Xu thế đổi mới quản trị công trên thế giới và vấn đề hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
TCCS - Trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của quản trị quốc gia đối với chiến lược phát triển đất nước tầm nhìn đến năm 2045, Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra một nhiệm vụ mang tính đột phá là: Đổi mới nền quản trị quốc gia theo hướng hiện đại. Để hoàn thành nhiệm vụ chiến lược này, trước hết cần tổng kết, đánh giá những thành tựu, hạn chế của nền quản trị quốc gia hiện nay, từ đó đưa ra một chương trình tổng thể nhằm đổi mới, hiện đại hóa nền quản trị quốc gia với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình,... rõ ràng, cụ thể.
Quản trị là một phương thức vận hành hiện đại, hiệu quả có thể áp dụng trong các loại tổ chức khác nhau dựa trên nguyên tắc, luật lệ, thể chế, quy trình..., do các chủ thể có quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp phối hợp tạo ra một cách dân chủ nhằm nâng cao năng lực chủ thể, tối ưu hóa việc sử dụng các loại nguồn lực và bảo đảm hiệu quả hoạt động của tổ chức. Trên thế giới có nhiều mô hình, lĩnh vực quản trị, như quản trị toàn cầu, quản trị quốc gia, quản trị nhà nước, quản trị công, quản trị doanh nghiệp... “Quản trị quốc gia” là khái niệm do Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra năm 1989, được hình thành dựa trên nền tảng chính trị - xã hội của phương Tây. Do đó, khái niệm này hàm chứa sự khác biệt nhất định về kinh tế, chính trị, xã hội giữa các nước phương Tây với các nước đang phát triển. Theo sắp xếp, phân loại, quản trị quốc gia, quản trị công, quản trị nhà nước,... thuộc lĩnh vực quản trị công. Các loại hình quản trị này có sự giao thoa và mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó quản trị công, quản trị nhà nước là cơ sở, tiền đề để xây dựng, phát triển nền quản trị quốc gia. Từ xu hướng, kết quả đổi mới quản trị trên thế giới, cùng vai trò, hiệu quả, giá trị xã hội đã được kiểm chứng, quản trị quốc gia trở thành một mô hình hữu hiệu để bảo đảm sự ổn định, thịnh vượng và phát triển hài hòa ở tất cả các quốc gia trên thế giới.
Quá trình đổi mới quản trị công, xây dựng, hoàn thiện nền quản trị quốc gia trên thế giới
Cải cách kinh tế, đổi mới quản trị công ở các nước xã hội chủ nghĩa
Để khắc phục tình trạng quản lý yếu kém, kinh tế chậm phát triển..., trong thời kỳ “Chiến tranh lạnh” (1947 - 1991), các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) và tư bản chủ nghĩa (TBCN) đều tìm cách đưa ra những chương trình cải cách kinh tế - xã hội nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị công, cũng như quản trị nhà nước. Những chương trình này có những tên gọi khác nhau, song tiếp cận dưới góc độ quản trị học, đây chính là quá trình tạo ra những tiền đề cơ bản, cần thiết cho việc xây dựng, hoàn thiện nền quản trị quốc gia. Trước khi khái niệm “quản trị quốc gia” xuất hiện năm 1989, nhiều nước XHCN đã tiến hành cải cách, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, đổi mới mô hình quản trị công... Liên Xô là quốc gia đi đầu trong việc thực hiện cải cách kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn cải cách lần thứ ba (1965 - 1982), Liên Xô “áp dụng phương pháp hạch toán kinh tế theo cơ chế thị trường và trao quyền tự chủ cho các xí nghiệp”(1). Tiếp theo đó, với chủ trương tư nhân hóa và tự do hóa nền kinh tế, Chương trình cải tổ (1985 - 1991) đã tạo ra bước ngoặt về chính sách quản trị quốc gia ở Liên Xô. Trong xu thế đổi mới thịnh hành, nhiều nước XHCN cũng đã thay đổi quan điểm về kinh tế thị trường, áp dụng mô hình kinh tế mới, tinh gọ#n bộ máy, nâng cao hiệu quả quản trị công, quản trị nhà nước, khắc phục tình trạng năng suất lao động thấp... Bên cạnh Liên Xô, trong khối các nước XHCN còn có hai quốc gia đi đầu xu thế đổi mới kinh tế, xây dựng nền quản trị quốc gia là Trung Quốc, với chính sách “mở cửa” năm 1978 và Việt Nam, với chính sách “Đổi mới” năm 1986.
Cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu. Các nước XHCN ở Đông Âu, như Ba Lan, Séc, Bun-ga-ri, Ru-ma-ni,... bước vào giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Năm 2004, Ba Lan, Séc,... gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Sau đó, Bun-ga-ri và Ru-ma-ni cùng gia nhập EU năm 2007. Trong khoảng hơn 15 năm, phần lớn các nước Đông Âu đã chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Đây cũng chính là xu thế chuyển đổi mô hình quản trị, xây dựng nền quản trị quốc gia ở hầu hết các nước Đông Âu sau khi “Chiến tranh lạnh” kết thúc.
Cải cách, nâng cao hiệu quả quản trị công ở các nước tư bản chủ nghĩa
Tương tự như xu thế cải cách diễn ra ở các nước XHCN, vào đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, nhiều nước TBCN tiến hành điều chỉnh chức năng nhà nước, nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị khu vực công, khắc phục những hạn chế, yếu kém của bộ máy công quyền. Các nước Anh, Pháp, Mỹ,... đã tiến hành điều chỉnh chức năng nhà nước, giảm bớt sự can thiệp của chính phủ vào hoạt động kinh tế, cắt giảm chi tiêu công, phát triển thị trường, đẩy mạnh tư nhân hóa... Thông qua việc thực hiện các chính sách thuê ngoài (outsourcing), hợp tác đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP)..., sự tương tác, phối hợp giữa nhà nước và tư nhân diễn ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia. Từ năm 1980, hình thức PPP được triển khai rộng rãi ở Anh, Pháp, Mỹ... Những biện pháp cải cách trên đây mang lại lợi ích đáng kể cho nhà nước, tư nhân và xã hội, giảm bớt tình trạng cồng kềnh, kém hiệu quả của bộ máy nhà nước, giải quyết việc làm, tạo động lực phát triển cho nền kinh tế... Việc đổi mới, điều chỉnh chính sách kinh tế, thu hẹp hoạt động của bộ máy nhà nước, đẩy mạnh PPP,... là xu thế đổi mới quản trị công, đồng thời cũng là xu thế đổi mới, hoàn thiện nền quản trị quốc gia ở nhiều nước TBCN trên thế giới. Hiện nay, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, sức mạnh, tầm ảnh hưởng, vị thế quốc gia..., đổi mới, hoàn thiện nền quản trị quốc gia là chính sách ưu tiên hàng đầu của các nước tư bản phát triển.
Quá trình chuyển đổi từ thể chế độc tài sang mô thức quản trị quốc gia
Xóa bỏ chế độ chuyên chế, độc tài, thiết lập nền quản trị quốc gia là xu thế tất yếu diễn ra ở những quốc gia phi dân chủ, như U-gan-đa dưới chế độ độc tài quân sự của Tổng thống I-đi A-min Đa-đa; Ha-i-ti dưới thời Tổng thống Giăng - Cờ-lau-đê Đu-va-li-ơ; Cam-pu-chia dưới chế độ diệt chủng Pôn Pốt - I-êng Xa-ri... Quá trình chuyển đổi này được thực hiện thông qua việc tổ chức tổng tuyển cử, thiết lập nền dân chủ, bảo đảm các quyền cơ bản của con người, minh bạch hóa hoạt động nhà nước..., chấm dứt tình trạng tham nhũng, “quản trị tồi” (bad governance), sử dụng nguồn lực phát triển đất nước, các khoản viện trợ quốc tế kém hiệu quả, sai mục đích.
Như vậy, xây dựng, hoàn thiện nền quản trị quốc gia là một xu thế phát triển tất yếu của xã hội. Trước khi có khái niệm “quản trị quốc gia” năm 1989, xu thế này được thể hiện qua quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị công, quản trị nhà nước ở nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù có sự khác biệt về kinh tế, chính trị, trình độ phát triển..., song hầu như tất cả các quốc gia đều nằm trong một xu thế chung, hướng đến việc xây dựng, hoàn thiện nền quản trị quốc gia. Hiện nay, với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu nhập, mức sống của người dân..., các quốc gia trên thế giới đều tập trung đẩy mạnh phát triển năng lực chủ thể, hoàn thiện mô hình, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia...
Quá trình đổi mới, xây dựng nền quản trị quốc gia ở nước ta
Đường lối đổi mới đất nước, kiến tạo nền quản trị quốc gia của Đảng
Quá trình đổi mới, xây dựng nền quản trị quốc gia ở nước ta khởi đầu từ năm 1986 trong bối cảnh đất nước bị bao vây, cấm vận, sản xuất đình đốn, lạm phát tăng cao, đời sống gặp nhiều khó khăn.... Với vai trò, trách nhiệm của mình, Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật, đề ra chủ trương đổi mới, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng XHCN, quản lý xã hội bằng pháp luật..., đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Đường lối đổi mới của Đảng đã tạo ra một mô hình quản trị mới phù hợp với xu hướng đổi mới quản trị trên thế giới, trong đó Nhà nước, thị trường và xã hội cùng phối hợp, tương tác để quản lý, vận hành, phát triển xã hội một cách có hiệu quả. Trong hơn 35 năm qua, với tinh thần cầu thị, Đảng luôn đưa ra những chủ trương phù hợp, đúng thời điểm nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, phát huy các quyền dân chủ của nhân dân, kiến tạo, hoàn thiện nền quản trị quốc gia..., thể hiện rõ vai trò là chủ thể hoạch định đường lối, chiến lược phát triển đất nước trong nền quản trị quốc gia.
Quá trình cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng nền quản trị quốc gia
Thực hiện chủ trương đổi mới, Nhà nước tiến hành chuyển đổi từ phương pháp điều hành truyền thống trước đây sang thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật. Đây là một phương pháp quản lý xã hội văn minh, hiện đại và hiệu quả trên thế giới, thể hiện trình độ phát triển và mức độ hội nhập của một quốc gia, dân tộc. Hơn nữa, pháp luật còn đóng vai trò là một công cụ không thể thiếu trong quá trình xây dựng, vận hành nền quản trị quốc gia. Với nhiều đạo luật, bộ luật được ban hành, hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện, đồng bộ. Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam giữ vai trò then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của Đại hội Đảng lần thứ XIII, như xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đổi mới, hiện đại hóa nền quản trị quốc gia, hoàn thiện thể chế phát triển đất nước...
Với những quyền năng đặc biệt, Nhà nước là chủ thể nắm giữ vai trò quyết định chủ yếu đối với chất lượng, hiệu quả của nền quản trị quốc gia. Trước những yêu cầu cấp bách đặt ra trong thời kỳ đổi mới, Nhà nước đã tiến hành cải cách toàn diện bộ máy, đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp, giảm bớt cấp trung gian, tập trung thực hiện chức năng quản lý vĩ mô nền kinh tế... Những hoạt động trên đây góp phần nâng cao năng lực của Nhà nước trong việc quản lý, điều hành bộ máy, sử dụng nguồn lực công, phản ứng chính sách..., đồng thời, có tác dụng nâng cao năng lực, hiệu quả của nền quản trị quốc gia.
Thực hiện việc chuyển đổi từ nền hành chính quan liêu, mệnh lệnh sang nền hành chính phục vụ, Chính phủ đã đưa ra nhiều chương trình cải cách hành chính, nhằm đổi mới tổ chức bộ máy, thể chế, thủ tục hành chính, chế độ công chức, công vụ, xây dựng chính phủ điện tử..., với những mục tiêu, yêu cầu ngày càng cao theo tiến trình phát triển của xã hội. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, đơn vị hành chính cấp tỉnh được đánh giá hằng năm thông qua nhiều chỉ số, tiêu chí khác nhau, như Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX)... Thông qua các chương trình cải cách hành chính, hiệu lực, hiệu quả, mức độ minh bạch, hiện đại, trách nhiệm giải trình của nền hành chính nhà nước từng bước được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phối hợp, tương tác giữa các chủ thể trong quá trình quản trị quốc gia. Chính phủ đang nghiên cứu việc chuyển giao một số nhiệm vụ của Nhà nước cho tư nhân thực hiện, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động cải cách hành chính.
Quá trình hình thành và phát triển năng lực tham gia quản trị quốc gia của kinh tế tư nhân
Kinh tế tư nhân giữ vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Từ khi quyền tự do kinh doanh được hiến định, kinh tế tư nhân ngày một lớn mạnh, trưởng thành, khẳng định được vị thế của mình và đang tích cực phối kết hợp với Nhà nước thực hiện các dự án theo hình thức PPP. Năm 2017, kinh tế tư nhân “chiếm tỉ trọng 39%##- 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế”(2). Song song với vị trí là động lực phát triển của nền kinh tế, kinh tế tư nhân còn giữ vai trò quan trọng trong tham gia quản trị quốc gia, thể hiện thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, với các chức năng, hoạt động, như đề xuất, phản biện, đóng góp ý kiến với các dự thảo luật, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp và Nhà nước, vận động chính sách, đối thoại công - tư... Hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp tạo ra những tác động tích cực đối với các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết những vướng mắc về thủ tục, cơ chế, chính sách..., cũng như trong quá trình xây dựng, ban hành pháp luật, cải cách thể chế và hoạch định chính sách công. Hiện nay, vai trò của kinh tế tư nhân trong tham gia quản trị quốc gia đang dần được khẳng định và không ngừng được nâng cao.
Quá trình phát triển năng lực chủ thể tham gia quản trị quốc gia của các tổ chức xã hội
Theo lý thuyết quản trị, tổ chức xã hội ở nước ta là một chủ thể của nền quản trị quốc gia. Tổ chức xã hội có những tên gọi khác nhau, như hội, liên đoàn, hiệp hội..., song về bản chất đây đều là các tổ chức tự nguyện của công dân Việt Nam hoạt động trên cơ sở ngành, nghề, quyền, lợi ích, văn hóa, truyền thống... Theo thống kê của Bộ Nội vụ, tính đến năm 2020 có 542 hội được cấp phép hoạt động trong phạm vi cả nước. Với số lượng lớn, vai trò và hoạt động rộng, “sự tham gia, phối hợp của tổ chức xã hội trong nền quản trị quốc gia là cơ sở để củng cố, nâng cao niềm tin, sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy và bảo đảm sự ổn định, phát triển bền vững của quốc gia”(3). Hiện nay, các tổ chức xã hội bắt đầu hướng sự quan tâm nhiều hơn vào những công việc xã hội, như giám sát và phản biện xã hội; kiểm soát từ bên ngoài xã hội đối với quyền lực nhà nước; liên kết, phối hợp với Nhà nước và kinh tế tư nhân trong một số hoạt động nghề nghiệp; thực hiện một số công việc xã hội đặc thù không thuộc chức năng của Nhà nước và thị trường...
Những hạn chế, bất cập và nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, hiện đại hóa nền quản trị quốc gia
Những hạn chế, bất cập của nền quản trị quốc gia hiện nay
Từ khi bắt đầu khởi xướng công cuộc đổi mới đến nay, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc đổi mới, hoàn thiện mô hình quản lý phát triển đất nước. Hiện nay, nước ta bước vào giai đoạn đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu trở thành một quốc gia có thu nhập cao. Bối cảnh đó đặt ra nhiệm vụ cấp thiết là đổi mới, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của nền quản trị quốc gia. Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng này, trước hết cần nhận diện, làm rõ những vấn đề, yếu tố tác động, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động và đổi mới nền quản trị quốc gia hiện nay.
Một là, vấn đề nhận thức về vai trò, bản chất của quản trị quốc gia. Đổi mới, hiện đại hóa nền quản trị quốc gia là một chủ trương lớn của Đảng. Tuy nhiên, ở nước ta, quản trị quốc gia là một khái niệm mới, trong đó có nhiều vấn đề chưa được nhận diện, làm rõ, như lý thuyết, nguyên tắc, mô hình, vai trò, chủ thể, cơ chế vận hành... Đây là một trở ngại đáng kể đối với việc thực hiện mục tiêu đổi mới, hiện đại hóa nền quản trị quốc gia hiện nay.
Hai là, vấn đề về hoàn thiện luật pháp, thể chế quản trị quốc gia. Với vai trò là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng là chủ thể lãnh đạo nền quản trị quốc gia. Đối với Nhà nước, vai trò, vị trí của chủ thể này trong nền quản trị quốc gia được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, sự tham gia trong quản trị quốc gia của các tổ chức thuộc khu vực kinh tế tư nhân và tổ chức xã hội còn là một vấn đề mới cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Do thiếu những quy định về tư cách, địa vị pháp lý của các chủ thể nên việc đổi mới, hiện đại hóa nền quản trị quốc gia gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Ba là, vấn đề bảo đảm sự liêm chính, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Trong nền quản trị quốc gia, tất cả các chủ thể đều có nghĩa vụ giữ gìn, bảo đảm sự liêm chính, minh bạch, trách nhiệm giải trình, đặc biệt là Nhà nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, ở một số cơ quan nhà nước còn xảy ra tình trạng vi phạm đạo đức công vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tham nhũng vặt, lợi ích nhóm..., gây thất thoát, lãng phí nguồn lực công, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực phát triển đất nước và sự đồng thuận xã hội. Trách nhiệm giải trình thể hiện sự minh bạch của Nhà nước và các chủ thể khác, nhưng chưa được thực hiện một cách cầu thị, nghiêm túc.
Bốn là, vấn đề năng lực quản trị của các chủ thể. Nhà nước là chủ thể cơ bản trong nền quản trị quốc gia, song trong bộ máy còn tồn tại những vấn đề ảnh hưởng đến năng lực quản trị, như cơ cấu, tổ chức bộ máy chưa tinh gọn, chất lượng thể chế chưa cao, việc sử dụng nguồn lực công chưa đạt hiệu quả tối ưu, nguyên tắc công khai, minh bạch chưa được thực hiện tốt... Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, có vai trò, vị trí ngày càng tăng trong nền quản trị quốc gia, song việc tham gia đề xuất, phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng luật pháp, đối thoại công - tư,... của thành phần kinh tế này còn khá hạn chế. Các tổ chức xã hội tuy có sự phát triển về số lượng, nhưng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp, hội viên với Nhà nước còn mờ nhạt, tính độc lập chưa cao, việc tham gia giám sát, phản biện xã hội, vận động chính sách còn hạn chế...
Một số nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, hiện đại hóa nền quản trị quốc gia
Thứ nhất, cần tập trung nghiên cứu, làm rõ những vấn đề cơ bản về lý thuyết quản trị quốc gia, trong đó cần làm rõ tính phổ biến, đặc thù và vai trò lãnh đạo của Đảng trong nền quản trị quốc gia ở nước ta; phân tích, đánh giá vai trò, vị trí, những ưu điểm, hạn chế cơ bản của nền quản trị quốc gia đối với sự phát triển của đất nước; nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu các lý thuyết, mô hình quản trị quốc gia tiên tiến, hiện đại trên thế giới; xây dựng một chương trình tổng thể về đổi mới, hiện đại hóa nền quản trị quốc gia với các mục tiêu, nhiệm vụ, chủ thể, lộ trình, nguồn lực,... khả thi, cụ thể.
Thứ hai, nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm nguyên tắc pháp quyền trong hoạt động của nền quản trị quốc gia; bổ sung, hoàn thiện quy định về bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội, đề cử, lựa chọn những người có uy tín, tâm huyết, trách nhiệm, đạo đức, trình độ pháp lý vào cơ quan lập pháp; nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm lập pháp của những quốc gia phát triển trên thế giới; hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, hiện đại hóa nền quản trị quốc gia; bảo đảm sự tập trung, thống nhất, tính hiện đại, khả thi trong hệ thống pháp luật về vấn đề quản trị quốc gia.
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước, phân cấp, phân quyền, tinh giản đầu mối, biên chế; công khai, minh bạch hóa hoạt động của bộ máy nhà nước; tích cực đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; nâng cao hiệu quả việc sử dụng các loại nguồn lực công; tích cực, chủ động thực hiện trách nhiệm giải trình; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, doanh nghiệp; nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ, kỹ năng, ý thức tuân thủ đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ tư, đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong việc phân bổ các loại nguồn lực phát triển; tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các thành phần kinh tế; thúc đẩy, nâng cao vai trò, vị thế, năng lực của kinh tế tư nhân; tiếp thu, áp dụng các lý thuyết, mô hình quản trị doanh nghiệp tiên tiến, hiện đại trên thế giới; đổi mới, mở rộng các hình thức phối hợp, tương tác giữa các chủ thể quản trị quốc gia; tăng cường phối hợp giữa Nhà nước và thành phần kinh tế tư nhân trong việc thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác PPP; khuyến khích, thúc đẩy kinh tế tư nhân tham gia đề xuất, phản biện chính sách, đối thoại công - tư, đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật.
Thứ năm, đổi mới tổ chức, hoạt động, nâng cao tính độc lập, tự chủ, trình độ, chất lượng, năng lực quản trị của các tổ chức xã hội; đẩy mạnh sự phối hợp giữa Nhà nước, tư nhân và tổ chức xã hội trong việc thực hiện một số loại dịch vụ do Nhà nước chuyển giao; phát huy năng lực chuyên môn, nâng cao năng lực giám sát, phản biện xã hội, vận động chính sách,... của các tổ chức xã hội; bổ sung, hoàn thiện các quy định về địa vị pháp lý của tổ chức xã hội trong quản trị quốc gia./.
---------------------------
(1) Lê Thế Mẫu: “Nhìn lại quá trình cải cách, cải tổ ở Liên Xô và những bài học đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, số 980, tháng 12-2021, tr. 100
(2) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017, tr. 89
(3) Xem: Nguyễn Văn Thôi: “Những vấn đề cơ bản về đổi mới quản trị quốc gia ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 15-12-2021
Hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng  (29/11/2022)
Bảo đảm tính khả thi của pháp luật theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng  (11/09/2022)
Nâng cao đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh và tinh thần Đại hội XIII của Đảng  (05/09/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên