Tạp chí Tiền phong

11:08, ngày 04-10-2007

Bên cạnh Tạp chí Học tập - tạp chí chung của toàn Đảng, thì ở miền Nam, trong những năm 1962-1975 có tạp chí Tiền phong, do Trung ương cục miền Nam của Đảng xuất bản. Dưới đây là một số nét khái quát về tạp chí đó.

Từ khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, đặc biệt là sau thắng lợi của phong trào đồng khởi, tình hình miền Nam tiếp tục phát triển có lợi cho cách mạng. Thời kỳ tạm ổn định của Mỹ và tay sai đã qua, bộ máy thống trị của chúng bị đẩy vào tình trạng khủng hoảng, suy sụp nghiêm trọng. Cách mạng miền Nam chuyển sang thế tiến công mạnh mẽ, liên tục và rộng khắp. Một yêu cầu được đặt ra cho công tác tư tưởng trong tình hình mới là đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục đường lối, chính sách của Đảng một cách sâu sắc, nâng cao trình độ chính trị và lý luận Mác - Lê-nin cho cán bộ, đảng viên ở miền Nam, từng bước đúc kết kinh nghiệm trong đấu tranh và trong công tác xây dựng Đảng, nâng cao sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Vào lúc này, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta quyết định xây dựng và mở rộng căn cứ địa kháng chiến ở miền Nam, kiện toàn Trung ương cục và các cấp ủy đảng, tăng cường cán bộ, đẩy mạnh việc tiếp tế các phương tiện thiết yếu cho miền Nam.

Về hoạt động báo chí, tuy toàn Đảng đã có cơ quan lý luận và chính trị là tờ Tạp chí Học tập, nhưng do điều kiện giao thông liên lạc giữa hai miền đất nước có nhiều khó khăn, trở ngại nên tạp chí Học tập chưa thể phát hành rộng rãi vào các tỉnh miền Nam. Do vậy, từ đầu năm 1962, Trung ương cục miền Nam quyết định cho xuất bản Tạp chí Tiền phong dùng làm tài liệu nghiên cứu, học tập trong cán bộ, đảng viên.

Tạp chí Tiền phong mang tiêu đề "Nội san của Đảng nhân dân cách mạng Việt Nam" (tên gọi công khai của đảng bộ miền Nam Đảng Lao động Việt Nam, tức Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay).

Là tờ nội san, Tạp chí Tiền phong đã được Trung ương cục quy định khá chặt chẽ đối tượng phục vụ. Thông báo đăng trên các số đầu của tạp chí nói rõ : "Theo chỉ thị của cấp ủy thì tờ Tiền phong, nội san của Đảng phải được bảo quản như tài liệu mật và chỉ lưu hành trong cán bộ trình độ tương đương quận ủy trở lên". thông báo còn căn dặn : "Trong lúc cấp phát cho đồng chí nào, đồng chí phụ trách cơ quan phải ghi sổ và kiểm tra việc bảo quản. Tuyệt đối không được mang theo trong lúc đi công tác. Trường hợp không đảm bảo việc bảo quản, sau khi xem xong thì đốt hủy và báo cáo cho đồng chí phụ trách biết"(*). Có lúc trên trang bìa tạp chí còn in thêm hai chữ "tối mật" (như ở số 5 ra tháng 8-1962).

Thông báo của cấp ủy Đảng cũng nêu rõ : "Để sử dụng tờ nội san được tốt, các cơ quan, các cấp ủy nên tổ chức những buổi đọc và trao đổi tập thể, coi những buổi đó như là sinh hoạt học tập".

Như vậy, Tạp chí Tiền phong được xuất bản như một tạp chí lý luận và chính trị, nhưng nó chỉ lưu hành trong nội bộ Đảng, phục vụ việc nghiên cứu, học tập của cán bộ Đảng.

Quyết định xuất bản Tạp chí Tiền phong đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách của tình hình, nhưng vì ở miền Nam lúc bấy giờ, cán bộ phải đảm đương nhiều nhiệm vụ, cho nên trong nhiều năm đầu, Bộ biên tập tạp chí thường gồm những cán bộ kiêm nhiệm. Theo quy định, Tạp chí Tiền phong đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Trung ương cục miền Nam. Song trên thực tế, trong nhiều năm liền cơ quan Tạp chí Tiền phong được coi là một bộ phận trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương cục. Đồng chí ủy viên thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương cục được giao trách nhiệm chỉ đạo phương hướng biên tập, thông qua kế hoạch biên tập từng số và duyệt xã luận của tạp chí. Ban biên tập tạp chí tuy có được lập ra nhưng ít khi được ổn định lâu về nhân sự. Các thành viên trong Ban biên tập thường được Đảng điều động đột xuất nhận các nhiệm vụ mới. Ban biên tập tạp chí do vậy đã qua nhiều lần thay đổi về nhân sự.

Từ năm 1962 đến năm 1975, các đồng chí Trần Trọng Tân, Trần Văn Quang, Trần Bạch Đằng, Tô Văn Lâm (nguyên Ủy viên Ban biên tập của Tạp chí Học tập của Trung ương Đảng được điều về miền Nam công tác từ tháng 4-1961), Nguyễn Văn Cầm, Tô Bửu Giám, Hà Phú Thuận, v.v.. đã từng có thời kỳ tham gia Ban biên tập tạp chí. Đồng chí Trần Trọng Tân công tác ở tạp chí từ đầu cho đến cuối năm 1967, sau đó bị địch bắt đày ra Côn Đảo. Từ 1968 đến khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đồng chí Hà Phú Thuận là ủy viên chuyên trách kiêm thường trực Ban biên tập tạp chí. Từ cuối năm 1969, Ban biên tập Tạp chí Tiền phong được tách khỏi Ban Tuyên huấn Trung ương cục, chính thức là một ban trực thuộc Trung ương cục miền Nam. Ban biên tập tạp chí từ đó gồm một số đồng chí cán bộ cao cấp của Trung ương cục do đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương cục đứng đầu. Tuy vậy, hầu hết các đồng chí này đều phải dành phần lớn thì giờ cho nhiệm vụ chính chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam ; thì giờ dành cho việc lãnh đạo tạp chí rất hạn chế.

Cơ quan tạp chí gồm hai bộ phận chính :

a) Bộ phận biên tập, kiêm cả việc trình bày tạp chí, sửa morát, theo dõi việc in và phát hành.

b) Bộ phận quản trị, lo công việc văn phòng, cấp dưỡng, giao liên, bảo vệ, v.v..

Về bộ phận biên tập, trong vài năm đầu, chỉ có một cán bộ chuyên trách. Từ năm 1964, có một tổ 3 người, rồi tăng dần lên 6-7 người do đồng chí Tô Quyên (nguyên cán bộ biên tập Tạp chí Học tập được điều về miền Nam công tác từ tháng 10-1963) làm tổ trưởng. Sau đó, một số đồng chí được chuyển sang cơ quan khác, đến năm 1969, bộ phận biên tập tạp chí chỉ còn 2 cán bộ, trong đó có đồng chí Lê Vân là cán bộ biên tập lâu năm nhất.

Số cán bộ trong Bộ biên tập thường viết khoảng 15% - 20% số bài trên tạp chí, còn phần lớn là do cộng tác viên viết. Ngoài thì giờ làm công tác biên tập, anh em còn tham gia tải gạo, làm rẫy, đánh bắt cá để cải thiện đời sống. Mỗi khi chuyển trụ sở cơ quan, tất cả cán bộ, nhân viên cơ quan đều phải đi phát rừng, đốn cây làm nhà, đào hầm hố, thường phải mất 1-2 tháng mới ổn định được nơi ăn ở và làm việc. Khi địch đến càn thì phải cầm súng chiến đấu. Từng thời gian, cán bộ biên tập đi thực tế ở các địa phương để nghiên cứu viết bài, đồng thời kết hợp giúp địa phương, cơ sở kiện toàn tổ chức đảng. Có những chuyến đi phải mất nhiều ngày đêm đi bộ, băng qua nhiều con lộ, rất dễ bị vướng mìn và bị địch phục kích. Những chuyến đi đầy gian lao nguy hiểm như thế đã giúp anh em rèn luyện về nhiều mặt.

Cuộc sống của anh chị em cán bộ, nhân viên cơ quan tạp chí thực sự là cuộc sống của các chiến sĩ. Và qua những năm tháng công tác cho đến ngày miền Nam được giải phóng, đã có 6 đồng chí cán bộ, nhân viên thuộc biên chế của tạp chí hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Trụ sở cơ quan Tạp chí Tiền phong đóng trong khu căn cứ của Trung ương cục, thuộc địa phận huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Vùng này địa bàn rộng, có rừng rậm, kín đáo, nhưng vẫn thường bị máy bay của Mỹ ném bom bắn phá, và đã từng là nơi địch tiến hành trận càn quét lớn mang tên Gianxơn Xiti hồi năm 1967. Những lúc chiến sự ác liệt như vậy, cơ quan tạp chí lại phải chuyển đi nơi khác an toàn hơn.

Tạp chí Tiền phong ra số đầu vào tháng 4-1962. Thời gian đầu ra hằng tháng, khi chiến sự ác liệt hoặc phải đối phó với các trận càn lớn thì ra không đều kỳ, mỗi năm khoảng 7-8 số. Từ năm 1973 đến khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, tạp chí ra đều kỳ hằng tháng.

Khoảng cuối năm 1964, tờ Tiền phong được chuyển nhiệm vụ thay cho tờ Nhân dân miền Nam đình bản, nên thể tài, hình thức thay đổi như một tờ báo nguyệt san. Bài vở không chỉ có xã luận, chuyên luận, bình luận mà còn có cả thơ ca. Khổ tờ báo cũng in rộng hơn. Nhưng chỉ mấy tháng sau, khi tờ Giải phóng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, thì Tiền phong trở lại với chức năng chính là tạp chí lý luận và chính trị.

Mấy năm đầu, tạp chí in theo khổ 17x25 cm, về sau in theo khổ 15x22cm. Thời gian đầu, tạp chí in ở nhà in của tỉnh Tây Ninh, cách Bộ biên tập 3-4 ngày đường. Có lúc cán bộ tạp chí phải tự vận chuyển giấy in, thồ bằng xe đạp hoặc chở bằng thuyền, đi vào ban đêm, rất vất vả. Sau chuyển đến in ở nhà in Trần Phú của Trung ương cục, gần hơn, chỉ cách một ngày đường.

Về nội dung, Tạp chí Tiền phong đã cố gắng bám sát đường lối, chủ trương chống Mỹ, cứu nước của Đảng, tuyên truyền, giáo dục kịp thời, giúp cán bộ, đảng viên quán triệt tinh thần nội dung các nghị quyết của Đảng, thấu suốt các yêu cầu của nhiệm vụ đánh địch và xây dựng lực lượng cách mạng.

Hầu hết các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, cán bộ nghiên cứu của các ban, ngành chung quanh Trung ương cục miền Nam và một số đồng chí lãnh đạo địa phương đã tham gia viết bài cho tạp chí Tiền phong. Trên các số tạp chí, thường gặp các bài viết của các tác giả có bút danh : H.Văn, Nam Hải, Cửu Long, Ba Bình, Trần Quang, Hoài Văn, Tô Liêm, v.v.. Đồng chí Nguyễn Thị Định cũng đã viết cho tạp chí bài "Phát huy khả năng vô tận của nhân dân miền Nam anh hùng, phụ nữ miền Nam quyết đánh tan kế hoạch "Bình định đặc biệt" của Mỹ - ngụy".

Trên tạp chí thường có các bài xã luận, chuyên luận, bình luận, và các mục : Trao đổi kinh nghiệm, Giới thiệu lý luận, Trả lời bạn đọc v.v.. Thỉnh thoảng có trích đăng bài nói của các đồng chí lãnh đạo Trung ương cục phát biểu ở trường Đảng.

Hầu hết các số tạp chí đều có xã luận. Các bài xã luận thường đề cập những vấn đề lớn có nội dung chỉ đạo hành động cho toàn đảng bộ và quân dân miền Nam trong từng thời kỳ, nhằm phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên trì lập trường chiến đấu của quân và dân miền Nam, làm thất bại mọi âm mưu của địch.

Các bài thuộc các thể loại khác của tạp chí thường tập trung vào các vấn đề về đường lối chiến tranh nhân dân, phương châm đấu tranh vũ trang đi đôi với đấu tranh chính trị, phát triển lực lượng vũ trang về mọi mặt, đẩy mạnh công tác binh vận, nguỵ vận ... nhằm bảo đảm đánh thắng địch trong mọi tình huống.

Công tác xây dựng Đảng được tạp chí đặc biệt chú ý. Tạp chí đã có các bài viết xoay quanh các vấn đề : phát triển Đảng đi đôi với củng cố chi bộ ; nâng cao chất lượng đảng viên ; nắm chắc công tác chính trị, tư tưởng và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ; tăng cường chỉ đạo và giúp đỡ cụ thể cho cán bộ xã, v.v..

Một vấn đề lớn thường được nêu trên tạp chí là xây dựng và mở rộng vùng căn cứ giải phóng thành hậu phương trực tiếp và vững chắc của cách mạng, đồng thời ra sức củng cố xã, ấp chiến đấu, chống địch bình định lấn chiếm. Nhiều bài viết thuộc nhiều thể loại khác nhau đã cung cấp cho người đọc tình hình thực tế của một số địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ đó. Chẳng hạn, trong mục Trao đổi kinh nghiệm, đã có các bài : "Tấn công địch thắng lợi bằng ba mũi giáp công của xã L." (1968) ; "Xã L. xây dựng chi bộ 4 tốt" (1970) : "Xã T. đánh bại kế hoạch "bình định cấp tốc" (1970) ; "Vùng G. chống lấn chiếm, giữ dân, giành thắng lợi" (1973).

Tình hình vùng tạm bị chiếm, bao gồm bước phát triển mới của phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân các thành thị miền Nam cùng với sự suy sụp, bế tắc của nền kinh tế chiến tranh của Mỹ - nguỵ, cũng đã được phản ánh rõ nét. Một số bài đã vạch rõ đặc điểm chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, thực chất của viện trợ Mỹ ở miền Nam, vạch trần bộ mặt xâm lược của đế quốc Mỹ.

Tạp chí đã có nhiều bài phân tích ý nghĩa thắng lợi của miền Bắc trong việc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhằm củng cố niềm tin của quân và dân miền Nam vào hậu phương lớn, căn cứ địa vững chắc của cách mạng cả nước.

Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về phương tiện thu nhận thông tin và tài liệu tham khảo, tạp chí cũng đã có những bài viết giúp bạn đọc theo dõi được diễn biến của tình hình quốc tế. Vào những dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lê-nin, C. Mác, tạp chí đều có xã luận, chuyên luận phục vụ các ngày kỷ niệm đó. Tháng 5-1974, tạp chí đã ra số đặc biệt với chủ đề "Hồ Chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp chúng ta".

Về công tác phát hành, những năm đầu, bình quân mỗi số phát hành khoảng 1000 bản, từ năm 1968 tăng lên 2000 bản. Tạp chí in xong, đơn vị giao bưu chuyển đi theo các địa chỉ đã ghi sẵn. Ngoài ra, khi có bài quan trọng, Bộ biên tập tạp chí đã tổ chức chép lại dưới dạng "bạch thư" (viết bằng mực hóa học) để bí mật và kịp thời gửi vào khu Sài Gòn - Gia Định và một vài vùng khác đang chịu sự kiểm soát gắt gao của địch.

Nhìn chung, trong hoàn cảnh kháng chiến cực kỳ ác liệt, cán bộ thiếu, điều kiện nghiên cứu, biên tập, in ấn, phát hành hết sức khó khăn, tạp chí Tiền phong đã cố gắng thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, tích cực phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam. Không ít bài của tạp chí đã được đăng hoặc phát lại trên các báo, đài của trung ương, nhằm động viên, cổ vũ đồng bào cả nước.

Ngày 10-1-1971, tập thể cán bộ, nhân viên Tạp chí Tiền phong (mang bí danh D205) đã vinh dự được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng nhất về "phẩm chất cách mạng và thành tích trong mọi mặt công tác nghiên cứu, biên soạn, phục vụ và xây dựng của đơn vị" (Quyết định số 66/QĐ-KT).

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Bộ biên tập Tạp chí Tiền phong từ căn cứ kháng chiến về đóng tại nhà 19 đường Duy Tân (sau này là đường Phạm Ngọc Thạch), quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. ít lâu sau, Tạp chí Tiền phong giải thể vì đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình.

Ngôi nhà nói trên được chuyển giao cho cơ quan thường trú tại miền Nam của tạp chí Học tập (tức Tạp chí Cộng sản hiện nay).

(*) Tuy nhiên, Tạp chí Tiền phong là tài liệu nghiên cứu, học tập không thể thiếu, cho nên nhiều người không nỡ hủy. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, kéo dài, không ít đồng chí vẫn giữ được các số tạp chí cho đến ngày miền Nam được giải phóng.