TCCS - Trên hai mươi năm qua, công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã được Liên hợp quốc đưa ra khỏi nhóm các nước kém phát triển, song hiện vẫn thuộc nhóm các nền kinh tế có thu nhập thấp. Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta khá cao nhưng thời cơ và thách thức lớn cũng đang đặt ra trước sự phát triển bền vững của đất nước.

1 - Thời cơ cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam

Những thành tựu của công cuộc đổi mới tạo đà cho sự phát triển

Việt Nam là một trong số ít nước chuyển đổi thành công từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước mà vẫn giữ được sự ổn định chính trị - xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô. Ba sự kiện nổi bật là:

1) Từ chỗ thiếu lương thực (năm 1988 còn phải nhập khẩu 45 vạn tấn) đến năm 1990 Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu lương thực cho nhân dân, có dự trữ và bắt đầu xuất khẩu. Đến nay trung bình mỗi năm nước ta xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo, đứng thứ nhì thế giới, sau Thái Lan.

2) Từ chỗ khan hiếm hàng hóa, hầu như mọi thứ phải mua theo tem phiếu hay hạn mức cung cấp của Nhà nước đến chỗ trên thị trường mọi thứ hàng hóa được mua bán tự do, đáp ứng nhu cầu có khả năng thanh toán của nhân dân và các doanh nghiệp.

3) Từ chỗ siêu lạm phát (năm 1986 mức lạm phát là trên 700%) mà chỉ sau vài năm lạm phát giảm xuống 2 con số, rồi 1 con số.

Trừ những năm chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính khu vực và thế giới, nhìn chung tốc độ tăng GDP khá cao, giai đoạn 1991 - 1995 trung bình đạt 8,2%/năm; giai đoạn 1996 - 2000 đạt 7,5%/năm; giai đoạn 2001 - 2005 gần 7,5%/năm. Năm 2008, mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng GDP vẫn tăng 6,18% so với năm 2007 theo giá so sánh 1994. Quý I năm 2009 GDP đạt mức tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2008.

Điều đáng lưu ý là những thành tựu trên đạt được trong bối cảnh Việt Nam lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng cuối những năm 80, không còn viện trợ nước ngoài và vẫn chịu chính sách cấm vận kinh tế của Mỹ (tới năm 1994). Toàn thể nhân dân nhiệt tình tham gia công cuộc đổi mới, ai nấy đều được hưởng lợi ích vật chất và tinh thần do công cuộc đổi mới mang lại, dù mức độ có khác nhau. Đây là một động lực cho sự phát triển bền vững.

Việt Nam chủ động hội nhập xu hướng khu vực hóa và toàn cầu hóa kinh tế

Khu vực hóa và toàn cầu hóa kinh tế là xu hướng tất yếu khách quan. Xu hướng này có tác động tích cực và tiêu cực đến sự phát triển của mọi nước trên thế giới. Nó đặt ra cho các nước đang phát triển nhiều thách thức hơn là thời cơ, nhưng không nước nào có thể đứng ngoài xu hướng đó. Nhiều nhà nghiên cứu đã rút ra kết luận: Những nước đang phát triển gặp nhiều khó khăn trong hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, nhưng đứng ngoài còn khó khăn hơn. Nước nào có chiến lược và các chính sách phù hợp sẽ tranh thủ được mặt tích cực và hạn chế được mặt tiêu cực của xu hướng trên để phát triển nhanh và bền vững.

Việt Nam rất chủ động, tích cực hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Đến nay Việt Nam đã là thành viên của 63 tổ chức quốc tế, có quan hệ ngoại giao với 170 nước, quan hệ buôn bán với 190 nước và vùng lãnh thổ.

Năm 1986 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 439 triệu rúp và 384 triệu USD, đến năm 2008 đã đạt 62,7 tỉ USD, trung bình tăng 20% mỗi năm. Giai đoạn 1988 - 2008 cả nước thu hút được gần 150 tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Các quan hệ kinh tế đối ngoại được mở rộng và tăng nhanh là một trong những tác nhân quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trên hai mươi năm qua và cả trong thời gian tới.

2 - Những thách thức chủ yếu đối với sự phát triển bền vững ở Việt Nam

Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã ca ngợi thắng lợi to lớn của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, đồng thời có nhận định giống nhau: sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam diễn ra với tốc độ nhanh nhưng chưa bền vững. Đó là do:

Tốc độ tăng trưởng cao nhưng chất lượng tăng trưởng thấp

Những năm qua sự phát triển kinh tế ở Việt Nam chủ yếu theo chiều rộng, nhân tố vốn chiếm tới 57,5% tăng trưởng. Tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP quá cao, trong nhiều năm trên 40%, năm 2007 lên tới 45,6%, trong khi đó chỉ số ICOR lại kém dần; giai đoạn 2001- 2005 là 4,89; năm 2006 là 5; năm 2007 là 5,4; năm 2008 là 6,8 và dự kiến kế hoạch năm 2009 là 6,1(1).

Cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, thể hiện rõ nhất trong cơ cấu thu hút FDI và cơ cấu hàng xuất khẩu. Giai đoạn 1988 - 2008, cả nước thu hút được gần 150 tỉ USD FDI, trong đó các ngành nông, lâm, thủy sản chỉ có 4,8 tỉ USD, chiếm 3,2% tổng số FDI còn hiệu lực đến nay. Sau hai năm vào WTO, nguồn vốn FDI đăng ký mới lên đến 79 tỉ USD, nhưng chỉ có gần 5,4 tỉ USD đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, chiếm tỷ lệ 0,67% tổng vốn FDI đăng ký, riêng năm 2008 tỷ lệ đó chỉ còn 0,4%. Trong công nghiệp, FDI tập trung quá lớn vào khai thác tài nguyên thiên nhiên (năm 2007 chiếm 36,8%, năm 2008 chiếm 59,5%) và có xu hướng tăng. Trong khi đó, đầu tư cho công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản lại ít và giảm dần (năm 2007 chiếm 29,5%, năm 2008 còn 6,9%). Trong dịch vụ tập trung quá nhiều vào lĩnh vực kinh doanh khách sạn, du lịch (năm 2007 chiếm 21,8%, năm 2008 tăng lên 33,3%) và bất động sản.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu thay đổi chậm. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ hàng thô và sơ chế giai đoạn 1990 - 1995 chiếm tới 74,6%, sang giai đoạn 1996 - 2000 giảm xuống 54,8%, giai đoạn 2001 - 2005 còn 45,3%. Riêng dầu thô giai đoạn 1991 - 1995 chiếm 24%, giai đoạn 1996 - 2000 chiếm 18%, giai đoạn 2001 - 2005 chiếm 20%, năm 2006 chiếm 21,6%. Dệt, may và giầy dép là 2 mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị xuất khẩu nhưng giá trị ngoại tệ ròng thực thu về lại không cao, bởi tới 70% - 80% nguyên, phụ liệu phải nhập khẩu, chủ yếu là được hưởng phí gia công(2).

Sau hơn 10 năm phát triển, ngành ô-tô Việt Nam có tới 50 doanh nghiệp lắp ráp, nhưng chỉ có 49 doanh nghiệp sản xuất linh kiện và tổng giá trị tài sản mỗi doanh nghiệp không vượt quá 20 tỉ đồng. Trong khi đó, Ma-lai-xi-a có 385 và Thái Lan có tới 2.500 nhà cung cấp phụ tùng ô-tô. Do phụ thuộc quá lớn vào việc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng mà giá ô-tô tại thị trường Việt Nam rất đắt(3).

Chất lượng tăng trưởng thấp dẫn đến sức cạnh tranh yếu. Diễn đàn Kinh tế thế giới đã đưa ra bảng xếp hạng, trong đó về khả năng cạnh tranh tăng trưởng, Việt Nam đứng thứ 60/102 (năm 2003), thứ 77/104 (năm 2004), 81/117 (năm 2005) và 86/125 (năm 2006); về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, Việt Nam xếp ở vị trí 50/102 (năm 2003), 79/103 (năm 2005) và 80/116 (năm 2006). Về năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam được xếp thứ 74/125 (năm 2005), và 77/125 (năm 2006)(4).

Thiếu quy hoạch tổng thể dài hạn cho cả nước, cho từng vùng, tỉnh, quận, huyện

Rõ nhất là chưa có quy hoạch tổng thể về phân bố các khu công nghiệp, về phát triển kết cấu hạ tầng, các khu đô thị... Ngay cả ở thủ đô Hà Nội, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc mở rộng các khu, cụm công nghiệp mới chỉ là những biện pháp tình thế, chưa có một quy hoạch dài hạn, nên đã có trường hợp phải chuyển đổi khu công nghiệp sang xây dựng khu đô thị mới, như khu công nghiệp Sài Đồng. Phần lớn các khu công nghiệp chỉ cốt nhanh lấp đầy diện tích, chưa xét hiệu quả kinh tế của từng dự án đầu tư. Việc thiếu quy hoạch tổng thể, dài hạn bộc lộ rõ nhất ở tình trạng không đồng bộ giữa việc xây dựng những công trình lớn trong nội đô với sự xuống cấp của hệ thống giao thông và hệ thống cấp thoát nước. Nạn ùn tắc giao thông và ngập lụt đường phố khi có mưa to đã trở thành nỗi lo thường xuyên của người dân Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Thống kê chưa đầy đủ của Sở Giao thông công chính của hai thành phố này, hiện nay Hà Nội có 44 “điểm đen” nút giao thông có nguy cơ ùn tắc rất cao, Thành phố Hồ Chí Minh có 33 điểm như vậy. Ước tính tại Thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm thiệt hại do ùn tắc giao thông lên tới khoảng 14 ngàn tỉ đồng. Theo báo cáo của ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, quỹ đất dành cho giao thông trên cả nước hiện nay là 7% - 10%, riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 5% -7%. (tỷ lệ này của các nước trên thế giới khoảng 15% - 20%, thậm chí 25%), trong khi đó giao thông cá nhân tăng nhanh, giao thông công cộng lạc hậu(5).

Ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cứ mưa to là nhiều đường phố biến thành sông. Nguyên nhân chính không những do việc mở rộng hệ thống cấp, thoát nước không theo kịp việc xây dựng các khu đô thị mới và tăng dân số, mà còn do những kênh thoát nước tự nhiên ngày càng bị xâm lấn hoặc bị san lấp hoàn toàn, thậm chí lấp kênh để xây dựng chung cư.

Điển hình cho tình trạng thiếu quy hoạch tổng thể, dài hạn là việc xây dựng các cảng biển, sân bay và nhất là sân gôn. Có tỉnh xây sân bay xong phải ra chỉ thị bắt buộc cán bộ đi máy bay khi đi họp ở Hà Nội, vì thiếu hành khách, khiến việc kinh doanh của hãng hàng không và đơn vị quản lý sân bay thua lỗ.

Theo tin của VTV1, hiện cả nước có tới 144 dự án sân gôn đã và sắp được cấp phép, chiếm gần 50.000 ha, trong đó có 2.000 ha đất nông nghiệp, nhiều dự án cốt chiếm đất, chưa triển khai. Liệu số khách cần chơi gôn ở nước ta có nhiều đến mức đòi hỏi phải xây dựng từng ấy sân gôn? Đó là chưa kể có những sân gôn khiến hàng vạn nông dân mất đất, mất việc làm và chịu ô nhiễm môi trường.

Nguồn nhân lực dồi dào nhưng kỹ năng lao động và ý thức kỷ luật thấp

Ưu điểm của nguồn nhân lực ở Việt Nam là dồi dào, số người lao động trẻ chiếm tới 70% tổng số lao động. Nhưng có tới 74,7% số người lao động chưa qua đào tạo, trong khi những ngành công nghiệp cao rất thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn. Ngành du lịch tuy được coi là một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam nhưng số người đã qua đào tạo cũng chỉ mới đáp ứng được 1/4 nhu cầu. Mặt khác, ý thức, tác phong, thái độ làm việc, chấp hành kỷ luật của người lao động chưa cao.

Hệ thống giáo dục và đào tạo tuy đã đạt những thành tựu quan trọng, nhưng nhìn chung cơ sở vật chất vẫn nghèo nàn, thiếu phương tiện thực hành, thiếu giáo viên giỏi. Khảo sát 25 trường đại học mới được thành lập cho thấy, có trường không có hoặc có rất ít số lượng giáo sư, phó giáo sư hay tiến sĩ. Theo đề án phát triển giáo dục đại học - cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tới năm 2020 trên cả nước sẽ thành lập thêm 288 trường đại học, cao đẳng, nâng quy mô đào tạo lên gấp 5,3 lần so với hiện nay. Vậy vấn đề chất lượng đào tạo sẽ ra sao nếu không tăng nhanh chất lượng đội ngũ giảng viên?

Chất lượng dân số thấp còn thể hiện ở chỗ tuy tuổi thọ trung bình ở nước ta đạt khá cao (71,3 tuổi) nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh lại rất thấp, chỉ đạt 58,2 tuổi, xếp thứ 116/174 nước trên thế giới (đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới).

Ô nhiễm môi trường gia tăng

Các phương tiện truyền thông đại chúng thường xuyên thông tin về những “dòng sông chết” vì nước thải công nghiệp xả trực tiếp, không qua xử lý. Không chỉ sông Thị Vải, mà cả những dòng sông ở miền Tây Nam Bộ và cả sông Nhuệ, sông Tô Lịch giữa lòng thủ đô Hà Nội,... Đôi khi báo chí nêu lên làng ung thư ở nơi này nơi khác, và các làng nghề tại nhiều tỉnh cũng gây ô nhiễm môi trường nặng.

Nạn ùn tắc giao thông và úng lụt ở thành phố cũng góp phần làm tăng ô nhiễm môi trường. Các nút giao thông Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng ở Hà Nội, trước khi xây dựng cầu vượt chỉ số ô nhiễm môi trường đo được luôn vượt mức cho phép nhiều lần. Tại Ngã Tư Sở hàm lượng các chất oxit sulfua gấp 49 lần tiêu chuẩn cho phép; chì gấp 56 lần và bụi gấp 45,9 lần. Các chỉ số tương tự tại Ngã Tư Vọng là 26,2 lần, 31 và 30,7; tại nút ngã ba Trường Chinh - Tôn Thất Tùng là 18,7, 22 và 23,4(6).

Một nguồn gây nguy hại nữa cho môi trường và sức khỏe cộng đồng là rác thải y tế. Hiện nay, ở nước ta gần như chưa có bệnh viện nào có hệ thống xử lý rác thải tại chỗ. Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, tổng số lượng nước thải y tế trên địa bàn Thành phố hiện lên đến 17.000m3/ngày, trong đó chỉ có khoảng 3.000m3 được xử lý đạt chuẩn. Theo kết quả phân tích các mẫu nước thải y tế chưa qua xử lý, hàm lượng vi sinh vượt chuẩn cho phép ít nhất là 100 lần, thậm chí có mẫu vượt chuẩn đến 1.000 lần(7).

Một trong những điều kiện để phát triển bền vững là việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo được phải ở mức thấp hơn khả năng tái tạo chúng. Nhưng, ở Việt Nam những năm qua nạn phá rừng nhiều hơn là khả năng tái sinh và trồng rừng, thậm chí lâm tặc phá cả rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, gây ra các vụ lũ quét lớn. Đối với tài nguyên không thể tái tạo lẽ ra phải được sử dụng với hiệu quả tối ưu và ứng dụng những công nghệ mới tiết kiệm nguyên liệu, song việc sử dụng loại tài nguyên này ở Việt Nam còn lãng phí và rất hiếm công nghệ tiên tiến.

Từng bước tái hiện căn bệnh coi nhẹ nông nghiệp, để nông dân “tự bơi” trong cơ chế thị trường

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi lớn của công cuộc đổi mới là bố trí lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh lớn cơ cấu đầu tư, tập trung sức người sức của vào việc thực hiện ba chương trình mục tiêu về lương thực- thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Đồng thời, phát huy tính tự chủ của các hộ nông dân thông qua các hình thức khoán, nhờ vậy mà giải phóng được sức sản xuất, tăng nhanh sản lượng hàng hóa, nhất là lương thực - thực phẩm để xóa đói, giảm nghèo và đẩy mạnh xuất khẩu. Với ý nghĩa này có thể nói chính nông nghiệp và nông dân đã khơi nguồn cho công cuộc đổi mới.

Nông thôn Việt Nam đã thay đổi rõ rệt về nhiều mặt, tuy chưa đều giữa các vùng. Song, đến một trình độ nhất định, kinh tế hộ sẽ phát huy hết tiềm năng và bộc lộ nhược điểm của sản xuất nhỏ, manh mún, không thích ứng được với sự cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường. Mặc dù trong nông nghiệp tính ưu việt của sản xuất lớn có giới hạn hẹp hơn so với công nghiệp và dịch vụ, nhưng vẫn là xu hướng phát triển tất yếu của kinh tế hộ. Vì thế, các nông hộ phải vươn lên thành trang trại, hoặc phải tham gia hợp tác xã hay trở thành vệ tinh của các doanh nghiệp lớn. ở Việt Nam hiện nay, trang trại chỉ có thể phát triển thuận lợi ở trung du và miền núi, nơi người thưa đất rộng, còn ở các vùng đồng bằng đất hẹp người đông rất khó tập trung ruộng đất để hình thành trang trại. Các hợp tác xã thời bao cấp phần lớn đã tan rã hoặc chỉ tồn tại theo kiểu “hữu danh vô thực”, những hợp tác xã kiểu mới ra đời chậm chạp và phần lớn cũng chỉ làm một vài dịch vụ cho kinh tế hộ. Sự liên kết giữa các nông hộ với các doanh nghiệp lớn theo mô hình “ba nhà”, “bốn nhà”... tuy được tuyên truyền rầm rộ nhưng cũng chưa triển khai được. Do đó, gần chục triệu nông hộ vẫn phải tự mình “bơi” theo cơ chế thị trường đầy rủi ro, với cuộc sống bấp bênh. Đó là chưa kể hàng vạn nông hộ bị thu hồi đất để xây dựng các đô thị, khu công nghiệp và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó, chỉ có một số ít người chuyển được sang công nghiệp và dịch vụ, hay biết cách sử dụng tiền đền bù để tự tạo việc làm mới, còn đa số sau khi tiêu xài hết số tiền đền bù ít ỏi, không còn kế sinh nhai, lại kéo nhau ra thành phố làm thuê. Đó là điều không công bằng cho những người khơi nguồn đổi mới bây giờ lại bị chịu nhiều thiệt thòi nhất. Đây sẽ là nguy cơ bùng phát những bất ổn xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững.

Quản lý vĩ mô còn nhiều nhược điểm

Thực tiễn đã chứng tỏ kinh tế thị trường tự do, tự phát theo "bàn tay vô hình" không thể phát triển bền vững. Bởi vậy, cùng với đà phát triển của kinh tế thị trường và trình độ xã hội hóa cao của sản xuất phải có sự quản lý của nhà nước. Nhưng sự quản lý của nhà nước không thể tùy tiện, chủ quan duy ý chí mà phải theo yêu cầu của các quy luật kinh tế, nhằm phát huy tác dụng tích cực và khắc phục các khuyết tật của thị trường. Sai lầm của nhà nước cũng tác hại không kém, thậm chí nghiêm trọng hơn là khuyết tật của thị trường. Bởi vậy sự quản lý tốt của nhà nước là điều kiện không thể thiếu cho sự phát triển bền vững.

Trong những năm qua, trình độ quản lý của Nhà nước ở nước ta ngày càng tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều nhược điểm. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: Bộ máy nhà nước chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu của công cuộc phát triển kinh tế, xã hội... Cải cách hành chính và cải cách tư pháp chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Năng lực và phẩm chất của nhiều cán bộ, công chức còn yếu, một bộ phận không nhỏ thoái hóa, biến chất. Dân chủ ở nhiều nơi bị vi phạm, kỷ cương phép nước chưa nghiêm. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền, thiếu trách nhiệm của bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, nhất là ở các cơ quan giải quyết công việc cho dân và doanh nghiệp. Bộ máy chính quyền cơ sở nhiều nơi yếu kém(8).

Nói tóm lại, Việt Nam chỉ có thể phát triển bền vững nếu biết phát huy thắng lợi của công cuộc đổi mới, nhất là sự đồng thuận của toàn dân tộc, đồng thời tiếp tục hoàn thiện và thực thi tốt chiến lược chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, mặt khác, phải kịp thời vượt qua những thách thức, khiếm khuyết gây trở ngại cho phát triển. Coi trọng chất lượng tăng trưởng; lập quy hoạch tổng thể, dài hạn cho cả nước, cho từng vùng kinh tế, từng tỉnh và từng quận, huyện. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Đề cao việc bảo vệ môi trường, quan tâm đúng mức đến phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, từng bước hình thành nền nông nghiệp sạch và xanh. Cuối cùng, nhưng quan trọng nhất, là tích cực và kiên quyết hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền, nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý vĩ mô./.


(1) Vũ Khoan: “Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và một số vấn đề đặt ra đối với kinh tế Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản số 799, (tháng 5 -2009), tr 41

(2) Con số và sự kiện, số 6-2007, tr 20

(3) Con số và sự kiện, số 10-2006, tr 12 - 13

(4) Con số và sự kiện, số 1-2007, tr 5

(5) Con số và sự kiện, số 11-2007, tr 22 - 23

(6) Con số và sự kiện, số 11-2007, tr 23

(7) Con số và sự kiện, số 12-2007, tr 25

(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006, tr 175