TCCSĐT - Để góp phần làm giảm thất thoát trong thu hoạch lúa, tại Sóc Trăng, từ ngày 18/9/2010 đến ngày 24/9/2010 đã diễn ra Hội thi máy thu hoạch lúa các tỉnh phía Nam năm 2010 (lần thứ 5) do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư quốc gia, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng đồng tổ chức.

Trong những năm gần đây, tại đồng bằng sông Cửu Long cũng như nhiều vùng trong cả nước, thiếu hụt lao động trong thu hoạch lúa, thất thoát lúa trong cũng như sau thu hoạch đang là vấn đề thời sự nóng bỏng của các cấp chính quyền địa phương và bà con nông dân. Nguyên nhân chính của vấn đề thiếu hụt lao động này là việc né tránh rầy nâu truyền bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá, nên phải sạ lúa đồng loạt ở từng địa phương và khu vực cũng như sức hút lao động từ thành thị và các khu công nghiệp ngày càng tăng. Vấn đề chính làm thất thoát trong thu hoạch là phương pháp thu hoạch chia làm nhiều giai đoạn, chất lượng làm việc của các máy thu hoạch lúa chưa cao và chưa phù hợp.

Trước tình hình trên, nhiều cơ sở và công ty đã nghiên cứu chế tạo hoặc nhập nguyên chiếc các máy loại gặt đập liên hợp, đưa vào phục vụ thu hoạch lúa, nhằm thay đổi phương pháp thu hoạch và thay thế lao động thủ công. Hiện nay đã có nhiều loại máy liên hợp thu hoạch lúa có chất lượng được đưa ra sản xuất sau 4 lần tiến hành tổ chức bình tuyển. Năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo cho Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia phối hợp với Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng tổ chức cuộc bình tuyển máy thu hoạch lúa liên hợp dưới hình thức Hội thi.

Mục đích của Hội thi nhằm tuyển chọn ra các mẫu máy phù hợp, hiệu quả phục vụ sản xuất, giúp các ngành chức năng sớm có những giải pháp cụ thể để đẩy nhanh việc thực hiện cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa, giúp bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung có cơ sở để lựa chọn máy hoạt động có hiệu quả, ứng dụng nhanh vào đồng ruộng, thực hiện thành công việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Hội thi nhận được sự đồng thuận rất cao của các bên, thể hiện rõ mối quan hệ “liên kết 4 nhà”: bà con nông dân; các đơn vị chức năng của Nhà nước; các doanh nghiệp và các nhà khoa học.

Có 15 máy tham dự Hội thi (khu vực Nam sông Hậu: 7 máy, Bắc sông Hậu: 4 máy, Đông Nam bộ: 4 máy); các máy đều đạt yêu cầu về kết cấu, kiểu dáng, có nhiều chi tiết được cải tiến so với những lần thi trước; xuất xứ máy Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, trong đó Việt Nam chiếm tỷ lệ 2/3. Chất lượng làm việc của các máy có năng suất 0,3 – 0,8 hécta/giờ, độ tróc vỡ của lúa không đáng kể (<0,3%), độ sạch cao ( đa số >95%), các máy đều làm việc được trên nền đất yếu (độ lún=20cm).

Các máy tham gia Hội thi đều được cấp giấy chứng nhận, máy 4LL-1.8 của nhà sản xuất doanh nghiệp tư nhân nhựa Hoàng Thắng đọat giải nhất (xuất xứ Việt Nam), 2 máy đoạt giải nhì (xuất xứ Việt Nam), 3 máy doạt giải ba (2 máy có xuất xứ Việt Nam, 1 máy có xuất xứ Trung Quốc). Đánh giá của Ban giám khảo cho rằng, các máy gặt đập liên hợp lúa có xuất xứ của Việt Nam thích ứng với điều kiện làm việc trên đồng ruộng Việt Nam hơn với các máy nhập khẩu, nhất là trong vụ hè thu.

Tổng kết Hội thi, Ban tổ chức đã đưa ra một số kiến nghị đối với từng đối tượng: Nhà sản xuất cần bám sát thực tế đồng ruộng đề thường xuyên cải tiến máy, sản xuất nhiều máy, nhất là cần giảm giá thành máy; Nhà nông nên mạnh dạn ứng dụng máy vào trong việc thu hoạch lúa; Chính phủ mở rộng chính sách hỗ trợ cho nhà sản xuất, nhà nông; chính quyền địa phương cùng Chính phủ quan tâm ưu tiên với các dự án khuyến nông; ngân hàng, cải tiến mạnh mẽ trong các thủ tục, tỷ lệ cho các khách hàng nông dân và phục vụ nông dân vay hơn./.