Sự phục hưng của nước Nga: Dự báo trong 15-20 năm tới
TCCS - Nga là một nước lớn xét về mọi phương diện; đã, đang và sẽ tiếp tục có vai trò quan trọng trên chính trường thế giới. Do đó, sự phát triển của Nga (hưng thịnh hay suy vong) luôn lôi cuốn sự chú ý của các chính khách, các học giả nhiều nước trên thế giới, nhất là các cường quốc, các nước láng giềng và bạn bè xa gần của Nga.
Đôi điều về nước Nga
Nước Nga có diện tích mặt đất lớn nhất thế giới(1), nằm vắt qua hai châu lục Âu - Á. Nga có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, một số có trữ lượng lớn nhất thế giới. Dầu mỏ và khí đốt của Nga có giá trị như một phương tiện quan trọng tạo sức mạnh cho Nga trong mọi cuộc tranh chấp, mặc cả với EU về những vấn đề an ninh và kinh tế.
Dưới góc độ an ninh quốc gia, Nga có chiều sâu chiến lược lớn nhất thế giới. Trong chiến tranh thông thường và trong chiến tranh hủy diệt có sử dụng vũ khí hạt nhân, cả trong phòng thủ và tấn công, Nga có lợi thế hơn các cường quốc khác.
Với dân số hơn 140 triệu người, Liên bang Nga là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo và có nền văn minh lâu đời, có nền văn hóa đặc sắc, rực rỡ. Ngoài các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong thành phần của Liên bang Nga có 20 nước cộng hòa tự trị và vùng tự trị có quyền quyết định ở mức độ khác nhau theo quy định của Hiến pháp (2).
Về mặt lịch sử, nhân chủng, văn hóa, Nga là một nước châu Âu. Trong hơn một ngàn năm lịch sử, Nga vốn có quan hệ chặt chẽ với châu Âu, là “người bạn cùng chơi”, thậm chí trong một số giai đoạn lịch sử, Nga là “người áp đặt luật chơi” đối với các dân tộc, các quốc gia châu Âu. Từ sau khi vua I-van đệ tam (1462 - 1505) lật đổ ách thống trị của quân Tác-ta(3), các Sa hoàng Nga thay phiên nhau tiến hành các cuộc chinh phục đế quốc ngót 500 năm. Thông qua các cuộc chinh phạt quân sự, không gian sinh tồn của Nga không ngừng được mở rộng từ Tây sang Đông và từ Nam lên Bắc. Lịch sử đã hun đúc lòng tự hào, tự tôn dân tộc và lòng tự trọng cao độ của người Nga. ở nơi sâu kín trong tâm thức của người Nga, họ tự cho mình là một dân tộc lớn có lịch sử vẻ vang và nền văn hóa rực rỡ không thua kém bất kỳ dân tộc nào ở châu Âu. Họ quyết không chịu để các dân tộc, các nước khác xem thường. Đây là điểm tựa tinh thần, là cội nguồn sức mạnh cho các cuộc cải cách nội bộ và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước Nga. Đây cũng chính là nguồn gốc sức sống mãnh liệt của dân tộc Nga, của nước Nga trong quá trình lịch sử, hiện nay và mai sau.
Sự suy sụp của nước Nga dưới thời B.En-xin(4)
B.En-xin nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga ngày 10-7-1991, tuyên bố từ chức và chuyển giao quyền lực cho người khác trưa ngày 31-12-1999 (trước khi hết nhiệm kỳ hai gần 6 tháng).
B.En-xin trở thành Tổng thống Liên bang Nga trong tâm trạng bất mãn và bất bình cao độ với Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW) Đảng Cộng sản Liên Xô do M.Goóc-ba-chốp chi phối. Về tư tưởng và chính trị, B. En-xin đã hoàn toàn đoạn tuyệt với chủ nghĩa Mác-Lê-nin; phủ định những thành tựu trong hơn 70 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, thậm chí muốn xóa bỏ tận gốc rễ của chủ nghĩa xã hội cả về cơ cấu chính trị, cơ cấu kinh tế và các mối quan hệ xã hội.
Động cơ nào xui khiến B.En-xin tiến hành các hoạt động phi pháp luật, phi đạo đức ở Nga? Phải chăng có hai động lực chủ yếu: 1 - Để trả thù Đảng Cộng sản Liên Xô, trực tiếp là Bộ Chính trị BCHTW; 2 - Gián tiếp giữ thông điệp với Mỹ và Tây Âu là nước Nga sẽ đi theo phương Tây, hội nhập với phương Tây cả về chính trị, kinh tế và xã hội, từ đó cầu xin Mỹ và Tây Âu “mở hầu bao” cứu nước Nga đang trên bờ sụp đổ. Nhưng Mỹ và Tây Âu đâu có dễ tin B. En-xin. Họ cho rằng B. En-xin chỉ làm được mỗi việc là chống cộng và đập phá cơ sở của chủ nghĩa xã hội ở Nga, còn việc phát triển nước Nga theo mô hình phương Tây thì B.En-xin không đủ khả năng. Do đó, Mỹ và Tây Âu chỉ “khen” nhiều mà “thưởng” cho B.En-xin thì ít. Họ chỉ hứa và tìm mọi lý do để không thực hiện, chậm thực hiện hoặc chỉ cho “nhỏ giọt” đủ để B.En-xin tồn tại với tư cách là ông chủ điện Krem-li. Báo Độc lập (Nga) ngày 20-6-1998 đã nhận xét rằng: “Mỹ không những không giúp Nga mà họ còn nhấn Nga sâu hơn vào vũng bùn bằng chính sách địa chính trị và thô thiển của mình”, và “người Mỹ hiểu rất rõ Nga không còn gì đáng giá ngoài ngành dầu khí và họ làm tất cả để phá hoại chỗ dựa kinh tế cuối cùng của Nga”(5)
Về kinh tế, với “liệu pháp sốc” B.En-xin đã đẩy nền kinh tế Nga đến suy sụp, xã hội Nga rối loạn, tội phạm phát triển chưa từng có. “Công nghiệp trong nước rơi xuống vực thẳm đình đốn. Số người thất nghiệp thật khủng khiếp - từ 7 triệu đến 17 triệu người. Đằng sau những con số này là những thảm kịch gia đình, những tổn thất không thể lấy lại được, mất hy vọng đối với quyền lao động và trả lương xứng đáng”(6). Theo báo Sự thật thanh niên (Nga) ngày 21-2-2002, “75% quan chức nhà nước Nga hay 2 triệu người nhận hối lộ. Gần 60% nguồn tài chính của các xí nghiệp Nga do các băng đảng tham nhũng kiểm soát”, và “gần 35 triệu người Nga (năm 2000) đang sống dưới mức nghèo khổ”.
Về quân sự, đến năm 1999 “quân đội Nga có 1,2 triệu quân, nhưng ngân sách hằng năm chi cho quốc phòng chỉ trên dưới 10 tỉ USD, trong khi Mỹ có 1,4 triệu quân nhưng ngân sách quốc phòng là 340 tỉ USD”(7). Thực tế, đến cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, quân đội Nga đã mất sức chiến đấu, trừ một số đơn vị vũ khí chiến lược.
Sau 8 năm cầm quyền, B.En-xin đã đẩy nước Nga từ một cường quốc thế giới xuống chỉ còn là cường quốc loại 3. Một số học giả, chính khách phương Tây chỉ xếp Nga “ngồi cùng” với Mê-hi-cô, Bra-xin, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập. Nếu không có kho vũ khí hạt nhân và phương tiện chuyển tải chiến lược, thì Mỹ và Tây Âu sẽ qua mặt Nga trong việc giải quyết những vấn đề thế giới, vấn đề khu vực. Có lẽ Nga đã rơi xuống điểm thấp nhất trong gần 1.000 năm tồn tại và phát triển (trong quan hệ của Nga với phần còn lại của thế giới).
Vị thế của Liên bang Nga hiện nay
Sau 8 năm cầm quyền của Tổng thống V.Pu-tin và hơn một năm dưới sự lãnh đạo của cặp Mét-vê-đép - Pu-tin, ngày nay nước Nga đã trở thành một cường quốc thế giới.
Về kinh tế, Liên bang Nga còn ở vị trí khá khiêm tốn trên bảng xếp hạng, chỉ nằm trong khoảng thứ 10 - 11 trên thế giới. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay đang giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Nga, nhưng chắc chắn nước Nga sẽ vượt qua và tiếp tục phát triển. Nền công nghiệp Nga đã qua thời kỳ suy sụp, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã từng bước khắc phục và phát triển. Nga có nền công nghiệp cơ bản, công nghiệp vật liệu và công nghiệp chế tạo thiết bị động lực rất hoàn chỉnh và khá hiện đại, một số lĩnh vực không thua kém Mỹ và Tây Âu.
Quốc gia này còn có trữ lượng dầu khí hàng đầu thế giới, ngành công nghiệp dầu khí phát triển rất cao: khoảng 30% khí đốt và 20% dầu mỏ nhập khẩu của Tây Âu là từ Nga. Đối với một số nước, như Đức thì tỷ lệ đó còn cao hơn. Mỹ và Tây Âu đã tìm mọi cách hợp tác xây dựng các đường ống dẫn dầu và khí đốt không qua Nga nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga. Nhưng không phải mọi dự án này đều nhanh chóng có hiệu quả, và ngay cả khi các dự án này đi vào hoạt động, Tây Âu cũng không thể “thoát” khỏi sự phụ thuộc vào Nga. Dầu mỏ và khí đốt là đối tượng tranh giành giữa các nước, nhất là các nước lớn. Ngoại giao nước lớn và ngoại giao năng lượng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì thế, dầu mỏ và khí đốt đã góp phần quan trọng làm tăng vị thế của Nga trên sân khấu chính trị thế giới.
Về quân sự, sau thời kỳ suy sụp (thời B.En-xin), quân đội Nga đã được chỉnh đốn theo hướng tinh nhuệ, cơ động, hiệu quả. Nền công nghiệp quốc phòng của Nga đã khôi phục và phát triển, cung cấp các vũ khí và phương tiện kỹ thuật hiện đại cho quân đội. Lực lượng vũ trang của Nga được trang bị vũ khí chiến lược hiện đại đủ khả năng răn đe mọi đối thủ.
Nếu như dưới thời B.En-xin (1991 - 1999), nước Nga nuốt hận chịu nhục trước sức ép và hoạt động lấn lướt thô bạo của Mỹ và Tây Âu thì ngày nay, Nga đã sẵn sàng “ăn miếng trả miếng” đối với họ. Mỹ muốn xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở Đông Âu với hệ thống ra-đa cảnh báo sớm ở Cộng hòa Séc và 10 tên lửa đánh chặn ở Ba Lan. Nga tuyên bố có hai cách ít tốn kém để vô hiệu hóa hệ thống NMD của Mỹ ở Đông Âu: 1 - Đưa tổ hợp tên lửa “Topol-M” cơ động và đặt dưới tầng hầm vào chế độ trực chiến; 2 - Không sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả NMD của Mỹ mà triển khai ở tỉnh Ka-li-nin-grát và Bê-la-rút tổ hợp tên lửa chiến thuật hiện đại Iscander với tầm bắn 500 km, hệ thống này có thế tấn công và vô hiệu hóa NMD của Mỹ ở Ba Lan và Cộng hòa Séc. Cần lưu ý, tên lửa “Topol-M” có tốc độ xuất phát cao và thời gian lấy đà tăng tốc ngắn nên đối phương rất khó phát hiện và đánh chặn.
Ngày 28-8-2008 Nga thử thành công tên lửa “Topol - RS-12 M” có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo RSM-54 “Sinera” với tầm bắn 11.000 km mang 10 đầu đạn hạt nhân từ sân bay át-mi-ran Ku-dơ-nhét-xốp (Admiral Kuznetsov) tới mục tiêu vùng xích đạo Thái Bình Dương. Với hai hệ thống tên lửa chiến lược này, rõ ràng cả Mỹ và Tây Âu không thể “thoát” đòn hủy diệt hạt nhân nếu họ định tấn công Nga.
Năm 1999, Mỹ và đồng minh Tây Âu phát động chiến tranh có tính hủy diệt đối với Xéc-bi-a- một đồng minh chiến lược của Nga ở Nam Âu - Ban-căng, và sau đó công nhận Cô-xô-vô (một tỉnh của Xéc-bi-a) độc lập, tách khỏi Xéc-bi-a. Chín năm sau, Nga đã ra đòn phản công hành động quân sự ngang ngược, thô bạo của Gru-di-a đối với Nam Ô-xê-ti-a, và sau đó công nhận nền độc lập của Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a (tháng 8-2008).
Sức mạnh, vị thế của Nga trên sân khấu chính trị thế giới còn được thể hiện trong mối quan hệ của Nga với các bạn bè, đối tác ở các khu vực trên thế giới như mối quan hệ với Ấn Độ, I-ran, Xy-ri, Trung Quốc, Cu-ba, Vê-nê-xu-ê-la... Quốc gia này còn có quan hệ với hơn một tỉ người A-rập - Hồi giáo ở mức độ tốt hơn Mỹ.
Với sức mạnh tổng hợp quốc gia như trên, liệu Mỹ hay bất kỳ cường quốc nào có thể “qua mặt” Nga trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu và vấn đề khu vực? Có thể nói chắc chắn là không.
Nga sẽ trở thành siêu cường?
Đây là vấn đề rất lớn quan hệ đến sự phát triển của cục diện chính trị thế giới, đến lợi ích của nhiều nước, trước hết là các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước EU và bạn bè, đối tác của Nga. Vì thế, sự phát triển của Nga đang lôi cuốn sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Học giả các nước, trước hết là các học giả Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức... đã và đang tập trung nghiên cứu dự báo về các khuynh hướng phát triển của Nga trong 10 - 15, thậm chí 20 - 30 năm tới.
Một số ít cho rằng, trong 15 - 20 năm tới, Nga sẽ trở thành siêu cường và sẽ diễn ra chiến tranh lạnh Nga - Mỹ. Nhiều học giả cho rằng, Nga chưa có sự phát triển bứt phá để trở thành siêu cường. Một số khác lại dự báo: Nga sẽ phát triển chậm, thậm chí có thể rơi vào khủng hoảng toàn diện như thời B. En-xin.
Lịch sử là quan tòa cuối cùng sẽ đưa ra phán xét đúng, sai của các dự báo. Trước khi đưa ra các dự báo, nhất thiết phải xem xét Nga phát triển trong điều kiện nào (của thế giới, khu vực) và chịu tác động của những nhân tố chủ quan, khách quan nào.
Trong nước, mặc dù có thuận lợi lớn, nhưng trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, Nga còn nhiều khó khăn không dễ vượt qua.
Về kinh tế, ngoại trừ ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt, khó khăn lớn nhất trong nền kinh tế Nga là bất hợp lý về cơ cấu (cơ cấu ngành - lĩnh vực, cơ cấu vùng, cơ cấu kỹ thuật, công nghệ) và kém hiệu quả về cơ chế quản lý. Vì bất hợp lý về cơ cấu và kém hiệu quả về cơ chế quản lý, nên nền kinh tế Nga nói chung, hàng hóa và dịch vụ của Nga nói riêng có khả năng cạnh tranh rất thấp cả trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Ngoài dầu mỏ và khí đốt, Nga cần đưa mặt hàng nào ra thị trường thế giới với mức độ “không thua chị kém em” so với các đối thủ cạnh tranh? Một thập niên nữa, Nga khó lòng thay đổi cơ cấu nền kinh tế và đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập.
Về chính trị, trên chính trường Nga luôn tồn tại mâu thuẫn, giằng co giữa hai quan điểm, hai trường phái: một theo chủ nghĩa Âu - Á và một theo chủ nghĩa Xla-vơ (châu Âu). Do động lực lợi ích dân tộc, nên sớm muộn xu hướng hội nhập vào châu Âu sẽ có vai trò chi phối. Nhưng hội nhập châu Âu là một quá trình đầy khó khăn, trắc trở, bởi lẽ: 1 - Các nước lớn trong EU chưa tin Nga, ngược lại giới tinh hoa Nga cũng luôn cảnh giác với EU; 2 - Nhân tố Mỹ: Mỹ vừa muốn Nga phát triển theo mô hình phương Tây, vừa cảnh giác và không muốn Nga hội nhập sâu vào châu Âu và gắn bó chặt chẽ với châu Âu.
Trong quan hệ với phần còn lại của thế giới, Nga là một cường quốc đơn độc: không có đồng minh, không bạn bè tin cậy “đủ cân đủ lạng” trên sân khấu chính trị thế giới. Không một cường quốc nào muốn Nga phát triển nhanh, thậm chí họ còn trực tiếp, gián tiếp liên kết với nhau để kìm hãm, cản trở sự phát triển của Nga. Mỹ và EU đã, đang và sẽ tiếp tục bằng mọi cách thu hẹp không gian chiến lược của Nga, gây khó dễ và kìm hãm sự khôi phục, phát triển nhanh chóng của Nga. Dù có tuyên bố ồn ào về quan hệ đối tác chiến lược, thực chất quan hệ Nga - Trung Quốc vẫn còn lỏng lẻo.
Nga còn nhiều bạn bè tại các châu lục (Ấn Độ, I-ran, Xy-ri, Việt Nam, Cu-ba, Vê-nê-xu-ê-la, Bê-la-rút, Xéc-bi-a...). Nhưng các quốc gia này tác động đến sự phát triển của Nga không thật lớn, và còn thiếu một sự liên kết ở tầm chiến lược, lâu dài.
Vậy trong thời gian tới, nước Nga sẽ phát triển thế nào, liệu có trở thành siêu cường không?
Một cường quốc có không gian sinh tồn rộng lớn, đa dân tộc, đa tôn giáo, đa văn hóa muốn phát triển nhanh thì điều quan trọng đầu tiên là phải có một nhà nước trung ương mạnh. Trong khoảng 15 năm tới, nước Nga vẫn dưới sự dẫn dắt của cặp Mét-vê-đép - Pu-tin, và họ sẽ tiếp tục củng cố nhà nước trung ương mạnh, hiệu quả. Tất nhiên, đối với nước Nga, không nên cho rằng mọi việc sẽ đơn giản thuận chiều. Dù ai làm chủ điện Krem-li, thì trên chính trường Nga vẫn còn có cuộc đấu tranh giữa hai trường phái: trường phái Xla-vơ (hướng Tây) và trường phái Âu - Á (hướng Đông). Trong điều kiện hội nhập sâu vào Tâu Âu, những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan sẽ không được người Nga ủng hộ.
Xu hướng chủ đạo là Nga sẽ hội nhập sâu vào Tây Âu, nhất là về kinh tế. Về an ninh, Nga sẽ tìm một sự thỏa hiệp với Mỹ và NATO theo hướng xây dựng mô hình an ninh tập thể. Đây là con đường dài và còn gặp nhiều thách thức bởi các bên chưa tin nhau. Nga sẽ không chấp nhận gia nhập NATO do Mỹ chỉ huy. Ngược lại, Mỹ có thể để Nga gia nhập NATO với điều kiện Mỹ vẫn giữ vai trò chi phối. Đây là mâu thuẫn lớn cản trở con đường Nga gia nhập NATO. Không là thành viên của NATO, thì giữa Nga với Mỹ và Tây Âu luôn có một khoảng cách, một vực sâu nghi kị khó lòng khỏa lấp, san bằng. Vì thế, trong khi cần hòa với Mỹ và hội nhập sâu vào Tây Âu, Nga quan tâm củng cố quan hệ với Trung Quốc và Ấn Độ, cho dù các mối quan hệ này cũng thiếu bền chặt. Đồng thời, Nga sẽ củng cố, phát triển quan hệ với I-ran, Xy-ri và các các nước A-rập Hồi giáo. Chính các mối quan hệ này tạo ra thế và lực của Nga trong quan hệ với Mỹ và Tây Âu.
Từ những điều trình bày ở trên có thể đưa ra nhận xét liên quan đến sự phát triển của Nga trong 10 - 20 năm tới.
Một là, thời gian đó Nga có môi trường quốc tế khá thuận lợi có thể tận dụng để đẩy nhanh sự phát triển.
Hai là, chính trị nội bộ sẽ không có diễn biến phức tạp làm sai lệch định hướng mà Thủ tướng V.Pu-tin và Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đã xác định.
Ba là, Nga sẽ tập trung mọi cố gắng để đổi mới cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển chiều sâu, nâng cao hàm lượng chất xám trong hàng hóa, dịch vụ, tham gia cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, nâng cao hiệu quả, đổi mới một cách căn bản, toàn diện cơ chế quản lý kinh tế. Đây là khó khăn lớn nhất của Nga và cũng là yếu kém bên trong lớn nhất, cản trở lớn nhất trên con đường phục hưng. Nếu không khắc phục được yếu kém này thì Nga còn lâu mới trở thành siêu cường. Do yếu kém về kinh tế nên 10 - 15 năm tới, Nga chưa có phát triển nhanh mang tính đột phá, tăng tốc.
Để củng cố vị thế, vai trò cường quốc trong điều kiện kinh tế còn “thua chị kém em”, muốn hay không Nga phải tăng cường sức mạnh quân sự; đầu tư có chọn lọc những lĩnh vực mũi nhọn như phát triển các loại tên lửa có thể xuyên thủng mọi lá chắn của Mỹ; xây dựng hệ thống phòng thủ mới hiệu quả, ít tốn kém; đưa vào hoạt động các loại tàu ngầm mới; hệ thống tấn công có điều khiển từ vũ trụ... Nga sẽ không thua kém Mỹ, thậm chí còn đi trước Mỹ trong việc nghiên cứu, thử nghiệm những vũ khí hiện đại nhất. Đây là nhân tố quan trọng nhất bảo đảm củng cố vai trò cường quốc thế giới của Nga trong 15 - 20 năm tới.
Về đối ngoại và an ninh, khó khăn lớn nhất của Nga là quan hệ với Bê-la-rút và các nước Trung Á - “sân sau” của Nga. Chắc chắn các ông chủ điện Krem-li đã có đánh giá về thành công và hạn chế của Nga trong chính sách đối với Bê-la-rút và Trung Á. Đây là những khu vực có ý nghĩa chiến lược đặc biệt đối với Nga. Do đó, Nga sẽ phải điều chỉnh chiến lược, chính sách đối với Bê-la-rút và các nước Trung Á nhằm bảo đảm cho các nước này không quay lại chống Nga, tốt nhất là các nước láng giềng hữu nghị với Nga (không liên minh, không đồng minh).
(1) Rộng hơn Nhật Bản 50 lần, hơn Anh 70 lần, hơn Pháp 31 lần và gần bằng tổng diện tích của Mỹ và Trung Quốc
(2) Liên bang Nga đứng đầu thế giới về số lượng các nước cộng hòa tự trị và vùng tự trị. Nhiều nước cộng hòa tự trị tạo ra nhiều gam mầu rực rỡ của nền văn hóa Nga, nhưng cũng gây khó khăn trong việc tạo ra sự dồng thuận xã hội và sự thống nhất của nhà nước liên bang
(3) Nước Nga cổ được thành lập năm 1147. Quân xâm lược Tác-ta thôn tính nước Nga vào năm 1230
(4) Bô-rit Ni-cô-la-ê-vich En-xin gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1961. Tháng 2-1986 là ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Bí thư Thành ủy Mát-xcơ-va. Tại Hội nghị Trung ương tháng 10-1987, B.En-xin bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị và phải rời khỏi vị trí Bí thư Thành ủy Mát-xcơ-va
(5) Thông tin những vấn đề lý luận, số 14-1998
(6) A.I. Vlasov: Bí mật của một đế chế sụp đổ, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2003, tr 287, 341
(7) Thông tấn xã Việt Nam dẫn báo Le Figaro (Pháp) ngày 12-3-2002
Kinh tế - xã hội trong nước có nhiều chuyến biến tích cực  (02/12/2009)
Ph.Ăng-ghen với C.Mác và chủ nghĩa Mác - Lê-nin  (02/12/2009)
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 92 (4-12-2009)  (02/12/2009)
Gần 26 ngàn tỉ đồng đầu tư đào tạo nghề cho lao động nông thôn  (01/12/2009)
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1-12-2009  (01/12/2009)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên