TCCSĐT - Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27-01 đã ban bố sắc lệnh tạm thời cấm người tị nạn vào Mỹ trong vòng bốn tháng và tạm thời cấm nhập cảnh đối với người đến từ Syria và sáu quốc gia Hồi giáo khác. Sắc lệnh hành pháp này của Tổng thống Donald Trump đang vấp phải sự phản đối gay gắt từ nhiều quốc gia.

*Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ không nằm trong danh sách các quốc gia bị cấm, nhưng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho rằng lệnh cấm người tị nạn tại Mỹ không phải là giải pháp để giải quyết vấn đề, đồng thời kêu gọi các quốc gia phương Tây nỗ lực hơn để giúp Thổ Nhĩ Kỳ giảm tải gánh nặng người tị nạn. Trả lời họp báo chung với người đồng cấp Anh Theresa May, ông Yildirim nói: "Các vấn đề khu vực không thể được giải quyết bằng cách đóng cánh cửa với mọi người. Chúng tôi hy vọng thế giới phương Tây san sẻ gánh nặng của Thổ Nhĩ Kỳ. Các anh có thể xây một bức tường nhưng đó không phải là giải pháp. Bức tường đó sẽ sụp đổ giống như Bức tường Berlin."

*Theo Reuters, ngày 29-01, tạp chí Der Spiegel cho hay Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chỉ trích lệnh cấm nhập cảnh mới của Mỹ đối với người dân 7 từ nước Hồi giáo.

Phát biểu trên tạp chí này, người phát ngôn của bà Merkel, ông Steffen Seibert nói: “Bà ấy (Thủ tướng Merkel) tin rằng ngay cả khi cần thiết, cuộc chiến mang tính quyết định chống chủ nghĩa khủng bố không biện minh cho việc nghi ngờ toàn bộ những người có lai lịch hoặc đức tin cụ thể.”

Bên cạnh đó, ông Seibert cũng nói rằng Berlin sẽ xem xét hậu quả của lệnh cấm trên đối với những công dân Đức mang hai quốc tịch và sẽ bảo vệ lợi ích của họ nếu cần thiết.

*Theo hãng Reuters/AFP, ngày 29-01, Văn phòng Thủ tướng Anh khẳng định Thủ tướng Theresa May “không đồng ý” với các biện pháp hạn chế nhập cư do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt và sẽ can thiệp nếu những biện pháp đó ảnh hưởng đến các công dân nước này.

Người phát ngôn của bà May nói: “Chính sách nhập cư ở Mỹ là vấn đề của chính phủ nước này, cũng như chính sách nhập cư của Anh cần do chính phủ chúng tôi đặt ra. Nhưng chúng tôi không đồng ý với cách tiếp cận như vậy và đây không phải là điều chúng tôi sẽ tiến hành. Nếu có bất cứ tác động nào đối với công dân Anh, thì rõ ràng chúng tôi sẽ đưa ra những kháng nghị với Chính phủ Mỹ về điều đó.”

Bà May đã bị các nghị sỹ trong Đảng Bảo thủ cầm quyền chỉ trích vì không lên án việc ông Trump quyết định ngừng tiếp nhận người tị nạn vào Mỹ trong vòng 4 tháng, cũng như cấm nhập cảnh tạm thời đối với những người đến từ Syria và 6 quốc gia Hồi giáo khác.

Nhiều nước trên thế giới tiếp tục phản ứng trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành chính siết chặt chính sách cấp thị thực nhập cảnh và tiếp nhận người tị nạn vào Mỹ đối với 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số, bao gồm Syria, Iraq, Iran, Somalia, Libya, Sudan và Yemen.

*Ngày 29-01, Iran tuyên bố sẽ ngăn chặn các công dân Mỹ nhập cảnh vào nước này để trả đũa lệnh cấm của Washington.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran, quy định ngừng cấp thị thực nhập cảnh đối với người Hồi giáo tới Mỹ là sự "xúc phạm" đối với thế giới Hồi giáo nói chung và quốc gia Hồi giáo Iran nói riêng.

Quyết định của Washington là không thể chấp nhận được đối với những người thân và bạn bè của khoảng một triệu người Mỹ gốc Iran, những người thường xuyên qua lại Mỹ.

Bộ Ngoại giao Iran cho rằng quyết định trên của Mỹ được xem như "món quà lớn" đối với những phần tử cực đoan.

Tuyên bố nêu rõ mặc dù tôn trọng người dân Mỹ, không gắn họ với các chính sách thù địch của Chính phủ Mỹ, nhưng Teheran sẽ thực thi nguyên tắc "có đi có lại" cho đến khi chính sách hạn chế tiếp nhận người tị nạn và cấp thị thực đối với công dân Iran được bãi bỏ./.