nhiều nước phản đối chính sách hạn chế nhập cảnh vào Mỹ của Tổng thống Donald Trump  (29/01/2017)
Chuyên gia Nga: Năm mới Việt Nam sẽ là đầu tàu của Đông Nam Á  (29/01/2017)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển