TCCSĐT - Thế giới đang chứng kiến xu hướng dịch chuyển địa - chính trị từ châu Âu - Đại Tây Dương sang châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng gần đây, châu Âu đã xảy ra những sự kiện kinh tế, chính trị tác động sâu sắc đến cục diện thế giới. Trong khi đó, sau nhiều biến động do Liên bang Xô Viết tan rã, với những nỗ lực không mệt mỏi giờ đây nước Nga đang dần lấy lại vị thế một cường quốc trên bản đồ quốc tế. Nước Nga ngày nay không chỉ có một bề dày lịch sử đáng nể mà còn là một quốc gia có tiềm lực kinh tế lớn, có nền chính trị ổn định, có vai trò quan trọng tác động đến những thay đổi tích cực trên thế giới. Có thể khẳng định, Nga – EU là một trong những cặp quan hệ quốc tế quan trọng nhất trong thế kỷ XXI, những động thái trong mối quan hệ giữa Nga - EU luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Nga - EU thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1991, được định hình theo khuôn khổ đối tác chiến lược bằng “Hiệp định đối tác và hợp tác” năm 1994 và “Hiệp định Chiến lược phát triển quan hệ Nga – EU” năm 1999. Hiện nay, trong quan hệ với các nước châu Âu, Nga xác định đây là các mối quan hệ truyền thống. Mục đích chính của Nga trong chính sách đối ngoại với châu Âu là tạo dựng một hệ thống dân chủ và hợp tác an ninh ổn định với châu Âu thông qua Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE). Nga tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hợp tác với EU với tư cách cả khối cũng như từng thành viên trên cơ sở các hiệp định đã ký kết. Chính sách đối ngoại của Nga luôn khẳng định lợi ích của Nga nằm trong một châu Âu thống nhất và thịnh vượng. Nga coi EU như là một đối tác chiến lược, sự hội nhập của Nga vào quá trình liên kết châu Âu là điều kiện cần thiết để Nga đẩy nhanh cải cách thể chế và nâng cao hiệu quả tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, Nga không để EU ảnh hưởng đến tính tự chủ, độc lập trong chính sách đối nội và đối ngoại của mình. Nga chỉ có ý định làm cửa ngõ của châu Âu tới các nước thuộc Liên Xô cũ, không muốn EU gây ảnh hưởng, chi phối Nga. Do đó, việc bảo đảm lợi ích của Nga trong quan hệ hợp tác lâu dài và bền vững với EU có ý nghĩa hết sức quan trọng trên các phương diện địa chính trị - kinh tế - văn hóa. Trong khi đó, với mục tiêu củng cố hòa bình và an ninh ở châu Âu, hướng tới một châu Âu thống nhất và có thực lực hơn trên trường quốc tế, trong chính sách đối ngoại với Nga, EU coi trọng vị trí của Nga trên nhiều phương diện. EU khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược với Nga và tìm cách lôi kéo Nga, tranh thủ Nga. Đối với EU, Nga không chỉ là nguồn cung cấp khí đốt cho EU, đối tác thương mại lớn mà còn là một đối tác quan trọng giúp EU cân bằng ảnh hưởng của mình tại các khu vực chiến lược. Tuy nhiên, do những yếu tố lịch sử để lại, sự khác biệt về quan niệm, hệ giá trị từ hai phía đã hình thành nên những “rào cản” không dễ gì vượt qua để mối bang giao này phát huy hết tiềm năng góp phần xây dựng một châu Âu thống nhất và thịnh vượng. Có thể thấy những nhân tố cơ bản ảnh hưởng tới quan hệ Nga – EU hiện nay là:

1- Vấn đề Nga gia nhập WTO. Nga là nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện còn đứng bên ngoài “sân chơi” WTO. Các cuộc đàm phán kéo dài và phức tạp được khởi động từ cách đây hơn 17 năm (1993), song vấn đề gia nhập WTO của Nga đã nhiều lần trở nên phức tạp hơn với nhiều lý do khác nhau, mà lần gần đây nhất Nga đã bị Mỹ phản đối vào tháng 8-2008 sau cuộc chiến tại Gru-zi-a. Tiến trình này chỉ được thúc đẩy trong thời gian gần đây sau một thỏa thuận mới giữa Nga và Mỹ. Năm 1994, Nga và EU đã đạt được thỏa thuận kết thúc đàm phán song phương về việc gia nhập WTO. Tuy nhiên, sau 16 năm làm việc không mệt mỏi, hy vọng trở thành thành viên chính thức của tổ chức này của Nga mới được hé mở. Tháng 11 năm 2010, tại Brúc-xen, Nga và EU đã kết thúc vòng đàm phán song phương về việc Nga gia nhập WTO và được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Nga – EU lần thứ 26 (tháng 12-2010). Trở ngại chính trên tiến trình đàm phán gia nhập WTO của Nga với EU là vấn đề thuế xuất khẩu gỗ chưa chế biến của Nga. Tuy nhiên việc thỏa thuận được với EU cũng có nghĩa là sẽ nhận được sự giúp đỡ của Ủy ban châu Âu trong việc thuyết phục tất cả các nước còn lại của WTO loại bỏ những bất đồng với Nga và kết thúc đàm phán. Dư luận cho rằng với kết quả đàm phán đạt được với EU, Nga sẽ gia nhập WTO trước ngày 31 tháng 12 năm 2011. Đánh giá kết quả đàm phán, Tổng thống Nga Mét-vê-đép nói: “Về nguyên tắc, sau những thỏa thuận với Mỹ và EU, việc Nga trở thành thành viên WTO hoàn toàn là hiện thực. Suốt 10 năm đàm phán thì năm nay là năm đàm phán thành công nhất”. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Hơ-mần Van Rôm-pơi cho rằng: “Thỏa thuận về gia nhập WTO là bước đột phá chính trị thực sự trong quan hệ Nga-EU”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ba-rô-sô thì khẳng định, “EU tích cực ủng hộ nỗ lực của Nga gia nhập WTO vào năm 2011. Điều này cho phép thúc đẩy thương mại và đầu tư và tạo điều kiện phát triển kinh tế chung, tạo ra những xung động cho các cuộc đối thoại về Thỏa thuận mới giữa Nga-EU”. Việc gia nhập WTO có ý nghĩa đặc biệt đối với quan hệ của Nga với EU, nó còn mở ra con đường để kết thúc các cuộc đối thoại về thỏa thuận cơ sở mới về hợp tác chiến lược giữa hai bên. Các nhà quan sát cho rằng, việc Nga sớm gia nhập WTO sẽ tác động tích cực đối với việc sưởi ấm và thắt chặt quan hệ Nga-EU, tạo điều kiện thuận lợi để sớm kết thúc các cuộc đối thoại về Thỏa thuận cơ sở mới về hợp tác chiến lược Nga - EU.

2 - Vấn đề năng lượng: Hiện nay, Nga cung cấp cho EU khoảng 1/3 lượng dầu và 1/5 lượng khí đốt tự nhiên của mình. Có thể nói, năng lượng là một trong những nhân tố chính chi phối quan hệ Nga – EU. Trong chuyến thăm Đức (tháng 11-2010), Thủ tướng Nga Vla-đi-mia Pu-tin đã thảo luận với Thủ tướng nước chủ nhà An-giê-la Méc-ken về triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại song phương, quan hệ hợp tác giữa Nga và EU trong đó có lĩnh vực hợp tác năng lượng và thành lập tổ hợp tác năng lượng chung nhằm thiết lập quan hệ bình đẳng và cân đối giữa các bên cung cấp, tiêu thụ, vận chuyển và quá cảnh năng lượng. Chủ đề an ninh năng lượng cũng là một vấn đề nhạy cảm được quan tâm thảo luận tại Hội nghị cấp cao Nga-EU lần thứ 26. Phía EU bày tỏ lo ngại sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng khí đốt mới giữa Nga và U-crai-na như trước đây và làm ảnh hưởng tới châu Âu. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Mét-vê-đép khẳng định, cuộc khủng hoảng khí đốt mới sẽ không xảy ra nếu U-crai-na thanh toán đầy đủ lượng khí đốt mà Nga cung cấp. Từ nhiều năm nay Nga là nguồn cung cấp khí đốt, dầu lửa quan trọng đối với châu Âu. Tuy nhiên, nguồn cung từ Nga luôn gặp trục trặc vì nhiều lý do khiến châu Âu không khỏi lo ngại. Việc Nga cắt nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt U-crai-na đầu năm 2006 gây phản ứng mạnh từ các nước châu Âu, EU cho rằng Nga sử dụng năng lượng để làm “con bài ngoại giao” gây áp lực với họ. EU có thể sẽ đưa ra chính sách không cho phép một công ty vừa khai thác hoặc sản xuất năng lượng lại vừa phân phối. Điều này đồng nghĩa với Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga không thể tham gia vào mạng lưới phân phối khí đốt ở châu Âu, làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Nga. Để đáp trả, Nga cảnh báo “sẽ điều chỉnh định hướng hợp tác, cho dầu khí và khí chảy về phía Đông”. Cho đến thời điểm này, sau các cuộc đàm phán kéo dài Nga và EU vẫn chưa ký kết được Hiệp định Đối tác và Hợp tác mới nhằm thay thế cho Hiệp định cũ đã kết thúc thời hạn vào năm 2006. Do đó, việc Nga chưa ký Hiến chương năng lượng đã khiến EU bất an. Lý do Nga đưa ra là sự thiếu thống nhất trong nội bộ EU, mà cụ thể là do sự phản đối của Ba Lan đã ngăn cản Nga xúc tiến nỗ lực này. Bên cạnh đó, theo Hiến chương năng lượng, EU được phép tiếp cận nguồn năng lượng của Nga thông qua đầu tư trực tiếp, mua cổ phần trong các công ty khai thác dầu và được quyền tham gia sở hữu hệ thống đường ống vận chuyển khí đốt, dầu mỏ của Nga, trong khi đó các doanh nghiệp Nga không có quyền tham gia vào hệ thống phân phối bán lẻ khí đốt tại EU chứ chưa nói đến khả năng sở hữu làm thiệt hại lợi ích của Nga trên lĩnh vực này. Tuy nhiên theo giới phân tích, lý do sâu xa hơn nữa là Nga không muốn xây dựng một “cấu trúc năng lượng quốc tế mới” với sự tham gia của “thế lực thứ 3” thông qua EU hòng chi phối Nga thông qua năng lượng. Vì vậy, Ngoại trưởng Nga Láp-rốp đã không ngần ngại nói rằng “Nga không phản đối Hiến chương Năng lượng ký kết giữa hai bên năm 1998. Tuy nhiên, Nga cho rằng một số điểm trong Hiến chương này đã không còn phù hợp và cần có sự thay đổi” với tình hình hiện nay. Những trục trặc giữa hai bên trong vấn đề năng lượng luôn khiến Nga và EU có những hố sâu ngăn cách, khiến cho hai đối tác quan trọng nhất châu Âu không thể xích lại gần nhau, là yếu tố có tầm quan trọng ảnh hưởng tới quan hệ Nga – EU trong thời gian tới.

3 - Vấn đề Gru-zi-a: Quan hệ Nga - Gru-zi-a hiện nay đang đặt Nga - EU trước những lựa chọn khó khăn. Như đã biết, Gru-zi-a coi Nga là kẻ thù, luôn tìm kiếm đồng minh ở phương Tây và trong SNG chống lại sức ép của Nga. Đối lại, Nga áp dụng các biện pháp kinh tế, ngoại giao phong tỏa Gru-zi-a; tiếp tục các biện pháp quân sự, hỗ trợ kinh tế cho Nam Ô-xe-tia nếu chính quyền Gru-zi-a tiếp tục đường lối thân Mỹ và phương Tây chống Nga. Trong khí đó, Gru-zi-a và U-crai-na nằm trong kế hoạch của Mỹ và NATO khống chế sườn phía Tây của Nga. Để thực hiện mục tiêu này, phương Tây ủng hộ các cuộc "cách mạng hoa tuylíp", "cách mạng cam"…đưa các nhân vật thân phương Tây (như Sa-kát-vi-li ở Gru-zi-a, Jút-chen-kô ở U-crai-na) lên nắm quyền, và dự kiến đưa các nước này gia nhập EU và NATO. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Gru-zi-a năm 2008 thể hiện thái độ kiên quyết của Nga trong việc bảo vệ những lợi ích trong không gian chiến lược của mình, chống lại sự "lấn sân" của Mỹ và phương Tây kể từ sau Chiến tranh lạnh. Sau cuộc chiến, Nga luôn mong muốn tạo dựng nền hòa bình, ổn định và hợp tác với phương Tây trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, trong đó có việc tôn trọng những không gian lợi ích truyền thống của nhau. Tuy nhiên, Nga cũng kiên quyết chống lại những âm mưu gây sức ép của Mỹ và phương Tây. Chính điều đó đã khiến châu Âu bị chia rẽ sâu sắc về cách xử sự với Mát-xcơ-va. Mặc dù phản đối Nga, không nước nào trong số các nước EU muốn đoạn tuyệt quan hệ với Nga và Nga cũng ý thức được điều này. Do đó, bất kỳ một hành động nào của cả hai bên liên quan đến vấn đề Nga – Gru-zi-a đều tác động lớn tới tiến trình quan hệ, hợp tác chiến lược Nga – EU.

4 - Nhân tố Mỹ trong quan hệ Nga – EU: Dưới thời Gióc-giơ Bút-sơ, mối quan hệ Mỹ - EU đã có phần nguội lạnh do một số bất đồng xung quanh vấn đề I-rắc. Hiện nay, Mỹ và EU đã giành nhiều thời gian nhằm tăng cường quan hệ liên minh xuyên đại dương. Tổng thống Ô-ba-ma tích cực tham gia các cuộc đối thoại quan trọng với nhiều đối tác châu Âu như G20 tại Luân-đôn, Hội nghị thượng đỉnh NATO, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều vấn đề mà cả Mỹ và châu Âu hiện chưa tìm được tiếng nói chung. Kể từ khi Hiệp ước Lisbon về cải cách các thể chế quyền lực của Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực, hình ảnh và tiếng nói của EU trở nên rõ nét, có trọng lực hơn trên trường quốc tế, Mỹ sợ một châu Âu thống nhất và liên kết với nước Nga tạo ra một lục địa Âu - Á phát triển làm lu mờ vị thế của Mỹ. Thực tế, những lo ngại này là có cơ sở. Hiệp ước an ninh châu Âu do Tổng thống Nga Mét-vê-đép đề xuất nhằm xây dựng một không gian an ninh thống nhất trên châu lục một khi được ký kết sẽ góp phần quan trọng hình thành một châu Âu thống nhất và liên kết với Nga. Chính vì thế mà trong khi một số nước châu Âu chủ chốt như Đức tán thành thảo luận dự thảo thì phía Mỹ cố tình lảng tránh. Hơn nữa, EU đang có những bất đồng sâu sắc trong nội bộ trong xử lý mối quan hệ với Mỹ và Nga. Đó là mâu thuẫn giữa các nước “châu Âu cũ” gồm Đức, Pháp, Tây Ban Nha, I-ta-li-a... đang có xu hướng “ly khai” khỏi quỹ đạo của Mỹ, với các nước trong khối “châu Âu mới” gồm các nước Đông Âu vừa mới gia nhập NATO có xu hướng gắn bó ngày càng chặt chẽ với Mỹ. Vì thế, kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ tuy bị tạm ngừng triển khai ở Ba Lan và Cộng hòa Séc, thì nay lại sắp mọc lên ở các nước “châu Âu mới” là Ru-ma-ni và Bun-ga-ri, được ví như “cái nêm” không chỉ nhằm chia rẽ hai khối đồng minh của Mỹ ở châu Âu, mà còn khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa các nước “châu Âu mới” với Nga.

Quan hệ Nga - EU về hình thức là quan hệ song phương, song thực chất là quan hệ đa phương giữa Nga và các nước thành viên EU. Do đó, sự va chạm lợi ích là không thể tránh khỏi. Hơn nữa, ngay trong nội bộ EU cũng khó đạt được thống nhất trong các vấn đề của khối với sự ràng buộc của cơ chế đồng thuận như hiện nay, huống hồ trong chính sách đối ngoại với một đối tác lớn như Nga. Một mặt EU có lợi ích lớn trong quan hệ với Nga cả về kinh tế, chính trị và an ninh. Mặt khác châu Âu phải gắn với Mỹ về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các mối quan hệ liên quan đến an ninh và ổn định ở châu Âu. Vì vậy, quá trình phát triển lâu dài và sâu rộng trong mối quan hệ của hai đối tác quan trọng này sẽ chịu nhiều ảnh hưởng với nhân tố Mỹ./.