Về tính đa dạng của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội: từ Các Mác tới Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực tiễn Việt Nam
Như một tất yếu và là một nhu cầu bức thiết, các nước muốn tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội không thể không trở lại với những tư tưởng của C. Mác về chủ nghĩa xã hội, vì “nếu đi theo bất cứ con đường nào khác thì... chỉ có thể đi tới dối trá và lẫn lộn”, như V. I. Lê-nin cảnh báo.
Nhưng hiện nay, hơn bao giờ hết, trước sự đổ vỡ một bộ phận lớn của chủ nghĩa xã hội hiện thực thế giới, và trước những lời thóa mạ, thậm chí kết tội và phủ nhận C. Mác, chúng ta phải tiếp tục làm gì để hiểu đúng và phát triển tư tưởng của Người? Đặc biệt, trước sự xuyên tạc, bôi nhọ C. Mác, trước “những lời phóng thuật tự do, những cách giải thích tuỳ tiện” tư tưởng C. Mác, chúng ta cần nỗ lực tìm và hiểu C. Mác đã nói gì và nói như thế nào về triển vọng đa dạng hóa phương thức, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và quan trọng hơn, vận dụng những điều ấy ra sao trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay?
Đi trên con đường C. Mác vạch ra, sau hơn 26 năm, càng tiếp tục đẩy tới công cuộc đổi mới xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng ta càng thấy con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn, càng như gặp gỡ, hội tụ về với cội nguồn tư tưởng C. Mác và Chủ tịch Hồ Chí Minh ở một quy mô mới, tầm cao mới và với một chiều sâu mới.
Tính đa dạng của chủ nghĩa xã hội và sự phong phú của những con đường xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa: Từ C. Mác tới Chủ tịch Hồ Chí Minh
Những con đường C. Mác đã tiên liệu…
Trong sự nghiệp hoạt động lý luận khoa học và thực tiễn cách mạng của mình, C. Mác không bao giờ tự bó mình trong những khuôn khổ giáo điều cứng nhắc chật hẹp, và Người cũng luôn nhắc nhở, yêu cầu chúng ta về điều đó. Chủ nghĩa xã hội khoa học, mà C.Mác là người đặt nền móng sở dĩ trở thành khoa học, trước hết vì nó đứng vững trên miếng đất hiện thực, “là biểu hiện khái quát của những quan hệ thực tại của một cuộc đấu tranh giai cấp hiện có, của một sự vận động lịch sử - đang diễn ra trước mắt chúng ta”, và “là một phong trào hiện thực... xóa bỏ trạng thái hiện nay”. Một trong những vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng nhất, then chốt nhất và đồng thời cũng là nan giải nhất của chủ nghĩa xã hội khoa học như C. Mác nhận định và tự mình tập trung kiến giải chính là vấn đề chủ nghĩa cộng sản được sinh ra như thế nào?
Trên cơ sở nghiên cứu chủ nghĩa tư bản châu Âu, C. Mác thấy “sự vĩ đại và tính tất yếu nhất thời của bản thân chế độ tư sản”, đồng thời cũng khám phá ra rằng nó cũng chứa đựng vô vàn mâu thuẫn, tự thân nó không thể và không bao giờ đủ sức giải quyết; và Người dự cảm tới một lúc nào đó cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ nổ ra, ở tất cả các nước tư bản chủ nghĩa phát triển, mà tối thiểu cũng diễn ra đồng thời ở Anh, Pháp, Mỹ, Đức. Vào những năm 60 của thế kỷ XIX, C. Mác hình dung điều đó như một tương lai rất gần: giai cấp công nhân Anh phải chuẩn bị tốt về mọi mặt để gánh vác trọng trách, giai cấp vô sản Pháp sẽ đóng vai trò là đội quân tiên phong cách mạng, khi thời cơ đến thì người Pháp phát tín hiệu nổ súng và người Đức giải quyết chiến đấu... Nói cách khác, C. Mác quan tâm rằng, chủ nghĩa cộng sản được trực tiếp sinh ra một cách tất yếu từ xã hội tư bản phát triển cao.
C. Mác đã lấy chủ nghĩa tư bản phát triển một cách thuần tuý làm tiền đề, làm điều kiện để khám phá, phát hiện về chủ nghĩa xã hội. Ở một loạt tác phẩm: “Nội chiến ở Pháp” (năm 1871), “Phê phán cương lĩnh Gô-ta” (năm 1875)... được hoàn thành trên cơ sở những kết luận khoa học chủ yếu của bộ “Tư bản” (năm 1867) và kinh nghiệm thực tiễn nóng hổi của Công xã Pa-ri (năm 1871), C. Mác đã luận giải một cách hết sức chặt chẽ và đầy đủ giả định này. Đây không phải là một “dự đoán vu vơ” mà là một giả thuyết khoa học được rút ra khi Người đặt vấn đề chủ nghĩa cộng sản sinh ra như thế nào, biết nguồn gốc của nó và định được rõ rệt hướng của những biến đổi của nó, như V. I. Lê-nin chỉ rõ. Từ đây, C. Mác đưa ra kết luận về sự diệt vong không tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản trên cơ sở phát hiện những điều kiện cần thiết để thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, khẳng định tính quy luật của việc thay thế nó bằng chủ nghĩa cộng sản, với hai giai đoạn chủ yếu là: giai đoạn thấp - “một xã hội cộng sản chủ nghĩa vừa thoát thai từ xã hội tư bản chủ nghĩa, do đó là một xã hội, về mọi phương diện - kinh tế, đạo đức, tinh thần - còn mang những dấu vết của xã hội cũ mà nó đã lọt lòng ra”; và giai đoạn cao - “xã hội cộng sản chủ nghĩa đã phát triển trên cơ sở của chính nó”. Sau này, Ph. Ăng-ghen gọi giai đoạn thấp ấy của chủ nghĩa cộng sản, theo ý C. Mác, là chủ nghĩa xã hội. Rõ ràng, ở đây thực chất tư tưởng của C. Mác cho rằng, chủ nghĩa xã hội chính là kết quả của sự phát triển chín muồi của chủ nghĩa tư bản và từ chủ nghĩa tư bản.
Nhưng thực tế cho thấy, giả định khoa học trên của C. Mác về việc chủ nghĩa cộng sản sẽ xây dựng ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển cao, cho đến nay đã tròn 130 năm kể từ khi C. Mác mất, chưa trở thành hiện thực. Phải chăng, trong các giả định khoa học về tương lai của C. Mác có điểm nhầm lẫn? Và phải chăng, sau này V. I. Lê-nin đi ngược lại tư tưởng C. Mác? Chính ở điểm này mà những người đang ra sức công kích, phủ nhận C. Mác, đem “đối lập” V. I. Lê-nin với Người.
Thực ra, C. Mác không hề có sự “đối lập” nào với V. I. Lê-nin ở luận điểm này, như ai đó bôi nhọ. Vì bên cạnh giả định trên, ở một góc độ khác, C. Mác đồng thời nêu lên một giả định thứ hai về xã hội cộng sản ra đời từ khởi điểm một xã hội tiền tư bản chủ nghĩa - vấn đề mà sau này V. I. Lê-nin tiếp tục nghiên cứu và thực hiện thành công.
Sinh thời, C. Mác dành tâm sức, tập trung sự chú ý nghiên cứu kết cấu xã hội và tiến trình lịch sử của các nước lạc hậu phương Đông. Bởi chưa bao giờ quan niệm lịch sử sẽ đi đều bước như một cuộc diễu binh, nên khi nhìn sang phương Đông, C. Mác thấy các xã hội ở đây mang những nét đặc thù và do ảnh hưởng khách quan của chúng, nếu chỉ lấy sự ra đời và kế tiếp lẫn nhau một cách tuần tự của các hình thái kinh tế - xã hội (từ cộng sản nguyên thủy đến chiếm hữu nô lệ, lên phong kiến và tư bản chủ nghĩa) như các nước phương Tây đã trải qua, để kiến giải, thì chưa đủ. Trong những thư từ công bố trước năm 1855 và nhất là với công trình “Sự thống trị của Anh ở Ấn Độ” (10-6-1853), C. Mác phân tích hết sức cơ bản, thấu triệt các nét đặc thù của những xã hội phương Đông, đi tới khái quát và rút ra hai điểm điển hình là: “Nhà nước chuyên chế phương Đông - chuyên chế châu Á” và “chế độ công xã nông thôn”.
Khảo cứu nhà nước chuyên chế phương Đông, C. Mác viết: “Ở châu Á, từ những thời kỳ xa xưa, thường thường chỉ có ba ngành quản lý: Bộ Tài chính hay là bộ cướp bóc nhân dân của chính nước mình, Bộ Chiến tranh hay là bộ cướp bóc nhân dân các nước khác, và sau cùng là Bộ Công trình công cộng”. Về công xã nông thôn và tính đặc biệt của nó, C. Mác nêu rõ: “... rải rác trên khắp lãnh thổ của đất nước, song tập trung trong những trung tâm nhỏ bé nhờ vào mối liên hệ có tính chất gia trưởng giữa lao động nông nghiệp và lao động thủ công nghiệp - cả hai tình hình đó, từ những thời kỳ xa xưa nhất, đã đẻ ra một chế độ xã hội đặc biệt gọi là chế độ công xã nông thôn, chế độ này đã đem lại cho mỗi đơn vị nhỏ bé đó cái tổ chức độc lập của nó” và “là cơ sở bền vững của chế độ chuyên chế phương Đông”. Trong thư gửi Ph. Ăng-ghen, đề ngày 2-6-1853, C. Mác viết: “Nhà vua là kẻ sở hữu duy nhất tất cả mọi đất đai trong quốc gia” và “...tình hình không có chế độ tư hữu về ruộng đất. Đó là chiếc chìa khóa thật sự ngay cả cho thiên giới phương Đông”. Tháng giêng năm 1859, trong tác phẩm “Góp phần phê phán khoa học kinh tế - chính trị” của mình, C.Mác chính thức sử dụng khái niệm “phương thức sản xuất châu Á” với nội hàm rất riêng biệt của nó. Nhưng 9 năm sau, năm 1868, tiếp xúc với công trình khoa học “Cơ cấu ma-cơ, nông thôn... của Đức” của G.L. Von Mô-rơ (nhà sử học và luật học, 1790 - 1872), C. Mác thừa nhận: “Những hình thức sở hữu châu Á hay Ấn Độ là những hình thức ban đầu ở khắp nơi trên châu Âu”. Vậy là, ở đây có một sự tương đồng nào đó giữa phương Tây trước kia với phương Đông hiện thời C. Mác, những năm 70 của thế kỷ XIX.
Nhưng chính thời điểm ấy, ở phương Đông xuất hiện ánh bình minh của cách mạng, như C. Mác nói, “một cuộc cách mạng xã hội hết sức vĩ đại”, đến mức “nếu không có một cuộc cách mạng căn bản trong các điều kiện xã hội của châu Á thì liệu loài người có thể hoàn thành được sứ mệnh của mình không”; trong khi đó ở châu Âu, tình thế cách mạng của giai cấp vô sản lại tương đối im ắng. Cùng với thời gian, C. Mác kiên tâm dõi theo sự biến động với một góc nhìn đột phá, mới mẻ, đầy mẫn cảm và phát hiện thấy ở chính nơi đây đã lấp lánh tương lai của các xã hội này.
Và như một tất yếu, vào năm 1881, trên cơ sở nghiên cứu thấu đáo thực tiễn lịch sử ở phương Đông, nhất là ở nước Nga công xã, C. Mác tìm thấy giải đáp cho giả định của mình về khả năng xã hội cộng sản có thể ra đời từ một xã hội tiền tư bản, thậm chí kém phát triển. Phân tích công xã nông thôn Nga, C. Mác viết: “Nó có thể trở thành điểm xuất phát trực tiếp của chế độ kinh tế mà xã hội hiện nay hướng tới; nó có thể đội lốt mà không phải bắt đầu bằng tự sát... Nó có thể đoạt lấy những thành quả do nền sản xuất tư bản chủ nghĩa làm giàu cho nhân loại mà không phải trải qua chế độ tư bản chủ nghĩa”. Thế là, giả định của C. Mác đã rõ ràng. Không dừng lại, C. Mác kiến giải rõ hơn: “Không kể đến tất cả những thống khổ đè nặng hiện nay lên “công xã nông thôn” Nga và chỉ xem xét tới hình thức cấu tạo của nó, thì ngay từ đầu ta thấy rõ ràng một trong những tính chất cơ bản của nó, chế độ sở hữu công cộng về ruộng đất, tạo nên cơ sở tự nhiên của sản xuất tập thể và chiếm hữu tập thể. Hơn nữa, việc người nông dân Nga “quen thuộc với các quan hệ các-ten sẽ giúp họ dễ dàng chuyển từ việc canh tác lẻ tẻ sang nền canh tác tập thể”. Và cuối cùng, C. Mác kết luận: “Để cứu vãn công xã Nga phải có một cuộc cách mạng Nga”.
Một năm sau đó, năm 1882, C. Mác quả quyết: “Nếu cách mạng Nga báo hiệu một cuộc cách mạng vô sản... thì chế độ ruộng đất công cộng ở Nga hiện này sẽ có thể là khởi điểm của một sự tiến triển cộng sản chủ nghĩa”. Và chính Ph. Ăng-ghen, vào tháng Giêng năm 1891, khẳng định thêm một lần nữa ý tưởng khoa học này của C. Mác: “Người Nga do có các-ten và có chế độ sở hữu công xã về ruộng đất, nên là một dân tộc được chủ nghĩa xã hội tuyển lựa!”. Ta biết, về sau V. I. Lê-nin đã vận dụng tư tưởng lý luận này của C. Mác vào việc nhận thức xã hội Nga để tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước Nga và điều đó phủ nhận quan điểm cho rằng, V. I. Lê-nin đi ngược lại tư tưởng của C. Mác. Nếu ở trên, từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản là bước quá độ trực tiếp, thì ở đây chủ nghĩa cộng sản có thể được nảy nở từ các nước kém phát triển, mà sau này V.I. Lê-nin gọi là bước quá độ gián tiếp. Rõ ràng, đó là sự tiếp tục tư tưởng của chính C. Mác.
Nói tóm lại, với các giả định trên, lần đầu tiên C. Mác thực sự mở ra triển vọng đi lên chủ nghĩa xã hội đối với tất cả các nước, dù ở phương Tây tư bản chủ nghĩa, hay phương Đông lạc hậu, kém phát triển. Ở đây, từ chiều sâu tư tưởng của C. Mác, có thể nói, trong thời đại ngày nay, mọi quốc gia, mọi dân tộc đều có thể và cần phải tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa theo những phương thức, con đường, bước đi không nhất thiết phải luôn luôn giống nhau; nhưng phải phù hợp với quy luật khách quan và điều kiện lịch sử cụ thể. Với mục tiêu chung, cơ bản của chủ nghĩa xã hội, dù ở các trình độ khác nhau, mọi quốc gia, dân tộc cuối cùng sẽ đi tới xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, với con đường rất phong phú, đa dạng.
…Và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong tầm nhìn Hồ Chí Minh
Kế thừa tư tưởng của C. Mác, ngay từ năm 1921, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: Ở Việt Nam, sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi, chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi; chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới. Và chín năm sau đó, năm 1930, Người lại nêu trong Chánh cương vắn tắt của Đảng: Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Người lại khẳng định: Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Và cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn.
Những suy tư về chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh, đồng thời xuất hiện với những trăn trở về con đường giải phóng dân tộc ở thời kỳ đầu (1920-1945). Lúc ấy, chủ nghĩa xã hội chưa trở thành hiện thực trực tiếp của cách mạng Việt Nam, do vậy Người chưa có điều kiện để khai phá toàn diện. Và sau này, suốt 15 năm (từ năm 1954 đến 1969), Người luận giải và lãnh đạo thực hiện thành công những nội dung chủ yếu của vấn đề này, mặc dù cách mạng nước ta lúc đó đồng thời làm hai nhiệm vụ chiến lược.
Nhưng đi lên chủ nghĩa xã hội thế nào, con đường, phương thức và tốc độ ra sao..., quả là vấn đề còn được ít người bàn tới. Kỳ thực, đây lại là vấn đề hoàn toàn không xa lạ đối với Hồ Chí Minh. Ngay đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ sức mạnh của lý tưởng xã hội chủ nghĩa trong cuộc gieo mầm cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, như đã trình bày. Nhưng con đường sau cuộc giải phóng là gì? Chế độ cộng sản chủ nghĩa có bén rễ được ở châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng không? Sau khi phân tích các điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội, địa lý, lịch sử... Hồ Chí Minh đã hình dung thấy rõ sự khác nhau giữa các quốc gia, châu lục trong việc tiếp nhận chủ nghĩa xã hội và đi tới khẳng định: “Chủ nghĩa cộng sản thâm nhập dễ dàng vào châu Á, dễ dàng hơn là ở châu Âu”.
Trên cơ sở nhận thức lý luận ấy, vào những năm 60 của thế kỷ XX, sau các chuyến đi thăm Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng có thêm cơ sở thực tiễn và lý luận để thâu tóm kinh nghiệm, bài học nhằm chính xác hóa và phát triển nhận thức của mình về chủ nghĩa xã hội. Người đã kiếm tìm và nỗ lực xác lập một mô hình chủ nghĩa xã hội riêng phù hợp với Việt Nam, không rập khuôn, giáo điều và xuất phát từ tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của ta. Người nói: “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác... ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Trong tình hình mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, vào thời điểm bấy giờ, được tuyệt đối hóa, được nhiều nước mô phỏng thì nhận thức ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh quả thật hết sức mạnh dạn, độc lập và mới mẻ.
Toàn bộ những tìm tòi, phát kiến ấy của Người đã trở thành nền tảng tư tưởng và phương châm chỉ đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời với nhiệm vụ đấu tranh giải phóng miền Nam. Đây chính là nét độc đáo, đầy sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, làm thay đổi nhận thức từ lâu nay của nhiều người vẫn cho rằng: Chỉ có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện hoà bình; ở Việt Nam, thì trái lại độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội gắn chặt với nhau, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa chiến đấu chống giặc Mỹ, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Kiên định đi trên con đường C. Mác và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra
Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nhất là sau gần 26 năm đổi mới, ngày càng khẳng định ý nghĩa của những tìm tòi của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng của C. Mác. Một trong những thành công nổi bật nhất ở đây là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo dân tộc Việt Nam giải quyết các mối quan hệ trong quá trình “đoạt lấy những thành quả do nền sản xuất tư bản chủ nghĩa làm giàu cho nhân loại mà không phải trải qua chế độ tư bản chủ nghĩa”, “nắm được những thành tựu của thời đại tư sản, nắm được thị trường thế giới và các lực lượng sản xuất hiện đại, và làm cho những cái ấy phải chịu sự kiểm soát chung...”, như C.Mác chỉ dẫn. Và, chúng ta càng có nhiều cơ hội phát huy sự năng động của mình trong công cuộc đưa nước ta “trở thành điểm xuất phát trực tiếp của chế độ kinh tế mà xã hội hiện nay đang hướng tới”. Do đó, trong việc ”đoạt lấy thành quả” hay “mượn tiền đề của chủ nghĩa tư bản” hiện nay để thực hiện sự “rút ngắn và giảm bớt được những cơn đau đẻ”, như C. Mác nói, việc bỏ qua giai đoạn này hay giai đoạn khác một cách biện chứng là hợp quy luật. Điều quan trọng là, phải tìm ra được những giải pháp đúng đắn, thích hợp để đi lên. Sự rập khuôn, máy móc, du nhập mô hình nước ngoài một cách cứng nhắc sẽ dẫn đến thất bại. Và, Việt Nam bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội sau khi giải phóng miền Bắc năm 1954 một cách độc lập, sáng tạo, đồng thời với nhiệm vụ đấu tranh giải phóng miền Nam.
Nhìn lại thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng, con đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam càng trải dài qua hơn 83 năm thì hình hài, vóc dáng và hệ tố chất của nó càng hiện dần lên qua mỗi chặng đường vận động của lịch sử dân tộc. Từ con đường với tư cách là mục tiêu, lý tưởng tới con đường là sự vận động hiện thực của đất nước để vươn tới mục tiêu lý tưởng đó; từ con đường là hiện thực còn sơ khai, giản lược tới con đường ngày càng rõ nét, toàn diện và hoàn thiện hơn, dẫn tới gần mục tiêu hơn, thông qua hàng loạt bước phủ định biện chứng: phủ nhận chế độ thuộc địa, nửa phong kiến; phủ nhận chế độ tư bản chủ nghĩa trong mỗi bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội; phủ nhận mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội kiểu cũ... Và cứ như vậy, chúng ta bước đầu xác lập một khái niệm với nội hàm khá đầy đủ và hệ thống về chủ nghĩa xã hội: Vừa là mục tiêu lý tưởng, vừa là sự vận động hiện thực rộng lớn của đất nước vừa là một chế độ xã hội - chính trị phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã làm bật lên và khẳng định mục tiêu bất di bất dịch, cao cả và thiêng liêng: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội gắn liền với độc lập dân tộc. Đó là con đường phát triển xã hội chủ nghĩa có tính chất rút ngắn biện chứng - hiện thân sinh động và sâu sắc của tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh - sáng tạo theo học thuyết Mác - Lê-nin ở Việt Nam. Đó chính là con đường xuất phát từ thực tế Việt Nam, thực hiện bằng phương thức, bước đi đặc thù Việt Nam, kiến tạo nên xã hội xã hội chủ nghĩa mang bản sắc Việt Nam. Đó cũng chính là con đường nhỏ trong con đường lớn toàn nhân loại tất yếu tiến lên chủ nghĩa xã hội; một bộ phận, một biểu hiện cụ thể của xu thế phát triển tất yếu của thời đại ngày nay - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.
Điểm hết sức độc đáo, mới mẻ làm nên bản sắc của con đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục cuộc hành trình trong thế kỷ XXI là, tiến lên chủ nghĩa xã hội “bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa”. Đó là con đường Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, bằng hệ phương thức và bước đi phù hợp với quá trình lịch sử - tự nhiên tiến lên chủ nghĩa xã hội thông qua sự rút ngắn các giai đoạn, bước diễn tiến của nền văn minh loài người (về thời hạn, nấc thang phát triển...) dựa trên nền tảng sự tăng trưởng vượt bậc sức sản xuất xã hội. Nghĩa là, chúng ta “bỏ qua” chế độ tư bản chủ nghĩa tiến lên chủ nghĩa xã hội theo cách riêng của mình hợp quy luật phổ biến, từ thực tế của đất nước và hợp với xu thế phát triển của thời đại, không chịu bất cứ một sức ép nào từ bên ngoài và nhất là không ảo tưởng vào một mô hình tiên nghiệm hay sẵn có nào.
Đảng ta hình dung và quyết định hết sức rõ, tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, với tư cách là một thể chế chính trị, nhưng phải rất tôn trọng quá trình lịch sử - tự nhiên, nhất là quá trình phát triển kinh tế, không thể nóng vội hay chủ quan, duy ý chí đối với quá trình này. Nói cụ thể, sự phát triển “rút ngắn” ở đây được hiểu chính là tiến trình đẩy nhanh tương đối quá trình phát triển xã hội chủ nghĩa bằng cách thông qua những khâu trung gian, những hình thức quá độ, nhất là tăng trưởng kinh tế một cách phù hợp, trong điều kiện chúng ta tiến lên chủ nghĩa xã hội với điểm xuất phát thấp. Đó là sự phát triển đứt đoạn trong liên tục, tuần tự kết hợp với nhảy vọt biện chứng. Đồng thời, Đảng ta cũng ý thức rất rõ và hoạch định chính xác những bước đi cơ bản và quyết định bảo đảm thành công bước “bỏ qua” một cách biện chứng, nhất là những tính quy luật chung của quá trình phát triển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, “bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa”, Đảng ta cũng ý thức hết sức minh triết việc phủ định một cách biện chứng và việc chủ động kế thừa và phát triển những thành tựu toàn diện, những kết quả tích cực của chủ nghĩa tư bản, nhất là quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của thế giới.
Phát huy những thành công của gần nửa thế kỷ xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là hơn 26 năm đổi mới, Đảng ta càng quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển cả về quy mô, tính chất và chiều sâu nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và coi đây là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam gắn chặt với việc bảo đảm các vấn đề xã hội, trong mỗi bước đi. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của thế giới, khi quy mô và tốc độ toàn cầu hóa kinh tế đang mở rộng và tăng tốc không ngừng, khi kinh tế tri thức đang phát triển mạnh mẽ và tạo nên những xung lực mới, những cuộc bứt phá, đảo lộn với tốc độ vô cùng lớn; khi nền văn minh chính trị và tiến bộ thế giới không ngừng phát triển...
Và, chủ nghĩa xã hội hiện thực mang bản sắc Việt Nam không ai có thể bác bỏ được, là sự thể hiện sinh động tư tưởng C. Mác và Chủ tịch Hồ Chí Minh, về sự phong phú của những con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, trong thời đại ngày nay.
Rõ ràng, những luận điểm của C. Mác về một nước Nga lạc hậu có thể “trở thành điểm xuất phát trực tiếp” đi lên chủ nghĩa xã hội mà “không phải trải qua chế độ tư bản chủ nghĩa” đã trở thành hiện thực ở Việt Nam, Trung Quốc, Cu-ba ngày nay. Sức sống tư tưởng của C. Mác về triển vọng đa dạng hóa những phương thức, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là bất diệt. Càng tiếp tục đẩy tới công cuộc đổi mới xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa hiện nay, chúng ta càng thấy con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta được xác định rõ hơn, càng như gặp gỡ, hội tụ về với cội nguồn tư tưởng C. Mác và Chủ tịch Hồ Chí Minh ở một quy mô mới, tầm cao mới, và với một chiều sâu mới. Nói như đồng chí Ha-ri-san Xing Xơ-dít, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Ấn Độ (mác-xít) tham dự Đại hội IX của Đảng ta: “Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thông qua cải cách... Các đồng chí đã nghiêm túc nỗ lực áp dụng học thuyết khoa học mác-xít lê-nin-nít vào điều kiện cụ thể của Việt Nam dưới tên gọi tư tưởng Hồ Chí Minh”, chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực ngày càng sinh động, dân tộc Việt Nam đang tiếp tục bước đi mạnh mẽ và vững chắc trên con đường xã hội chủ nghĩa, nhịp bước cùng thời đại./.
Nhiều việc làm thiết thực nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam  (08/08/2013)
Năm 2012 đứng thứ tám trong 10 năm nóng nhất từ 1880  (08/08/2013)
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7  (08/08/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên