Về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035
TCCS - Phát triển bền vững đã trở thành đường lối, quan điểm của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước và được lồng ghép, thể hiện rõ trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của các bộ, ngành, địa phương. Với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sâu sắc của Chính phủ, các bộ, ngành, qua đánh giá tổng kết và rút ra bài học kinh nghiệm trong mỗi giai đoạn thực hiện, hệ thống năng lượng của Việt Nam sẽ phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng trong vài thập niên qua, tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) đầu người tăng từ 114 USD vào năm 1990 lên 2.385 USD vào năm 2017. Việt Nam đứng vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình. Đối với lĩnh vực năng lượng, đây là quá trình chuyển từ một nền kinh tế nông nghiệp sử dụng năng lượng chủ yếu dựa trên các loại nhiên liệu sinh khối truyền thống sang một nền kinh tế sử dụng các dạng năng lượng tổng hợp và hiện đại.
Việt Nam có nhiều loại nguồn năng lượng sơ cấp nội địa, như dầu thô, than đá, khí, thủy điện và năng lượng phi thương mại (năng lượng sử dụng trong sinh hoạt, như củi gỗ, các chất phế thải từ sản xuất nông nghiệp, rác) là những nguồn năng lượng được khai thác trong nước. Trong những năm gần đây, tổng năng lượng khai thác có xu hướng ổn định, chủ yếu là do sản lượng khai thác các sản phẩm thương mại không có sự đột biến lớn về lượng. Với mức độ tăng cao về nhu cầu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng từ năm 2015.
Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp của Việt Nam năm 2015 là 70,6 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), trong đó năng lượng thương mại chiếm 83,1% và năng lượng phi thương mại chiếm 16,9% trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp. Tỷ lệ năng lượng sinh khối phi thương mại trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp giảm đáng kể từ 44,2% (năm 2000) xuống 16,9% (năm 2015). Tỷ lệ sụt giảm là do năng lượng sinh khối phi thương mại đã dần được thay thế bởi các dạng năng lượng thương mại. Sự chuyển dịch sang năng lượng hóa thạch đã và đang làm tăng phát thải khí gây “hiệu ứng nhà kính”.
Chính phủ luôn coi tăng trưởng kinh tế là một ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên các chiến lược của Chính phủ đều nhấn mạnh rằng tăng trưởng nhanh phải song song với phát triển bền vững, gắn liền với công bằng và hòa nhập xã hội. Trong bối cảnh tăng cường hội nhập quốc tế và chủ trương phát triển ngành năng lượng theo hướng thị trường, bảo đảm cung cấp năng lượng đầy đủ, ổn định và an toàn cho các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, việc xây dựng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 là hết sức cần thiết về mặt pháp lý, tầm nhìn tổng thể và đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường.
Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035
Bộ Công Thương đã xây dựng Tờ trình số 12005/TTr-BCT, ngày 21-12-2017, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035 với các quan điểm và mục tiêu phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 như sau:
Về quan điểm phát triển:
Một là, phát triển tối ưu hệ thống năng lượng tổng thể nhằm cung cấp đầy đủ và bảo đảm an ninh năng lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hai là, sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp nhằm bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với nhập khẩu năng lượng hợp lý nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Ba là, đẩy mạnh các hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng và khuyến kích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo tồn tài nguyên năng lượng và giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường trong hoạt động năng lượng. Bốn là, phát triển các thị trường năng lượng cạnh tranh theo đúng lộ trình nhằm đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh năng lượng, đồng thời tăng hiệu quả hoạt động của các hệ thống cung cấp và sử dụng năng lượng. Năm là, từng bước nâng cao chất lượng các dịch vụ cung cấp năng lượng. Thực hiện giá bán các sản phẩm năng lượng theo cơ chế thị trường nhằm khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch và thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả. Sáu là, từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách năng lượng để bảo đảm phát triển năng lượng bền vững và đạt được các mục tiêu phát triển.
Về mục tiêu phát triển:
- Mục tiêu tổng quát: Huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển năng lượng để bảo đảm cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng ngày càng cao và mức giá hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; sử dụng đa dạng và hợp lý các nguồn năng lượng sơ cấp trong và ngoài nước; đẩy mạnh các hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng cường bảo vệ môi trường và hoàn thành các mục tiêu phát triển năng lượng - kinh tế - xã hội bền vững; từng bước xây dựng các thị trường năng lượng cạnh tranh nhằm tăng hiệu quả hoạt động và khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch.
- Các mục tiêu cụ thể: 1- Cung cấp đủ nhu cầu các dạng năng lượng trong nước, đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2016 - 2035. 2- Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp năm 2025 đạt khoảng 137 triệu - 147 triệu tấn dầu tương đương; năm 2035: 218 triệu - 238 triệu tấn. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng năm 2025 đạt từ 83 triệu tấn - 89 triệu tấn; năm 2035 từ 121 triệu - 135 triệu tấn. 3- Xây dựng các cơ sở lọc dầu bảo đảm cung cấp tối thiểu 70% nhu cầu trong nước vào năm 2035. Dự trữ chiến lược về dầu thô và các sản phẩm xăng dầu đạt 90 ngày nhập ròng vào năm 2020. 4- Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng: tỷ lệ tiết kiệm năng lượng của tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so sánh với kịch bản phát triển bình thường đến năm 2025 đạt 6% và đến năm 2035 đạt 10%. 5- Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo: đạt 5.400MW thủy điện nhỏ, 2.300MW điện gió, 6.000MW điện mặt trời, 1.200MW điện sinh khối vào năm 2025; định hướng đạt 7.000MW thủy điện nhỏ, 12.400MW điện gió, 41.000MW điện mặt trời, 3.800MW điện sinh khối vào năm 2035. 6- Giảm thiểu biến đổi khí hậu trong phát triển năng lượng: giảm phát thải khí CO2 từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường 12% vào năm 2025, đạt 15% vào năm 2030 và 18% vào năm 2035. 7- Tiếp tục thực hiện lộ trình phát triển thị trường điện lực; phát triển thị trường tiêu thụ khí đốt theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Về định hướng phát triển
Định hướng phát triển ngành điện lực:
Điện thương phẩm năm 2025 đạt khoảng 327 tỷ - 348 tỷ kWh; năm 2035: khoảng 602 tỷ - 663 tỷ kWh.
Điện sản xuất và nhập khẩu năm 2025: khoảng 376 tỷ - 400 tỷ kWh và năm 2035: khoảng 670 tỷ - 750 tỷ kWh.
Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (kể cả nguồn thủy điện lớn và vừa) đạt khoảng 30,6% năm 2025 và 32,7% năm 2035.
Xây dựng hệ thống lưới điện vận hành linh hoạt, khả năng tự động hóa cao từ khâu truyền tải đến khâu phân phối.
Định hướng phát triển ngành công nghiệp than:
Về thăm dò than bể than nâu sông Hồng: trước năm 2020 hoàn thành đề án thăm dò than khu Nam Thịnh và thực hiện đề án thăm dò than khu Nam Phú II, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình để giai đoạn 2021 - 2030 có phương án triển khai sản xuất thử nghiệm, tiến tới khai thác quy mô lớn (nếu có hiệu quả).
Về khai thác than: sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành than đạt 51 triệu - 54 triệu tấn vào năm 2025, phấn đấu khoảng 60 triệu - 65 triệu tấn vào năm 2035.
Bảo đảm hoàn nguyên môi trường khi đóng cửa các mỏ hết thời gian khai thác.
Định hướng phát triển ngành công nghiệp dầu khí:
Phấn đấu trước năm 2035 về cơ bản đánh giá được trữ lượng dầu khí trên đất liền và thềm lục địa Việt Nam. Gia tăng trữ lượng dầu khí: Giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 100 triệu - 200 triệu tấn, trong đó trong nước: 90 triệu - 150 triệu tấn quy dầu. Giai đoạn 2021 - 2025: 140 triệu - 210 triệu tấn quy dầu, trong đó trong nước: 100 triệu - 150 triệu tấn. Giai đoạn 2026 - 2035: 300 triệu - 420 triệu tấn quy dầu, trong đó trong nước: 200 triệu - 300 triệu tấn, nước ngoài: 100 triệu - 120 triệu tấn. Phấn đấu tổng sản lượng khai thác dầu khí: Giai đoạn 2016 - 2020 đạt 115 triệu - 135 triệu tấn quy dầu. Giai đoạn 2021 - 2025: 100 triệu - 205 triệu tấn quy dầu. Giai đoạn 2026 - 2035: 290 triệu tấn - 410 triệu tấn quy dầu. Phấn đấu sản lượng khai thác khí đến năm 2025 đạt khoảng 11 tỷ - 19 tỷ m3/năm, giai đoạn 2026 - 2035: 17 tỷ - 21 tỷ m3/năm.
Phấn đấu đáp ứng khoảng 70% nhu cầu các sản phẩm xăng dầu, trên 70% nhu cầu phân đạm trong nước đến năm 2025. Phấn đấu công suất chế biến của các nhà máy lọc dầu đạt trên 18,5 triệu tấn dầu thô/năm. Nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng đồng bộ cho nhập khẩu và cung cấp LNG với mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 1 tỷ - 4 tỷ m3/năm, giai đoạn 2026 - 2035: 8 tỷ - 12 tỷ m3/năm.
Phát triển lĩnh vực hóa dầu sau lọc dầu và hóa dầu từ khí, tăng cường đầu tư chế biến sâu khí thiên nhiên. Phấn đấu tổng quy mô hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu đến năm 2020 đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng, trong đó dự trữ sản xuất đáp ứng 30 ngày - 35 ngày nhập ròng (tương đương 25 ngày sản xuất), dự trữ thương mại đáp ứng 35 ngày nhập ròng (tương đương 30 ngày nhu cầu), dự trữ quốc gia bảo đảm 20 ngày nhập ròng (6 ngày dầu thô và 14 ngày sản phẩm xăng dầu). Phát triển kết cấu hạ tầng tồn trữ, kinh doanh, phân phối khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), đầu tư phát triển các các dự án sản xuất LPG trong nước, đáp ứng 70% thị phần LPG toàn quốc.
Định hướng phát triển năng lượng tái tạo:
Phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, tăng tổng các nguồn năng lượng tái tạo sản xuất, sử dụng lên đạt khoảng 40 triệu tấn dầu tương đương vào năm 2025; trên 65 triệu tấn vào năm 2035.
Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam
Trên cơ sở các quan điểm và mục tiêu nêu trên, Việt Nam đề ra một số chiến lược phát triển năng lượng quốc gia nhằm bảo đảm môi trường đầu tư cạnh tranh, thu hút, khuyến khích áp dụng công nghệ mới, tiên tiến đáp ứng các chính sách quốc gia về bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng, cụ thể:
Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia: Tăng cường khả năng và độ tin cậy cung cấp của hệ thống điện và các hệ thống năng lượng khác. Đẩy mạnh khả năng cung cấp nhiên liệu hóa thạch trong nước thông qua xây dựng kho dự trữ, đầu tư mỏ và đẩy mạnh thăm dò và phát hiện trữ lượng tài nguyên năng lượng mới. Xây dựng kết cấu hạ tầng nhập khẩu năng lượng. Giảm nhu cầu nhiên liệu hóa thạch thông qua việc thúc đẩy năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo: Thể chế hóa các quy định pháp luật nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực việc phát triển năng lượng tái tạo. Xây dựng các cơ chế hỗ trợ hiệu quả cho năng lượng tái tạo. Tạo nguồn tài chính bền vững cho việc đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Thúc đẩy việc thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tạo nguồn tài chính bền vững cho hoạt động tiết kiệm năng lượng.
Về giá và thị trường năng lượng: Định giá năng lượng hiệu quả theo cơ chế thị trường đưa ra tín hiệu giá đúng đắn điều chỉnh các hành vi sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Từng bước xóa bỏ trợ giá trong sản xuất và tiêu dùng năng lượng. Từng bước hình thành các thị trường năng lượng nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động cung cấp và sử dụng năng lượng.
Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững: Khai thác tài nguyên năng lượng ở mức độ vừa phải, tránh khai thác nhanh, sớm cạn kiệt các nguồn tài nguyên; kết hợp song song khai thác nguồn tài nguyên trong nước với nhập khẩu năng lượng từ nước ngoài với tỷ lệ hợp lý. Giám sát nghiêm ngặt đối với mọi cơ sở khai thác và sản xuất năng lượng có phát thải gây ô nhiễm môi trường và có các chế tài nghiêm ngặt đối với các cơ sở năng lượng vi phạm quy định để phát thải ô nhiễm ra môi trường vượt mức cho phép. Nghiên cứu áp dụng các công cụ tài chính (thuế, phí, chứng chỉ,...) nhằm điều chỉnh hành vi sản xuất và tiêu thụ năng lượng và tạo nguồn thu cho hoạt động đầu tư vào các giải pháp năng lượng sạch.
Năng lượng là yếu tố thiết yếu để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội và cũng là một thành phần quan trọng trong phát triển bền vững. Để đạt được các mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, cần phải thực thi đồng bộ các giải pháp phát triển ngành năng lượng Việt Nam nhằm góp phần đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường đã đặt ra.
Trong quá trình thực hiện chiến lược sẽ gặp phải những khó khăn, những thách thức chủ yếu mà ngành năng lượng Việt Nam đã, đang và sẽ đối mặt, như: 1- Hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt nhiên liệu cho phát điện; 2- Tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên kết cấu hạ tầng ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi; 3- Thách thức về các tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng.
Để vượt qua những thách thức về an ninh năng lượng, là một quốc gia đang trong giai đoạn chuyển giao sang nhập khẩu tịnh năng lượng, Việt Nam cần thực hiện những nhóm giải pháp hướng đến bảo đảm nguồn cung nhiên liệu hóa thạch và phát triển kết cấu hạ tầng năng lượng hiệu quả, đa dạng hóa hệ thống năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng; đồng thời, cần thực hiện những biện pháp nâng cao an ninh năng lượng, bao gồm những biện pháp cung cấp nhiên liệu hóa thạch và giảm sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch./.
Thủ tướng dự Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018  (30/11/2018)
Những mô hình, cách làm mới trong tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp  (30/11/2018)
Những mô hình, cách làm mới trong tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp  (30/11/2018)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên