Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 01 đến ngày 07-8-2016
Xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành cần thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, tồn tại, hạn chế trong ngành, lĩnh vực mình quản lý, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm.
Thủ tướng yêu cầu đến tháng 10-2016, các bộ, ngành phải hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, ngành. Cùng với đó, khẩn trương ban hành quy chế làm việc của bộ, ngành, trong đó, cần phải chỉ rõ quy trình, thời gian xử lý công việc, văn bản, trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân; không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; phải minh bạch quy chế xử lý văn bản trên môi trường mạng; yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, trước hết là phổ cập hệ thống xử lý văn bản tại các bộ, ngành.
Với tinh thần Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng cũng lưu ý các bộ trưởng, trưởng ngành phải dành thời gian cho công việc xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật; đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách nhà nước, tài sản công, nhất là xe công, trụ sở, hội họp, đi công tác.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí thực hiện. Tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ. Xử lý nghiêm trách nhiệm đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, gây khó khăn, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Liêm chính là không tham nhũng, tận tụy phục vụ dân
Trả lời ý kiến của cử tri về vấn đề xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo trong buổi tiếp xúc cử tri TP. Hải Phòng ngay sau kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, mục tiêu cuối cùng của Chính phủ kiến tạo là tạo công ăn việc làm, phát huy sức sáng tạo, tăng thu nhập cho người dân, tăng năng suất lao động, bảo vệ môi trường sống, tạo công bằng xã hội.
Cùng với việc thiết kế thể chế, chính sách, Chính phủ kiến tạo phải hành động nhanh, chính xác, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Và tinh thần ấy phải được quán triệt từ cấp Trung ương đến địa phương để tận dụng được nguồn lực còn hạn hẹp một cách có hiệu quả cao nhất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Liêm chính tức là không tham nhũng, tận tụy phục vụ người dân, là không nhũng nhiễu. Liêm chính thì phải công khai mọi vấn đề với người dân, phục vụ người dân, chứ không phải hạch sách nhân dân. Chúng tôi muốn truyền đạt ý này để các cấp chính quyền phải liêm chính hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn, nhất là hệ thống chính quyền cơ sở của chúng ta”.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm việc với Bộ Tài chính về cải cách hành chính
Ngày 03-8, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã làm việc với Bộ Tài chính về công tác cải cách hành chính.
Nhận định, công tác cải cách thủ tục hành chính của Bộ Tài chính đã chuyển biến tích cực và hiệu quả, tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng công tác này của Bộ vẫn còn một số hạn chế, như: Chậm ban hành văn bản hướng dẫn trên một số lĩnh vực; chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên ngành chưa cao; một số nội dung quy định chưa rõ ràng, tạo ra cách hiểu không thống nhất giữa cơ quan hải quan, cơ quan liên quan, doanh nghiệp và việc áp dụng không thống nhất giữa các đơn vị.
Việc thực hiện thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp như: Thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa và giám sát hải quan, hoạt động kiểm tra sau thông quan, thủ tục báo cáo quyết toán đối với hoạt động gia công và sản xuất xuất khẩu. Việc quy định nhiều bộ quản lý chuyên ngành phải có ý kiến đối với một loại hàng hóa nhập khẩu khi đăng ký hải quan, thông quan hàng hóa cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các biểu mẫu kê khai thuế còn tiểu tiết không cần thiết.
Đối với thủ tục thuế, chưa cụ thể các bước xử lý và hồ sơ. Bên cạnh đó, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của một bộ phận công chức hải quan, thuế chưa cao, chưa chuyên nghiệp...
Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác cải cách hành chính, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ giao; thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế và hải quan, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện.
Bộ Tài chính cần hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin; bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá.
Bộ Tài chính tiếp tục đề cao trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành và các đơn vị trong bộ; rà soát chính sách, pháp luật, đề xuất kiến nghị phương án xử lý; điều chỉnh các thủ tục hành chính trùng lắp, không thực sự cần thiết hoặc có thể khai thác dữ liệu ở các nguồn thông tin khác.
Bộ Tài chính cần thực hiện nghiêm việc cập nhật, công bố kịp thời danh mục thủ tục hành chính; công khai quy trình thủ tục, hồ sơ cụ thể đối với từng khâu nghiệp vụ; hoàn thuế, miễn giảm thuế, quyết toán thuế… tạo thuận lợi cho người nộp thuế và giảm chi phí hành chính đối với cán bộ thuế.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế, hải quan để khắc phục kịp thời những bất cập về cơ sở hạ tầng và phần mềm ứng dụng; thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ.
Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp
Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là một trong 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Chương trình hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông xác định rõ 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn là: Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Đảm bảo quyền kinh doanh, quyền tiếp cận bình đẳng nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp.
Cụ thể, với nhóm giải pháp cải cách hành chính, các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông được yêu cầu phải nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử để công khai, minh bạch nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước qua môi trường mạng.
Đồng thời, mở chuyên mục hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử; công khai quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh (nếu có), kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp.
Việt Nam tiến 10 bậc trong xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc
Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc về phát triển chính phủ điện tử tại các quốc gia thành viên, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ, trở thành quốc gia phát triển chính phủ điện tử mức cao, tăng 10 hạng trong bảng xếp hạng chung, lên thứ 89/193 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Chính phủ điện tử được hiểu đơn giản là gồm 3 thành tố: Dịch vụ công, tiếp cận thông tin và tương tác với người dân. Hiện nay, tất cả các cơ quan hành chính từ Trung ương tới địa phương đều xây dựng được website và cổng thông tin điện tử để giao tiếp với người dân.
Tháng 7-2016, Liên hợp quốc đã phát hành báo cáo khảo sát về chính phủ điện tử năm 2016 với chủ đề là “Chính phủ điện tử trong hỗ trợ phát triển bền vững”. Đây là báo cáo lần 9 của Liên hợp quốc. Báo cáo không nhằm mục đích đánh giá sự phát triển theo các chỉ số tuyệt đối mà là giá trị tương đối, so sánh tương quan giữa các nước được khảo sát với nhau.
Theo báo cáo này, sự tăng trưởng trong nhóm các nước có chỉ số phát triển chính phủ điện tử rất cao (chỉ số lớn hơn 0,75) từ 25 nước (13%) năm 2014 lên 29 nước (15%); các nước mới gia nhập nhóm này là Slovenia, Lithuania, Thụy Sĩ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). 34% (65 nước) có chỉ số chính phủ điện tử phát triển cao (có chỉ số từ 0,5 đến 0,75), 35% (67 nước) có chỉ số phát triển chính phủ điện tử trung bình (có chỉ số từ 0,25 đến 0,5); còn lại 32 nước (16%) có chỉ số phát triển chính phủ điện tử thấp (nhỏ hơn 0,25).
Theo báo cáo này, Việt Nam là một trong những nước đã có những tiến bộ về mức độ phát triển chính phủ điện tử. Cụ thể, Việt Nam đã từ nhóm các nước có chỉ số phát triển trung bình sang nhóm các nước có chỉ số phát triển cao; thứ hạng chung tăng 10 bậc, đứng thứ 89/193 quốc gia, vùng lãnh thổ (báo cáo năm 2014 xếp hạng 99).
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện đang xếp thứ 6, sau các nước: Singapore (thứ 4); Malaysia (thứ 60); Philippines (thứ 71); Thái Lan (thứ 77) và Brunei (thứ 83).
Số lượng các nước có chỉ số phát triển chính phủ điện tử thấp vẫn là 32 nước, bằng với kết quả khảo sát năm 2014. Liên hợp quốc nhận định, xu hướng trên cho thấy nhiều nước đã có sự tiến bộ trong phát triển chính phủ điện tử để có thể đáp ứng được những nhu cầu ngày càng đa dạng và phức tạp của con người.
Rà soát điều kiện đầu tư, thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng
Bộ Xây dựng đã chủ động bãi bỏ quy định về điều kiện kinh doanh tại 14 Thông tư bao gồm: bãi bỏ toàn phần 1 Thông tư liên tịch, 1 Thông tư, 1 Quyết định, 1 Chỉ thị và bãi bỏ một phần của 10 Thông tư. Hiện Bộ Xây dựng vẫn đang đang nghiên cứu để tiếp tục bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 4 Thông tư cùng 1 Quyết định liên quan đến điều kiện sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Cụ thể là Nghị định 79/2016/NĐ-CP Quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư, kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; Nghị định 62/NĐ-CP quy định về điều kiện hoạt động giám định tư pháp xây dựng và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.
Các thông tin, nội dung có liên quan đến cải cách hành chính thường xuyên được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng thực hiện công bố và niêm yết công khai các thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp biết, thực hiện theo đúng quy định.
10 cam kết của Hà Nam về tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư
Trước hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hà Nam 2016 ngày 06-8, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông nêu rõ 10 cam kết về tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư:
1. Cung cấp đủ điện 24/24 giờ cho các doanh nghiệp.
2. Đảm bảo hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu tới chân hàng rào doanh nghiệp gồm: cấp điện, cấp nước, viễn thông, thu gom và xử lý nước thải, chất thải cho các doanh nghiệp.
3. Giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, trong đó, thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư không quá 3 ngày, thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục thuế điện tử thuận lợi, chính xác.
4. Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động và cung cấp nguồn lao động có kỹ thuật và ý thức tổ chức kỷ luật.
5. Giao đất sạch không thu tiền để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ, hạ tầng xã hội, vui chơi giải trí.
6. Hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi có nhu cầu mở rộng sản xuất, thay đổi phương án sản xuất kinh doanh, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.
7. Hải quan phục vụ Khu công nghiệp, thực hiện thủ tục hải quan điện tử nhanh gọn.
8. Đảm bảo an ninh trật tự ngoài hàng rào doanh nghiệp, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp.
9. Đảm bảo không có đình công, bãi công.
10. Thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp./.
Sự kiện trong nước nổi bật trong tuần (từ 01 đến 07-8-2016)  (09/08/2016)
Cộng đồng ASEAN khẳng định vị thế, mở rộng quan hệ đối tác chiến lược  (08/08/2016)
Chủ động hơn nữa trong công tác dự báo và ứng phó với thiên tai  (08/08/2016)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia  (08/08/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên