Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII
22:11, ngày 19-04-2016
Sáng 19-4, Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc |
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; gần 1400 đại biểu là các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các báo cáo viên chủ chốt.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp. Đây là sự kiện có ý nghĩa trọng đại, định hướng, cổ vũ và động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng là sản phẩm tập trung trí tuệ của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Nội dung Văn kiện Đại hội lần này được xây dựng trên cơ sở tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới, có sự kế thừa, bổ sung, phát triển nội dung Văn kiện Đại hội XI, của các Hội nghị Trung ương trong nhiệm kỳ và đường lối, quan điểm của Đảng trong các nhiệm kỳ trước đây, tiếp tục khẳng định, hoàn thiện quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng ta trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Văn kiện Đại hội có nhiều điểm mới, thể hiện trình độ phát triển tư duy lý luận của Đảng ta trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Điểm nổi bật trong nội dung Văn kiện Đại hội XII của Đảng là thể hiện được những quan điểm xuyên suốt, những vấn đề cơ bản, căn cốt nhất của cách mạng Việt Nam, những nguyên tắc trong hoạt động của Đảng, đồng thời đặt ra những nhiệm vụ cụ thể, những vấn đề mới, cấp bách nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống.
Tổng Bí thư chỉ rõ: "Điều quan trọng lúc này là đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả; làm sao để khắc phục được tình trạng Nghị quyết thì đúng, thì hay nhưng chậm đi vào cuộc sống, thậm chí có trường hợp nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít. Chúng ta cần quán triệt sâu sắc, học tập, triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, coi đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có tầm quan trọng đặc biệt nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mà trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành".
Công tác học tập, quán triệt Nghị quyết phải góp phần tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; chấn chỉnh, uốn nắn những nhận thức lệch lạc; đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch.
Tổng Bí thư đề nghị các đại biểu trong quá trình tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết cần bám sát vào các mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ đã nêu trong Chỉ thị của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Trung ương; tập trung nghiên cứu, nắm vững những quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo, những nội dung cốt lõi và vấn đề mới trong các văn kiện Đại hội XII.
Tổng Bí thư yêu cầu phải nắm vững mục tiêu tổng quát và nhiệm vụ tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu phát triển đất nước trong 5 năm tới; hiểu đúng những nội dung chủ yếu của các lĩnh vực cụ thể đã được trình bày trong các văn kiện, nhất là phương hướng, nhiệm vụ, để chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trên các lĩnh vực. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm đã được Đại hội XII xác định, cần nghiên cứu kỹ từng nhiệm vụ, liên hệ với những yêu cầu, điều kiện cụ thể ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình để lựa chọn, xác định và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ đó trong nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo chức trách và nhiệm vụ được giao, các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện ngay Chỉ thị của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Trung ương trong việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Việc chỉ đạo học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội cần kết hợp với việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thiết thực; khắc phục bệnh hình thức, học qua loa cho xong; đổi mới phương thức quản lý, đánh giá chất lượng việc học tập, đánh giá đi vào thực chất mức độ nhận thức của học viên đối với những nội dung cơ bản, những điểm mới của Nghị quyết và năng lực vận dụng Nghị quyết của cán bộ, đảng viên vào địa phương, cơ quan, đơn vị nơi mình công tác.
Trong thảo luận và viết thu hoạch, cần nêu đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang nổi lên ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị căn cứ vào nội dung của Nghị quyết để xây dựng các chương trình, đề tài nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn triển khai Nghị quyết Đại hội XII, khẩn trương cập nhật bổ sung, hoàn thiện chương trình, giáo trình giảng dạy lý luận chính trị sát với từng đối tượng cụ thể.
Công tác tuyên truyền về Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cần được tiến hành sâu rộng, thường xuyên, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn và phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm đông đảo các tầng lớp nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài đều được phổ biến, tuyên truyền về Nghị quyết Đại hội.
Hội nghị làm việc trong hai ngày, các đại biểu dự Hội nghị sẽ nghe đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư giới thiệu chuyên đề: Những nội dung cơ bản của Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng; đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương giới thiệu chuyên đề: Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ giới thiệu chuyên đề: Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
Hội nghị nhằm giúp các đồng chí là lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Trung ương, lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đội ngũ báo cáo viên Trung ương nắm vững nội dung cơ bản, những điểm mới của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII; đồng thời vận dụng các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp vào xây dựng chương trình hành động của tập thể, cá nhân để nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống, hoàn thành các mục tiêu do Đại hội đề ra; tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tạo ra sự thống nhất về ý chí và quyết tâm chính trị cao ngay trong quá trình triển khai Nghị quyết.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự hội nghị |
Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, việc tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng được thực hiện với tinh thần đổi mới, nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức. Quá trình học tập, quán triệt Nghị quyết phải gắn với việc đấu tranh phê phán nhận thức lệch lạc; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên; phê phán, phản bác thông tin, quan điểm sai trái... qua đó nâng cao nhận thức đúng đắn về đường lối, chủ trương của Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân./.
Dựa vào dân để nâng cao hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu  (19/04/2016)
Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội  (19/04/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên