Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 18 đến ngày 24-7-2016
Khai trương Cổng thông tin một cửa Bộ Quốc phòng
Ngày 21-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dự lễ khai trương Cổng thông tin một cửa Bộ Quốc phòng chính thức kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh 4 lợi ích khi Cổng thông tin một cửa Bộ Quốc phòng kết nối một cửa quốc gia hướng tới một cửa ASEAN là bảo đảm tính thống nhất trong kết nối hệ thống xử lý thủ tục hành chính biên phòng cửa khẩu; giảm chi phí, thời gian chuẩn bị hồ sơ do doanh nghiệp chỉ phải khai báo đến một điểm tiếp nhận duy nhất là cổng thông tin một cửa quốc gia; bảo đảm thuận lợi trong triển khai mở rộng toàn quốc cơ chế một cửa quốc gia tại các cảng biển; tạo cơ sở thuận lợi cho việc triển khai các thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quá cảnh, phương tiện vận tải xuất nhập khẩu, quá cảnh của Bộ Quốc phòng thông qua cơ chế một cửa quốc gia.
Phó Thủ tướng đánh giá đây là bước quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phấn đấu đến năm 2018 thủ tục hành chính ngang bằng nhóm ASEAN - 4.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các bộ, ngành tham gia vào cơ chế một cửa quốc gia đến năm 2018 đạt ít nhất 80% tổng số thủ tục hành chính có liên quan đến xuất nhập hàng hóa, phương tiện, người và phương tiện nhập cảnh, quá cảnh. Tới năm 2020, toàn bộ 100% thủ tục hành chính này thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia thu phí điện tử.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cho rằng với một nước có bờ biển dài, vùng biển rộng, nhiều cảng biển lớn như Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Vũng Tàu… việc mới có biên phòng tại 7 cảng biển được kết nối với một cửa quốc gia là còn ít. Vì vậy, Bộ Quốc phòng cần tiếp tục triển khai kết nối tại các cảng biển còn lại và nối với một cửa quốc gia, hướng đến Việt Nam tham gia đầy đủ vào cơ chế một cửa của ASEAN trong tương lai.
Tiến độ cải cách hành chính của ngành nông nghiệp còn chậm
Đó là nhận xét của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám ngày 20-7, tại hội nghị “Sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2016” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị các đơn vị của ngành trong 6 tháng cuối năm phải nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa với nhiệm vụ cải cách hành chính, chú trọng nâng cao năng lực cán bộ trong lĩnh vực công nghệ thông tin; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Minh Nhạn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai quyết liệt các nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thông qua việc tiến hành rà soát, loại bỏ các loại phí, lệ phí bất hợp lý, nhất là trong lĩnh vực thú y. Các đơn vị trong Bộ cũng tích cực rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, qua đó cắt giảm thời gian và chi phí về thủ tục hành chính.
Đơn cử như lĩnh vực bảo vệ thực vật đã rút ngắn thời gian làm thủ tục kiểm dịch thực vật từ 24h xuống còn tối đa 4h đối với hàng hóa vận chuyển qua đường bộ và đường hàng không, 10h đối với hàng hóa qua cảng biển. Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cơ bản hoàn thành kết nối và chính thức đưa vào sử dụng, hoạt động hiệu quả 9/9 thủ tục hành chính thí điểm của Bộ trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Tính đến 30-6, Bộ đã tiếp nhận qua Cổng thông tin một cửa quốc gia tổng số 17.056 hồ sơ; xử lý, giải quyết và cấp phép/Giấy chứng nhận điện tử 12.495 hồ sơ, đang tiếp tục xử lý 4.561 hồ sơ. Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại Bộ và các đơn vị trong thời gian qua đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đơn giản hóa hồ sơ thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa…
Hà Nội: Nhiều đột phá trong cải cách hành chính
Tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; rà soát, chỉnh sửa và bổ sung cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng... là hai trong những nhiệm vụ trọng tâm được UBND TP. Hà Nội quyết liệt thực hiện hơn 6 tháng qua. Nhờ đó, công tác cải cách thủ tục hành chính đã chuyển biến rõ nét, tạo mối quan hệ tích cực giữa các cơ quan hành chính nhà nước với người dân và doanh nghiệp.
Với sự vào cuộc đồng bộ từ thành phố đến cơ sở trong công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, 6 tháng đầu năm 2016, Hà Nội đã thực hiện vượt cả chỉ tiêu và thời gian theo Nghị quyết 19/NQ-CP về kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử và rút ngắn thời gian nộp thuế. Tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 98,56%; tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 96,7%, chiếm hơn 20% của cả nước. Hà Nội đã rút ngắn thời gian nộp thuế của doanh nghiệp còn 117 giờ/năm. Cùng với đó, lĩnh vực thủ tục hải quan trên địa bàn đã tiếp cận chuẩn mức của các nước tiên tiến, phù hợp với cam kết quốc tế; giao dịch điện tử về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chuyển biến tích cực. Đặc biệt, thành phố đã giải quyết cấp điện qua trạm biến áp chuyên dùng thuộc trách nhiệm của ngành điện tối đa là 10 ngày. Từ tháng 2-2016, Công an TP. Hà Nội chính thức triển khai hệ thống thông báo lưu trú, khai báo tạm trú qua mạng tới các cơ sở kinh doanh lưu trú, qua đó giảm tải việc đi lại của nhân dân, nâng cao hiệu quả công tác quản lý xuất nhập cảnh và quản lý hành chính về trật tự xã hội. Tương tự, từ tháng 5-2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư ban hành phương án thí điểm thực hiện liên thông, phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, thời gian thực hiện cấp phép rút ngắn từ 20% đến 60% thời gian so với quy định hiện hành, nhà đầu tư chỉ đến một điểm và chỉ sau 10 ngày có thể nhận giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, thực hiện quy chế liên thông các thủ tục hành chính, hiện tại, việc đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn thành phố đã liên thông và được các quận, huyện, thị xã triển khai triệt để. Đặc biệt, từ ngày 01-3-2016, UBND thành phố thí điểm thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung của Công an thành phố, Bảo hiểm xã hội thành phố với các phường thuộc UBND quận Long Biên, Nam Từ Liêm để thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3. Trong quý III-2016, UBND thành phố sẽ sơ kết việc triển khai thí điểm, nghiên cứu nhân rộng tại 12 quận nội thành.
Sau thành công của đề án thí điểm thực hiện cơ chế "một cửa" trong việc cung cấp dịch vụ công tại một số doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, thành phố tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố theo hướng tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, giảm bớt khâu trung gian, tăng dần tự chủ kinh phí, giảm chi ngân sách.
TP. Hồ Chí Minh: Phát triển mô hình đô thị thông minh
Mục tiêu của đô thị thông minh là kinh tế năng động, hiệu quả hơn, môi trường sống và người dân được phục vụ tốt hơn, được tham gia quản lý và giám sát hoạt động của chính quyền.
Chiều 24-7, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm việc với tập thể lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về cải cách hành chính gắn với phát triển hệ thống đô thị thông minh. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng chủ trì buổi làm việc.
Báo cáo của Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho thấy thời gian qua, Thành phố đã triển khai các nội dung liên quan đến đô thị thông minh ở hầu hết các lĩnh vực, trọng tâm là chính quyền điện tử, kinh tế, giao thông, y tế, quản lý đô thị, ngập nước, dân cư và hộ tịch, an ninh trật tự, giáo dục… Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Thành phố đang gặp phải những khó khăn trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến phát triển đô thị thông minh. Bên cạnh đó, hệ thống thể chế còn chưa hoàn thiện, thay đổi thường xuyên; thủ tục hành chính còn rườm rà; tổ chức thực hiện pháp luật chưa thống nhất dẫn đến hoạt động của chính quyền điện tử chưa hiệu quả. Các cơ sở dữ liệu liên quan đến người dân, doanh nghiệp chưa được triển khai thống nhất, đồng bộ dẫn đến khó khăn trong liên thông các thủ tục hành chính, nhất dịch vụ công trực tuyến...
Để xây dựng đô thị thông minh trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, Thành phố xác định 3 nhiệm vụ chính: Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện Đề án, lộ trình xây dựng đô thị thông minh theo tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020; triển khai các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực quan trọng gắn với 7 Chương trình đột phá của Thành phố.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng nêu rõ, Thành phố hiện đang triển khai thực hiện 7 giải pháp, trong đó, xây dựng Thành phố thông minh là giải pháp quan trọng, cấp bách hiện nay. Thời gian tới, Thành phố sẽ thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành Đề án và Hội đồng cố vấn để có lộ trình phù hợp; xác định quyết tâm chính trị và trách nhiệm của toàn hệ thống Đảng bộ, chính quyền, người dân trong việc xây dựng đô thị thông minh.
Gợi mở cho Thành phố Hồ Chí Minh về các giải pháp xây dựng đô thị thông minh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết cùng với sự phát triển của công nghệ, đô thị thông minh đang là xu hướng của các thành phố lớn trên thế giới. Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, mục tiêu của đô thị thông minh là kinh tế năng động, hiệu quả hơn; môi trường sống ngày một tốt hơn, tình trạng ô nhiễm giảm; người dân được phục vụ tốt hơn; người dân tham gia quản lý, giám sát hoạt động của chính quyền. Thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện 4 mục tiêu này.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cần sớm xây dựng Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thông minh giai đoạn 2020-2025, với ba nhóm nội dung: Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và quy hoạch thông minh của Thành phố; Quản lý ngành và các dịch vụ thông minh (về giao thông, y tế, giáo dục...); Tăng cường sự tham gia và sáng kiến của người dân-người dân phải là đồng tác giả, đồng thời là người giám sát, thông qua việc đánh giá sự hài lòng của người dân.
33 dịch vụ sự nghiệp công về y tế - dân số sử dụng ngân sách nhà nước
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1387/QĐ-TTg ban hành danh mục 33 dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực y tế - dân số. Trong đó, có 9 dịch vụ y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, 8 dịch vụ khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, 2 dịch vụ kiểm nghiệm, kiểm định, 2 dịch vụ giám định, 6 dịch vụ do nhà nước bảo đảm theo các chương trình mục tiêu và 6 dịch vụ y tế khác.
Sáu dịch vụ y tế khác gồm: Dịch vụ truyền thông, giáo dục sức khỏe về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm và bệnh chưa rõ nguyên nhân; phòng, chống bệnh nghề nghiệp; phòng, chống tai nạn thương tích; nâng cao sức khỏe; dinh dưỡng cộng đồng; an toàn thực phẩm và các yếu tố có hại đến sức khỏe và môi trường sống; sức khỏe trường học và phòng, chống bệnh tật học đường. Các dịch vụ truyền thông, giáo dục, tư vấn nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số, giảm tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, giảm tỷ lệ người chưa thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn. Các dịch vụ về chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực cho tuyến dưới. Dịch vụ phục vụ sinh hoạt của người đang bị áp dụng các biện pháp cách ly y tế nhưng có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của Chính phủ. Dịch vụ điều chế máu và các chế phẩm máu trong khi chưa được tính đủ chi phí. Các dịch vụ phục vụ việc điều phối về hiến, lấy và ghép mô, bộ phận cơ thể người giữa ngân hàng mô và cơ sở y tế.
Quyết định nêu rõ, căn cứ tình hình thực tế thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực y tế - dân số, Bộ trưởng Bộ Y tế kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ phù hợp./.
Dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ tại Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên  (24/07/2016)
Việt Nam cử đoàn cấp cao viếng nguyên Chủ tịch Quốc hội Lào Viyaket  (24/07/2016)
Thủ tướng thăm cán bộ lão thành cách mạng  (24/07/2016)
G20 cam kết dùng mọi công cụ chính sách để thúc đẩy tăng trưởng  (24/07/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển