Phát triển du lịch biên giới là góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng quốc gia
TCCSĐT - Phát triển du lịch biên giới có ý nghĩa vô cùng to lớn về kinh tế, xã hội,… được các quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm. Phát triển du lịch biên giới sẽ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất cho cộng đồng dân cư và đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo đối với cộng đồng các dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa, núi cao, biên giới,… Đây là một trong những mục tiêu đang được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.
Phát triển du lịch biên giới còn góp phần gìn giữ và làm tăng giá trị cảnh quan, các di tích, các giá trị văn hóa bản địa khu vực biên giới với các quốc gia, đồng thời có ý nghĩa đặc biệt trong việc góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc khu vực biên giới, củng cố và giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dọc biên giới để tiến tới xây dựng đường biên hòa bình, hữu nghị và phát triển. Việt Nam có đường biên giới đất liền dài 4.550 km với ba nước: Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, với 21 cửa khẩu quốc tế đường bộ. Ðây là những lợi thế lớn để phát triển du lịch biên giới đường bộ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực. Với lợi thế về vị trí địa lý, đường biên giới dài, mạng lưới giao thông đường bộ đang phát triển, đặc biệt có tuyến đường xuyên Á kết nối với các thị trường có nhu cầu du lịch đường bộ cao. Với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn hấp dẫn, Việt Nam đủ điều kiện cơ bản để phát triển du lịch biên giới đường bộ và thu hút du khách quốc tế đến bằng đường bộ qua biên giới.
Cùng với sự phát triển của du lịch cả nước, du lịch biên giới trong những năm qua đã có bước phát triển nhất định. Lượng khách du lịch qua các cửa khẩu ngày càng tăng, đặc biệt là các cửa khẩu quốc tế như Lào Cai, Hữu Nghị, Móng Cái (với Trung Quốc), Tây Trang, Lao Bảo, Cầu Treo, Bờ Y (với Lào), Mộc Bài, Xa Mát và Tịnh Biên (với Cam-pu-chia)... Thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các tỉnh biên giới đẩy mạnh hoạt động du lịch, thực hiện các chiến dịch quảng bá thông qua những liên hoan, hội chợ, triển lãm du lịch và các lễ hội văn hóa, tổ chức các đoàn khảo sát, nhằm khai thác đối tượng khách gần từ các tỉnh cận kề biên giới của nước bạn. Năm 2014, Tổng cục Du lịch đã tổ chức chương trình Caravan khảo sát tuyến điểm du lịch đường bộ và xúc tiến du lịch dọc tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây với mục đích phát triển các sản phẩm du lịch đường bộ, đặc biệt là loại hình du lịch bằng xe tự lái, kết nối các điểm đến trên hành lang kinh tế Đông - Tây qua 4 nước Tiểu vùng sông Mê Kông (Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam). Các tỉnh biên giới cũng đang từng bước chủ động liên kết, tăng cường giới thiệu, quảng bá du lịch của địa phương thông qua hình ảnh chung là du lịch vùng, đặc biệt là các tỉnh trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, như Quảng Trị (Việt Nam), Sa-van-na-khẹt (Lào) và Muc-da-han (Thái Lan). Việc Chính phủ mới ban hành các nghị định về quản lý phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch đã tạo ra hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi phát triển loại hình du lịch xe tự lái qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ vào nước ta. Mặc dù còn nhiều hạn chế, song, sự phát triển du lịch các tỉnh biên giới trong những năm qua đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và làm thay đổi diện mạo, tạo nên nhiều việc làm, đóng góp tích cực xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào biên giới và góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc khu vực biên giới.
Tuy nhiên, có thể nhìn nhận rằng, mặc dù tiềm năng du lịch của các tỉnh biên giới là khá lớn, nhưng lượng khách du lịch đến với các tỉnh này còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng tiềm năng. Ngoài một số tỉnh như Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn ở phía bắc; Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam ở miền trung; Tây Ninh, An Giang ở phía nam… đã có những bước phát triển nhất định, còn du lịch của các tỉnh biên giới nhìn chung đều chưa thật sự có được những chuyển biến mạnh mẽ. Lượng khách đến có tăng nhưng còn thấp. Nguyên nhân cơ bản có thể kể đến là:
- Kết cấu hạ tầng ở hầu hết các khu vực biên giới chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển của du lịch: hệ thống đường giao thông, đặc biệt là đường nhánh tiếp cận các khu, điểm du lịch còn chưa được đầu tư phát triển, đơn hướng và chất lượng thấp. Đặc biệt trong mùa mưa lũ, nhiều đoạn đường khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung thường sạt lở, ngập lụt, gây ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển du lịch.
- Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn nghèo nàn, chất lượng thấp: cùng với kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đóng một vai trò hết sức quan trọng trong phát triển du lịch. Ở các khu vực biên giới, đặc biệt ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Ðiện Biên, Thanh Hóa, Kiên Giang, An Giang, Bình Phước... cơ sở lưu trú và ăn uống dành cho khách du lịch còn ít, chất lượng không cao và hầu hết chưa đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, nhất là khách du lịch có khả năng chi trả cao.
- Sản phẩm du lịch trên dọc biên giới, đặc biệt là dọc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia còn nghèo nàn và đơn điệu: ngoại trừ một số điểm du lịch nổi bật trên dọc tuyến biên giới đất liền với Trung Quốc như Hạ Long và Sa Pa, các khu vực còn lại đều chưa có các sản phẩm du lịch đủ hấp dẫn (cả về cảnh quan, hạ tầng, dịch vụ…) để thu hút khách từ các nước bạn. Hiện nay, việc đầu tư phát triển các điểm du lịch cho khách tham quan còn chưa thực sự được chú trọng. Khách du lịch đến các khu vực biên giới hầu hết chỉ được thăm các cột mốc biên giới, ngắm cảnh chung… mà không có các điểm tham quan du lịch để nghỉ ngơi, khám phá, vui chơi giải trí và mua sắm để tiêu tiền và thời gian.
- Các cửa khẩu quốc tế, mặc dù đã có nhiều thay đổi trong những năm gần đây, song hầu hết vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đón khách, đặc biệt là các đoàn khách lớn do địa điểm chật hẹp, trang thiết bị phục vụ làm thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan cho hành khách và hành lý chưa được hiện đại hóa nhiều. Một số cặp cửa khẩu của Việt Nam và nước bạn đã ký kết những văn bản hợp tác kiểm tra hải quan nhưng chưa triển khai đầy đủ do một số cửa khẩu nước bạn chưa sẵn sàng về kết cấu hạ tầng, trang thiết bị. Ngoài ra, nhìn từ góc độ du lịch, nhân lực tại các cửa khẩu và các thủ tục hành chính, quy trình kiểm tra, kiểm soát đối với người, phương tiện và hàng hóa còn nhiều hạn chế làm ảnh hưởng đến thời gian làm thủ tục cũng như tính thuận lợi cho du khách khi qua lại biên giới.
- Các địa phương vùng biên giới chưa thực sự chủ động trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch, khách du lịch chưa biết nhiều đến tiềm năng du lịch của các tỉnh biên giới, đặc biệt là khách từ thị trường sâu hơn (so với thị trường đường biên) của các nước bạn.
Các tỉnh biên giới nước ta có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng đối với quốc gia. Vì vậy, phát triển du lịch phải gắn liền với bảo đảm an ninh, quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ, trật tự và an toàn xã hội theo đúng quan điểm của Chiến lược phát triển du lịch Việt nam hiện nay. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, với việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 vừa qua, lượng khách du lịch đường bộ từ các nước khác trong khu vực ASEAN và từ thị trường trọng điểm khác qua biên giới tới Việt Nam và từ Việt Nam tới các nước láng giềng chắc chắn sẽ tăng mạnh. Ðể thúc đẩy phát triển du lịch biên giới, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp cơ bản sau:
Một là, về cơ chế chính sách: Tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách và hành lang pháp lý cho phát triển du lịch ở các tỉnh biên giới theo hướng thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho khách du lịch đi qua biên giới và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch ở khu vực này. Có chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển loại hình du lịch caravan, tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước; thống nhất quy trình cấp phép, làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát phương tiện vận tải của Việt Nam và các nước có chung đường biên giới khi lưu thông trên lãnh thổ của nhau.
Hai là, về phát triển các khu, điểm du lịch và sản phẩm du lịch:
- Khu vực biên giới rất nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Bởi vậy, cần hoạch định những khu vực có thể khai thác du lịch, mức độ khai thác hoặc không được khai thác trên cơ sở đánh giá tiềm năng du lịch và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng biên giới làm cơ sở để quản lý phát triển du lịch trên địa bàn các tỉnh biên giới.
- Trên cơ sở tài nguyên du lịch nổi trội, cần lựa chọn đầu tư một số khu, điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế theo dọc tuyến biên giới để tạo điểm nhấn và sức lan tỏa cho phát triển du lịch vùng biên.
- Lựa chọn một số công ty du lịch hàng đầu để hợp tác xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của khu vực, các sản phẩm cần gắn với tiềm năng, thế mạnh của khu vực như sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, thể thao mạo hiểm, du lịch nông thôn… Có cơ chế bảo hộ độc quyền khai thác sản phẩm và thương hiệu trong một thời gian nhất định cho các công ty đầu tư khai thác sản phẩm du lịch để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, bảo đảm sự khai thác lâu dài đối với sản phẩm.
Ba là, về phát triển kết cấu hạ tầng: Tập trung đầu tư, nâng cấp các tuyến quốc lộ, mở rộng các tuyến đường từ trung tâm tỉnh lỵ hoặc từ quốc lộ chính tới các cửa khẩu quốc tế đường bộ, xây dựng các đoạn đường nối từ quốc lộ đến các khu, điểm du lịch của địa phương theo quy hoạch đã được phê duyệt và với các tỉnh bên kia biên giới của nước láng giềng để từ đó hình thành sự liên kết du lịch đa dạng, góp phần thu hút các hãng lữ hành đưa khách đến.
Bốn là, về hợp tác phát triển du lịch: Cần xây dựng Chiến lược hợp tác phát triển du lịch các tỉnh khu vực biên giới nhằm phát huy thế mạnh về du lịch của mỗi quốc gia trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi bảo đảm ổn định chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Ngoài các nội dung trên, cần xem xét nâng cấp các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đầu tư trang thiết bị hiện đại và mở rộng hơn các quầy đón khách du lịch đồng thời có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nhân lực tại các cửa khẩu; đẩy mạnh nâng cao nhận thức của người dân tại các điểm du lịch đối với lợi ích của phát triển du lịch và bảo vệ tài nguyên du lịch của địa phương./.
Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung 159 kiểm sát viên cao cấp  (18/02/2016)
Lãnh đạo huyện cần giảm bớt hội họp  (18/02/2016)
Nhiều địa phương tổ chức Hội nghị hiệp thương bầu cử Quốc hội  (18/02/2016)
Trung Quốc lên tiếng xác nhận đã đưa vũ khí ra Hoàng Sa  (18/02/2016)
Thảo luận dự án Luật Báo chí, Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em  (18/02/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm