TCCSĐT - Ngày 1-12-2009, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11. Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Thứ trưởng các bộ: Thông tin và Truyền thông, Ðỗ Quý Doãn; Kế hoạch và Ðầu tư, Cao Viết Sinh; Tài chính, Trần Xuân Hà; Công thương, Nguyễn Thành Biên và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Ðồng Tiến cùng tham gia cuộc họp báo.

Tiếp tục kích thích kinh tế

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tháng 11 là tháng có nhiều biến động trong nước cũng như trên thế giới, song tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 cũng như 11 tháng năm 2009 của nước ta có nhiều chuyến biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 11 tiếp tục tăng với tốc độ cao, ước tăng 13% so với tháng 11-2008. Tính chung 11 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Sức tiêu dùng trong nước đã phục hồi đáng kể trong tháng 11. Tổng mức bán lẻ của 11 tháng đã tăng 18,5% so với cùng kỳ 2008. Lượng khách du lịch đến Việt Nam trong tháng qua đạt gần 388.000 lượt khách, tăng 70% so với tháng trước. Ngoài ra, xu hướng phục hồi kinh tế cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ đã tác động tích cực đến niềm tin của các nhà đầu tư, nhờ đó số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng lên trên 28% so với cùng kỳ. Mặc dù bị thiệt hại lớn do bão, lũ ở khu vực miền trung và Tây Nguyên nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn giữ được mức tăng cả về trồng trọt, chăn nuôi và khai thác, đánh bắt thủy, hải sản. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thể thao cũng có nhiều tiến bộ.

Trên cơ sở phục hồi của nền kinh tế, đồng thời trước những diễn biến của tình hình tiền tệ, tín dụng, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các quyết sách quan trọng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, dừng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay vốn lưu động ngắn hạn theo Quyết định số 131/QĐ-TTg theo thời hạn như đã quy định (31-12-2009). Riêng việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn để thực hiện đầu tư mới nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh theo Quyết định số 443/QĐ-TTg ngày 4-4-2009 và khoản vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, sẽ tiếp tục thực hiện trong năm 2010. “Giữa tháng 12 sẽ công bố chính thức các chính sách này” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết. Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, việc dừng triển khai hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 131/QĐ-TTg trong năm 2009 là biện pháp cần thiết nhằm ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng bền vững. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết thêm, tình hình hiện nay cần biện pháp kịp thời hơn. Chính phủ quyết định dừng thực hiện Quyết định 131 là để ngăn chặn tái lạm phát. Đây cũng là yêu cầu của các tổ chức tín dụng, như IMF, vì lo ngại về tái lạm phát.

Bảo đảm phát triển theo hướng tích cực

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, tuy vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như trong hoạt động xuất khẩu và thu hút FDI; chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng tăng cao hơn so với tháng trước..., nhưng Chính phủ nhận định, thời gian tới, đà phục hồi kinh tế thế giới được dự báo sẽ mạnh hơn so với năm 2009 nhờ tác động của các nhân tố như các chính sách kích thích kinh tế tiếp tục phát huy tác dụng, hệ thống tài chính phục hồi nhanh hơn dự đoán, các đầu tàu kinh tế lớn của thế giới (Mỹ, Nhật Bản) đều có sự phát triển khả quan hơn, song dự báo mức độ phục hồi sẽ có sự khác biệt giữa các quốc gia và khu vực do tác động của các yếu tố: mức độ cạnh tranh giữa các nước dựa vào xuất khẩu sẽ căng thẳng hơn; nguy cơ thâm hụt ngân sách tăng mạnh do chính phủ các nước tiếp tục thực hiện các kế hoạch kích thích kinh tế.

Riêng vấn đề sức ép của tỷ giá trên thị trường ngoại hối, giá vàng tăng cao, công tác quản lý thị trường chứng khoán trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp quản lý thị trường vàng và thị trường ngoại hối. Điều hành linh hoạt tỷ giá, lãi suất cho phù hợp với tình hình thế giới. Triển khai thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ tình hình tăng trưởng tiền tệ, tín dụng và các biến động trên thị trường để ngăn chặn hiệu quả nguy cơ lạm phát tăng mạnh trở lại, vì nếu không được quản lý tốt sẽ gây mất ổn định kinh tế vĩ mô,

Tại cuộc họp báo, phóng viên các báo, đài đã nêu câu hỏi: Tại sao phiên họp Chính phủ tháng 10 vẫn đưa ra quyết định kéo dài hỗ trợ lãi suất ngắn hạn mặc dù có nhiều ý kiến, trong đó có ý kiến của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đề nghị chấm dứt thực hiện, và tại phiên họp này Chính phủ mới quyết định dừng. Phải chăng Chính phủ lúng túng trong điều hành? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, Chính phủ đã dự định kéo dài hỗ trợ lãi suất ngắn hạn thêm 1 quý, tuy nhiên, tình hình gần đây có sự thay đổi, nhất là khi có điều hành mới về lãi suất, tỷ giá, vì vậy Chính phủ quyết định dừng. Quyết định này phù hợp với yêu cầu thị trường, công tác điều hành tỷ giá cũng như nhằm tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Trước câu hỏi liệu có lặp lại việc biến động giá gạo, sốt gạo và lúng túng trong điều hành xuất khẩu gạo như thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, lượng gạo xuất khẩu tính đến hết tháng 11 là 5,7 triệu tấn. Đây là con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trong tháng 12, dự kiến xuất khẩu khoảng 400.000 tấn. Trong khi đó, lượng gạo tồn kho trong hệ thống các doanh nghiệp nhà nước và hiệp hội tính đến nay là 1,4 triệu tấn. Vì vậy, nếu thực hiện hết các hợp đồng xuất khẩu trong tháng 12 thì lượng gạo tồn chuyển sang năm 2010 sẽ là 1 triệu tấn. Đây là một lượng gạo khá lớn so với các năm. Ngoài ra, lượng gạo thu hoạch của vụ thu - đông, sau khi xuất khẩu còn có thể cung cấp cho thị trường nội địa khoảng 500.000 – 700.000 tấn..

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên còn cho biết, “hiện hợp đồng xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp đăng ký trong quý I/2010 đã vào khoảng 1,6 triệu tấn. So với lượng gạo tồn kho, lượng gạo thu hoạch vụ đông - xuân, lượng gạo còn có thể huy động thêm thì hoàn toàn bảo đảm tiến độ giao hàng và không ảnh hưởng đến cân đối cung cầu trong nước cũng như an ninh lương thực quốc gia. Đồng thời, không có chuyện áp dụng biện pháp hành chính can thiệp vào xuất khẩu lúa gạo”.

Thông tin thêm cho báo chí trước khi diễn ra Hội nghị các nhà tài trợ năm 2009 diễn ra vào ngày 3-12 tới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, Bộ đã tổ chức tham vấn một số nhà tài trợ lớn và nhận được đánh giá chung là khả năng viện trợ ODA cho các nước đang phát triển giảm nhưng với Việt Nam vẫn tăng (khoảng 10-15 %)./.