Hội Khí tượng học Mỹ vừa công bố báo cáo thường niên mang tên "Tình trạng khí hậu" cho biết năm 2012 vừa qua là một trong 10 năm có nhiệt độ mặt đất và bề mặt đại dương cao kỷ lục.

 

Báo cáo do các nhà nghiên cứu của Cơ quan Khí quyển đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) soạn thảo, có sự tham gia của các chuyên gia về khí tượng học từ nhiều nước, cho biết năm 2012 đứng thứ 8 trong 10 năm nóng nhất trên Trái Đất kể từ năm 1880, khi các dữ liệu nhiệt độ toàn cầu bắt đầu được ghi chép.

 

Theo đó, nhiệt độ toàn cầu năm 2012 cao hơn từ 0,14-0,17 độ C so với nhiệt độ trung bình của các năm trong giai đoạn từ 1981 - 2010. Đây cũng là năm Mỹ và Argentina ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước tới nay.

 

Ngoài tình trạng nhiệt độ tăng cao, năm 2012 đánh dấu nhiều sự biến đổi dẫn tới thời tiết cực đoan, như lượng khí thải cácbon, mực nước biển, lượng băng tan tại Bắc Cực... đều ở mức kỷ lục, và tất cả những dấu hiệu này khiến toàn bộ hành tinh ấm dần lên.

 

Nhiệt độ bề mặt tại Bắc Cực đã tăng với tốc độ nhanh gấp hai lần so với các nơi khác của thế giới, khiến lượng băng tan lớn hơn bao giờ hết.

 

Điều này góp phần đẩy mực nước biển dâng cao kỷ lục, cao hơn 3,5cm so với mức nước biển trung bình từ năm 1993 - 2010. Cụ thể, mực nước biển đã tăng trung bình khoảng 3,2mm mỗi năm trong hơn 2 thập niên qua.

 

Báo cáo cũng cho biết tiếp tục xu hướng bắt đầu từ năm 2004, độ mặn của các đại dương ở những khu vực có tỷ lệ nước bốc hơi cao cũng cao hơn mức trung bình, như vùng nhiệt đới trung tâm ở Bắc Thái Bình Dương, trong khi tại các khu vực có mưa, như vùng Bắc Ấn Độ Dương, nước biển lại nhạt hơn.

 

Năm 2012 cũng ghi nhận hiện tượng lượng mưa ngày càng tăng ở những những khu vực vốn mưa nhiều, còn những vùng khô hơn lại ít mưa, và tốc độ bay hơi của nước biển cũng mạnh hơn.

 

Đề cập khí thải gây hiệu ứng nhà kính (chủ yếu gồm điôxít cácbon và mêtan), báo cáo cho biết lượng khí thải và mật độ loại khí thải này trong không khí đều tiếp tục tăng trong năm 2012.

 

Sau khi giảm nhẹ do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, lượng khí thải điôxít cácbon từ quá trình đốt cháy năng lượng hóa thạch và sản xuất ximăng lên tới 9,7 tỷ tấn, vượt qua cả mức kỷ lục của năm 2011.

 

Hạn hán và mưa trái mùa cũng đã ảnh hưởng đến nhiều khu vực trên toàn cầu trong năm ngoái, như Đông Bắc Brazil hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 3 thập kỷ.

 

Trong khi đó, khu vực Caribe trải qua mùa khô ẩm ướt nhất trong năm 2012, còn khu vực Sahel của châu Phi ghi nhận mùa mưa có lượng mưa lớn nhất trong vòng 50 năm qua.

 

Đây là lần thứ 23 Hội khí tượng học Mỹ công bố báo cáo này, và đây cũng được xem là báo cáo đầy đủ nhất về tình trạng khí hậu toàn cầu./.