Di dân từ nông thôn vào đô thị - hiện trạng và thách thức cho phát triển đô thị
Ảnh: TL
Trong những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu và lập chính sách quan tâm đến di cư trong nước, điều này phản ánh quá trình chuyển đổi mà nước ta đang trải nghiệm và tầm quan trọng của biến động về lao động trong quá trình chuyển đổi đó. Sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế có ảnh hưởng ngày càng tăng của cơ chế thị trường, dẫn đến sự biến động của di cư. Chuyển đổi kinh tế làm cho Nhà nước kiểm soát ít hơn đối với thị trường, do đó đã xuất hiện thị trường lao động và có luồng di chuyển lao động một cách tự do. Tuy nhiên, việc giảm bớt sự kiểm soát đã kéo theo sự xuất hiện những lao động tạm trú (có mặt - không phải thường trú) thỏa mãn các nhu cầu làm việc khác nhau. Sự bãi bỏ hệ thống trợ cấp từ năm 1986, mở rộng cơ hội làm việc cho loại hình kinh tế cá thể, tăng thu nhập, giảm chi phí đi lại đã làm giảm chi phí và bớt đi rào cản đối với di chuyển.
Mong muốn của Nhà nước hạn chế di chuyển của dân cư là điều có thể hiểu được. Nhiều nước đang phát triển trên thế giới cho rằng, phân bố dân cư theo địa lý của họ có vấn đề, trong đó có Việt Nam. Việc tăng dân số thành thị và sự tập trung dân số thành thị, dẫn đến những siêu thành phố sẽ xuất hiện. Sự tập trung này gây tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, tăng gánh nặng cho dịch vụ công, tình hình tội phạm và người nghèo thành thị ngày càng gia tăng. Nhiều nghiên cứu về di cư của nước ta trong thời gian gần đây cho thấy, các chính sách nhằm hạn chế di cư dường như là không có kết quả trong hoàn cảnh phát triển của Việt Nam; các chính sách đó còn có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo; cần xây dựng các chính sách hiệu quả hơn vừa bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội, vừa có khả năng khắc phục được các vấn nạn đồng hành với di cư.
Đô thị hóa được định nghĩa là sự tăng trưởng tỷ trọng dân số sống ở khu vực thành thị. Những năm gần đây, tỷ trọng dân số thành thị ngày một tăng và đạt 27% vào năm 2005. Nhà nước ta dự kiến phấn đấu để tỷ trọng dân số thành thị đạt 40% vào năm 2020. Để đạt được mức nói trên, tỷ lệ tăng trưởng bình quân năm của dân số thành thị là khoảng 3%. Tỷ trọng này cao hơn hai lần so với tỷ lệ tăng tự nhiên của dân số (khoảng 1,3%), tức là sẽ có luồng di cư vào các đô thị. Quá trình đô thị hóa sẽ diễn ra đồng hành với phát triển, là quy luật tất yếu và động lực của phát triển.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát chặt chẽ và không được quy hoạch hợp lý đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên và cân bằng sinh thái. Những hậu quả không mong muốn đó đã tạo ra áp lực ngày càng lớn đối với chính quyền các thành phố lớn, các đô thị. Nếu không xem xét một cách thấu đáo sẽ có thể cho rằng hậu quả đó hoàn toàn là do tác động tiêu cực của tình trạng nhập cư. Điều đó sẽ dẫn đến việc đưa ra những biện pháp hành chính ngăn cản dòng người nhập cư vào đô thị. Chính quyền đô thị cần tìm kiếm cách tiếp cận để giải quyết những vấn đề đó chứ không phải tìm các biện pháp ngăn chặn luồng di cư vào đô thị.
Người nhập cư vào đô thị chủ yếu là nguồn lao động cơ bản của ngành sản xuất công nghiệp. Khi chuyển đến nơi cư trú mới, người nhập cư có một số nhu cầu cần được đáp ứng, trước hết là nhà ở, việc làm và các dịch vụ cơ bản khác. Trong nhiều năm qua, ở các đô thị lớn chỉ ủng hộ việc mua nhà của người có hộ khẩu thường trú. Điều đó dẫn đến tình trạng mua, bán, chuyển nhượng nhà đất ngầm, gây phức tạp trong công tác quản lý hộ khẩu và phức tạp trong việc quản lý nhà đất, gây thất thu thuế cho Nhà nước. Chính vì vậy, tháng 7-2005, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã trình Hội đồng Nhân dân việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Việc cấp sổ đỏ cho người ngoại tỉnh sẽ xóa dần tình trạng chuyển nhượng ngầm bất động sản.
Đa phần người nhập cư không có khả năng mua được nhà để ở. Trong những năm qua, nhà ở của những người nhập cư vào đô thị và khu công nghiệp luôn ở trong tình trạng thả nổi, không có đơn vị chỉ đạo, quản lý. Điều đó dẫn đến tình trạng các cá thể ở những nơi có nhu cầu tự xây dựng nhà cho thuê. Kết quả là người thuê nhà bị bắt ép, tình trạng mất trật tự, thiếu an toàn và ô nhiễm môi trường ở những khu nhà thuê trọ thường xảy ra. Để tránh tình trạng trên, chính quyền đô thị nên tìm biện pháp phù hợp đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người nhập cư. Quy định đối với các cơ sở tuyển dụng lao động phải bảo đảm chỗ ở cho người nhập cư gần trụ sở của mình và theo quy hoạch chung. Điều đó sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho người nhập cư, không để họ rơi vào tình trạng thuê nhà không đủ điều kiện sống tối thiểu, dẫn đến hậu quả người nhập cư dễ mắc phải tệ nạn xã hội, hoặc dễ bị tổn thương.
Việc quản lý hộ khẩu cũng cần có cách tiếp cận thích hợp trong bối cảnh này. Người nhập cư cống hiến sức lao động của mình cho sự phát triển chung của xã hội, vì vậy không thể coi họ là công dân đô thị loại hai. Trong thời gian qua, ở các thành phố lớn đã quá coi trọng hộ khẩu, thường có các biện pháp xử lý dựa vào hộ khẩu. Do đó, những người nhập cư chưa có hộ khẩu thường tiếp cận hạn chế với các dịch vụ cơ bản... Vì vậy, công tác quản lý hộ khẩu cần cải tiến linh hoạt hơn, dễ tiếp cận và không gây phiền hà cho người dân. Trong những năm qua, lợi dụng việc có nhiều người muốn chuyển đến đô thị, khu công nghiệp tìm việc làm, một số cá nhân đứng ra tổ chức cho người di cư và đã lừa gạt người nhập cư với những thông tin sai lệch để trục lợi. Sự tham gia của chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn những hành động trục lợi này sẽ giảm đáng kể nguy cơ rủi ro do thiếu thông tin của người di dân.
Người nhập cư vào các đô thị nói chung là không có tay nghề hoặc tay nghề không cao. Do vậy, họ thường phải làm những công việc thủ công, trong khi nhiều cơ sở tuyển dụng lao động cần người có tay nghề nhất định. Theo kết quả điều tra di cư năm 2004, đại đa số người di cư nằm trong độ tuổi trẻ, vì vậy tình trạng nói trên về tay nghề có thể khắc phục được bằng một số cách sau: thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền hướng nghiệp cho học sinh ngay từ trong nhà trường phổ thông; thứ hai, mở các khóa bổ túc nghề ngoại khóa theo nguyện vọng, sở trường cho học sinh các lớp phổ thông trung học; thứ ba, trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu của nền kinh tế về số lượng và chất lượng đối với từng nghề, các trường dạy nghề có kế hoạch tuyển sinh và đào tạo cho phù hợp. Không nên để dư thừa nguồn lao động trẻ không có tay nghề, trong khi nền kinh tế thiếu lao động có tay nghề, có chuyên môn.
“Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo” cũng đề cập đến việc khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề. Hiện trạng đào tạo nghề của nước ta tỏ ra chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng lao động trong nước, cũng như tụt hậu so với nhu cầu hội nhập và xuất khẩu lao động. Trong khi mức độ đầu tư của nước ngoài vào nước ta dự kiến sẽ tăng trưởng rất lớn sau khi hội nhập WTO. Ngoài trang bị lý thuyết cho học viên, các trường đào tạo nghề cần có đủ phương tiện thực hành, bảo đảm sau khi ra trường, học viên thành thạo nghề, tránh hiện tượng có bằng nghề danh nghĩa, nhưng không thể làm được công việc mà nghề đó đòi hỏi.
Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ  (01/08/2007)
Đoàn Thanh niên Tạp chí Cộng sản và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng thăm, tặng quà gia đình chính sách và Đồn Biên phòng Chi Ma tỉnh Lạng Sơn  (30/07/2007)
Lễ truy tặng đồng chí Nguyễn Đình Tứ Huân chương Hồ Chí Minh  (30/07/2007)
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại  (30/07/2007)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên