Đưa việc mua, đọc và làm theo báo, tạp chí của Đảng, sách lý luận, chính trị trở thành nền nếp, nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức đảng và đảng viên
TCCS - Ngày 9-9-2020, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tới 283 điểm cầu trong cả nước, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư: Thông báo Kết luận số 173-TB/TW, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW về việc mua, đọc báo, tạp chí của Đảng; Chỉ thị số 43-CT/TW, của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam; Chỉ thị số 44-CT/TW, của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị.
Dự hội nghị phía điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ban, ngành Trung ương.
Dự Hội nghị tại 283 điểm cầu trong cả nước có các đồng chí đại diện thường trực tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, tổng biên tập các báo Đảng, nhà xuất bản địa phương; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, thành phố, bưu điện tỉnh; báo cáo viên trung ương và báo cáo viên cấp tỉnh.
Báo cáo kết quả thực hiện Kết luận số 29- KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11- CT/TW về mua và đọc báo, tạp chí của Đảng; những nội dung cơ bản của Thông báo Kết luận số 173-TB/KL của Ban Bí thư, đồng chí Quế Đình Nguyên, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân cho biết, ngay sau khi Kết luận số 29-KL/TW được ban hành, các tỉnh ủy, thành ủy, các cơ quan Trung ương có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tại địa phương, đơn vị quán triệt, triển khai thực hiện công tác mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Nhờ đó, nhiều đảng bộ, chi bộ, cán bộ, đảng viên đã nâng cao nhận thức, coi việc mua và sử dụng báo, tạp chí của Đảng là trách nhiệm, là nhu cầu cần thiết để phục vụ yêu cầu công tác.
Sau hơn 7 năm thực hiện Kết luận số 29-KL/TW, việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của báo, tạp chí của Đảng tiếp tục được nâng lên. Nhiều tổ chức đảng và đảng viên đã thực hiện tốt việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Phong trào đọc và làm theo báo, tạp chí của Đảng được duy trì và phát triển. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc mua và đọc báo, tạp chí được tiến hành thường xuyên hơn. Chất lượng báo, tạp chí của Đảng được nâng lên; nội dung và hình thức tiếp tục đổi mới; công tác phát hành có nhiều chuyển biến tích cực. Báo và tạp chí của Đảng nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên sâu, thiết thực, sinh động, hấp dẫn hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc và khẳng định vai trò cơ quan ngôn luận của Đảng, diễn đàn của nhân dân; cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng...
Tại Hội nghị, báo cáo kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị 37- CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới, đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 18-3-2004, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng được củng cố, kiện toàn, đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng và phát triển đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng. Chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo cũng có những bước chuyển biến rõ nét, vai trò của Hội ngày càng được nâng lên, phương thức hoạt động từng bước được đổi mới, phong phú, hiệu quả hơn, thu hút nhiều hơn hội viên tham gia.
Hội Nhà báo Việt Nam đã thường xuyên tổ chức, động viên kích lệ đội ngũ những người làm báo tích cực tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những thành tựu của đất nước; đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đặc biệt, báo chí đã tham gia hiệu quả bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ngoài ra, Hội Nhà báo Việt Nam cũng tích cực tham gia xây dựng cơ chế và chính sách báo chí, giám sát việc tuân thủ pháp luật về báo chí, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của báo chí cách mạng Việt Nam.
Quán triệt Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 16-4-2020, của Ban Bí thư, về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận chính trị, đồng chí Phạm Chí Thành, quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, sau hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 27-1-2003, của Ban Bí thư, công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nội dung, hình thức, cơ cấu, thể loại sách ngày càng phong phú. Phương thức, cơ chế hoạt động và quản lý công tác xuất bản, phát hành đã được đổi mới. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ làm công tác biên tập, xuất bản, phát hành từng bước được nâng cao. Những tiến bộ đó đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu về sách lý luận, chính trị của cán bộ, đảng viên, nhân dân và góp phần tích cực vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác những quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Mới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 16-4-2020, về "Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị”. Ngay sau khi ban hành, Chỉ thị đã được đón nhận, vì đánh giá đúng thực trạng và đề ra các giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị đáp ứng yêu cầu của công tác tư tưởng, văn hóa và nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Chỉ ra những điểm mang tính đột phá trong các văn bản chỉ đạo về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu rõ, trong Thông báo số 173-TB/TW có một số điểm rất quan trọng, mới: (1) Thông báo số 173-TB/TW ghi rất rõ: “Những tài liệu, báo, tạp của Đảng là tài liệu sinh hoạt đảng và tuyên truyền quan trọng” - đây là cụm từ mà những văn bản trước đó chưa nêu; (2) Nhấn mạnh việc mua, đọc và làm theo báo, tạp chí Đảng, trong đó cụm từ “làm theo” lần đầu tiên xuất hiện; (3) Coi trọng việc sử dụng hiệu quả những ấn phẩm của Đảng; (4) Nhấn mạnh việc duy trì và nâng cao hiệu quả phong trào đọc và làm theo báo, tạp chí của Đảng.
PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà cho biết, Tạp chí Cộng sản luôn không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí của Tạp chí, tăng tính thuyết phục, hấp dẫn đối với bạn đọc, đổi mới, cơ cấu lại các ấn phẩm, mở các chuyên mục mới. Trong đó, chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” tạo được hiệu ứng rất tích cực. Tạp chí Cộng sản cũng nỗ lực đa dạng hóa các hình thức phát hành, ngoài việc chủ yếu phát hành qua Công ty Phát hành báo chí trung ương, Tạp chí Cộng sản còn tổ chức phát hành thông qua các hình thức hợp tác, liên kết, các hoạt động nghiên cứu khoa học; có sự phối hợp chặt chẽ với ban tuyên giáo các cấp và tăng cường công tác bạn đọc… Nhờ những giải pháp đồng bộ đó, trong những năm gần đây, số lượng phát hành các ấn phẩm in của Tạp chí Cộng sản luôn được duy trì, tại một số địa phương thậm chí còn tăng rất cao, như tại các tỉnh Thái Nguyên, Thái Bình, Lai Châu, Đồng Nai, Bắc Ninh…
Cùng với việc đổi mới toàn diện hệ thống - giao diện, nội dung - hình thức, Tạp chí Cộng sản điện tử có số lượng độc giả theo dõi tăng rất nhanh. Trước đây, Tạp chí Cộng sản điện tử duy trì khoảng 70.000 bạn đọc/ngày thì thời gian gần đây, số lượng người theo dõi Tạp chí Cộng sản điện tử đã đạt mức hơn 200.000 bạn đọc truy cập/ngày. Các bài chuyên luận lý luận chính trị có chiều sâu, giàu hàm lượng lý luận và khoa học, các bài viết chất lượng của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các bài đấu tranh tư tưởng... giúp lượng bạn đọc và truy cập Tạp chí Cộng sản điện tử tăng lên nhiều. Với một tạp chí điện tử, số lượng 200.000 người truy cập/ngày là lớn, rất đáng ghi nhận.
Từ thực tế, xuất hiện nhiều mô hình mua, đọc và làm theo tạp chí của Đảng rất hiệu quả, nổi bật là mô hình chắt lọc nội dung, lồng ghép những nội dung các bài đăng trên Tạp chí Cộng sản để chuyển tải lên các bản tin sinh hoạt chi bộ, những tài liệu của ban tuyên giáo ở các địa phương; nghiên cứu vận dụng các bài viết đấu tranh chống các luận điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động, đang phát huy tích cực trong cuộc đấu tranh tư tưởng hiện nay; vận dụng nội dung trên Tạp chí Cộng sản gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên thông qua việc đọc báo, tạp chí của Đảng hằng tuần có địa chỉ thực tế.
Trong thời gian tới, Tạp chí Cộng sản sẽ đồng hành và tiếp tục nhân rộng các mô hình này; phối hợp với các địa phương, tổ chức đảng để phát hiện, chia sẻ kinh nghiệm, thậm chí hỗ trợ cả kinh phí để những mô hình tốt trong việc mua, đọc, làm theo tạp chí của Đảng ngày càng được nhân rộng, tích cực và thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các đảng bộ, chi bộ cơ sở.
Chia sẻ thêm về công tác phát hành báo, tạp chí Đảng, tại hội nghị, đồng chí Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, công tác phát hành báo và tạp chí của Đảng là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Bưu điện Việt Nam. Thời gian qua, Bưu điện Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao và ngày càng khẳng định là doanh nghiệp bưu chính duy nhất có đủ năng lực, điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ phát hành báo, tạp chí của Đảng. Để tiếp tục thực hiện tốt Thông báo Kết luận số 173-TB/TW, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam yêu cầu các bưu điện tỉnh, thành phố, Công ty Phát hành báo chí trung ương chủ động xây dựng phương án, phối hợp chặt chẽ với địa phương, xác định đối tượng thụ hưởng chính sách đọc báo, tạp chí của Đảng để lên phương án phục vụ tốt nhất.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến tại hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị Ban Bí thư giao.
Việc tổ chức quán triệt và thực hiện Kết luận số 29-KL/TW về mua, đọc và làm theo báo, tạp chí của Đảng của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa đầy đủ và thường xuyên. Một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa sâu sắc về ý nghĩa, tác dụng của báo, tạp chí của Đảng trong sinh hoạt đảng và cuộc sống. Việc mua, đọc báo, tạp chí tại một số chi bộ, đảng bộ chưa đi vào nền nếp và hiệu quả chưa cao. Mặt khác, các báo, tạp chí của Đảng có nội dung và hình thức vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin ngày càng cao của người đọc. Kinh phí mua báo, tạp chí chưa được bố trí đủ, có trường hợp sử dụng không đúng mục đích. Công tác phát hành báo, tạp chí về cơ sở có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, đầy đủ...
Chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số tổ chức hội nhà báo còn hạn chế, chưa phát huy đầy đủ vai trò và vị thế của hội. Công tác tập hợp những người làm báo còn gặp nhiều khó khăn. Một số tổ chức hội, cơ quan báo chí chưa chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Một bộ phận hội viên chưa tích cực học tập nâng cao trình độ tác nghiệp báo chí trong tình hình mới. Vẫn còn tình trạng hoạt động báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thiếu tính định hướng; một số người làm báo thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp...
Chất lượng chính trị, khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hấp dẫn của sách lý luận, chính trị còn hạn chế, chưa có nhiều đầu sách hay, có giá trị cao về lý luận và thực tiễn. Số lượng sách bình quân theo đầu người còn thấp, cơ cấu sách chưa hợp lý. Phương thức xuất bản còn nhiều bất cập, việc xuất bản sách điện tử chưa được quan tâm đúng mức. Công tác rà soát, quy hoạch chưa kịp thời, quyết liệt; nhiều nhà xuất bản còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Tiềm lực của các nhà xuất bản còn hạn chế cả về cơ sở vật chất, công nghệ và vốn. Bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý, biên tập, xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị còn hạn chế. Đội ngũ nghiên cứu lý luận, chính trị còn thiếu, chưa có nhiều chuyên gia có trình độ cao về biên soạn sách lý luận, chính trị, nhất là trong tổng kết sự nghiệp đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Công tác phát hành chậm đổi mới.
Kết luận hội nghị, thay mặt Ban Tổ chức, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí xuất bản, phát hành và các tổ chức đảng cần nghiêm túc quán triệt và triển khai hiệu quả trong thực tiễn các kết luận, chỉ thị quan trọng trên của Ban Bí thư, bằng xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, qua đó thời gian tới tạo chuyển biến rõ nét hơn về việc mua, đọc và làm theo báo, tạp chí của Đảng; về chất lượng hoạt động của hội nhà báo các cấp; về công tác xuất bản, phát hành, nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị. Đặc biệt, cần xác định rõ, việc mua, đọc và học tập báo, tạp chí của Đảng, sách lý luận, chính trị là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên, phải trở thành hoạt động và phong trào rộng khắp và có chiều sâu. Xây dựng kế hoạch, chương trình hành động sát hợp với tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị, với những giải pháp cụ thể, lộ trình thích hợp, nguồn lực bảo đảm, trách nhiệm rõ ràng, nỗ lực và quyết tâm hành động để thực hiện có hiệu quả, chất lượng các chỉ đạo của Ban Bí thư.
Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, các cơ quan báo đảng địa phương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và các nhà xuất bản cần tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí, xuất bản nhằm phục vụ tốt hơn các nhiệm vụ chính trị của Đảng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người đọc. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tập trung đầu tư cho các báo, tạp chí, sách điện tử để phù hợp với xu thế phát triển của báo chí, sách hiện đại và nhu cầu, tâm lý, thói quen hiện nay của độc giả hiện đại.
Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho người làm báo, hội viên; quan tâm hơn nữa công tác bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên, người làm báo cả nước; nâng cao chất lượng công tác xây dựng đảng trong các cấp hội; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội.
Cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, kết luận của Ban Bí thư; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng kịp thời những đơn vị làm tốt, những mô hình hay, đồng thời nhắc nhở, phê bình, xử lý theo quy định của Đảng đối với các đơn vị, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả./.
Tự hào và sâu lắng trong từng cung bậc của chương trình giao lưu nghệ thuật “Sao Độc lập” 2020  (19/08/2020)
Tự hào về truyền thống anh hùng cách mạng của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”  (18/08/2020)
Tự hào về truyền thống anh hùng cách mạng của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”  (18/08/2020)
Tạp chí Cộng sản 90 năm kiên định và sáng tạo  (05/08/2020)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay