TCCS - Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài luôn chiếm vị trí quan trọng trong công tác cách mạng của Đảng ta. Lịch sử công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam qua từng thời kỳ khác nhau. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam có phần đóng góp to lớn về vật chất, tinh thần, kể cả xương máu của kiều bào ta ở nước ngoài.

Từ trước năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa ra đời, trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó là Nguyễn ái Quốc đã sớm nhận thấy vai trò quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và đã tích cực tạo lập cơ sở, xây dựng tổ chức ở nước ngoài để phục vụ cho cách mạng trong nước. Năm 1919, Người đã lập “Nhóm người An Nam yêu nước”, tiền thân của phong trào Việt kiều yêu nước rộng khắp tại Pháp và Hội người Việt Nam tại Pháp sau này. Năm 1924, cùng một số đồng chí khác, Người đã thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu (Trung Quốc), rồi tiếp đó thành lập các chi hội ở Thái Lan. Năm 1928, Người đã trực tiếp đến Thái Lan để vận động bà con kiều bào, trực tiếp lãnh đạo tổ chức và phong trào Việt kiều yêu nước tại đây.

Năm 1945, đất nước giành được độc lập, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều dịp kêu gọi, động viên đồng bào ta ở nước ngoài phát huy tinh thần yêu nước, tranh thủ nhân dân sở tại, ủng hộ đất nước. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp kéo dài suốt 9 năm (1946 - 1954), đồng bào ta ở nước ngoài đã nêu cao tinh thần yêu nước, tham gia kháng chiến theo nhiều hình thức khác nhau. Tại Thái Lan, phong trào yêu nước của Tổng Hội Việt kiều cứu quốc hoạt động rất mạnh, phối hợp chặt chẽ với trong nước. Hơn 6.000 Việt kiều Thái Lan trực tiếp tham gia kháng chiến trong lực lượng vũ trang tại mặt trận Lào. Tại Pháp, kiều bào ta đã tích cực tham gia phục vụ, bảo vệ Phái đoàn Chính phủ Việt Nam sang đàm phán tại Hội nghị Phông-ten-nơ-blô (Fontainebleau), vận động dư luận và nhân dân Pháp ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Một số trí thức kiều bào theo lời kêu gọi của Bác Hồ đã sẵn sàng từ bỏ cuộc sống sung túc ở Pháp về nước tham gia kháng chiến như Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ...

Từ năm 1954 đến năm 1975, nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là vận động kiều bào tham gia công cuộc xây dựng miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cùng với đồng bào trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài tích cực tham gia các phong trào đấu tranh đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định dưới các hình thức mít tinh, lấy chữ ký vận động nhân dân và dư luận sở tại, chống đàn áp những người kháng chiến... Nhiều trí thức và kiều bào đã tình nguyện hồi hương, đem kiến thức và tài sản tích lũy được góp phần xây dựng và đấu tranh thống nhất đất nước.

Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, để đáp ứng nguyện vọng của kiều bào là được trở về quê hương xây dựng đất nước, tháng 11-1959, Ban Việt kiều Trung ương đã được thành lập (tiền thân của ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay) với nhiệm vụ giúp Chính phủ chỉ đạo công tác hồi hương của Việt kiều, chủ yếu từ Thái Lan, Tân Đảo, Tân Thế giới, đồng thời vận động, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của bà con ta sinh sống ở nước ngoài. Ngày 10-1-1960, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuống tận cảng Hải Phòng để trực tiếp đón chuyến tàu đầu tiên đưa những người con xa xứ trở về Đất Mẹ, thể hiện tình cảm và sự trân trọng của Người cũng như của Đảng và Chính phủ đối với những người Việt sống xa quê hương bao năm qua. Từ giữa những năm 60, cùng với nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đã đẩy mạnh các hoạt động yêu nước, trong đó có phong trào phản đối chiến tranh, nòng cốt là lực lượng cốt cán, sinh viên du học tại các nước tư bản phát triển. Kiều bào ở nước ngoài cũng là lực lượng nòng cốt vận động nhân dân và chính giới các nước, hình thành mặt trận nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ Việt Nam, đấu tranh chống đế quốc Mỹ.

Từ sau năm 1975, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được thúc đẩy, có những bước chuyển tích cực trong bối cảnh và tình hình mới, với nhiệm vụ đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài vì mục tiêu xây dựng cộng đồng và phát triển đất nước. Trong giai đoạn này, đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn do bị chiến tranh tàn phá, bị bao vây cấm vận, Ban Việt kiều Trung ương đã tích cực vận động kiều bào giúp thân nhân trong nước thông qua việc gửi kiều hối, hàng hóa... Những đóng góp này rất có ý nghĩa trong lúc nền kinh tế đất nước còn khó khăn.

Bước vào thời kỳ đổi mới, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài có những bước ngoặt quan trọng. Công cuộc đổi mới từ sau Đại hội VI của Đảng (năm 1986) thu được những thành quả to lớn, đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.

Thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, với mục tiêu giúp cộng đồng ổn định, phát triển, hội nhập vào xã hội sở tại và hướng về Tổ quốc, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài luôn tập trung vào hai nhiệm vụ trọng tâm và có mối liên hệ khăng khít, hỗ trợ cho nhau, đó là tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trong tham mưu xây dựng chủ trương, chính sách, đổi mới quan trọng hàng đầu là việc Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần đầu tiên ban hành một Nghị quyết riêng về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 29-11-1993) và lần đầu tiên ban hành một Nghị quyết công khai về công tác này (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26-3-2004). Nghị quyết số 36-NQ/TW là một văn kiện có ý nghĩa lịch sử, có giá trị cơ bản, to lớn, toàn diện và lâu dài, thể hiện sâu sắc tư duy đổi mới của Đảng ta về công tác này. Quan điểm “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước” được phản ánh rõ nét trong Nghị quyết, trở thành nhận thức chung của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị và của toàn dân. Tiếp theo đó, Chính phủ, Bộ Ngoại giao và nhiều bộ, ngành, địa phương khác đã đề ra Chương trình hành động của mình để triển khai, khẩn trương đưa Nghị quyết vào cuộc sống và tạo nên xung lực quan trọng trong việc gắn kết hoạt động của các cơ quan chức năng với công tác vận động kiều bào.

Sau gần 6 năm thực hiện Nghị quyết, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã có những đột phá mạnh mẽ và toàn diện trên tất cả các mặt. Nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành theo hướng tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài trên các lĩnh vực: xuất nhập cảnh, cư trú, hồi hương, quốc tịch, hộ tịch, về đầu tư kinh doanh; về quyền được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam... Một loạt chính sách đã được ban hành gần đây, như: Quy chế miễn thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài (tháng 9-2007), Luật Quốc tịch sửa đổi tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài có thể giữ quốc tịch Việt Nam trong khi mang quốc tịch nước khác (tháng 11-2008), Luật sửa đổi điều 121 Luật Đất đai và điều 126 Luật Nhà ở mở rộng thêm đối tượng và quyền cho kiều bào được mua và sở hữu nhà ở trong nước (tháng 6-2009)...

Các hoạt động tập hợp, vận động, gắn kết kiều bào ở trong và ngoài nước ngày càng có nội dung phong phú và hình thức đa dạng hơn như tổ chức các đoàn kiều bào tiêu biểu về thăm đất nước dịp Quốc khánh, Quốc giỗ Vua Hùng, trại hè cho thanh niên, sinh viên kiều bào... Nổi bật trong các hoạt động vừa qua là Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất được ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức tháng 11-2009 với sự tham dự của gần 1.000 đại biểu đại diện cho mọi tầng lớp và thế hệ kiều bào ở khắp nơi trên thế giới và gần 500 đại diện lãnh đạo của các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở trung ương và 51 tỉnh thành trong cả nước. Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến để Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài và tìm ra các giải pháp thiết thực để hỗ trợ cộng đồng lớn mạnh, hội nhập vững chắc vào xã hội sở tại, đồng thời phát huy cao nhất mọi nguồn lực của cộng đồng góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với số lượng gần 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại 102 nước và vùng lãnh thổ, cộng đồng này đang ngày càng tăng về số lượng, đa dạng về thành phần và có tiềm lực đáng kể về tri thức và kinh tế. Ước tính có gần 400.000 người được đào tạo ở trình độ đại học và công nhân kỹ thuật bậc cao, có kiến thức cập nhật về khoa học - công nghệ tiên tiến, về quản lý kinh tế... Trong đó, nhiều người đang làm việc ở những vị trí quan trọng tại các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, tập đoàn lớn của các nước và tổ chức quốc tế. Hằng năm, có gần 300 lượt chuyên gia, trí thức kiều bào về nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tích cực đóng vai trò làm cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế giữa các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài. Hiện có hơn 25.000 doanh nghiệp của Việt kiều đang đầu tư về Việt Nam với khoảng 3.000 dự án có tổng số vốn khoảng 2 tỉ USD. Lượng kiều hối chính thức gửi về nước ngày càng tăng, tính riêng năm 2008 đạt 7,4 tỉ USD. Bên cạnh việc đem công sức, trí tuệ, tài chính đóng góp xây dựng quê hương, đất nước, bà con còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, giúp đỡ đồng bào trong nước, vận động các cá nhân, tổ chức của nước sở tại hỗ trợ cho các dự án xã hội ở Việt Nam như xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục... Đây thực sự là nguồn lực quý báu góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, được Đảng và Nhà nước trân trọng.

Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt nội dung và tinh thần Nghị quyết số 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và Chương trình hành động của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần nâng cao nhận thức, xác định công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của chính mình.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất việc bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới các chính sách nhằm đáp ứng tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài trong mối quan hệ với đất nước và thực hiện tốt các chính sách trên.

Ba là, đổi mới và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp kiều bào hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết, hội nhập thành công, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam và hướng về Tổ quốc.

Bốn là, tạo điều kiện thuận lợi và tranh thủ cao nhất nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài về kinh tế, tri thức, công nghệ... đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Năm là, củng cố và hoàn thiện bộ máy tổ chức, nhân sự làm công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, nhân tố chủ quan, có ảnh hưởng quyết định tới kết quả công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng có vai trò quan trọng. Với tình cảm sâu nặng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, sẵn sàng hỗ trợ đồng bào ở nước ngoài vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển. Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, do vậy, luôn được Đảng và Nhà nước coi là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”./.