Văn học nghệ thuật và hội nhập

Phạm Tiến Duật
14:07, ngày 10-04-2007

Hội nhập kinh tế quốc tế tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có văn học - nghệ thuật. Trong sự phấn chấn chung của toàn xã hội, giới văn nghệ đã có mặt trên các sàn diễn và cả trên quảng trường với các tác phẩm ca, múa, nhạc chào mừng hội nhập.

Câu chuyện văn học - nghệ thuật trong hội nhập là câu chuyện lớn, tác động không chỉ đến cá nhân các văn nghệ sĩ mà tới cả cơ cấu, cách hành xử và hoạt động của các tổ chức văn học - nghệ thuật. Hạ tầng cơ sở là nền kinh tế biến động thì cũng tác động tới các lĩnh vực của thượng tầng kiến trúc và ngược lại. Văn hóa nói chung và văn nghệ nói riêng cũng góp phần kìm hãm hay thúc đẩy sự phát triển của toàn xã hội.

Đã đến lúc cần thay đổi cơ chế?

Hội Văn nghệ Việt Nam, nay là Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật Việt Nam được thành lập cách đây trên 60 năm. Hội Nhà văn Việt Nam và một số hội nghệ thuật khác cũng có lịch sử tròn nửa thế kỷ. Trên chặng đường dài ấy, hình dáng, quy mô của các tổ chức văn học và nghệ thuật có lúc thay đổi nhưng vẫn tồn tại một cơ chế, có thể nói gọn là cơ chế bao cấp để phục vụ. Cơ chế ấy là rất hợp lý trên các chặng đường chiến tranh. Đội ngũ các nhà văn và các nghệ sĩ là đội ngũ những người chiến sĩ, cây bút, cây đàn đi liền cây súng. Sản phẩm văn nghệ là sản phẩm phục vụ, không tính đến “cát-xê” biểu diễn hay nhuận bút. Nhà văn và nghệ sĩ lấy nhiệm vụ chính trị là nhiệm vụ hàng đầu và do vậy, văn học và nghệ sĩ được xã hội bao cấp trở lại là điều dễ hiểu và là điều tất nhiên. Ở chặng đường đã qua, cơ chế ấy là đúng và đã phát huy tính tích cực cho các nhà văn và nghệ sĩ động viên tinh thần của toàn Đảng, toàn dân, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tô đậm truyền thống anh hùng của đất nước anh hùng. Nhưng đến nay, cơ chế ấy xem ra cần phải bàn bạc lại.

Việc hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó có các đoàn thể xã hội. Dùng tiền ngân sách là dùng tiền đóng thuế của người dân. Đã đến lúc phải thay đổi cơ chế của các tổ chức văn học và nghệ thuật, bỏ bao cấp, giảm cồng kềnh, tăng tính hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho công việc sáng tạo của nhà văn và nghệ sĩ. Và việc đầu tiên là xác nhận trở lại sản phẩm văn học nghệ thuật cũng là hàng hóa, nhưng tất nhiên là hàng hóa đặc biệt.

Rẻ vì không hay?

Đã gọi là hàng hóa thì phải bàn đến giá cả và giá trị. Đối với văn nghệ, đây là một câu chuyện rất khó. Không có gì trừu tượng hơn là mối quan hệ giữa giá trị thực của sản phẩm và sự trả công. Hiện nay, nhuận bút trả cho một bài thơ của tờ Văn nghệ là 100 nghìn đồng, trên Văn nghệ trẻ là 50 nghìn đồng. Tiền biểu diễn cho một suất diễn của một ca sĩ trung bình là tiền triệu. Một nhà thơ chuyên nghiệp cũng chỉ có thể in một tháng vài bài thơ trên tờ báo của Hội mình. Và họ rơi vào đối tượng hộ nghèo: (chỉ số nghèo mới là thu nhập 260.000đ/tháng ở khu vực đô thị). Có thể giá thơ rẻ thế vì thơ không hay, không được bạn đọc quan tâm. Một số báo in thơ nhiều thì tăng tính sang trọng mà lại giảm thu nhập. Mạnh dạn như tờ Nhân dân cuối tuần cũng chỉ dám trả 300 nghìn đồng cho một bài thơ.

Cũng như các loại hàng hóa khác, văn học nghệ thuật cũng phải chăm chú đến việc nâng cao chất lượng, chống hàng giả, hàng nhái. Mà hiện tượng hàng giả, hàng nhái trong thơ, trong văn học, trong âm nhạc, trong hội họa như báo chí năm qua đã chỉ ra vẫn còn tồn tại. Giá trị nghệ thuật thực sự của các giải thưởng vẫn bị dư luận nghi ngờ là một dấu hiệu thấp kém của các sáng tác văn học và nghệ thuật hiện nay. Người ta bàn đến dư lượng hóa chất gây độc hại trong tôm, cá, trong trứng gà và các loại thực phẩm khác mà các dư lượng có thể gây độc hại trong sản phẩm văn nghệ thì chưa được đặt ra. Đã đến lúc cần có các hội đồng thẩm định nghệ thuật ở cấp quốc gia, bao gồm những người có chuyên môn cao chứ không phải chỉ có hàm cấp thẩm định. Đã đến lúc phải bàn lại về chế độ nhuận bút và giá cả nói chung đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Rồi đây, tiền lương và hành chính phí của Hội Nhạc sĩ Việt Nam chẳng hạn phải là nguồn tiền quản lý phí mà các nhạc sĩ sáng tác và ca sĩ biểu diễn phải nộp. Đó là sự công bằng. Hội Nhà văn Việt Nam và các hội nghệ thuật khác cũng nên học tập theo cách đó. Bên cạnh việc bỏ bao cấp, chúng tôi nghĩ, Nhà nước nên tiếp tục đặt hàng đối với các sản phẩm cần có và tiếp tục tài trợ cho các sáng tác nhằm thúc đẩy, khuyến khích các tác giả có tác phẩm đỉnh cao.

Sản phẩm văn nghệ Việt Nam thêm cơ hội “vượt biên”

Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị “Diễn đàn hợp tác văn hóa châu Á” tổ chức giữa tháng 11 - 2006 tại Hồng Kông, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, trong quá trình giao lưu văn hóa quốc tế và quá trình toàn cầu hóa, đặc biệt là sự phát triển hết sức mạnh mẽ và nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông kỹ thuật số, nền văn hóa, nghệ thuật đương đại của mỗi quốc gia, dân tộc đều chịu ảnh hưởng, tác động từ các nền văn hóa, nghệ thuật bên ngoài. Ông nhận định “thế giới mà chúng ta đang sống đã có nhận thức đúng đắn hơn về vai trò của văn hóa, nghệ thuật, coi văn hóa, nghệ thuật là động lực chính trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội chứ không chỉ thực hiện chức năng giải trí và giáo dục thẩm mỹ đơn thuần”.

Thực ra, việc hội nhập kinh tế quốc tế với văn học - nghệ thuật đã diễn ra từ lâu nay chứ không phải đợi đến lúc Việt Nam gia nhập WTO. Ngay thời kỳ Mỹ cấm vận gay gắt, các nhà văn Việt Nam đã đến đất Mỹ. Tập thơ tuyển của các tác giả Việt Nam chống Mỹ thời kỳ 1945-1975 mang tên Sông núi do phía Mỹ biên tập, dịch và xuất bản tại Mỹ cách đây đã 10 năm. Một trung tâm văn học lớn của Mỹ là Wiliam Jainer Center đã có quan hệ với Việt Nam từ hơn 20 năm nay.

Khi In-tơ-nét và các phương tiện truyền thông kỹ thuật số trở thành phương tiện kết nối toàn cầu thì cũng là lúc việc hội nhập quốc tế về văn học và nghệ thuật bắt đầu vận hành. Văn học và nghệ thuật của nhân loại bắt đầu bằng truyền khẩu thì nay lại được truyền bằng công nghệ cao. Một bài thơ vừa in ở báo chí Việt Nam hôm trước, hôm sau đã có ở Pháp. Một ca khúc mới phát hôm trước ở Đức, hôm sau đã có ở Việt Nam. Vấn đề là ở chỗ, việc giao lưu văn hóa nói chung và giao lưu văn học, nghệ thuật nói riêng phải được quy hoạch và có kế hoạch bài bản hơn, đồng bộ hơn. Các sáng tác văn học và nghệ thuật Việt Nam được giới thiệu ra nước ngoài ngày một nhiều hơn. Tập Ngục trung nhật ký của Hồ Chí Minh được dịch và xuất bản ở Mỹ ngay trong thời kỳ chiến tranh. Tính đến bản dịch ra tiếng Triều xuất bản ở Hàn Quốc năm ngoái, Ngục trung nhật ký đã được dịch ra 14 ngôn ngữ quốc tế. Thơ của một tác giả rất khó chuyển ngữ là Hồ Xuân Hương cũng đã được các bạn Mỹ dịch và xuất bản, được công chúng Mỹ rất khen ngợi. Nhưng đó chỉ là những ví dụ cho thấy bạn bè quốc tế rất quan tâm đến văn học - nghệ thuật Việt Nam. Phía ta chưa có sự quan tâm đầu tư thích đáng cho loại công việc đối ngoại rất quan trọng này, trừ Nhà xuất bản Thế giới (trước đây là Nhà xuất bản Ngoại văn) có quy hoạch việc dịch tác giả nào, tác phẩm nào nhưng do điều kiện thực tế nên còn nhiều hạn chế.

Một trong những việc rất đáng suy nghĩ đối với đội ngũ nhà văn và nghệ sĩ khi hội nhập quốc tế là số nhà văn và nghệ sĩ có trình độ ngoại ngữ ở mức giao tiếp, làm việc không nhiều. Cái mừng là các văn nghệ sĩ trẻ rất chăm học. Rồi đây khi hội nhập sâu hơn nữa, giao tiếp giữa Việt Nam và nước ngoài tăng lên thì cái yếu kém này sẽ dần được khắc phục.

Bay lên và níu lại

Trong hội nhập quốc tế phần đóng góp quan trọng nhất đến từ hai chức năng ngỡ là ngược nhau của văn học và nghệ thuật là: chức năng bay lên và chức năng níu lại. Gọi là níu lại cũng được mà chốt lại cũng được. Ấy là việc hội nhập rộng rãi đến đâu đi nữa, sâu rộng đến đâu đi nữa cũng phải giữ vững phẩm chất Việt Nam, tinh thần Việt Nam, đặc điểm Việt Nam, ý chí Việt Nam. Phát huy tính đặc sắc văn hóa của mỗi dân tộc không chỉ là niềm quan tâm của ta mà còn là khuyến cáo của ASEM 5 tại Hà Nội, là một trong những kết luận của APEC 14 tại Hà Nội và sự quan tâm của hầu hết các quốc gia. Văn học - nghệ thuật trong hội nhập không phải chỉ cần sự quan tâm của nhà văn và nghệ sĩ đối với các bang giao quốc tế mà còn cần tập trung vào tất cả các đề tài truyền thống vô cùng cần thiết cho các thế hệ hôm nay và mai sau: đề tài lịch sử, chiến tranh và cách mạng, xây dựng hình tượng các nhân vật lý tưởng của thời đại mình, những vấn đề có tính nhân văn được xã hội quan tâm như vai trò cá nhân trong cộng đồng, vai trò gia đình trong xã hội, những đề tài muôn thuở mà vẫn mới mẻ là tình bạn, tình yêu. Cái cần chốt chặt là bạo lực, là đồi trụy và những gì phi văn hóa thâm nhập từ những nguồn khác nhau vào đời sống văn hóa, văn nghệ. Đấy là cái dây diều vững chắc để con diều Việt Nam sang trọng bay lên.

Không phải là không chuẩn mực và không kỹ lưỡng khi nói rằng văn hóa, trong đó phần cốt lõi là văn học - nghệ thuật góp phần vào việc phát triển bền vững đối với mỗi nền kinh tế, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Khái niệm phát triển bền vững xuất hiện chưa quá lâu. Thoạt đầu, bên cạnh việc mở rộng và phát triển công nghiệp, thương mại, nông nghiệp và dịch vụ phải đi kèm với việc bảo vệ môi trường. Tiếp đó, người ta đi kèm việc phát triển kinh tế, gìn giữ môi trường với phát triển giáo dục và sau cùng việc ổn định chính trị và giữ gìn bản sắc văn hóa, trong đó có văn học, nghệ thuật trong khái niệm phát triển bền vững.

Với bản lĩnh về bề dày lịch sử của một dân tộc có nghìn năm văn hiến, có bề dày kinh nghiệm về giao lưu quốc tế bằng văn học, nghệ thuật từ các triều vua xưa, với truyền thống của một nền văn học, nghệ thuật cách mạng, nhất định đội ngũ nhà văn và nghệ sỹ nước ta sẽ có bước chuyển mới trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.