TCCS - Nằm ở trung độ đất nước, đồng thời là cực Nam của Quân khu 4, Thừa Thiên - Huế có chiều dài biên giới giáp nước bạn Lào 87 km, bờ biển 128 km, có hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á, có Lăng Cô là một trong 20 vịnh biển đẹp nhất thế giới; nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây và trục giao thông đường sắt, đường bộ Bắc - Nam xuyên qua; có cảng hàng không quốc tế Phú Bài, cửa khẩu quốc gia A Đớt, Hồng Vân; hải cảng Thuận An và cảng nước sâu Chân Mây - "cửa ngõ" ra biển Đông ngắn nhất, thuận lợi cho trung chuyển hàng hóa nội địa và ra thế giới của khu vực miền Trung và các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông, khu vực Đông Á. Với vị thế chiến lược và đầy tiềm năng, triển vọng đó, Thừa Thiên - Huế được Trung ương xác định là tỉnh động lực trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là một địa bàn chiến lược trọng yếu về quốc phòng - an ninh.

Gắn phát triển kinh tế - xã hội với giữ vững quốc phòng - an ninh

Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về công cuộc đổi mới toàn diện, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo nhân dân và các lực lượng vũ trang trong tỉnh phát huy nội lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngừng vươn lên đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực nhằm ổn định, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng, tỉnh đã duy trì được các chỉ số phát triển một cách khả quan. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm thời kỳ 2001 - 2008 đạt 11%. Năm 2008, mặc dù chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế và hậu quả thiên tai, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn đạt mức tăng 10,05%, tương đương mức bình quân chung của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. GDP đầu người đạt ngưỡng 1.000 USD/năm, đưa Thừa Thiên - Huế thoát ra khỏi tỉnh nghèo. Đặc biệt, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hệ thống kết cấu hạ tầng từ miền núi đến đồng bằng, ven biển được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, cơ bản khắc phục được sự chia cắt giữa các vùng, miền trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 98% số hộ dân được dùng điện, hơn 80% số hộ được dùng nước sạch và hợp vệ sinh. Tất cả các xã đã có trạm y tế, 152 xã, phường, thị trấn đều có bác sĩ, được phủ sóng phát thanh và truyền hình. Hệ thống trường học đầy đủ từ nhà trẻ mẫu giáo đến đại học. Tỉnh đã phổ cập trung học cơ sở trong độ tuổi và đang tiếp tục thực hiện chương trình phổ cập trung học phổ thông. Đại học Huế không ngừng phát triển thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực và đào tạo quốc gia, quốc tế. Bệnh viện Trung ương Huế là một trong những bệnh viện dẫn đầu của quốc gia và là trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước. Chương trình chăm sóc cho gia đình có công, thương binh, liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng thường xuyên được quan tâm. Công tác xóa nhà tạm đã cơ bản hoàn thành (đặc biệt 2 huyện Nam Đông và A Lưới đã hoàn thành từ năm 2007, đã định cư và ổn định hơn 1.000 hộ dân sống lênh đênh trên đầm phá). Công tác trùng tu tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, xây dựng Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam được quan tâm. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ luôn luôn quan tâm phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh. Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt thường xuyên hai nhiệm vụ chiến lược, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng - an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng - an ninh. Chú trọng nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động nắm chắc tình hình, đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ. Trong đó, đã quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về "Chiến lược an ninh quốc gia", Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", tạo được sức mạnh tổng hợp trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tỉnh thường xuyên quan tâm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện chiến đấu, các công trình phòng thủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng vũ trang, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận phòng thủ, đơn vị an toàn làm chủ; giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc. Lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, công an viên được củng cố, chất lượng chính trị nâng lên, bảo đảm lực lượng nòng cốt trong xử lý các tình huống. Mối quan hệ giữa các lực lượng vũ trang với cơ sở chặt chẽ; thực hiện tốt phương châm "5 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ và tự quản tại chỗ) trong phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Công tác phòng, chống, đấu tranh các loại tội phạm (tội phạm quốc tế, ma túy, buôn lậu, tham nhũng...) và tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông thường xuyên được duy trì có hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh đã chủ động, kịp thời làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động chống phá của các đối tượng phản động trong và ngoài nước lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Những kết quả đạt được qua hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là trong 10 năm đầu thế kỷ XXI của Thừa Thiên - Huế là hết sức quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để tỉnh đột phá phát triển nhanh hơn và bền vững trong thời gian tới. Đạt được kết quả trên trước hết là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền một cách sâu sát, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong những điều kiện khó khăn, như suy giảm kinh tế, tỉnh vẫn phấn đấu giữ được nhịp điệu tăng trưởng cần thiết, tạo điều kiện nâng cao chất lượng cạnh tranh của các ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào sự bình ổn xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng. Điều quan trọng là tỉnh đã chú trọng đầu tư một cách thích đáng cho kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng hoạt động khoa học, kỹ thuật, công nghệ, giáo dục - đào tạo, kích thích các thành phần kinh tế phát triển theo hướng tích cực, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thực hiện đồng bộ các chính sách an dân.

Tuy vậy, nhìn lại vẫn còn một số hạn chế cần sớm nỗ lực khắc phục. Đó là, quy mô nền kinh tế còn nhỏ; chất lượng tăng trưởng cao, nhưng chưa bền vững. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở cơ sở chưa đầy đủ, còn nặng phát triển kinh tế, thiếu quan tâm công tác quốc phòng - an ninh, coi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và an ninh là của lực lượng vũ trang. Việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân chưa thực sự vững chắc; chất lượng phối hợp hoạt động giữa quân đội và công an ở một số địa phương còn chưa cao... Mặt khác, lợi dụng chủ trương chính sách mở cửa, những khó khăn, tồn tại của tỉnh, các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình" chống phá trên tất cả các mặt, với những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm hơn; các hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh hải diễn biến phức tạp, trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là tai nạn giao thông chưa giảm hẳn, đã tác động trực tiếp đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của địa phương.

Các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới

Đánh giá toàn diện và sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược trong thời kỳ hội nhập và phát triển, Đảng bộ tỉnh đã xác định: Gắn phát triển kinh tế với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, tạo thế ổn định vững chắc về chính trị để phát triển kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Đó vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là yêu cầu quan trọng cho cả trước mắt và lâu dài để xây dựng Thừa Thiên - Huế phát triển nhanh, bền vững về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, văn hóa - xã hội phát triển và ổn định. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đó, Thừa Thiên - Huế đề ra các chủ trương, giải pháp sau:

Lãnh đạo toàn dân, toàn quân phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng hệ thống chính trị mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng bộ tỉnh đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Xây dựng đề án và thực hiện tốt Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 25-5-2009 "Xây dựng, phát triển Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020".

Tăng cường chỉ đạo các cấp, các sở, ban, ngành thực hiện tốt việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh ngay trong quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể của tỉnh, và đối với từng ngành, từng địa phương. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng trọng điểm, như hệ thống cầu, đường ven biển, đầm phá, các sông chống chia cắt như đường Trường Sơn thấp, đường La Sơn - Nam Đông, quốc lộ 49, đường phía tây thành phố, đường 71, 74 nối miền núi với đồng bằng, các cầu qua phá Tam Giang - Cầu Hai, cầu qua sông Hương. Các công trình này vừa bảo đảm phục vụ cho phát triển kinh tế, vừa hình thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ động, các công trình phòng thủ phục vụ cho tác chiến khi có tình huống xảy ra.

Mặt khác, tăng cường công tác cải cách hành chính nhằm tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư toàn xã hội, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, nhất là thu hút tối đa ODA, FDI, vốn trong dân cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập xã hội. Đồng thời, tổ chức tốt việc thẩm định các chương trình, dự án kinh tế, trọng thị đối tác, ngăn ngừa đối tượng để vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, vừa đáp ứng yêu cầu tăng cường tiềm lực và giữ vững quốc phòng, quân sự và an ninh của khu vực phòng thủ.

Quan tâm xác định các yếu tố trong chiến lược phát triển kinh tế biển, đầm phá, các dự án nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, phát triển dịch vụ - du lịch... để vừa bảo đảm phát triển kinh tế biển, vừa tăng cường thế trận phòng thủ bảo vệ biển, đầm phá trên địa bàn. Đối với các dự án, chương trình, kế hoạch phát triển của các ngành, nhất là trên các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, bưu chính - viễn thông, giáo dục - đào tạo, y tế, công nghiệp, thủy sản... chú trọng chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức chặt chẽ việc thẩm định để các dự án, chương trình, kế hoạch bảo đảm mang lại tác dụng "kép" phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng - an ninh; nâng cao khả năng sẵn sàng động viên phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh của ngành, địa phương và của tỉnh.

Cơ quan quân sự các cấp cần chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành thường xuyên kiểm tra, nắm chắc tình hình, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án phòng thủ, chiến đấu, động viên quốc phòng... bảo đảm sát với những thay đổi thực tế trên địa bàn, yêu cầu nhiệm vụ và quy hoạch phát triển tổng thể của các địa phương trong tỉnh. Kết hợp việc sử dụng tốt nguồn ngân sách trung ương với khai thác các nguồn vốn địa phương, của các thành phần kinh tế để xây dựng và hoàn thiện các công trình chiến đấu đã được phê duyệt. Phát huy vai trò tích cực của các khu vực kinh tế - quốc phòng trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên từng địa bàn. Tăng cường quản lý, khai thác tốt những khu vực vùng đồi núi, cửa sông, cửa biển, ven biển, đầm phá có giá trị quân sự để tạo dựng thế trận phòng thủ liên hoàn, có chiều sâu, nhiều tầng, nhiều tuyến, có khả năng bảo vệ tại chỗ và khả năng cơ động, chuyển hóa thế trận linh hoạt để phòng thủ và tấn công địch.

Tập trung kiện toàn và vận hành tốt cơ chế quản lý nhà nước đối với công tác quốc phòng, quân sự, an ninh. Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quân sự, các lực lượng vũ trang, vai trò tích cực của các tổ chức quần chúng. Các cấp ủy, chính quyền cần quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác quốc phòng, quân sự, an ninh, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VI về tăng cường sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X và các chỉ thị, nghị quyết của Quân khu 4, của Tỉnh ủy... Trên cơ sở đó, đề ra các chủ trương, biện pháp sát hợp, lãnh đạo, chỉ đạo địa phương, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh được giao; gắn việc xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh toàn diện với xây dựng xã, phường, thị trấn, thôn bản an toàn, làm chủ, tập trung vào các địa bàn trọng điểm chiến lược, miền núi, vùng cao, biên giới, ven biển, đầm phá...

Chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về mọi mặt, trước hết là về chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm nòng cốt trong củng cố nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân trên địa bàn. Đối với lực lượng thường trực, tiếp tục hoàn chỉnh biên chế tổ chức, trang bị chiến đấu, tăng cường xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; kết hợp xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện với xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh các phong trào thi đua quyết thắng gắn với việc thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", hướng mạnh việc làm theo trong từng cán bộ, chiến sĩ, từng việc làm cụ thể.

Đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng, củng cố Hội đồng giáo dục quốc phòng của tỉnh, đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng - an ninh, nhất là bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng. Thông qua đó, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, nâng cao tinh thần cảnh giác, năng lực, trình độ, ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh địa phương. Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt việc phối hợp hoạt động giữa quân đội và công an, biên phòng theo Quyết định số 107/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, thành phố theo hướng "cơ bản, liên hoàn, vững chắc", với quan điểm phòng ngừa, "giữ", "xây" và ổn định là chính; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện, diễn tập theo các kế hoạch, phương án tác chiến phòng thủ trong khu vực phòng thủ đã phê duyệt, đáp ứng yêu cầu "thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm". Đồng thời, coi trọng và kết hợp chặt chẽ việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân, lấy thế trận lòng dân làm chính. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, công tác "đền ơn, đáp nghĩa", công tác phòng, chống bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết cácdân tộc, của cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Với truyền thống "Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường" trong đấu tranh giải phóng dân tộc được phát huy mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục nỗ lực tận dụng tốt những thuận lợi, thời cơ, vận hội mới, đồng thời nêu cao quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng tỉnh giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, văn hóa - xã hội phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, xứng đáng là tỉnh động lực của vùng kinh tế trọng điểm miềnTrung, phấn đấu sớm đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương./.