Năm 2008 khép lại với nhiều sự kiện, diễn biến phức tạp và khó lường của nền kinh tế thế giới, cũng là năm hệ thống Ngân hàng Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có trong hơn hai mươi năm đổi mới.

Ngay từ đầu năm, căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã xác định 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2008 với nội dung chủ yếu là: Hoàn thiện hệ thống thể chế về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đáp ứng có hiệu quả các nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế, đồng thời kiểm soát chặt chẽ quy mô và chất lượng tín dụng; cơ cấu lại tổ chức, bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng; đẩy nhanh chương trình tái cơ cấu, nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của các tổ chức tín dụng trong nước; đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, hệ thống thanh toán, hệ thống thông tin ngân hàng; tuân thủ lộ trình mở cửa hoạt động ngân hàng đã cam kết khi gia nhập WTO; thực hiện tốt công tác in, đúc, lưu thông tiền mặt phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế; củng cố, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, điều hành, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; tập trung thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các mặt hoạt động ngân hàng.

Cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp nhà ở tại Mỹ lan rộng thành khủng khoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn chưa đến hồi kết thúc và đang tiếp tục đẩy tình trạng nợ xấu, vỡ nợ leo thang khiến số lượng ngân hàng ở Mỹ và ở nhiều nền kinh tế khác bị đóng cửa ngày càng tăng. Chỉ tính riêng ở Mỹ, từ đầu năm 2008 đến nay đã có 23 ngân hàng Mỹ bị giải thể, đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, mới tính đến tháng 10-2008 tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã lên tới 6,7%, tăng 2% so với năm 2007.

Những thách thức mà các nền kinh tế phải đối mặt trong năm 2008 diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường. Nếu như trong 6 tháng đầu năm, sự gia tăng mạnh của giá dầu, giá lương thực, sự giảm giá của thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, cùng với những bất ổn chính trị đã gây áp lực lạm phát mang tính toàn cầu và tăng trưởng kinh tế của các quốc gia gặp khó khăn trước áp lực lạm phát, thì trong 6 tháng cuối năm, giá dầu giảm mạnh từ mức kỷ lục 147 USD/thùng vào giữa tháng 7 xuống mức thấp, dưới 40 USD/thùng vào trung tuần tháng 12, giá lương thực cũng giảm mạnh cùng với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao gây ra áp lực giảm phát. Kinh tế thế giới lại chuyển từ áp lực lạm phát cao sang xu hướng thiểu phát và giảm phát cùng với suy thoái kinh tế toàn cầu và dự báo tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2009.

Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2008, không những phải đối mặt với những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, mà còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nội tại: lạm phát tăng mạnh, thâm hụt cán cân thương mại cũng đạt mức kỷ lục (hơn 14% GDP), thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm. Trước tình hình đó, để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững, Chính phủ đã điều chỉnh từ mục tiêu tăng trưởng cao sang mục tiêu kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu và tăng trưởng duy trì ở mức hợp lý. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, diễn biến kinh tế và lạm phát của Việt Nam cũng nằm trong xu hướng chung của kinh tế thế giới, nên các giải pháp vĩ mô cũng đã có sự thay đổi cho phù hợp. Tháng 11-2008, Chính phủ đã đưa ra 5 nhóm giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định vĩ mô, trong đó đặc biệt quan tâm đến nhóm giải pháp về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ theo hướng chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả để vừa duy trì tốc độ tăng trưởng, vừa ổn định kinh tế vĩ mô.

Trước bối cảnh phức tạp của kinh tế thế giới và trong nước, trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã có những phản ứng kịp thời về mặt ban hành chính sách, sử dụng đồng bộ và quyết liệt về điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát có hiệu quả và ổn định kinh tế vĩ mô. Các công cụ chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt để hút tiền từ lưu thông, nhưng vẫn bảo đảm tính thanh khoản cho nền kinh tế và thị trường, điều hành linh hoạt tỷ giá theo tín hiệu thị trường. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của thị trường ngoại hối và của các tổ chức tín dụng, hạn chế tăng trưởng tín dụng quá nóng có thể gây mất an toàn hệ thống của các tổ chức tín dụng.

Các biện pháp về điều hành chính sách tiền tệ trong 6 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Trước những tín hiệu khả quan về kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát của nước ta từ tháng 7-2008 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước nới lỏng chính sách tiền tệ bằng các giải pháp linh hoạt để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và chủ động ngăn ngừa nguy cơ suy giảm kinh tế. Cụ thể là:

- Kịp thời điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nâng lãi suất trả cho tiền gửi dự trữ bắt buộc để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng với mức lãi suất có thể duy trì và mở rộng sản xuất;

- Nới rộng biên độ tỷ giá mua, bán đồng đô la Mỹ của các tổ chức tín dụng lên ± 3% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng;

- Điều hành tỷ giá bình quân liên ngân hàng theo hướng tăng dần phù hợp với cung cầu ngoại tệ trên thị trường và mục tiêu hỗ trợ xuất khẩu, hạn chế nhập siêu.

Thực tế, sau những động thái chính sách của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã hạ thấp lãi suất cho vay. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn nền kinh tế của các ngân hàng thương mại trong tháng 12-2008 phổ biến ở mức 12% - 13%/năm. Đối với một số dự án, lĩnh vực sản xuất ưu tiên như đối tượng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân, một số ngân hàng thương mại chỉ cho vay ở mức 10% - 11%/năm.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, cơ cấu tín dụng phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước, của ngành đi đôi với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng; ưu tiên vốn cho các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án đầu tư có hiệu quả... bảo đảm đáp ứng có hiệu quả các nhu cầu vốn phục vụ mục tiêu tăng trưởng hợp lý, ngăn chặn suy giảm kinh tế. So với cuối năm 2007, vốn tín dụng đầu tư cho khu vực dân doanh tăng 37%, khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 12%, lĩnh vực xuất khẩu tăng 37%, khu vực sản xuất tăng 34%, khu vực nông nghiệp, nông thôn tăng 30%, cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tăng 40%. Dư nợ xấu toàn hệ thống chỉ chiếm 3,5% tổng dư nợ tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các thể chế về tiền tệ, hoạt động ngân hàng; kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung những quy định chưa đồng bộ giữa các bộ luật để tạo môi trường thuận lợi cho hệ thống ngân hàng phát triển ổn định, bền vững; chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu, nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh và đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt để tận dụng tối đa nguồn vốn nhàn rỗi của xã hội cho đầu tư, mở rộng sản xuất.

Đến nay, có thể khẳng định, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2008, ngành ngân hàng đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó. Hoạt động của hệ thống ngân hàng đã góp phần quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, hạn chế nhập siêu, duy trì tăng trưởng kinh tế. Thị trường tiền tệ giữ được bình ổn; lãi suất, tỷ giá biến động ở mức hợp lý; khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng được bảo đảm; tín dụng tăng trưởng ở mức phù hợp, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế. Hoạt động của các tổ chức tín dụng vẫn bảo đảm an toàn và có bước phát triển. Đến cuối năm 2008, vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ngân hàng tăng 30% so với cuối năm 2007, tỷ lệ an toàn vốn tăng từ 8,9% lên 9,7%. Các tổ chức tín dụng tiếp tục chú trọng phát triển nhiều công nghệ, dịch vụ, tiện ích ngân hàng hiện đại; mạng lưới hoạt động tiếp tục được củng cố và mở rộng hiệu quả, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận với dịch vụ ngân hàng; đặc biệt, trong năm 2008, đã có một ngân hàng thương mại cổ phần mở chi nhánh hoạt động tại nước ngoài.

Kết quả đạt được của ngành ngân hàng đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao, 10 tập thể trong ngành đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích trong việc thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, xuất khẩu, bảo đảm an sinh xã hội. Đạt được những kết quả đó, bên cạnh sự chỉ đạo đúng đắn, sát sao, kịp thời, quyết liệt của Đảng, Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, chính quyền địa phương là sự nỗ lực vượt bậc của toàn ngành ngân hàng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô, tài chính thế giới và trong nước liên tục có những biến động phức tạp, khả năng phân tích, dự báo còn hạn chế, nên quá trình thực thi các giải pháp điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước có thời điểm còn thiếu nhịp nhàng, chưa thật đồng bộ; thị trường tiền tệ, ngoại hối trong những tháng đầu năm còn có những biến động gây khó khăn nhất định cho hoạt động của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp; hoạt động của các tổ chức tín dụng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; chất lượng dịch vụ ngân hàng còn có những bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội...

Do tác động của khủng hoảng tài chính thế giới, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2009 sẽ thấp hơn năm 2008; các nước phát triển có khả năng suy thoái, các nước mới nổi và đang phát triển suy giảm hoặc tăng trưởng ở mức thấp. Tiết kiệm, đầu tư và khối lượng vốn luân chuyển ở các nền kinh tế suy giảm hoặc tăng trưởng với mức độ thấp so với các năm trước. Tình hình này sẽ có thể tác động bất lợi đối với tăng trưởng kinh tế của nước ta, vì vậy hoạt động ngân hàng cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2009.

Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 đã được Quốc hội phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước xác định mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ hoạt động ngành ngân hàng trong năm 2009. Cụ thể:

- Toàn ngành ngân hàng tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật về ngân hàng phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển của ngành và lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng, cụ thể là tập trung xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi và Luật Giám sát an toàn hoạt động ngân hàng; tập trung nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định về ngoại hối, về bảo đảm an toàn, về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng...

- Chính sách tiền tệ bám sát mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng trước những biến động của tình hình tài chính quốc tế. Để đạt được mục tiêu đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, kết hợp hài hòa, linh hoạt giữa điều hành tỷ giá và lãi suất; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để bảo đảm nhất quán giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; nâng cao hiệu quả công tác thống kê, dự báo, phản ứng kịp thời trước những diễn biến kinh tế, tiền tệ trong nước và quốc tế; bảo đảm tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng.

- Phát triển vững chắc và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, nhằm huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội và phân bổ có hiệu quả các nguồn vốn đó cho đầu tư phát triển sản xuất. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất, xuất khẩu, phát triển nông nghiệp, nông thôn, mở rộng cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của các tổ chức tín dụng trong nước.

- Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng. Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về thanh tra, giám sát ngân hàng và các quy định về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, đi đôi với việc củng cố bộ máy tổ chức, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ thanh tra ngân hàng.

- Phát triển mạnh công nghệ ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội về các hoạt động dịch vụ ngân hàng.

- Tăng cường hợp tác quốc tế, nâng vai trò, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng tài chính, tiền tệ quốc tế.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động ngân hàng, nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội đối với hoạt động tiền tệ, ngân hàng, đồng thời, tạo thêm kênh giám sát của xã hội đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Nhìn lại những thành quả đạt được, tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng năm 2008, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng, bước sang năm 2009, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo sát sao Chính phủ, hệ thống Ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2009./.