Bài học về lựa chọn thời cơ của Cách mạng Tháng Mười Nga và vấn đề hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
Vào năm 1917, nước Nga đã bộc lộ là một khâu yếu trong hệ thống đế quốc chủ nghĩa, bởi vậy, việc xúc tiến và chuẩn bị những điều kiện, tiền đề cần thiết để thực hiện cuộc cách mạng vô sản ở đất nước rộng lớn này là nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết của những người cộng sản và giai cấp công nhân Nga. Tuy nhiên, để đi đến thắng lợi, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã phải trải qua nhiều khó khăn, trở ngại và đứng trước những nguy cơ tưởng chừng không thể vượt qua.
Trước hết, để chuẩn bị về mặt tư tưởng, V.I. Lê-nin cùng Ðảng Cộng sản (Bôn-sê-vích) Nga kiên quyết chống lại tư tưởng, lý luận cách mạng nửa vời của những kẻ cơ hội chính trị và giai cấp tư sản, vạch trần bộ mặt giả dối, phản động của chính phủ tư sản Kê-ren-xki cùng phái Men-sê-vích. Khi thời cơ cách mạng đã đến, Người tổ chức phát động và lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang trong toàn quốc để giành “toàn bộ chính quyền về tay Xô-viết”, nhằm đúng vào lúc nhân dân không thể sống như cũ, vô cùng chán ghét chiến tranh đế quốc và chế độ Nga hoàng; nhiều binh lính không tuân lệnh Chính phủ lâm thời mà ngả theo Đảng Bôn-sê-vích; khí thế cách mạng của các Xô-viết công - nông - binh trên khắp đất nước đang sôi sục; chính phủ tư sản Kê-ren-xki không thể tiếp tục lừa dối nhân dân để tham gia chiến tranh thế giới như cũ.
Trong lúc Đảng Bôn-sê-vích Nga dưới sự lãnh đạo của V.I. Lê-nin đang tích cực chuẩn bị tiến hành cuộc khởi nghĩa vũ trang thì một số phần tử cơ hội trong Đảng đã phản bội, tiết lộ cho kẻ thù biết được kế hoạch khởi nghĩa. Chính phủ lâm thời quyết định tấn công trước vào lực lượng cách mạng. Ngày 24-10-1917 (tức ngày 06-11-1917 theo lịch mới), chúng ra lệnh đóng cửa tờ báo “Con đường” của công nhân. Các đội tự vệ đỏ đã chiến đấu bảo vệ tòa báo và đến trưa cùng ngày, tờ báo phát lời kêu gọi khởi nghĩa để lật đổ Chính phủ lâm thời. Vào đêm hôm đó, V.I. Lê-nin đến Điện Xmôn-nưi để trực tiếp tổ chức lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Người ra bản Chỉ thị nêu rõ thời cơ chín muồi của cách mạng Nga: Vô luận bằng cách nào cũng không được để Kê-ren-xki và bè lũ nắm chính quyền đến ngày 25, việc đó tuyệt đối phải quyết định ngay chiều hôm nay. Lịch sử sẽ không tha thứ những người cách mạng hôm nay có thể chiến thắng (và nhất định sẽ thắng lợi hôm nay) mà lại chậm trễ, vì đợi đến ngày mai, không khéo họ lại bị mất hết cả. Theo lời hiệu triệu của V.I. Lê-nin, đêm 24 rạng ngày 25-10-1917 (tức đêm 06 rạng ngày 07-11-1917 theo lịch mới), quân khởi nghĩa tiến đánh Cung điện Mùa đông. Chiến hạm Rạng Đông nã pháo vào Cung điện, sào huyệt của Chính phủ lâm thời phản động. Cận vệ đỏ của công nhân cùng binh lính cách mạng chiếm giữ những vị trí then chốt ở Thủ đô, nhanh chóng làm chủ tình hình. Các bộ trưởng của Chính phủ lâm thời bị bắt. Cuộc khởi nghĩa ở Pê-trô-grát giành thắng lợi hoàn toàn. Cũng trong đêm đó, Đại hội Xô-viết toàn Nga lần thứ hai đã khai mạc, tuyên bố chính quyền đã về tay các Xô-viết. Đại hội ra quyết nghị: Các Xô-viết đại biểu công nhân, binh lính và nông dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự cách mạng. Tối 25-10-1917, trong buổi họp thứ hai, Đại hội thông qua hai văn kiện đầu tiên của chính quyền Xô-viết: Sắc lệnh Hòa bình và Sắc lệnh Ruộng đất. Sắc lệnh Hòa bình lên án chiến tranh, đề nghị các nước tham chiến nhanh chóng đàm phán để ký kết một hòa ước dân chủ và công bằng, không thôn tính đất đai và phải bồi thường chiến tranh. Sắc lệnh Ruộng đất tuyên bố quốc hữu hóa toàn bộ ruộng đất của giai cấp địa chủ, quý tộc. Đại hội đã bầu ra Chính phủ Xô-viết đầu tiên, gọi là Hội đồng Ủy viên nhân dân, do V.I. Lê-nin đứng đầu.
Cuộc khởi nghĩa của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích, do V.I. Lê-nin đứng đầu, đã chớp đúng thời cơ để phát động khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Đó là thời điểm có một không hai cho cách mạng bùng nổ và giành thắng lợi, không thể chậm hơn, dù chỉ một ngày. Cuộc khởi nghĩa diễn ra hết sức mau lẹ, ít tổn thất về lực lượng, làm nên kỳ tích “Mười ngày rung chuyển thế giới”, lật đổ chế độ chuyên chế Nga Sa hoàng, giành chính quyền về tay giai cấp vô sản. Nước Nga Xô-viết do nhân dân làm chủ, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, đã rút khỏi cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất của chủ nghĩa đế quốc. Song, hậu quả do chiến tranh để lại rất nặng nề, trong khi chính quyền Xô-viết non trẻ lại phải tập trung đối phó và chống lại bọn bạch vệ phản cách mạng và sự can thiệp vũ trang của các nước đế quốc câu kết với nhau hòng bóp chết Nhà nước Xô-viết. Vì vậy, V.I. Lê-nin đã lãnh đạo đất nước áp dụng Chính sách Cộng sản thời chiến, “đồng cam cộng khổ” để giành thắng lợi. Nhờ đó, chính quyền Xô-viết được bảo vệ vững chắc. Sau đó, nước Nga xóa bỏ Chính sách Cộng sản thời chiến, cùng các nước trong Liên bang Xô-viết thực hiện Chính sách Kinh tế mới, làm cho nền kinh tế đất nước phục hồi nhanh chóng, đời sống nhân dân được cải thiện; nền kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng phát triển chưa từng thấy, đạt những thành tựu kỳ diệu.
Diễn biến của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga cho thấy, cách mạng muốn giành được thắng lợi quyết định thì phải có thời cơ. Nếu người đứng đầu lực lượng cách mạng không đủ bản lĩnh, trí tuệ, nhận định không đúng thời cơ và khi thời cơ đến mà bỏ lỡ thì sẽ là lỗi lầm lớn đối với lịch sử, cách mạng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí tổn thất nặng nề về lực lượng và thất bại. Vì vậy, việc phát hiện chính xác và nắm vững thời cơ cách mạng, kịp thời phát động lực lượng công - nông - binh nổi dậy giành thắng lợi quyết định là vấn đề hết sức hệ trọng. Do đó, chỉ riêng việc nhận định đúng thời cơ cách mạng, chớp lấy thời cơ cách mạng một cách khôn khéo, mau lẹ cũng đã đủ chứng minh cho sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Bôn-sê-vích Nga và thiên tài của lãnh tụ V.I. Lê-nin. Hơn nữa, khi toàn dân đã sẵn sàng và kiên quyết chiến đấu thì thời cơ cách mạng càng được nhân lên gấp bội và dẫn đến thắng lợi hoàn toàn, không gì có thể ngăn cản nổi, bởi họ chính là lực lượng tiên quyết để thực hiện sự thắng lợi ấy. Tóm lại, đó là quá trình vận động tất yếu và là sự vận dụng thành công mối quan hệ biện chứng giữa yếu tố khách quan và nhân tố chủ quan - giữa thời cơ cách mạng và tình thế cách mạng; giữa thời cơ cách mạng và sự nắm bắt, tận dụng, lựa chọn thời cơ cách mạng một cách sáng tạo, khéo léo, tài tình của những người lãnh đạo cách mạng, cùng sự anh dũng, kiên quyết của quần chúng cách mạng; giữa sự rối ren, mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù và thực lực, khí thế cách mạng;… Và, đó cũng chính là hiện thân của sự vận dụng nhuần nhuyễn phép biện chứng duy vật và khoa học chính trị chân chính - mà lãnh tụ V.I. Lê-nin đã bao năm dày công nghiên cứu, tìm tòi và phát triển sáng tạo - vào giải quyết một vấn đề thực tiễn điển hình, cụ thể, cấp thiết trong một hoàn cảnh, thời điểm lịch sử cụ thể, sống động.
Tầm vóc thời đại và sự lan tỏa của Cách mạng Tháng Mười Nga đã khởi nguồn cho những thắng lợi tiếp theo của các cuộc cách mạng xã hội tiến bộ trên thế giới, trong đó có Việt Nam; đã để lại cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nhiều bài học kinh nghiệm lịch sử quý giá, trong đó có bài học về nhận định đúng thời cơ cách mạng và tận dụng triệt để thời cơ cách mạng để lật đổ chế độ cũ, giành lấy chính quyền về tay giai cấp vô sản.
Tiếp thu và vận dụng sáng tạo tinh thần cách mạng tiến công, nắm vững thời cơ, vượt qua thách thức của Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã lãnh đạo toàn dân chủ động chuẩn bị những điều kiện cách mạng để sẵn sàng đón nhận thời cơ, chớp lấy thời cơ “ngàn năm có một” để làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân ta phải trải qua cuộc đấu tranh quyết liệt và khéo léo chống “thù trong, giặc ngoài”; trải qua các cuộc kháng chiến thần kỳ chống thực dân, đế quốc xâm lược; tiến hành công cuộc đổi mới để bảo vệ và phát huy thành quả của Cách mạng Tháng Tám, bảo vệ và phát triển sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lịch sử hào hùng của dân tộc trong thế kỷ XX đã cho thấy, không thể có chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 nếu Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh không có tầm nhìn chiến lược, tư duy nhạy bén trong chuẩn bị và chớp thời cơ để làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử. Ngược lại, mọi thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 sẽ không được bảo vệ và phát huy nếu không có thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. V.I. Lê-nin đã chỉ rõ: Một cuộc cách mạng chỉ thật sự có giá trị nếu nó biết tự bảo vệ. Cách mạng Việt Nam đã chứng minh một cách đầy thuyết phục chân lý đó.
Noi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta kiên định lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội để phát triển đất nước và đã giành được những thắng lợi chưa từng có, mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất, hòa bình, phát triển cho dân tộc. Vào thập niên tám mươi của thế kỷ XX, trước tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế lúc đó, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. Trong gần 30 năm đổi mới, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đưa đất nước ngày càng hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới để chủ động đón nhận và tận dụng được những thời cơ và vận hội mới . Vì vậy, những năm gần đây, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ. Mặc dù tình hình kinh tế thế giới những năm qua còn có nhiều biến động, nhưng nguồn vốn ODA cam kết cho Việt Nam sau 20 năm đã đạt gần 80 tỷ USD, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tính đến năm 2011, nước ta đã có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có tất cả các nước lớn. Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 đã đưa quá trình hội nhập của đất nước từ cấp độ khu vực (ASEAN năm 1995) và liên khu vực (ASEM năm 1996, APEC năm 1998) lên cấp độ toàn cầu.
Những thành tựu đạt được trong gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đã tạo ra cho đất nước ta thế và lực mới, với sức mạnh tổng hợp lớn hơn nhiều so với trước, mở ra những cơ hội và thuận lợi mới để đưa đất nước hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu, góp phần quan trọng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ xã hội chủ nghĩa, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Điều đó đã chứng minh bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng ta trong lãnh đạo đất nước, trong việc “tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức” để đưa đất nước vững bước đi lên trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với nhận thức thời cơ là lực lượng, hiện nay Đảng ta đang tập trung lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; từ đó sẽ tạo ra sự bứt phá, tạo đà và cơ hội để vươn lên giành những thành tựu to lớn hơn nữa.
Trên thế giới hiện nay, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, tạo ra những kỹ thuật mũi nhọn để có thể đưa năng suất lao động lên rất cao. Đồng thời, xu thế khu vực hóa và toàn cầu hóa kinh tế ngày càng tăng mạnh; xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển cũng diễn ra mạnh mẽ. Đó là những thời cơ mới, là những nhân tố tạo nên môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay ở nước ta, cơ hội và thách thức luôn đan xen, lồng ghép vào nhau - trong cơ hội bao hàm cả thách thức và trong thách thức cũng bao hàm cả cơ hội. Cơ hội càng lớn, thách thức càng nhiều, và do đó, càng đòi hỏi sự sáng suốt, tầm nhìn xa, trông rộng và bản lĩnh chính trị, quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta, cùng sự nỗ lực của toàn dân, để hạn chế những khó khăn, thách thức, biến thách thức thành cơ hội. Vì thế, tuy đất nước đạt được những thành tựu to lớn trong quá trình chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới, nhưng chúng ta vẫn đang phải đối mặt với không ít nguy cơ và thách thức đan xen nhau, diễn biến khá phức tạp, không thể xem thường. Đó là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ chệch định hướng xã hội chủ nghĩa; là tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả những người đứng đầu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI của Đảng đã nêu ra; là tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn diễn ra với mức độ khá nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch vẫn đang ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ để chống phá cách mạng nước ta.
Trước tình hình đó, một trong những đòi hỏi cao nhất đối với Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị là tích cực nghiên cứu, vận dụng tốt những bài học kinh nghiệm lịch sử về thời cơ cách mạng trong Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ đất. Nếu như trong Cách mạng Tháng Mười Nga, việc nhận định đúng thời cơ, nhạy bén chớp thời cơ để lật đổ chế độ Nga hoàng, giành chính quyền về tay giai cấp vô sản chỉ diễn ra trong một ngày đêm; còn trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chỉ trong khoảng 15 ngày, các địa phương trong toàn quốc đã chớp lấy thời cơ “ngàn năm có một” để giành lấy chính quyền về tay nhân dân, thì hiện nay, trong việc nắm bắt, tranh thủ thời cơ và vận hội mới để đưa đất nước trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân ta phải nỗ lực vượt bậc, vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, trở ngại.
Để tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ trong tình hình mới, chúng ta phải luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng có hiệu quả phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra và vận dụng thành công trong thời kỳ giành và giữ chính quyền những năm 1945 - 1946. Vận dụng “bất biến” trong thời kỳ hội nhập, mở cửa ở nước ta hiện nay là, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải luôn kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của giai cấp và quyền lợi của nhân dân lên trên hết. Phải tuyệt đối không vì lợi ích nhất thời, cục bộ của tổ chức, cá nhân nào đó mà vi phạm, bất chấp nguyên tắc, làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc. Thực hiện việc phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong quá trình hội nhập quốc tế cũng phải luôn biết “ứng vạn biến”, nghĩa là phải biết phân tích, dự đoán và mau lẹ chớp lấy thời cơ, nắm chắc và triệt để tận dụng có hiệu quả thời cơ, vận hội mới để mang lại lợi ích to lớn cho quốc gia, cộng đồng, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đó cũng chính là thước đo trình độ trí tuệ, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo và nguyên tắc lãnh đạo của Đảng ta trong quá trình chủ động hội nhập quốc tế hiện nay. Có như vậy, Đảng ta mới thực sự là một đảng mác-xít kiểu mới, luôn trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và những bài học kinh nghiệm lịch sử về thời cơ cách mạng được hội tụ và tỏa sáng từ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917 vào điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay./.
Nâng cao hiệu quả hợp tác Việt Nam - Trung Đông - Bắc Phi  (03/11/2013)
Tổng thống Putin ban hành thỏa thuận với Việt Nam về lao động nhập cư  (03/11/2013)
Các hoạt động kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa  (03/11/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay