Hà Nội xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
TCCS - Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa quốc gia, cũng là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch, phản động tập trung chống phá. Trong thời gian qua, Hà Nội thường xuyên quan tâm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, có sức chiến đấu cao, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu mạnh.
Phát huy vai trò nòng cốt, góp phần giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở
Quán triệt, vận dụng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định “xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp” hoạt động hiệu quả, thiết thực, phát huy được vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, góp phần giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở” (1), “có số lượng phù hợp, chất lượng chính trị cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương trong tình hình mới”(2). Đồng thời, đề ra mục tiêu đến năm 2020, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đúng, đủ thành phần theo quy định của Luật Dân quân tự vệ, tỷ lệ chung toàn thành phố đạt 1,3% so với dân số. Tổ chức xét duyệt công nhận hoàn thành nghĩa vụ, kết nạp mới dân quân tự vệ hằng năm khoảng 25% so với tổng số dân quân tự vệ(3). Tỷ lệ đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ đạt từ 20% - 22%, tỷ lệ đoàn viên từ 40% - 45%, đáp ứng yêu cầu quân sự, quốc phòng địa phương trong tình hình mới. Thực hiện chủ trương của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 24/QĐ-UBND, ngày 29-1-2016, “Về việc ban hành Kế hoạch tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ 5 năm (2016 - 2020)”, làm cơ sở tổ chức triển khai “xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp” hoạt động hiệu quả, thiết thực”.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, sự đoàn kết, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ của thành phố Hà Nội đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện trên các mặt:
Thứ nhất, tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đúng quy định, đủ thành phần, có chất lượng chính trị cao.
Thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm quy định, đúng quy trình thủ tục đăng ký, quản lý dân quân tự vệ theo Luật Dân quân tự vệ. Tổ chức xét duyệt công nhận hoàn thành nghĩa vụ, kết nạp mới dân quân tự vệ hằng năm từ 20% - 25% so với tổng số dân quân tự vệ. Lực lượng dân quân tự vệ ở cơ sở được thành phố quan tâm chỉ đạo xây dựng “vững mạnh, rộng khắp”, đúng quy định, đủ cơ cấu thành phần, đến năm 2020 đạt 1,3% so với tổng số dân; chất lượng chính trị ngày càng được nâng cao, trong đó đảng viên đạt 21,5% (cao hơn 1,1% so với năm 2016), đoàn viên đạt 56,7% (cao hơn 4,9% so với năm 2016)(4). Toàn thành phố có 1.644 cơ sở dân quân tự vệ (579 cơ sở dân quân, 1.065 cơ sở tự vệ), được tổ chức theo quy mô từ tổ, tiểu đội, trung đội, đại đội.
Thứ hai, chất lượng đội ngũ cán bộ ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn được nâng lên rõ rệt.
Thực hiện Đề án đào tạo cán bộ quân sự ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở đến năm 2020, được ban hành theo Quyết định số 3992/QĐ-UBND, ngày 10-9-2012, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, chất lượng đội ngũ cán bộ Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn của thành phố từng bước được nâng lên. Năm 2015, có 817 cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn đã qua đào tạo (trong đó có trình độ cao đẳng, đại học: 44 người; trình độ trung cấp: 773 người). Đến năm 2020, có 2.002 chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn đã qua đào tạo (trong đó có trình độ cao đẳng, đại học: 694 người, trình độ trung cấp: 1.308 người) và được sắp xếp, bố trí công tác đúng chuyên môn đào tạo. Có 495 chỉ huy trưởng ban chỉ huy cấp xã, phường, thị trấn tham gia cấp ủy và 501 người là thành viên ủy ban nhân dân, 408 người là đại biểu hội đồng nhân dân. Đội ngũ cán bộ quân sự ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức, kỹ năng, năng lực chuyên môn, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Qua thực tiễn công tác, nhiều người trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt, trong đó có 318 cán bộ đã phát triển và được bổ nhiệm giữ cương vị, trọng trách cao hơn trong hệ thống chính trị ở cấp huyện, xã(5).
Thứ ba, hoạt động huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ có nhiều chuyển biến tích cực.
Thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian, nội dung, chương trình huấn luyện dân quân tự vệ và phân cấp trong huấn luyện. Coi trọng đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng huấn luyện; kết hợp giáo dục chính trị với phổ biến giáo dục pháp luật. Huấn luyện kết hợp trực sẵn sàng chiến đấu trong các dịp lễ, các sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trên địa bàn. Hằng năm, tổ chức huấn luyện 100% đơn vị dân quân tự vệ, quân số tham gia huấn luyện đạt trên 95%. Từ năm 2016 đến năm 2020 đã chỉ đạo, tổ chức huấn luyện cho 459.446 lượt dân quân tự vệ. Sau huấn luyện, đều tổ chức kiểm tra, hội thi, hội thao đánh giá kết quả chặt chẽ, kết quả kiểm tra 100% đạt yêu cầu, trong đó có trên 75% đạt khá, giỏi.
Thứ tư, hoạt động của dân quân tự vệ ngày càng đi vào nền nếp, khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng lên.
Cơ quan quân sự các cấp xây dựng đầy đủ các văn kiện và thường xuyên hoàn thiện sát với yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế của từng địa phương, như kế hoạch sử dụng dân quân tự vệ trong tác chiến phòng thủ; kế hoạch sử dụng dân quân tự vệ trong bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh chính trị; kế hoạch sử dụng dân quân tự vệ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai... Tổ chức diễn tập chiến đấu trị an gắn với phòng không nhân dân, khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn, diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã hằng năm từ 20% trở lên trên tổng số đầu mối, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Duy trì lực lượng dân quân tự vệ trực, ứng trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra canh gác, nắm chắc tình hình địa bàn cơ sở; độc lập hoặc phối hợp bảo vệ an toàn các ngày lễ, tết, các sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng trên địa bàn, như: Đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, các hội nghị quốc tế do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội. Từ năm 2016 đến năm 2020, đã huy động 74.768 lượt cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ tham gia làm nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa sự cố thiên tai, cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, an toàn tuyệt đối về người và phương tiện. Đặc biệt, trong năm 2020, đã huy động 179.196 lượt cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ phối hợp với các lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19(6).
Thứ năm, thực hiện bảo đảm tốt chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ.
Các chế độ, chính sách bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ của thành phố đều cao hơn so với quy định của Luật Dân quân tự vệ. Ngoài ra, thành phố bố trí ngân sách cho nhiệm vụ đào tạo ngành quân sự cơ sở với cán bộ ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn ở trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học… Bảo đảm ngân sách địa phương mua sắm trang phục cho 100% cán bộ, chiến sĩ dân quân nòng cốt, mua sắm công cụ trợ giúp, trang bị cần thiết cho hoạt động. Đến năm 2020, có 31 xã, phường, thị trấn có trụ sở ban chỉ huy quân sự, 528 xã, phường, thị trấn có phòng làm việc riêng.
Một số khó khăn, bất cập
Một là, Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung nhiều trụ sở cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp, dân số cơ học lớn, dẫn tới số lượng công dân làm việc và cư trú trên địa bàn rất lớn, do đó công tác đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi dân quân tự vệ trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Hai là, gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức tập huấn hằng năm cho cán bộ ban chỉ huy quân sự cấp xã, ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, tiểu đoàn, đại đội, chỉ huy đơn vị tự vệ (nơi không có ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức), trung đội trưởng, khẩu đội trưởng dân quân tự vệ phòng không, pháo binh; trung đội trưởng, tiểu đội trưởng công binh do cơ quan quân sự thành phố thực hiện được quy định tại khoản 1, Điều 4, Thông tư số 69/2020/TT-BQP, ngày 5-6-2020, của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, “Quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự về tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, hội thi, hội thao, diễn tập cho dân quân tự vệ”, do quân số cán bộ tập trung tập huấn cao.
Ba là, đội ngũ cán bộ chỉ huy trưởng, chỉ huy phó ban chỉ huy quân sự cấp xã đã qua đào tạo trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở không được hưởng mức lương tương ứng với trình độ, do đó, chưa tạo được động lực, khuyến khích được cán bộ tham gia đào tạo cao đẳng, đại học nâng cao trình độ, phần nhiều dừng lại ở trình độ trung cấp chuyên nghiệp.
Bốn là, việc huy động lực lượng dân quân tự vệ thực hiện các nhiệm vụ, nhất là vào ngày nghỉ, ngày lễ, tết và ban đêm, được bảo đảm hỗ trợ ngày công theo quy định cao dẫn đến thực hiện còn nhiều khó khăn.
Năm là, công tác bảo đảm thao trường, bãi tập phục vụ huấn luyện, bố trí trụ sở và nơi làm việc dành riêng cho ban chỉ huy quân sự cấp xã, phường còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các quận nội thành.
Định hướng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trong thời gian tới
Sau gần 15 năm mở rộng địa giới hành chính, 12 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vai trò và vị thế của Thủ đô ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, còn đan xen nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, Thủ đô Hà Nội còn là địa bàn trọng điểm chống phá, gây mất ổn định an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội của các thế lực thù địch. Trước tình hình đó, đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, Đảng bộ thành phố xác định tập trung nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Nhằm đẩy mạnh xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trong thời gian tới, thành phố xác định các mục tiêu: 1- Trong 5 năm (2021 - 2025), xây dựng lực lượng dân quân tự vệ toàn thành phố đạt tỷ lệ 1,3% so với dân số toàn thành phố; 2- Hằng năm, bồi dưỡng, phát triển, kết nạp mới ít nhất 1% số lượng đảng viên trong tổng số dân quân tự vệ theo biên chế; cán bộ quản lý, chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ từ tiểu (khẩu) đội trưởng trở lên là đảng viên; 3- Chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã phải là công chức quân sự cấp xã, là thành viên ủy ban nhân dân và được cơ cấu trong cấp ủy của địa phương; 4- Phấn đấu từ năm 2021 thường xuyên có từ 70% - 80% trở lên cán bộ quân sự ban chỉ huy quân sự cấp xã đạt trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở; 5- Nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu của dân quân tự vệ.
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, thành phố Hà Nội tập trung thực hiện một số giải pháp:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố đối với lực lượng dân quân tự vệ trong tình hình mới. Quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ trong tình hình mới, đó là “tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp ủy đảng địa phương, cơ quan, đơn vị đối với lực lượng dân quân tự vệ gắn với kiện toàn và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị” (7). Cấp ủy cơ sở ra nghị quyết lãnh đạo chuyên đề về công tác này, đề ra biện pháp thiết thực, tổ chức triển khai và kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện; lấy kết quả lãnh đạo xây dựng lực lượng để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức đảng. Chấp hành nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo đi đôi với phân công cá nhân phụ trách; xây dựng và thực hiện tốt quy chế lãnh đạo; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, lấy xây dựng chi bộ là trọng tâm, nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết, nhất là ở cấp chi bộ. Tập trung chỉ đạo đảng ủy cơ quan quân sự các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chăm lo xây dựng chi bộ quân sự trong sạch, vững mạnh. Đề cao vai trò nòng cốt của đội ngũ đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ, đồng thời đẩy mạnh phát triển đảng viên trong dân quân tự vệ, nâng cao chất lượng dân quân tự vệ bảo đảm là lực lượng trung thành, tin cậy, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hai là, coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng dân quân tự vệ của thành phố Hà Nội. Thường xuyên kiện toàn ban chỉ huy quân sự các cấp đủ số lượng, nâng cao chất lượng theo quy định của Bộ Quốc phòng. Chủ động triển khai đầy đủ, kịp thời các mặt công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch về chính trị, về phẩm chất đạo đức và lối sống. Thực hiện đúng nguyên tắc về công tác cán bộ, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ trì, cấp ủy các cấp, bảo đảm cả trước mắt và lâu dài, bảo đảm đủ cán bộ theo quy định. Tích cực tạo nguồn theo hướng duy trì đội ngũ hiện có, lựa chọn những thanh niên ưu tú để bồi dưỡng. Cùng với việc luân phiên đưa cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng do cấp trên tổ chức, cần coi trọng việc bồi dưỡng theo phân cấp, bồi dưỡng tại chỗ thông qua hoạt động thực tiễn và tổ chức hội thi, hội thao. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân quân tự vệ có số lượng hợp lý, chất lượng cao, nhất là ở những địa bàn trọng điểm, trong các doanh nghiệp liên doanh, các đơn vị kinh tế tư nhân.
Ba là, tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Huấn luyện là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên; là cơ sở để nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dân quân tự vệ. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho dân quân tự vệ ý thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của nhiệm vụ huấn luyện. Bám sát và cụ thể hóa chương trình huấn luyện dân quân tự vệ của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng. Xây dựng kế hoạch huấn luyện và điều hành huấn luyện bảo đảm sát với yêu cầu, nhiệm vụ của từng lực lượng, đơn vị, địa bàn; thường xuyên đổi mới phương pháp huấn luyện phù hợp với nhiệm vụ. Tổ chức huấn luyện phải bảo đảm đủ nội dung, đúng thời gian theo quy định. Luyện tập các phương án chiến đấu, diễn tập sát với tình hình thực tiễn, nâng cao khả năng xử lý các tình huống.
Bốn là, thường xuyên quan tâm bảo đảm đúng, đủ chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ. Đây chính là nguồn động viên, thúc đẩy lực lượng dân quân tự vệ phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thực hiện việc bảo đảm chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ là bảo đảm về trang phục huấn luyện thống nhất; chi trả phụ cấp, trách nhiệm, trợ cấp ngày công lao động theo quy định của pháp luật khi dân quân tự vệ tham gia huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chế độ, chính sách theo Luật Dân quân tự vệ, Nghị định số 03/2016/NĐ-CP, ngày 5-1-2016, của Chính phủ, “Quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ”; Nghị quyết số 13/2010/NQ-HĐND, ngày 10-12-2010, của Hội đồng nhân dân thành phố, “Về cơ cấu tổ chức (thời bình) phân cấp nhiệm vụ chi và định mức chi từ ngân sách địa phương thực hiện theo Luật Dân quân tự vệ, trên địa bàn thành phố Hà Nội” và Quyết định số 10/2011/QĐ-UBND, ngày 1-3-2011, của Ủy ban nhân dân thành phố, “Quy định mức trợ cấp ngày công lao động”; phụ cấp hằng tháng của thôn đội trưởng, tổ đội trưởng; hỗ trợ tiền ăn và hỗ trợ chỉ huy phó ban chỉ huy quân sự cấp xã đóng bảo hiểm xã hội. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và kiên quyết chống mọi biểu hiện tiêu cực trong tổ chức thực hiện. Hằng năm, các địa phương chủ động bố trí ngân sách bảo đảm chế độ cho lực lượng dân quân tự vệ theo đúng quy định; đồng thời, tích cực vận động nhân dân và các tổ chức kinh tế, xã hội giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần đối với dân quân tự vệ và gia đình có người tham gia dân quân tự vệ đang tập trung thực hiện nhiệm vụ bằng cách hỗ trợ vốn, nhân công, nhất là khi tập trung làm nhiệm vụ trong điều kiện mùa vụ, đang thực hiện hợp đồng lao động sản xuất, kinh doanh ở các doanh nghiệp. Qua đó, góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng dân quân tự vệ yên tâm công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.
--------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr. 118
(2), (3) Chương trình số 02-CTr/ĐU, ngày 20-10-2016, của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô, “Về nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng, huấn luyện, đào tạo, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang thủ đô Thủ đô”
(4), (6) Báo cáo số 2007/BC-BTM, ngày 12-11-2020, của Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội, “Về kết quả thực hiện công tác dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2020”
(5) Tổng hợp chung số 53/BC-DQTV, ngày 13-7-2020, của Phòng Dân quân tự vệ Bộ Tổng Tham mưu, “Về số liệu công tác dân quân tự vệ và giáo dục quốc phòng an ninh năm 2020”
(7) Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 05/10/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới”
Những tư duy và cách làm mới trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng bộ thành phố Hà Nội để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống  (12/02/2022)
“Chìa khóa” giúp Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh và hiện đại  (17/12/2021)
Hội nghị phối hợp về công tác dân vận giữa Ban Dân vận Trung ương và Ban Cán sự đảng Chính phủ  (15/12/2021)
Hà Nội nỗ lực hồi phục ngành du lịch trong trạng thái bình thường mới  (18/11/2021)
Hà Nội: quyết tâm thực hiện nghiêm các quy định của Đảng  (18/11/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển