Những thách thức trong bảo vệ môi trường
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 12 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương, có diện tích tự nhiên 39.739 km2, chiếm 12% diện tích cả nước, dân số hiện nay khoảng 17 triệu người. Đây là vùng đồng bằng trũng ven biển, có hệ sinh thái mở, chịu tác động của thượng nguồn sông Mê Kông và biển.
Nhiều năm qua, kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng đã có những bước phát triển vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện cơ bản.
Tuy nhiên, hoạt động cải tạo thiên nhiên phục vụ cho dân sinh và phát triển trong những năm qua cũng đã để lại những dấu ấn tiêu cực đến môi trường. Bên cạnh đó, những thói quen tập tục trong nếp sống, sinh hoạt, văn hóa của nông thôn miền Tây, trình độ dân trí, tình trạng thiếu thốn và yếu kém về kết cấu hạ tầng... cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Một số khảo sát của các nhà chuyên môn về môi trường đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường trong vùng đã đạt đến ngưỡng báo động... Đó là các vấn đề ô nhiễm môi trường trong phát triển công nghiệp, chất thải từ quá trình nuôi thủy sản ven sông, dư lượng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp, chất thải sinh hoạt đô thị, vấn đề môi trường sau lũ lụt, suy giảm diện tích rừng ngập mặn ven biển, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu... Những vấn đề này đã gây nhiều áp lực đối với môi trường, đặt công tác bảo vệ môi trường trước những thách thức lớn.
Thách thức về môi trường trong quá trình phát triển
Toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 151 khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN). Việc hình thành KCN, CCN trong vùng xuất phát từ nhu cầu thực tế của các địa phương trong chiến lược phát triển của mình và được xem xét, phê duyệt trong quy hoạch phát triển chung của cả nước. Mặc dù các KCN, CCN bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo bức tranh kinh tế của các địa phương, nhưng cũng từ đó bộc lộ rất nhiều bất cập trong quá trình hình thành và phát triển.
Trước tiên, các KCN, CCN này dường như vẫn có xu hướng manh mún, tự phát, chưa được quy hoạch và đầu tư đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng cũng như định hướng phát triển. Điều đó dẫn đến hệ thống hạ tầng KCN, CCN địa phương không đáp ứng được tiêu chí chung và yêu cầu của nhà đầu tư, nhất là về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng phục vụ bảo vệ môi trường.
Thứ hai, tại các địa phương, do nhu cầu cấp bách và ưu tiên trong phát triển nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo các chỉ tiêu và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt, nên việc thu hút đầu tư vào các KCN có xu hướng “chạy” theo số lượng mà không chú ý đến chất lượng đầu tư, nhất là các tiêu chí về trình độ công nghệ cũng như các tiêu chuẩn về môi trường.
Thứ ba, bộ máy điều hành quản lý các KCN, CCN còn chưa đủ mạnh về cả cơ sở vật chất và năng lực của nguồn nhân lực, dẫn đến việc hậu kiểm các dự án, nhất là trong lĩnh vực môi trường còn bị buông lỏng, không theo kịp nhu cầu của thực tế.
Thứ tư, các nhà quản lý và chính quyền địa phương, nhất là ở những vùng “trũng” về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có tâm lý tranh thủ thu hút nguồn vốn FDI bằng mọi giá, do vậy thường ưu tiên cho xây dựng các KCN, CCN tại những địa điểm thuận lợi nhưng nhạy cảm về môi trường như gần đường, sông, gần các khu đô thị, dân cư... tạo nguy cơ ô nhiễm đến môi trường và đời sống nhân dân trong vùng.
Về khía cạnh đô thị hóa, ĐBSCL có 7 thành phố, 11 thị xã, 105 thị trấn, trong đó thành phố Cần Thơ là trung tâm của cả vùng. Tốc độ đô thị hóa thời gian qua phát triển nhanh nhưng chưa tương xứng với việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt. Hầu hết các đô thị đều không có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, đồng bộ, hoàn chỉnh. Nguồn nước thải từ sinh hoạt, dịch vụ, sản xuất chưa được xử lý, thải trực tiếp ra sông, rạch xung quanh, làm cho mức độ ô nhiễm môi trường nước ngày càng gia tăng. Hàng loạt các con rạch, kênh, mương ở khu vực nội ô bị ô nhiễm nặng từ chất thải và nước thải sinh hoạt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống người dân. Bên cạnh đó, hệ thống cống ngầm thoát nước thải sinh hoạt đô thị xuống cấp, các con rạch trong nội ô bị thu hẹp, tắc nghẽn dòng chảy do nhiều hộ gia đình xây dựng lấn chiếm trái phép, dẫn đến tình trạng vào mùa mưa thường xuyên xảy ra ngập úng tại các đô thị lớn. Mặt khác, lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị ngày càng gia tăng theo tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số, mức sống của người dân. Toàn bộ lượng chất thải rắn, chỉ được thu gom vận chuyển, xử lý đơn giản dưới hình thức chôn tại các bãi rác, thậm chí đổ lộ thiên. Những bãi rác này trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nằm rải rác ở các tỉnh, thành trong vùng. Đây cũng là một trong những điểm “nóng” về môi trường, gây nhiều bức xúc, bất bình cho người dân trong thời gian qua.
Tại vùng nông thôn, nhằm mục đích thâm canh, tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân thường lạm dụng quá mức cần thiết các loại phân hữu cơ và thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật, tạo nên dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng phân bón hóa học trong đất đai và nước mặt gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng, ảnh hưởng đến hệ sinh thái nông nghiệp và sức khỏe con người. Hệ thống thủy lợi cũng như các công trình dự án giao thông thủy, bộ ngoài những mặt tích cực cũng góp phần tạo nên những nguy cơ xâm thực, nhiễm mặn về đất và nước, cũng như nguy cơ thay đổi dòng chảy các con sông, đe dọa đến cuộc sống của con người.
Ảnh hưởng của thói quen tập tục trong cuộc sống sinh hoạt, điều kiện cuộc sống còn khó khăn thiếu thốn dẫn đến vệ sinh môi trường tại nông thôn không được quan tâm và đầu tư đầy đủ. Điều này cũng đặt ra cho chính quyền các cấp những vấn đề bức xúc. Đặc biệt, tại các vùng trũng ở ĐBSCL, ngập lũ, thiếu nước sạch, ô nhiễm môi trường do chất thải sinh hoạt trong điều kiện lũ lụt kéo dài, xác súc vật chết... là nguy cơ gia tăng các loại dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Mặc dù hiện nay đã có những ứng phó tương đối tốt đối với các đợt thiên tai (bão, lũ...) nhưng thiên tai vẫn luôn hàm chứa những vấn đề lớn cho môi trường ở tầm khu vực và quốc gia.
Mặc dù nuôi trồng thủy sản đã trở thành một ngành kinh tế chủ lực, với kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của vùng ĐBSCL cũng như của cả nước, nhưng đến nay quy hoạch tổng thể nuôi trồng thủy sản cho cả khu vực vẫn chưa được xây dựng. Việc nuôi các loài thủy sản (chủ yếu là cá tra, cá ba sa) ven sông theo dạng ao hầm, lồng, bè tự phát, khoảng cách nuôi không hợp lý, không kiểm soát được vấn đề ô nhiễm môi trường, nước thải nuôi cá chưa được xử lý hiệu quả... gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đây là hiện tượng khá phổ biến ở lưu vực ven sông Tiền, sông Hậu, góp phần gia tăng các tỷ lệ dịch bệnh có liên quan đến nguồn nước ô nhiễm. Do nhu cầu cuộc sống và bị chi phối bởi những yếu tố thị trường, tiềm năng nuôi trồng thủy sản tiếp tục được khai thác... Điều này cũng đang đặt ra những nguy cơ và thách thức lớn về vệ sinh môi trường cho khu vực.
Đối với các vùng ven biển, bao gồm 8 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có bờ biển dài 736 km. Đặc trưng của vùng này là suy thoái rừng ngập mặn do phá rừng đắp đập nuôi tôm, suy giảm tài nguyên thủy sản và đa dạng sinh học.
Phong trào tự phát phá lúa, phá rừng đước ngập mặn để nuôi tôm, thủy sản đã khiến chúng ta phải trả giá không chỉ ở giá trị vật chất của xã hội mà cả môi trường sinh thái của vùng đối với các thế hệ mai sau.
Một thách thức lớn về môi trường mang tính toàn cầu, có tác động mạnh đối với vùng ĐBSCL, đó là biến đổi khí hậu, vấn đề mà các quốc gia trên thế giới đang quan tâm lo ngại nhiều nhất. Biến đổi khí hậu gây ra nhiều thiên tai như bão, lũ lụt, khô hạn, xâm nhập mặn, đe dọa sự sống của các loài sinh vật, hoạt động của con người. Biến đổi khí hậu làm cho không khí ngày càng nóng lên, mực nước biển ngày càng dâng cao, gây ngập úng ở các vùng đất thấp như vùng ĐBSCL, làm mất diện tích đất, giảm sản lượng lương thực, đe dọa an ninh lương thực quốc gia. Thêm vào đó, các dự án khai thác nguồn lợi thủy từ sông Mê Kông của các nước ở thượng nguồn đang tác động đến lưu lượng và dòng chảy của sông, gây tác động tiêu cực đến môi trường của các nước ở hạ nguồn sông. Thực tế đó đòi hỏi phải có sự điều phối ở cấp độ quốc gia để đấu tranh và hợp tác với các nước có liên quan nhằm bảo vệ lợi ích của chúng ta.
Để giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường ở vùng ĐBSCL
Ô nhiễm môi trường là do tác động từ nhiều nguyên nhân khác nhau mang cả tính khách quan và chủ quan. Nhưng phải khẳng định nguyên nhân chính do chúng ta chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, còn suy nghĩ đơn giản trong xử lý mối quan hệ giữa phát triển với bảo vệ môi trường.
Điều trước tiên là vai trò chỉ đạo, phối hợp của Trung ương trong các chương trình phát triển tổng thể kinh tế - xã hội cho toàn vùng, cũng như của vùng đặt trong chương trình phát triển tổng thể chung của cả nước. Nhu cầu thiết yếu đối với các địa phương trong vùng là sự chỉ đạo điều phối chung của các bộ, ngành Trung ương trong việc sớm xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường vùng ĐBSCL và lồng ghép cùng lúc với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển các KCN, vùng nuôi thủy sản ven sông Hậu, sông Tiền. Các quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch ngành cho vùng ĐBSCL, các địa phương trong vùng cũng cần được nghiên cứu xây dựng và triển khai trên nguyên tắc cân đối, hài hòa hóa các nhóm lợi ích, hướng tới sự phát triển bền vững cho cả vùng. Trên tinh thần đó, việc quán triệt lại Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị cho các cấp ủy, chính quyền và bộ máy các cơ quan chức năng của các địa phương trong khu vực là vô cùng thiết yếu nhằm bảo đảm sự thống nhất chung trong nhận thức, hành động bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh đó, cần quan tâm thực hiện các dự án về thích ứng với biến đổi khí hậu, để có những dự báo trong tương lai về sự xâm nhập mặn, mực nước biển dâng cao, nhằm phục vụ cho hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cho công tác bảo vệ môi trường và đặc biệt là việc xác định cốt nền trong lĩnh vực xây dựng. Những chương trình đầu tư có tính mục tiêu của Chính phủ cần được mở rộng sang các lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là các chương trình nhằm đáp ứng những nhu cầu thực tiễn cấp thiết, ưu tiên cao và có tính định hướng.
Các địa phương, các ngành liên quan cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong thực thi những quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Tất cả hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường phải được phát hiện sớm, có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời thì mới hạn chế được các hậu quả và nhanh chóng khắc phục ô nhiễm môi trường. Những mâu thuẫn trong nội bộ dân cư về ô nhiễm môi trường phải được phát hiện kịp thời, giải quyết thỏa đáng, không để trở thành điểm “nóng” trong cộng đồng dân cư. Các địa phương có sự phối hợp chặt chẽ trong việc bảo vệ môi trường tại các lưu vực sông lớn chảy qua nhiều tỉnh, thành trong vùng. Để làm tốt những nhiệm vụ đó, cần phối hợp và phát huy tối đa hiệu quả của các phương tiện truyền thông đại chúng, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục trong toàn xã hội về bảo vệ môi trường là một trong những công tác có tính ưu tiên cao. Đồng thời, phải tính đến các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường năng lực của các cơ quan chức năng về lĩnh vực bảo vệ môi trường thông qua tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ cũng như đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức, chuyên gia có liên quan. Để phù hợp với xu thế phát triển chung cũng như khả năng khai thác các nguồn lực phục vụ công tác bảo vệ môi trường có hiệu quả, việc tiếp tục xem xét, xây dựng các cơ chế, mô hình mới về xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường là vô cùng cần thiết.
Rõ ràng, bảo vệ môi trường vùng ĐBSCL là nhiệm vụ rất rộng lớn, phức tạp, không có ranh giới địa lý, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau và đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong vùng. Có như vậy, chúng ta mới thực sự tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL./.
Việt Nam với Tuyên ngôn thế giới về quyền con người  (08/12/2008)
Việt Nam với Tuyên ngôn thế giới về quyền con người  (08/12/2008)
Quyết liệt thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm  (08/12/2008)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên