Bàn về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng hiện nay
TCCS - Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhận định bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn tồn tại, trong đó tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi, còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống tham nhũng.
Tình hình tội phạm tham nhũng những năm qua
Sau gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một đất nước nghèo nàn, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, nước ta đã vươn lên trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức khá cao. Giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 5,9%/năm, giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,8%/năm; năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng ước đạt trên 2%, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 5,9%/năm. Tính chung cả giai đoạn 2011 - 2020, tăng trưởng GDP dự kiến đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 268,4 tỷ USD vào năm 2020. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 2.750 USD năm 2020. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, như nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tệ quan liêu, lãng phí… và nhất là tình trạng tham nhũng với nhiều diễn biến phức tạp, đã và đang làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Thời gian qua, tình trạng tham nhũng, tiêu cực đã xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với quy mô khác nhau, trong đó có những vụ, việc xảy ra ở những ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm với quy mô lớn, thủ đoạn tinh vi, mức độ sai phạm lớn, làm thất thoát hoặc thiệt hại nặng nề đối với tài sản của Nhà nước và nhân dân, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Trước thực trạng đó, Đảng ta đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, thể hiện quyết tâm cao trong công tác phòng, chống tham nhũng, kiên quyết xử lý đối với các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”(1).
Trong lĩnh vực quản lý xã hội, quản lý hành chính công: Tham nhũng gắn liền với việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tình hình này diễn ra phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực quản lý kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, lao động, xã hội. Nổi lên là các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư của Nhà nước để trục lợi; hiện tượng vòi vĩnh, đưa và nhận hối lộ; cố ý làm trái trong các hoạt động cấp phép, chứng nhận, các hoạt động dịch vụ hành chính công; các hoạt động thanh tra, kiểm tra; tuyển sinh, tuyển dụng, thi cử…, điển hình như vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG; vụ cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn; các dự án, gói thầu liên quan đến Đinh Ngọc Hệ; vụ Tổng Công ty thép Thái Nguyên…
Trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính: Tình trạng tham ô tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ xảy ra ở nhiều ngân hàng thương mại. Một bộ phận lãnh đạo, nhân viên các ngân hàng thoái hóa, biến chất được các doanh nghiệp thông đồng với đối tượng vay nhận hồ sơ thế chấp không hợp lệ, hồ sơ giả để vay tiền, dẫn đến hàng nghìn tỷ đồng bị thất thoát, hàng trăm cán bộ, nhân viên ngành ngân hàng và giám đốc các doanh nghiệp bị truy tố trước pháp luật. Một số vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank); các vụ án Phạm Công Danh, Huỳnh Thị Huyền Như, Hứa Thị Phấn, Trần Phương Bình và đồng phạm phạm tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…
Trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản: Những công trình để xảy ra thất thoát tài sản liên quan đến các hành vi tham nhũng ở hầu hết các khâu, các giai đoạn từ khâu lập và phê duyệt dự án, khảo sát, thiết kế, duyệt kế hoạch vốn, đấu thầu, tư vấn giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình… Điển hình như vụ Công an tỉnh Thái Bình khởi tố Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản về tội lạm quyền trong việc giúp vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ) thay đổi kết quả đấu thầu các dự án đất đai trên địa bàn để trục lợi.
Bên cạnh đó, xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn, như lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, thông đồng, móc ngoặc với các đối tượng bên ngoài để chiếm đoạt tài sản Nhà nước; lập chứng từ khống, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức để trục lợi (điển hình như vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại 67 tỷ đồng xảy ra tại Công ty tài chính cao su, Công ty Minh Hằng, tỉnh Bình Dương); thiếu trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí, nhất là trong công tác quản lý đấu thầu, đấu giá tài sản công (điển hình là vụ án thiếu trách nhiệm gây thiệt hại 120 tỷ đồng xảy ra tại Công ty Unimex Hà Nội và các đơn vị liên quan); lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, giám sát, triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội để thông đồng, móc ngoặc làm sai quy định về tiêu chuẩn, đối tượng và lập khống hồ sơ, chứng từ để trục lợi, như: các dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc, chế độ chính sách do bị chất độc màu da cam, hỗ trợ dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ tiêu hủy dịch tả lợn châu Phi; lợi dụng thông tin, truyền thông, báo chí để “tống tiền” doanh nghiệp, cá nhân… Thực trạng trên đây cho thấy tình hình tội phạm tham nhũng rất phức tạp và đáng báo động, đòi hỏi công tác phòng, chống tham nhũng cần kiên trì, đồng bộ và quyết liệt hơn nữa để có thể ngăn chặn, đẩy lùi một cách hiệu quả loại tội phạm nguy hiểm này.
Một số kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài, đầy cam go, phức tạp. Trong quá trình đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thời gian qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, “công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận”(2).
Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành gần đây cho thấy 93% người dân được hỏi ý kiến bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đây là tỷ lệ tín nhiệm rất cao, thể hiện sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng và toàn dân ta trong công cuộc nhiều khó khăn và đòi hỏi sự kiên trì này, góp phần đập tan mọi luận điệu chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta. Nổi bật là:
Thể chế quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng ngày càng hoàn thiện, góp phần hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành gần 80 văn bản nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 62 luật, 1 pháp lệnh, 66 nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 611 nghị định, 532 nghị quyết, 197 quyết định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội (3).
Hệ thống các văn bản trên về cơ bản đã tương đối đầy đủ, thể hiện rõ những chủ trương, giải pháp, quy định mới, mạnh mẽ, quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng. Nhiều quy định, nghị quyết đã được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống, từng bước khắc phục những sơ hở, bất cập làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Do vậy, điều cần nhất hiện nay là sự tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công dân, tổ chức; sự thống nhất cao về ý chí và hành động của toàn Đảng và toàn dân; cách tổ chức thực hiện khoa học và nghiêm minh.
Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được tiến hành thường xuyên, liên tục và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều hành vi tham nhũng, lãng phí
Với tinh thần khách quan, công minh, các cơ quan chức năng “đã tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng. Khẩn trương kết luận thanh tra, xác định rõ đúng sai, nguyên nhân, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có sai phạm tại các dự án: Dự án mở rộng Nhà máy đạm Hà Bắc; Dự án đầu tư khai thác mỏ sắt Quý Sa; Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên, giai đoạn 2; Dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG); Cổ phần hóa cảng Quy Nhơn”(4). “Trong giai đoạn 2013 - 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang”(5). “Qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700 nghìn tỷ đồng, hơn 20 nghìn ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14 nghìn tập thể, nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý gần 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm”(6).
Như vậy có thể thấy, công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán ngày càng được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, qua đó hỗ trợ đắc lực việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Tích cực điều tra, xử lý dứt điểm, nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án, đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử “với các mức án nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật, rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn; nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, kể cả những vụ án kéo dài từ nhiều năm trước đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm, nghiêm minh. Đây là một trong những điểm sáng, kết quả nổi bật, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước cũng như hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng”(7). “Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở ba cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự gồm 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang”(8), điển hình như: vụ án xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân; vụ án xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone; vụ án xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam; vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Đà Nẵng…
Kết quả phát hiện, điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng trong thời gian qua cho thấy việc thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, thể hiện sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng; qua đó phần củng cố niềm tin của nhân dân.
Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực; việc kê biên, thu giữ tài sản trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được nâng lên rõ rệt (nếu như năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì bình quân giai đoạn 2013 - 2020, tỷ lệ này đạt 32,04%) (9).
Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh
Nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng được nâng lên. Kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng được công khai. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng; vừa tuyên truyền vừa tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta; qua đó định hướng tốt dư luận, tạo sự quyết tâm, đồng thuận sâu rộng trong toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng thời gian tới
Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đang diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn và phức tạp. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là các quy định liên quan đến kiểm soát quyền lực của cán bộ, công chức. Đây là giải pháp hướng đến giải quyết mục tiêu để các đối tượng “không thể tham nhũng”. Thông qua công tác nắm tình hình thực tiễn cũng như từ kết quả của những vụ án tham nhũng đã được phát hiện, điều tra, xét xử thời gian qua, chủ động phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế - xã hội, những lỗ hổng trong các văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu, hoàn thiện, góp phần phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, chú trọng chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các luật, thông tư, nghị định… đã ban hành. Quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, phải kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết, khắc phục.
Hai là, coi trọng công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thực hiện nghiêm theo những tiêu chuẩn, tiêu chí đã được Trung ương hướng dẫn, chỉ đạo. Căn cứ vào thực tế tình hình của ngành, lĩnh vực, địa phương để cụ thể hóa thành các bộ tiêu chuẩn quy định từng chức vụ, chức danh, nhiệm vụ công tác cho phù hợp. Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị “Về đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII” nêu rõ: “Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tiêu chuẩn cán bộ nêu tại Quy định số 89-QĐ/TW, Quy định số 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII”. Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2-1-2020, “Về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”. Phải thường xuyên bồi dưỡng công tác chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, phòng, chống 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tu dưỡng, rèn luyện bản thân trong mọi hoàn cảnh, thường xuyên tự soi, tự sửa với tinh thần “còn Đảng thì còn mình” và “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Ba là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí, siết chặt kỷ cương trong Đảng cũng như quản lý kinh tế, xã hội. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, các cơ quan thanh tra, kiểm tra phải chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn về phòng, chống tham nhũng. Người cán bộ kiểm tra, thanh tra phải hiểu rõ vinh dự làm công tác thanh tra, không mắc bệnh cá nhân chủ nghĩa. Đảng và Chính phủ có tin cậy mới giao cho làm nhiệm vụ ấy, cán bộ kiểm tra, thanh tra là tai, mắt của Đảng và Chính phủ, tai mắt có sáng suốt thì người mới sáng suốt. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, trước những cám dỗ từ những hành vi tham nhũng, cán bộ kiểm tra, thanh tra hơn bao giờ hết phải luôn giữ được liêm khiết, chí công vô tư.
Bốn là, thúc đẩy nhanh tiến độ phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, thu hồi tối đa tài sản thất thoát về cho Nhà nước, đặc biệt là những vụ án được dư luận quan tâm. Qua đó thể hiện sự nghiêm minh, tinh thần thượng tôn pháp luật, giữ vững niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự trong sạch của bộ máy quản lý nhà nước. Thông qua công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, góp phần ngăn chặn, làm gương răn đe những người có biểu hiện suy thoái kịp thời thức tỉnh. “Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không phải chỉ cốt để xử lý cho thật nặng mới là tốt, cái chính là răn đe, ngăn ngừa để không xảy ra sai phạm, bần cùng bất đắc dĩ mới phải áp dụng biện pháp không ai mong muốn. “Chống” là quan trọng, cấp bách, phải kiên quyết làm để răn đe, cảnh tỉnh, nhưng “xây” mới là cơ bản, lâu dài”(10).
Năm là, phát huy tối đa vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng. Vai trò của các cơ quan thông tấn là vô cùng quan trọng trong tuyên truyền về tính công khai, minh bạch của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, như V.I. Lê-nin đã nói “đưa tin công khai là một thanh kiếm tự nó chữa lành được những vết thương do nó gây ra”(11). Nội dung công tác tuyên truyền cần tập trung vào những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; những vụ án tham nhũng điển hình đã được phát hiện, điều tra, xử lý thời gian qua; những tấm gương điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần nhân rộng… Qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình, tạo hiệu ứng đồng tình, ủng hộ, chung tay cùng Đảng và Nhà nước quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng./.
--------------
(1), (4), (7), (10) Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 361, 310, 340-341, 148
(2) Xem: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/phai-tiep-tuc-day-manh-phong-chong-tham-nhung-quyet-liet-thuong-xuyen-lien-tuc-voi-quyet-tam-cao-hon-manh-me-hon-hieu-qua-hon--627932/
(3) Phan Đình Trạc: Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng thời gian qua, bài đăng trên website: https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/mot-so-van-de-ve-phong-chong-tham-nhung-thoi-gian-qua, ngày 17-06-2020
(5), (6), (8) Khánh Vy, Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020: Không có “vùng cấm”, “ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bài đăng trên website: https://www.sav.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin.aspx?ItemID=38038&l=TinTucSuKien , ngày 13-12-2020
(9) Xem: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/phai-tiep-tuc-day-manh-phong-chong-tham-nhung-quyet-liet-thuong-xuyen-lien-tuc-voi-quyet-tam-cao-hon-manh-me-hon-hieu-qua-hon--627932/
(11) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1980, tr. 23, 64
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020  (13/12/2020)
Vai trò của kiểm soát xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay  (30/11/2020)
Việt Nam thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng - Kết quả và những vấn đề đặt ra  (18/11/2020)
Nghĩ về “gốc của công việc”  (11/11/2020)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên