Sức mạnh làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười
21:17, ngày 06-11-2013
TCCSĐT - Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 nổ ra và giành thắng lợi đã mang lại ý nghĩa lịch sử trọng đại, "mở đầu một thời đại mới trong lịch sử nhân loại, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới"(1).
Khối quần chúng công nhân, nông dân nghèo, binh lính và lao động hợp thành lực lượng cách mạng đông đảo đoàn kết thống nhất xung quanh Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích (B) do V.I.Lê-nin đứng đầu, kiên quyết vùng lên đấu tranh là cội nguồn sức mạnh vô địch làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười. Nguồn sức mạnh vô địch ấy được thể hiện sinh động qua các thời khắc lịch sử trọng đại của nước Nga.
Sau Cách mạng tháng Hai, Chính phủ lâm thời tư sản cầm quyền dần bộc lộ bản chất phản động và tính chất cải lương trong việc giải quyết các vấn đề cốt tử của đất nước về chiến tranh, ruộng đất và quyền tự quyết của các dân tộc. Chính điều này đã thúc đẩy tinh thần cách mạng của quần chúng nhân dân ngày càng lên cao
Cách mạng tháng Hai năm 1917 thắng lợi. Chế độ Nga hoàng bị lật đổ. Nước Nga cách mạng lúc đó ở vào thời kỳ lịch sử đặc biệt, với hai chính quyền song song tồn tại. Giai cấp tư sản lên nắm quyền lãnh đạo Chính phủ lâm thời ở Trung ương, còn dưới các địa phương lại thành lập các xô-viết do giai cấp công nhân, nông dân, binh lính điều hành với vai trò chủ đạo thuộc về Đảng Bôn-sê-vích lãnh đạo. Theo V.I.Lê-nin, "khi chính quyền nhà nước đã chuyển từ tay bọn quý tộc - chủ nô vào tay giai cấp tư sản, thì trong giới hạn đó, cuộc cách mạng tư sản hay dân chủ - tư sản ở nước Nga đã được hoàn thành rồi, nhưng vẫn chưa đạt đến chuyên chính "thuần tuý" của giai cấp vô sản và nông dân"(2).
Ngay sau khi lên cầm quyền, Chính phủ tư sản thay vì ban hành các chính sách tiến bộ, lại ban bố các chính sách đi ngược lại nguyện vọng và lợi ích của đông đảo quần chúng cách mạng. Chúng đã không đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của toàn dân đòi hòa bình mà lại chủ trương theo đuôi các nước đế quốc, tiếp tục cuộc chiến tranh đế quốc "đến thắng lợi" dưới khẩu hiệu "vệ quốc cách mạng". Về vấn đề nông nghiệp, thay vì tịch thu ruộng đất của địa chủ trao lại cho nông dân, Chính phủ chỉ hứa hẹn sẽ trưng thu số ruộng đất không canh tác của chủ cũ nhưng nông dân phải mua lại những ruộng đất đó. Còn vấn đề quyền tự trị của các dân tộc, Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách áp bức cũ của Nga hoàng dưới tên gọi mới vì một "Nước Nga thống nhất". Thực tế đó chứng tỏ, giai cấp tư sản Nga đã lỗi thời, bạc nhược, không đủ năng lực giải quyết những nhiệm vụ lịch sử chín muồi đang đặt ra trong xã hội. Chính phủ lâm thời ngày càng lún sâu vào các chính sách phản động, chỉ tìm cách đè bẹp các xô-viết nhân dân, thiết lập quyền lực hoàn toàn của giai cấp tư sản. Các đảng phái chính trị cải lương khác cũng ra sức tranh thủ quần chúng, nhưng thái độ ngày càng ngả theo xu hướng thỏa hiệp với giai cấp tư sản, phản bội lợi ích quần chúng nhân dân nên dẫn đến ảnh hưởng giảm dần trong quần chúng.
Khi đó, chỉ có những người bôn-sê-vích với những cương lĩnh đúng đắn đã thu hút ngày càng nhiều tổ chức công đoàn, không những dám đứng lên bảo vệ lợi ích kinh tế của công nhân, mà còn thể hiện rõ tính tích cực chính trị, xã hội. Đến mùa hè năm 1917, "Phong trào đòi xác lập chế độ kiểm soát của công nhân" đã thu hút được đông đảo công nhân (chiếm 3/4 giai cấp vô sản công nghiệp ở nước Nga). Nó được xem là biện pháp quan trọng đưa quần chúng đến cuộc đấu tranh giành chính quyền, kết liễu sự thống trị của bọn tư bản (3). Khẩu hiệu "Toàn bộ chính quyền về tay các xô-viết" đã hướng Đảng Bôn-sê-vích vào việc hòa bình phát triển cuộc cách mạng nhưng với điều kiện "có sự liên minh của người bôn-sê-vích với những người xã hội chủ nghĩa - cách mạng và men-sê-vích"(4). Ở Pê-trô-grát và các trung tâm khác, Đảng Bôn-sê-vích tích cực tuyên truyền, tổ chức, đoàn kết giai cấp vô sản thành lập các đội quân chính trị của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Các đội cảnh sát công nhân và các đội dân binh chiến đấu của công nhân đã xuất hiện trên đường phố thể hiện rõ óc sáng tạo của quần chúng cách mạng và nhanh chóng phổ biến trong các nhà máy lớn với tên gọi mới - "Đội xích vệ". Đây là tiền đề của sự bảo đảm cho cách mạng phát triển vững chắc.
Đảng Bôn-sê-vích rất chú ý tới công tác tuyên truyền trong quân đội, vì vận mệnh của cách mạng phụ thuộc vào lập trường của quân đội. Qua đó còn củng cố được khối liên minh công nhân và nông dân nghèo. Tháng 4-1917, tổ chức Đảng Bôn-sê-vích trong quân đội được thành lập đem lại cho binh lính cương lĩnh hòa bình và giải pháp cho vấn đề ruộng đất, chỉ rõ tính chất đế quốc chủ nghĩa trong chính sách của Chính phủ lâm thời, đấu tranh đòi dân chủ hóa quân đội. Các chi bộ và các tổ chức bôn-sê-vích đã được thành lập trong các đơn vị ở mặt trận, ở hậu phương và ở các đơn vị quân đồn trú. Các lính thủy cách mạng đã thành lập Ủy ban Trung ương Hạm đội Ban-tích. Những người bôn-sê-vích đã xua tan những ảo tưởng của "chủ nghĩa vệ quốc cách mạng", vạch trần luận điệu vu khống mà giai cấp tư sản đã lợi dụng để mưu toan xúi bẩy binh lính chống lại công nhân.
Đảng Bôn-sê-vích đưa Cương lĩnh ruộng đất thực sự cách mạng đi sâu vào quần chúng nông dân, thức tỉnh, giác ngộ cách mạng cho họ. Tại nhiều đại hội nông dân cấp huyện, cấp tỉnh, Cương lĩnh ấy được phổ biến và thông qua các nghị quyết về chuyển giao ruộng đất của địa chủ và nông cụ cho các ủy ban xã. Tại Đại hội đại biểu nông dân toàn Nga lần thứ nhất (tháng 5-1917), V.I.Lê-nin đã có "Thư ngỏ gửi các đại biểu", khuyên nông dân hãy lập tức chiếm lấy toàn bộ ruộng đất một cách có tổ chức. Trong thư ông viết: "Chúng tôi muốn nông dân nhận được đất của địa chủ ngay bây giờ, không để mất một tháng nào, một tuần nào, một ngày nào cả"(5). Chủ trương đó đã được nông dân hưởng ứng và trở thành phong trào quần chúng lan nhanh đến các khu vực trung tâm và lân cận, nhanh chóng làm tăng lực lượng cách mạng.
Giai đoạn xuân - hè năm 1917, cao trào giải phóng dân tộc diễn ra ở các khu vực ngoại biên nước Nga, chỉ có Đảng Bôn-sê-vích đề ra Cương lĩnh quốc tế triệt để. V.I.Lê-nin cho rằng, nước Cộng hòa Xô-viết Nga càng dân chủ bao nhiêu "thì sức mạnh lôi cuốn những quần chúng cần lao của tất cả các dân tộc tự nguyện đi theo nước cộng hòa đó sẽ càng mạnh mẽ bấy nhiêu"(6). Những người bôn-sê-vích lên án chính sách xô-vanh của Chính phủ lâm thời, đồng thời vạch trần chủ nghĩa dân tộc tư sản, tiểu tư sản, tăng cường đoàn kết nhân dân lao động giữa các dân tộc, các tín đồ Thiên chúa giáo và Hồi giáo, giành được nhiều quần chúng bần nông đi theo giai cấp vô sản. Như vậy, cuộc cách mạng vô sản đã có gốc rễ ngày càng sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Mặc dù hình thức biểu hiện của nó còn mang tính chất tự phát trước các chính sách mất lòng dân của Chính phủ lâm thời.
Sự chín muồi của tình thế và thời cơ cách mạng đẩy tới cao trào cách mạng của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích dày dạn kinh nghiệm đứng đầu là V.I.Lê-nin vĩ đại thúc đẩy cuộc Cách mạng tháng Mười nổ ra và nhanh chóng giành thắng lợi
Khả năng phát triển hòa bình của cách mạng dần đi qua khi Chính phủ lâm thời sử dụng bạo lực chống lại quần chúng cách mạng vào những ngày tháng Bảy; và các thủ lĩnh các đảng thỏa hiệp ngày càng công khai ngả về phía bọn phản cách mạng. Trong những điều kiện khó khăn đó, Đảng Bôn-sê-vích đã kịp thời có những nghị quyết lãnh đạo thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng tiếp tục phát triển mạnh mẽ toàn nước Nga. Đại hội VI của Đảng Bôn-sê-vích (tháng 8-1917) đã thông qua đường lối tổ chức và chuẩn bị tất cả mọi lực lượng cách mạng cho giờ phút mà cuộc khủng hoảng toàn quốc và cuộc đấu tranh của quần chúng phát triển sâu sắc sẽ tạo điều kiện cho cuộc khởi nghĩa vũ trang thắng lợi.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ngày càng rộng khắp, mục tiêu hướng các yêu sách chính quyền về tay các xô-viết đã được đưa lên hàng đầu ở mọi nơi; các cán bộ tuyên truyền - công nhân, binh lính cách mạng đã về nông thôn, kêu gọi nông dân hãy lập tức tịch thu ruộng đất của địa chủ và phong trào nông dân đã nhanh chóng lan ra khắp phần nước Nga thuộc châu Âu và biến thành cuộc khởi nghĩa của nông dân. Trong quân đội, đặc biệt tại các mặt trận gần hai thủ đô, quá trình bôn-sê-vích hóa tiến triển nhanh chóng. Cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc ở nước Nga cũng tăng lên. Sự thống nhất phong trào vô sản với các dòng thác cách mạng dân chủ nói chung trong xã hội Nga đã làm cho cuộc đấu tranh mang tính chất toàn dân và có một sức mạnh vô địch.
Cuộc khủng hoảng đã chín muồi. Cuối tháng 9, thời điểm bước ngoặt của cách mạng đến gần. Việc chuẩn bị khởi nghĩa bước vào giai đoạn quyết định. Ủy ban Quân sự - cách mạng được thành lập trực thuộc Xô-viết Pê-trô-grát để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Khi mở đầu chiến trận, Ủy ban Quân sự - cách mạng đã vạch ra kế hoạch hiệp đồng giữa ba lực lượng chủ yếu là đội Cận vệ đỏ, các đơn vị quân đội và Hạm đội gồm hơn 300 nghìn binh sĩ. Các lực lượng cách mạng đã sẵn sàng cho trận chiến quyết định giành chính quyền ở thủ đô. Ngày 24 tháng Mười năm 1917, đội Cận vệ đỏ bắt đầu chiếm giữ các mục tiêu chiến lược của thủ đô và tập kết về Điện Xmô-nư, nơi trụ sở Bộ Tham mưu của Cách mạng đóng đô. Tối khuya hôm đó, V.I.Lê-nin đã đến Điện Xmôn-nư với vai trò là Tổng tư lệnh tất cả các lực lượng vũ trang của Cách mạng tháng Mười. Đến sáng ngày 25 tháng Mười theo lịch Julius (tức ngày 07-11 theo lịch hiện nay) công nhân và các đơn vị quân đội cách mạng đã chiếm giữ hầu hết toàn bộ thành phố. Ủy ban Quân sự - cách mạng đã kêu gọi thiết lập Chính quyền Xô-viết ở khắp mọi nơi. Đêm 26 tháng Mười, khi Cung điện Mùa Đông, nơi được dùng làm trụ sở của Chính phủ lâm thời tư sản bị đánh chiếm thì Cuộc khởi nghĩa kết thúc.
Vào ngày lịch sử 25 tháng Mười (tức ngày 07-11) năm 1917, Ủy ban Quân sự - cách mạng cho công bố lời kêu gọi "Gửi các công dân nước Nga". Trong đó nhấn mạnh: "Chính phủ lâm thời đã bị lật đổ. Chính quyền nhà nước đã chuyển qua tay cơ quan của đại biểu Xô-viết công nhân và binh sĩ Pê-trô-grát; cơ quan đó là Ủy ban Quân sự - cách mạng, đứng đầu giai cấp vô sản và đội quân bảo vệ Pê-trô-grát"(7). Buổi tối cùng ngày, Đại hội lần II toàn Nga của các xô-viết đại biểu công nhân và binh lính đã khai mạc tại Điện Xmôn-nư, thông qua những nghị quyết lịch sử. Trong đó quyết định: "Toàn bộ chính quyền ở các địa phương đều chuyển về tay các xô-viết đại biểu công nhân, binh lính và nông dân. Các xô-viết sẽ bảo đảm trật tự cách mạng thật sự"(8). Đại hội đã thông qua Sắc lệnh về hòa bình, Sắc lệnh về ruộng đất, Sắc lệnh về tổ chức chính quyền. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã xuất hiện một Nhà nước kiểu mới, trong đó giai cấp vô sản trở thành giai cấp nắm chính quyền. Chính phủ mới thực thi cương lĩnh đáp ứng những khát vọng sâu sắc của tất cả những người lao động về hòa bình, ruộng đất và Chính quyền Xô-viết. Sau đó "Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc nước Nga" đã được thông qua, trong đó tuyên bố về quyền bình đẳng và chủ quyền của các dân tộc, quyền tự do, tự quyết. "Tuyên ngôn về các quyền của nhân dân lao động và bị bóc lột" đã xác định những nguyên tắc cơ bản và những nhiệm vụ của nhà nước xã hội chủ nghĩa, toàn bộ chính quyền phải hoàn toàn thuộc về quần chúng lao động và các xô-viết đại biểu công nhân, binh sĩ và nông dân là cơ quan toàn quyền đại diện. Các sắc lệnh và tuyên ngôn hoàn toàn hợp lòng dân đó đã có sức mạnh lan tỏa nhanh chóng khắp nước Nga. Từ thắng lợi ở Pê-trô-grát, cuộc Cách mạng tháng Mười Nga đã lan ra cả nước và nhanh chóng giành toàn thắng ở một đất nước vĩ đại có diện tích lãnh thổ rộng 1/6 thế giới.
Bài học về sức mạnh đoàn kết thống nhất của khối liên minh giữa công nhân với binh lính, nông dân và lao động trong Cách mạng tháng Mười đối với cách mạng Việt Nam hiện nay
Chăm lo tới lợi ích chính đáng, thiết thực của quần chúng lao động là bí quyết thành công, cội nguồn sức mạnh của khối liên minh giai cấp đoàn kết thống nhất xung quanh Đảng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Cách mạng. Đi theo con đường của Cách mạng tháng Mười, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Quán triệt sâu sắc nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò quần chúng nhân dân trong lịch sử, hơn 80 năm qua, Đảng ta không ngừng chăm lo xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức là động lực to lớn của cách mạng giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục được khẳng định trong sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã tổng kết rút ra bài học "lấy dân làm gốc" để định hướng tư tưởng và hoạt động cách mạng của mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Ngoài lợi ích của nhân dân Đảng ta không có lợi ích nào khác. Vì vậy, cán bộ và đảng viên phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phải là người đày tớ hết sức trung thành của nhân dân”(9). Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên trong Đảng, bộ máy Nhà nước luôn luôn ghi nhớ và thực hiện tốt lời căn dặn của Người: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"(10).
Các thế hệ đảng viên, cán bộ, công chức Nhà nước, hơn 80 năm qua đã nêu những tấm gương sáng "công bộc" của dân. Hiện nay, trước yêu cầu mới, mỗi cán bộ, công chức, nhất là những người có chức, có quyền, nếu không tích cực tu dưỡng, rèn luyện, xa rời lợi ích của giai cấp, dân tộc và nhân dân, chạy theo lợi ích cá nhân sẽ bị quần chúng nhân dân xa lánh, từng bước thoái hóa, biến chất trở thành kẻ thù nội sinh, đồng minh không tự giác của chủ nghĩa đế quốc, làm hại cách mạng. Theo đó, thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã giành được sẽ bị phủ định từ bên trong một cách êm dịu, kẻ thù giành "chiến thắng không cần chiến tranh". Do vậy, để gây lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa sự nghiệp đổi mới đi tới thắng lợi không thể tách rời cuộc chiến chống giặc "nội xâm", phòng ngừa "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng hiện nay./.
-------------------
Tài liệu tham khảo:
(1). Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 12, tr.301.
(2). V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1981, t.31, tr.161.
(3). Xem: Phong trào công nhân quốc tế - Những vấn đề lịch sử và lý luận tập IV, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 75, 76.
(4). V.I.Lênin, Sđd, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1981, t.34, tr.296.
(5). V.I.Lênin, Sđd, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1981, t.32, tr.218.
(6). V.I.Lênin, Sđd, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1981, t.31, tr.204.
(7). V.I.Lênin, Sđd, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1981, t.35, tr.1.
(8). Các sắc lệnh của Chính quyền Xô-viết, Tiếng Nga, Mát-xcơ-va, 1958, t.1, tr.8.
(9). Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 337.
(10). Hồ Chí Minh, Sđd, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.510.
Hội nghị Giơ-ne-vơ 2 về Xy-ri bị trì hoãn  (06/11/2013)
Việt Nam dự kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 37  (06/11/2013)
Đại hội lần thứ III Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam  (06/11/2013)
Lễ trao tặng huy hiệu 30 năm tuổi Đảng  (06/11/2013)
Lễ trao tặng huy hiệu 30 năm tuổi Đảng  (06/11/2013)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên