TCCSĐT - Tính đến chiều 17-4-2016, giới chức trách Nhật Bản cho biết hai trận động đất đêm 14-4 và rạng sáng 16-4 tại đảo Kyushu đã làm tổng cộng 41 người thiệt mạng, hơn 1.000 người bị thương, trong đó có 190 người bị thương nghiêm trọng.

Bảo vệ tự do hàng hải và xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân

 

Quốc kỳ các nước tham dự Hội nghị G7. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 11-4-2016, Hội nghị ngoại trưởng các nước công nghiệp phát triển G7, diễn ra tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản, đã ra Tuyên bố Hiroshima kêu gọi xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, chủ tọa Hội nghị, cho biết Tuyên bố Hiroshima lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên vào tháng 01-2016 cũng như các vụ thử tên lửa đạn đạo trong thời gian gần đây. Đối với vấn đề này, các ngoại trưởng G7 nhất trí yêu cầu Triều Tiên có những hành động cụ thể nhằm chấm dứt quan ngại của cộng đồng quốc tế, đồng thời nhất trí phối hợp để giải quyết vấn đề này. Đối với chủ nghĩa khủng bố, Tuyên bố Hiroshima lên án các vụ tấn công khủng bố xảy ra tại châu Âu trong thời gian qua và nhất trí sẽ hợp tác toàn cầu nhằm nỗ lực ngăn chặn các vụ tấn công của các phần tử khủng bố, cực đoan. Tuyên bố khẳng định chủ nghĩa khủng bố là một thách thức cấp bách đối với an ninh toàn cầu, đòi hỏi sự phối hợp và đoàn kết hiệu quả của cộng đồng quốc tế. Tuyên bố nhấn mạnh Liên minh châu Âu và cộng đồng quốc tế cần có sự phối hợp hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, đồng thời cho biết các ngoại trưởng đang soạn thảo kế hoạch hành động G7 với các biện pháp cụ thể để nâng cao năng lực của nhóm này trong nỗ lực chống khủng bố quốc tế. Dự kiến, kế hoạch này sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh G7. Ngoài các vấn đề trên, Tuyên bố Hiroshima còn đề cập một loạt vấn đề cộng đồng quốc tế quan tâm, như người tỵ nạn, Afghanistan, Syria, an ninh mạng, biến đổi khí hậu,…

Trong Tuyên bố Hiroshima về vấn đề an ninh hàng hải, các ngoại trưởng G7 khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), đồng thời kêu gọi các quốc gia tuân thủ các phán quyết của tòa án quốc tế về giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Các ngoại trưởng bày tỏ quan ngại về tình hình trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, đồng thời phản đối các hành động đơn phương mang tính khiêu khích hoặc gây sức ép nhằm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng. Tuyên bố kêu gọi các nước kiềm chế các hành động bồi đắp trái phép quy mô lớn và xây dựng các cơ sở cũng như sử dụng các cơ sở này phục vụ mục đích quân sự. Tuyên bố kêu gọi các bên liên quan thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm tiến hành việc thiết lập Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả.

Phong tục đón Năm mới của các dân tộc vào tháng 4

 

Những chú voi phun nước đón khách du lịch nhân dịp lễ Songkran ở tỉnh Ayutthaya, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân dân các nước Lào, Campuchia, Thái Lan,… đang hồ hởi đón chào Năm mới theo Phật lịch. Trong Lễ Bunpimay tại Lào, người dân dâng cơm các nhà sư để cầu phúc lành và sức khỏe. Các hoạt động như Tắm Phật với nước ướp hương thơm; đắp núi cát, té nước và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức trong những ngày Tết. Trong Lễ Chol Chnam Thmey tại Campuchia, người dân trang hoàng nhà cửa để đón mừng năm mới và sum họp gia đình. Trong những ngày Tết, người dân Campuchia dâng cơm các nhà sư để hồi hướng quả phúc đến ông bà tổ tiên. Song song đó là các hoạt động như đắp núi cát để xóa trừ tội lỗi; Tắm Phật; con cháu “Tắm nước tại gia” cho ông bà, cha mẹ. Nhiều trò chơi dân gian cũng được tổ chức trong những ngày này. Vào Lễ Songkran của Thái Lan, người dân cũng trang hoàng nhà cửa đón chào Năm mới. Cúng lễ Phật là hoạt động chính trong những ngày này. Ngoài ra, người dân cũng phóng sinh để tạo phúc nhân dịp năm mới. Hoạt động náo nhiệt và thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân là té nước cầu may mắn, xóa đi những điều xấu trong năm cũ. Người dân Myanma tổ chức lễ cổ truyền Thingyan đón Năm mới với các hoạt động mang nhiều ý nghĩa nhân văn như “Tắm Phật tại gia” cho các bậc sinh thành, cúng lễ Phật và dâng cơm các nhà sư, cùng nhiều hoạt động vui chơi như té nước, nhảy múa,…

Ngày 13-4 năm nay trùng với ngày Pana Sankranti (còn goi là ngày Mesha Sankranti), ngày bước vào Năm mới của người dân ở Odia miền Đông Ấn Độ. Trong ngày này, người dân Odia tổ chức đón mừng năm mới bắt đầu bằng việc uống loại nước ngọt đặc trưng Misri, sau đó tiến hành các nghi lễ tôn giáo tại các đền thờ. Ngày 13-4 cũng trùng ngày vào Lễ Vaisakhi của người dân ở bang Punjab (miền Bắc Ấn Độ), được tổ chức cùng với ngày kết thúc mùa vụ. Trong ngày này, người dân bang Punjab sẽ tiến hành lễ rước theo nghi thức tôn giáo của mình. Trong Lễ Bohag hay còn gọi là Roongali Bihu của người dân ở bang Assam, miền Đông Bắc Ấn Độ, người dân quyên góp cho tôn giáo của mình.

Nhiều nước miền Nam châu Phi tuyên bố tình trạng thiên tai quốc gia

 

Hạn hán khiến nhiều người dân châu Phi lâm vào nạn đói. Ảnh: wordconcern.org


Ngày 13-4-2016, Tổng thống Malawi Peter Mutharika tuyên bố tình trạng thiên tai quốc gia do thiếu lương thực trầm trọng trong bối cảnh hạn hán kéo dài tại khu vực miền Nam châu Phi. Tuyên bố của Tổng thống P. Mutharika cho biết tình trạng hạn hán kéo dài khiến sản lượng ngũ cốc, nhất là sản phẩm ngô, của Malawi giảm mạnh trong niên vụ 2015 - 2016 và nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực tại quốc gia châu Phi này. Tổng thống P. Mutharika kêu gọi cộng đồng quốc tế cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho nước này. Theo người phát ngôn Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tại phía Nam châu Phi, David Orr, WFP đang hỗ trợ gần 3 triệu người Malawi tại 23/28 huyện đang bị ảnh hưởng nặng nề do hạn hán, nhất là từ đầu năm 2015 đến nay. Ông dự báo tình hình tồi tệ này sẽ tiếp tục kéo dài trong những tháng tới. Tháng 2 vừa qua, WFP cảnh báo Malawi đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua.

Tại nước láng giềng Zimbabwe, Tổng thống nước này Robert Mugabe đã tuyên bố tình trạng thiên tai quốc gia khi nước này có gần 3 triệu người, chiếm 1/4 dân số ở nông thôn, thiếu ăn. WFP cũng đang hỗ trợ lương thực khẩn cấp cho khoảng 730.000 người dân nước này. Hiện nay, nhiều quốc gia miền Nam châu Phi, trong đó có Malawi, Zimbabwe, Mozambique, Zambia và Nam Phi, đang bị hạn hán hoành hành do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, dẫn đến sản lượng lương thực, cây công nghiệp, ngành chăn nuôi... tại khu vực này giảm sút nghiêm trọng.

Các nước G20 cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

 

Phiên họp của G20 tại Thượng Hải (Trung Quốc) cuối tháng 02-2016. Ảnh: News.cn/VTV

Ngày 15-4-2016, sau cuộc họp của bộ trưởng tài chính nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Washington (Mỹ), các nước thành viên đã ra thông cáo chung khẳng định sẽ sử dụng tất cả các công cụ, bao gồm chính sách tiền tệ và tài chính để thúc đẩy tăng trưởng. Thông cáo của G20 nêu rõ nền kinh tế thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và bất ổn, trong bối cảnh tiếp tục có sự biến động về tài chính, xuất khẩu gặp khó khăn và lạm phát thấp. Thông cáo cho biết các nước thành viên G20 sẽ có những cách thức riêng cũng như có sự hợp tác để thúc đẩy lòng tin và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, G20 cũng tái khẳng định cam kết kiềm chế sử dụng tỉ giá hối đoái, phá giá đồng tiền để giành lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu.

Nhân dịp này, sau vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama”, Bộ trưởng Tài chính các nước G20 cũng kêu gọi đấu tranh chống nạn trốn thuế, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi hiệu quả và rộng khắp các quy định về minh bạch tài chính. G20 hối thúc “các trung tâm tài chính và cơ quan có thẩm quyền” tham gia diễn đàn trao đổi thông tin về các tài khoản ở nước ngoài.

Hội nghị mùa Xuân IMF - WB: Các nước cam kết thúc đẩy tăng trưởng

 

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã có cái nhìn lạc quan hơn về tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới. Ảnh: AFP


Khép lại Hội nghị thường niên mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Thủ đô Washington (Mỹ), ngày 16-4-2016, các bộ trưởng tài chính và giới lãnh đạo các ngân hàng trung ương đến từ 189 nước thành viên đã cam kết hành động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Đầu tuần trước, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 3,2%. Tổ chức này cảnh báo dòng người tị nạn, bất ổn tại thị trường tài chính, số công ty vỡ nợ tăng mạnh và kịch bản Brexit (Anh rút khỏi Liên minh châu Âu) đều là những mối đe dọa nghiêm trọng đối với kinh tế toàn cầu hiện đang bấp bênh. Tuy nhiên, sau hàng loạt cuộc họp với các thành viên của IMF, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã có cái nhìn lạc quan khi miêu tả diễn biến tuần qua là một đợt trị liệu tập thể để chuyển từ tình hình tiêu cực và các thách thức trước mắt sang một cách tiếp cận tích cực để tìm ra giải pháp. IMF đã kêu gọi các nước triển khai cách tiếp cận theo 3 hướng gồm chính sách tiền tệ, chi tiêu tài chính và cải cách cơ cấu để thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Đối diện với thực tế một số ngân hàng trung ương đã hạ lãi suất xuống mức âm hoặc cực thấp, các chuyên gia lo ngại ảnh hưởng của chính sách tiền tệ sẽ bị hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia không dư nguồn lực tài chính để tăng chi tiêu thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi đó, Mỹ - quốc gia có mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các nước phát triển - lại gây áp lực đầu tư vào kết cấu hạ tầng và khẳng định đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew nhấn mạnh: “ Tất cả nền kinh lớn cần triển khai đầy đủ các biện pháp về chính sách kinh tế”.

Động đất tại Nhật Bản và Ecuador: Công tác cứu hộ tiếp tục được triển khai

 

Lính cứu hỏa kiểm tra một ngôi nhà sập ở thị trấn Mashiki, tỉnh Kumamoto, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo


Tính đến chiều 17-4-2016, giới chức trách Nhật Bản cho biết hai trận động đất đêm 14-4 và rạng sáng 16-4 tại đảo Kyushu đã làm tổng cộng 41 người thiệt mạng, hơn 1.000 người bị thương, trong đó có 190 người bị thương nghiêm trọng. Ngày 17-4-2016, Nhật Bản đã chấp nhận đề nghị của Mỹ hỗ trợ công tác hậu cần và vận tải hàng không tại các khu vực vừa hứng chịu thảm họa động đất tại nước này trong bối cảnh công tác khắc phục và tìm kiếm nạn nhân gặp nhiều khó khăn do mưa to và gió lớn, kéo theo nguy cơ xảy ra các vụ sạt lở đất và nhiều tòa nhà có thể đổ sập. Ngoài ra, Thủ tướng Shinzo Abe nêu rõ chính phủ sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương lân cận tăng cường hoạt động cứu trợ người dân vùng thiên tai, bao gồm cung cấp các trang thiết bị vệ sinh, hỗ trợ y tế và chỗ ở tạm an toàn cho những người phải đi sơ tán. Theo Đài Truyền hình NHK và hãng tin Kyodo, số liệu mới nhất cho thấy hơn 25.000 quân nhân thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đang đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm nạn nhân tại các khu vực vừa xảy ra động đất, đồng thời phân phát lương thực, nước uống và các hỗ trợ chăm sóc y tế khẩn cấp.

Tiếp tục cập nhật về tình hình thương vong và thiệt hại vật chất sau trận động đất kinh hoàng sáng 17-4 (theo giờ Việt Nam), Phó Tổng thống Ecuador Jorge Glas cho biết đến đầu giờ chiều cùng ngày, số nạn nhân thiệt mạng là 77 người, trong khi có hơn 588 người bị thương. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là con số thương vong cuối cùng. Chính phủ Ecuador đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Tổng thống nước này Rafael Correa đã rút ngắn lịch trình thăm Vatican để trở về chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả trận động đất được coi là mạnh nhất tại quốc gia Nam Mỹ này trong nhiều thập kỷ qua. Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, đã có ít nhất 55 dư chấn xảy ra sau trận động đất và rung lắc có thể cảm nhận được cả ở phía Bắc Peru./.