Gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với một nước mà nông dân chiếm tới hơn 70% dân số, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp còn khá cao trong GDP như nước ta, thì những cơ hội, khó khăn và thách thức trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp rất cần được nhận thức rõ và có những ứng phó phù hợp, để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, bảo đảm tính hiệu quả của quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Thị trường nông sản của Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc cùng với những thành tựu to lớn của nền nông nghiệp nước nhà. Tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu trong vòng 6 năm trở lại đây (từ năm 2000 đến 2006) đạt mức 16,5%, với mức tăng 2,4 lần ở thời điểm năm 2006 so với năm 2000. Một số mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam có thị phần lớn và chiếm các vị trí dẫn đầu trong các nước xuất khẩu nông sản như: gạo (đứng thứ 2 thế giới với 18,2% thị phần), hồ tiêu (đứng thứ nhất thế giới với 14,3% thị phần), hạt điều (đứng thứ 2 thế giới với 9,5% thị phần, cà phê (40% thị phần)... Hiện tại, nông sản Việt Nam đã có mặt ở thị trường hơn 100 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu bước đầu đáng mừng đó, trong bối cảnh mới, việc phát triển thị trường nông sản Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều vấn đề khi nước ta đã gia nhập WTO.

1 - Về cơ hội

- Gia nhập WTO, thị trường nông sản Việt Nam có điều kiện thâm nhập vào thị trường nông sản thế giới. Nông sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu mức hàng rào thuế quan thấp nhất, cùng với việc nhiều hàng rào phi thuế quan sẽ được bãi bỏ, thị trường tiêu thụ nông sản sẽ có khả năng không ngừng mở rộng cả về quy mô và không gian thị trường. Hiện tại, sự gia tăng dân số đang là một thách thức lớn đối với vấn đề an ninh lương thực toàn cầu. Việc gia nhập WTO mang đến cho nông nghiệp Việt Nam triển vọng có một sân chơi khổng lồ, với hơn 5 tỉ người tiêu thụ. Theo dự báo của Liên hợp quốc, dân số thế giới sẽ tăng thêm 2,5 tỉ người vào năm 2020, trong đó riêng châu á là 1,5 tỉ, điều này sẽ làm tăng đáng kể nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm lương thực, thực phẩm. Do đó, có thể thấy rằng, thị trường thế giới đang tạo ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam, nhất là các sản phẩm lương thực đang là một thế mạnh của nông nghiệp nước ta trong giai đoạn hiện nay.

- Việc đẩy mạnh xuất khẩu với yêu cầu cao của thị trường thế giới về chất lượng nông sản xuất khẩu sẽ đem lại cơ hội đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến nông sản, từ đó tạo tiền đề nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới và ngay trong chính thị trường nội địa, khi mà một khối lượng lớn nông sản từ các nước khác tràn vào Việt Nam. Điều này lại tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia thị trường công nghệ phục vụ sản xuất nông sản chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới.

- Đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp. Các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn và kinh nghiệm kinh doanh hàng nông sản sẽ vào thị trường nước ta để lập nhà máy sơ chế hoặc chế biến nông sản, lập chi nhánh ở Việt Nam, sản xuất những nông sản độc đáo mà họ đang có lợi thế về công nghệ và thị trường. Đó là cơ sở để nông sản Việt Nam ngày càng phong phú về chủng loại và chất lượng được cải thiện đáp ứng được nhu cầu cao của thị trường...

2 - Về thách thức

- Thách thức lớn nhất đối với thị trường nông sản nước ta khi gia nhập WTO là khả năng cạnh tranh khốc liệt của nông sản sản xuất trong nước với nông sản nhập khẩu có chất lượng cao (Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc có khoảng 1 tỉ tấn nông sản các loại ở châu á sẵn sàng vào thị trường Việt Nam ngay khi nước ta gia nhập WTO). Nông sản nước ta sẽ phải cạnh tranh quyết liệt trên thị trường cả trong và ngoài nước. Mặc dù Việt Nam có thế mạnh về một số nông sản xuất khẩu có thể tiếp tục duy trì hoặc mở rộng trong tương lai (như gạo, hạt tiêu, điều...) nhưng một số sản phẩm phục vụ cho nhu cầu thị trường trong nước (như đường, ngô, sản phẩm sữa và thịt) sẽ gặp khó khăn, vì khả năng cạnh tranh của Việt Nam về những sản phẩm này còn khá hạn chế. Đồng thời với khả năng tăng xuất khẩu là sức ép về tăng nhập khẩu hàng nông sản nước ta. Và, nếu không tiếp cận được các thị trường tiêu thụ trực tiếp và xây dựng chiến lược sản phẩm thích hợp thì Việt Nam có nguy cơ trở thành nước xuất khẩu nông sản thô, ít qua chế biến sang các nước khác trong khu vực, lại nhập nông sản có hàm lượng chế biến cao...

- Tiếp theo, thị trường thế giới vẫn tồn tại những hàng rào phi thương mại áp dụng đối với nhiều mặt hàng nông sản. Nền nông nghiệp nước ta lại phần lớn còn phát triển theo hướng tự phát, thiếu quy hoạch, không có thông tin hoặc vì lợi nhuận trước mắt không tuân thủ quy trình sản xuất nông sản để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong khi yêu cầu của thị trường thế giới giai đoạn mới là nông sản "sạch" hay nông sản "an toàn". Vì thế, nhiều nông sản không vượt qua được các rào cản kỹ thuật khi thâm nhập thị trường các nước, đặc biệt là các thị trường "khó tính" như EU, Nhật Bản...

- Công nghệ sau thu hoạch của nước ta còn khá lạc hậu, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch khá cao (Theo tài liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thất thoát sau thu hoạch trong sản xuất lúa thường là 10 - 17%, có nơi tới 30%). Với công nghệ sau thu hoạch lạc hậu, lại chưa có nền sản xuất lớn, tập trung, với các quy trình kỹ thuật chuẩn, tách rời giữa sản xuất và tiêu thụ... nên chúng ta chưa sản xuất được nông sản đạt chất lượng tiêu chuẩn như nhiều nước khác. Hàng nông sản của nước ta vẫn chủ yếu là nông sản thô hoặc mới qua sơ chế (có đến 90% nông sản còn được bán ra ở dạng thô và do đó có đến 60% sản phẩm bị bán ép với giá thấp). Hiện tại, tuy Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trong khu vực và thế giới nhưng khả năng tăng chế biến, giá trị gia tăng của nông sản còn diễn ra khá chậm và gặp rất nhiều khó khăn.

- Sản xuất nông nghiệp của nước ta còn rất manh mún, nhỏ bé. Điều này thể hiện ở diện tích đất canh tác cho các hộ gia đình thấp và bị chia nhỏ (bình quân chỉ khoảng 0,8 ha/hộ 5 người). Đó cũng là một thách thức lớn khi thị trường yêu cầu với số lượng lớn, chất lượng cao, bảo đảm tính đồng bộ về quy cách và khi thực hiện các cam kết về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, nhất là ở những vùng sâu vùng xa. Cung cách sản xuất nhỏ tiểu nông cũng đang tác động tiêu cực đến xu thế sản xuất hàng hóa lớn, coi trọng chữ tín và tuân thủ các hợp đồng kinh tế.

- Ngoài ra, sự dao động về giá cả nông sản trên thị trường thế giới luôn ở mức độ cao và xảy ra thường xuyên, chủ yếu do sự bất ổn định của sản xuất nông nghiệp cũng là thách thức cho nông nghiệp Việt Nam. Nguy hiểm nhất là xu hướng giảm giá xen lẫn với lên giá thất thường hiện diễn ra phổ biến ở hầu hết các mặt hàng nông sản chủ yếu của nước ta như lúa, gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều và một số mặt hàng khác đã gây ra tác động tiêu cực, đó là nông sản tồn đọng lớn, thu nhập của nông dân giảm tương đối, kéo theo giảm sức mua của thị trường nông thôn, giảm khả năng đầu tư vốn của nông dân vào phát triển sản xuất. Thêm vào đó, lạm phát lên 2 con số và giá cánh kéo so với các nước hàng công nghiệp tăng, nhất là so với năng lượng hiện nay... đang làm cho đời sống của hàng chục triệu nông dân đứng trước nhiều khó khăn, thử thách.

3 - Một số kiến nghị nhằm phát triển thị trường nông sản Việt Nam trong thời gian tới

Quan điểm chỉ đạo trong phát triển sản xuất nông nghiệp Việt Nam trong điều kiện gia nhập WTO là tập trung mạnh vào 4 tiêu chí: nâng cao hàm lượng khoa học - kỹ thuật trong một đơn vị nông sản hàng hóa; nâng cao tỷ trọng hàng hóa trong sản phẩm nông nghiệp; tỷ trọng hàng hóa qua chế biến, đặc biệt là tinh chế phải tăng; hàng hóa của nông dân phải được sản xuất qua các hợp đồng lớn. Để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội khi gia nhập WTO, phát triển mạnh thị trường nông sản Việt Nam, theo chúng tôi, cần tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:

a - Về phía các cơ quan quản lý nhà nước:

- Tập trung chỉ đạo và tạo các điều kiện hỗ trợ nông dân và các chủ thể có liên quan sản xuất nông sản theo quy trình GAP. Đây là một chương trình kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt từ A đến Z của dây chuyền sản xuất, bắt đầu từ khâu chuẩn bị ở nông trại, canh tác đến khâu thu hoạch, sau thu hoạch, tồn trữ. Nó bao gồm cả những yếu tố liên quan đến sản xuất như môi trường, các chất hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, bao bì và điều kiện làm việc, phúc lợi của người làm việc trong nông trại. ở nước ta, các chương trình tập huấn về GAP, dự án "GAP cho cây thanh long"... do Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa và các nước khác tài trợ gần đây chỉ là những chương trình nhỏ lẻ, chưa phải là một chu trình an toàn có quy mô toàn ngành, toàn quốc cho Việt Nam. Nếu Việt Nam không tích cực thực hiện sản xuất nông sản theo quy trình GAP sẽ rất khó xuất khẩu, kể cả việc cạnh tranh với nông sản nhập khẩu ngay ở thị trường trong nước. Vì vậy, việc nhanh chóng thực hiện quy trình nông nghiệp an toàn GAP; hỗ trợ nông dân các điều kiện bảo đảm thực hiện theo đúng yêu cầu của quy trình là vấn đề rất quan trọng cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như tuyên truyền, vận động nông dân hiểu biết về các yêu cầu kỹ thuật, công nghệ chặt chẽ này của thị trường thế giới. Ngoài ra, khâu kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng cần được chú trọng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hơn nữa mới đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

- Hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường cho các chủ thể liên quan. Các biện pháp cụ thể cần thực hiện là: kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thông tin thị trường từ Trung ương đến các địa phương; thành lập các điểm thông tin thị trường ở các vùng chuyên canh có tỷ suất hàng hóa lớn; phối hợp hoạt động của các điểm thông tin với hoạt động của các tổ chức khuyến nông, các câu lạc bộ, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp; tăng cường việc theo dõi, nghiên cứu thị trường quốc tế, thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp và nông dân; duy trì và phát triển các trang điện tử trên mạng In-tơ-nét về nông sản và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông sản; đặt vấn đề với các tổ chức quốc tế, đề nghị trợ giúp kỹ thuật xây dựng thí điểm sàn giao dịch nông sản và nâng cao năng lực xúc tiến thương mại đối với hàng nông sản; có chính sách khuyến khích các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng nông sản tham gia các hội chợ nông sản trong nước và quốc tế, xây dựng các trung tâm giao dịch và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ở nước ngoài..

- Có chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời có chính sách khuyến khích sự phát triển của lĩnh vực bảo hiểm trong sản xuất nông sản. Đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học (giống cây trồng và vật nuôi, kể cả những giống có gien chuyển đổi thích nghi với điều kiện canh tác khắc nghiệt của nông dân vùng sâu, vùng xa); công nghệ sau thu hoạch, ...

- Có chính sách bảo hộ hợp lý đối với nông sản trên cơ sở tuân thủ các quy định của WTO cùng các chính sách hỗ trợ khác. Chính sách trong nông nghiệp gồm 2 loại: Hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu. Nguyên tắc của WTO là trợ cấp phải thông qua các chương trình cụ thể và phải có các tiêu chí rõ ràng. Còn trong trường hợp hỗ trợ can thiệp thị trường (như mua gạo trữ cho doanh nghiệp) thì phải tính đến tình huống là trợ cấp doanh nghiệp không vượt quá 10% để tránh bị đánh thuế phá giá. Mặc dù theo tính toán, mức hỗ trợ của ta vẫn đang ở mức dưới 10%, nhưng Nhà nước vẫn phải điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp với quy định của WTO, mà vẫn hỗ trợ được doanh nghiệp. Nông dân Việt Nam vẫn cần tiếp tục nhận được những sự giúp đỡ của Nhà nước về kết cấu hạ tầng, con giống, cây giống, về tập huấn khuyến nông... và nhất là hướng dẫn về việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật nông nghiệp sạch và an toàn.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần tiếp tục duy trì và thực hiện các chính sách hỗ trợ khác nhằm xóa đói giảm nghèo và giúp đỡ nông dân trong phát triển sản xuất nông sản có quy mô lớn như: Chính sách khuyến khích nông dân "dồn điền, đổi thửa", sản xuất theo quy hoạch; thực hiện hợp đồng bán sản phẩm cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu; chính sách hỗ trợ nông dân mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản... nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm; chính sách đổi mới quản lý khoa học công nghệ, gắn nghiên cứu khoa học với sản xuất; chính sách đào tạo nghề, đào tạo cán bộ, nhất là cho các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa; chính sách khuyến khích, đãi ngộ cán bộ khoa học về công tác ở vùng nông thôn miền núi... Nhà nước nên có giải thưởng xứng đáng cho các sáng chế kỹ thuật, máy móc làm lợi cho nông dân trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản để vừa khỏi nhập máy móc ngoại đắt tiền, vừa phù hợp với sức mua của nông dân.

- Quản lý chặt chẽ chất lượng nông sản lưu thông trên thị trường.

b - Về phía các chủ thể sản xuất, kinh doanh hàng nông sản:

- Cần nhận thức rõ và tích cực triển khai quy trình GAP trong sản xuất nông sản. Để làm được việc này, các doanh nghiệp phải đầu tư lớn, nghiên cứu để hiểu rõ và thực hiện các biện pháp quản lý đồng bộ toàn bộ quá trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản theo tiêu chuẩn GAP một cách chuyên nghiệp, hình thành được đội ngũ "công nhân nông nghiệp" chuyên nghiệp hoặc các hộ nông dân, các hợp tác xã với những xã viên có ý thức cao và có sự cam kết rõ ràng gắn với trách nhiệm cả về pháp lý và kinh tế trong việc thực hiện nghiêm túc các yêu cầu liên quan trong quá trình sản xuất nông sản.

- Xây dựng và tham gia phát triển chuỗi cung ứng nông sản theo hướng sản xuất lớn đáp ứng các yêu cầu cả về số lượng và chất lượng nông sản. Tham gia vào chuỗi cung ứng các nông sản phải bao gồm tất cả các chủ thể có liên quan đến quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ nông sản. Những liên kết này bao gồm cả liên kết giữa các khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ, giữa các "nhà": Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông; giữa các địa phương với nhau và giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông sản... Chừng nào những liên kết trên đây còn chưa chặt chẽ, sản xuất và tiêu thụ nông sản với khối lượng lớn và có chất lượng đồng bộ còn chưa đáp ứng yêu cầu mới của thị trường nông sản thế giới.

Các doanh nghiệp cần đóng vai trò trung tâm trong việc điều phối và vận hành hiệu quả hoạt động của toàn chuỗi cung ứng nông sản. Muốn vậy, các doanh nghiệp cần chủ động đặt hàng với các cơ sở nghiên cứu để có thể cung cấp cho các hộ nông dân, các hợp tác xã các giống cây con chất lượng cao, các loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn và nằm trong danh mục được phép sử dụng bảo đảm chất lượng. Doanh nghiệp cũng cần tham gia trực tiếp vào quá trình giám sát sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, chế biến nông sản theo tiêu chuẩn GAP.

- Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản Việt Nam. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc xây dựng thương hiệu không khó, cái khó là làm sao phát triển và giữ vững được thương hiệu sau khi đã xây dựng. Muốn vậy, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm chất lượng của nông sản đúng theo yêu cầu của người tiêu dùng và của thị trường. Trước mắt, các doanh nghiệp Việt Nam cần định hướng lựa chọn một số thương hiệu chủ lực cho các mặt hàng nông sản đang có thế mạnh trên thị trường thế giới như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều... để có thể xuất khẩu trực tiếp đến các thị trường có nhu cầu mà không phải qua trung gian hoặc mượn thương hiệu nước ngoài. Việc hình thành các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông sản có quy mô lớn, tăng cường xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản... sẽ là cơ sở ban đầu để hình thành các thương hiệu mạnh của các doanh nghiệp và nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, với sự nỗ lực từ nhiều phía là cơ sở quan trọng để phát triển mạnh thị trường nông sản nước ta với phương châm tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức trong khuôn khổ của WTO, góp phần xây dựng nền nông nghiệp nước nhà sớm đi lên sản xuất hàng hóa lớn và có thương hiệu quốc gia mạnh trên thị trường nông sản thế giới./.