Bước lùi lịch sử
Cuộc tấn công quân sự lớn nhất của I-xra-en nhằm vào dải Ga-da đã khai hỏa vào những ngày cuối cùng của năm 2008. Với trận “mưa bom” mà cường độ được cho là chưa từng có từ hàng thập kỷ trở lại đây được I-xra-en giải thích là nhằm vào các cơ sở của lực lượng vũ trang Pa-le-xtin Ha-mát- lực lượng nắm quyền kiểm soát dải Ga-da từ tháng 6-2007. Thật trớ trêu là, chiến sự nổ ra vào lúc “Tiến trình Annapolis” về hòa bình Trung Đông (11-2007) sau hơn một năm “giậm chân tại chỗ” vừa được tiếp sức bằng Nghị quyết hòa bình 1850 mà Hội đồng bảo an Liên hợp quốc mới thông qua chưa ráo mực vào trung tuần tháng 12-2008.
Một “In-ti-fa-đa” mới
Chiến sự diễn ra ngay sau khi có tuyên bố của Ngoại trưởng I-xra-en T. Li-vni rằng: Ha-mát phải trả giá cho hành động tấn công bằng tên lửa “không thể chấp nhận được”. Tư lệnh quân đội I-xra-en G. Át-xke-na-di thì nói rằng I-xra-en phải hành động bằng mọi sức mạnh để phá hủy kết cấu hạ tầng của bọn khủng bố và thay đổi tình hình an ninh ngay trước khi quả bom đầu tiên dội xuống mảnh đất của người Pa-le-xtin. Sự kiện này cũng xảy ra chỉ đúng 2 ngày sau khi Thủ tướng I-xra-en E.Ôn-mơ hôm 25-12 đã đưa ra lời kêu gọi vào “phút chót” đối với người Pa-le-xtin ở dải Ga-da loại bỏ Ha-mát và ngừng bắn tên lửa vào I-xra-en, đồng thời cảnh báo Ha-mát rằng ông sẵn sàng sử dụng vũ lực.
Báo Giê-ru-sa-lem Pốt trích tuyên bố của các quan chức an ninh I-xra-en: chiến dịch của I-xra-en có thể kéo dài vài tuần và họ được lệnh bất cứ ai được xác định là Ha-mát đều là mục tiêu có thể bị bắn hạ. Mục tiêu của chiến dịch này được I-xra-en đưa ra là: Ngăn chặn các vụ tấn công tên lửa của Ha-mát nhằm vào I-xra-en, chặn đường dây buôn lậu vũ khí vào Ga-da và ngừng các hoạt động khủng bố của Ha-mát chống I-xra-en.
Về phía Ha-mát, các lãnh đạo lực lượng này đều ra lời thề sẽ trả thù và "Ha-mát sẽ kháng cự tới giọt máu cuối cùng". Thủ lĩnh của Ha-mát K. Ma-xa-an kêu gọi cư dân ở Bờ Tây nổi dậy chống lại I-xra-en trong cuộc in-ti-fa-đa mới (tên gọi cuộc nổi dậy của người Pa-le-xtin chống lại quân chiếm đóng I-xra-en ở Bờ Tây và dải Ga-da).
Tại sao là lúc này?
I-xra-en mở chiến dịch tấn công Ha-mát đúng vào lúc chỉ còn 6 tuần trước cuộc tổng tuyển cử, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 10-2-2009. Bà Li-vni và ông Ba-rắc đều hy vọng sẽ là người kế nhiệm ông E. Ôn-mơ làm Thủ tướng. Chính phủ hiện nay ở I-xra-en muốn chứng tỏ liên minh giữa đảng Ka-di-ma và Công đảng có thể bảo đảm một cách hiệu quả an ninh cho dân chúng. Một lý giải nữa lại cho rằng: I-xra-en muốn xây dựng lại hình ảnh đã bị tổn hại nghiêm trọng kể từ cuộc giao chiến với lực lượng Héc-bô-la ở Li-băng năm 2006.
Tuy nhiên, nếu xét bối cảnh hiện nay, cuộc không kích khốc liệt này mang nhiều toan tính chiến lược hơn. Bởi ngay sau ngày 19-12, khi Ha-mát từ chối kéo dài lệnh ngưng chiến, I-xra-en đã lấy đây làm cớ tấn công nhằm đẩy lùi nguy cơ bị đe dọa an ninh và cũng là một con bài để củng cố uy tín của chính phủ cầm quyền trước bầu cử quốc hội. Mặt khác, bằng cuộc không kích cấp tập mang tính “dằn mặt” này, I-xra-en cũng mong muốn làm suy yếu Ha-mát trước khi diễn ra bầu cử tại Pa-le-xtin.
Quan sát viên Đ.Kô-si-rép trên RIA Novosti nhận định: câu trả lời cho cuộc tấn công ác liệt mà I-xra-en tiến hành tại dải Ga-da vào thời điểm “năm cùng, tháng tận” tựu trung bởi hai lý do: một là, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội sắp tới ở I-xra-en; hai là, thay đổi chính quyền tới đây tại Mỹ. Với lý do thứ nhất, bà Li-vni, Phó Thủ tướng và là Ngoại trưởng I-xra-en, Chủ tịch đảng Ka-di-ma, đang vận động cho chiếc ghế Thủ tướng, có nhiều khả năng không vượt qua được đối thủ B.Ne-ta-ni-a-hu, Chủ tịch đảng Li-kút, cựu Thủ tướng I-xra-en. Lấy động cơ phát động chiến tranh nhằm ngăn chặn những cú nã pháo của Ha-mát vào Nam I-xra-en, nơi sinh sống của hơn 250.000 dân I-xra-en, bà Li-vni hy vọng sẽ đảo ngược tình thế. Đối với chính phủ đương nhiệm, chiến dịch tấn công Pa-le-xtin sẽ là cách lấy được sự ủng hộ của 250.000 dân, thu hẹp đáng kể khoảng cách với đối thủ B. Ne-ta-ni-a-hu.
Theo một điều tra dư luận của nhật báo Haaretz ra ngày 1-1-2009, khi cuộc không kích bước sang ngày thứ 6 thì có tới 71% người I-xra-en được hỏi ủng hộ cuộc tấn công hiện nay lên dải Ga-da - cuộc tấn công đã cướp đi sinh mạng của gần 400 người Pa-le-xtin tính đến thời điểm đó. Điều tra cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ chính phủ đương nhiệm của I-xra-en cũng cao hơn trước khi xảy ra chiến sự.
Liên quan đến yếu tố Mỹ, việc mở cuộc tấn công Ha-mát chứng tỏ sự lo lắng của Tel Aviv trước quan điểm của chính quyền B. Ô-ba-ma về tiến trình hòa bình Trung Đông. Theo các báo của I-xra-en, việc thực hiện cuộc tấn công hiện nay đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, ít nhất là từ trước 6 tháng trước. Song việc Tel Aviv chọn thời điểm ngay trước khi ông G.Bu-sơ rời Nhà Trắng để phát động tấn công là nhằm tránh lâm vào thế bị động khi không còn sự hậu thuẫn nhiệt thành của Oa-sinh-tơn một khi ông Bu-sơ rời nhiệm sở. Hơn nữa, Tel Aviv cũng tỏ ra khôn ngoan khi đặt ông Ô-ba-ma trước việc đã rồi nếu phát động chiến tranh vào lúc này.
Hòa bình Trung Đông càng vô vọng
Cuộc tấn công chưa từng có của I-xra-en vào dải Ga-da đã làm bùng phát các cuộc biểu tình và lên án trong thế giới Ảrập. Nhiều nước đồng minh phương Tây của I-xra-en kêu gọi nước này kiềm chế dù Mỹ đổ lỗi cho Ha-mát châm ngòi bạo lực. Liên hợp quốc, Anh, Pháp, và phái viên đặc biệt về Trung Đông T. Ble đã lên tiếng đòi các bên khôi phục sự bình yên ngay lập tức. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun yêu cầu các bên phải ngừng ngay các cuộc tấn công cũng như trả đũa; đồng thời kêu gọi các nỗ lực cứu trợ của quốc tế nhanh chóng đến được với Ga-da và giúp đỡ thường dân. Bộ Ngoại giao Nga cũng có lời kêu gọi tương tự.
Tổng thư ký Liên đoàn các nước Ả rập A. Mu-sa tuyên bố: “Chúng ta đang đối mặt với một viễn cảnh xấu do các bên liên quan dàn dựng sẵn. Do vậy sẽ có rất nhiều thương vong nữa. Sẽ là một thảm họa nhân đạo". Liên đoàn Ảrập đề nghị Hội đồng Bảo an ra Nghị quyết về vấn đề này. Tuyên bố chỉ ra rằng: cần phải triển khai lực lượng quốc tế nhằm giám sát ngừng bắn giữa I-xra-en và Ha-mát, đồng thời mở các cửa khẩu vào Ga-da để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cứu trợ. Ngoại trưởng Saud al-Faisal kêu gọi nhân dân Pa-le-xtin hãy quân tâm tới lợi ích dân tộc.
Tuy nhiên, trong số các phản ứng quốc tế, thái độ của Oa-sinh-tơn được chờ đợi nhất, song lại không hề có gì mới mẻ trong bối cảnh tình hình ngày càng có diễn biến nghiêm trọng, cả về sự khốc liệt và con số thương vong ngày một tăng. Phản ứng đầu tiên của Nhà Trắng là phê phán Ha-mát, đồng thời nhắc nhở I-xra-en tránh làm hại thường dân.Phát ngôn viên Nhà Trắng G. Giôn-đroi nói: “Các cuộc tấn công bằng rocket liên tiếp của Ha-mát đối với I-xra-en phải dừng ngay lập tức thì bạo lực ở khu vực mới có thể chấm dứt. Ha-mát phải ngừng ngay các hành động khủng bố của họ nếu vẫn muốn đóng một vai trò nào đó trong đời sống chính trị trong tương lai của người Pa-le-xtin”; hay "Mỹ yêu cầu I-xra-en tránh làm hại dân thường khi triển khai các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Ha-mát tại Ga-da”.
Hậu quả khó lường
Lo lắng về chiến sự sẽ mang hiệu ứng “giọt dầu loang” không phải là không có cơ sở. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như thủ lĩnh của lực lượng Héc-bô-la ở Li-băng H. Na-xra-la ủng hộ lời kêu gọi của giới lãnh đạo Ha-mát về một in-ti-fa-da thứ ba. Chưa kể đến yếu tố I-ran trong khu vực, vốn cũng là một đối thủ lâu nay của I-xra-en. Về phần mình, Thủ tướng I-xra-en Ôn-mơ ra lời cảnh báo chiến sự sẽ còn "lâu dài, đau thương và khó khăn”.
Một kịch bản khác dường như lạc quan hơn cả được đưa ra từ nhà phân tích chính trị người Pháp A.B. Pua; theo đó tình trạng tồi tệ này có thể chấm dứt bằng ngoại giao một khi các nước Ảrập gây sức ép với các nước phương Tây và I-xra-en buộc phải nhượng bộ bởi Tel Aviv chưa xác định được vị trí của mình do sự chuyển giao quyền lực cả ở Oa-sinh-tơn và Brúc-xen, khi chính quyền Ô-ba-ma chưa nhậm chức và vị trí chủ tịch EU của Pháp cũng đã kết thúc.
Cuộc tấn công của I-xra-en có nguy cơ châm ngòi cho các cuộc tấn công mới của quân Hồi giáo Héc-bô-la đóng tại Li-băng, nhằm vào Bắc I-xra-en. Mặt khác các tổ chức cứu trợ cho hay, họ sợ rằng chiến dịch không kích của I-xra-en sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Ga-da, nơi cư trú của 1,5 triệu người Pa-le-xtin và một nửa trong số này sống bằng viện trợ lương thực. Trung Đông vẫn là vùng đất khó có thể sớm bình yên một khi các lò lửa chiến tranh vẫn còn đang âm ỉ./.
Kinh tế thế giới năm 2008 và dự báo năm 2009  (22/01/2009)
Chúc mừng Tổng thống thứ 44 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ  (22/01/2009)
Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam 2008 phải trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới  (22/01/2009)
Năm 2009, 4 nghìn tỉ đồng hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn  (21/01/2009)
Thêm 200 triệu USD vốn ưu đãi dành cho khu vực nông thôn  (21/01/2009)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên