BRIC - hợp tác cùng phát triển
TCCS - Nhắc đến BRIC là nói đến tứ giác gồm 4 nền kinh tế mới nổi: Bra-xin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Đây được coi là những nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự phục hồi nền kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Theo giới phân tích, BRIC đang dần có tầm ảnh hưởng đáng kể trên vũ đài quốc tế, ngày càng chứng tỏ ý nguyện hợp tác và phối hợp chung trong nội khối nhằm tìm cách "cân bằng" vị thế toàn cầu, chống lại "thế giới đơn cực" do Mỹ chủ đạo.
Tăng cường quan hệ song phương
- Hợp tác Nga - Ấn Độ
Trước hết phải nói rằng, quan hệ Nga - Ấn là khá thuận lợi, bởi hai nước gần như không có xung đột về lợi ích chiến lược, không có vấn đề tồn tại đáng kể, có quan điểm gần gũi trong các vấn đề quốc tế, như: an ninh tại Áp-ga-ni-xtan, I-rắc; chương trình hạt nhân của I-ran; tình hình Trung Đông...
Với việc Nga đang vươn lên mạnh mẽ để tái khẳng định vị thế siêu cường trên thế giới, Ấn Độ chủ trương thúc đẩy quan hệ chiến lược với Nga về quốc phòng, quân sự, năng lượng, kinh tế, thương mại. Thủ tướng Ấn Độ M.Xinh đã gọi Nga là người bạn lớn. Trên thực tế, Nga đã là đối tác chiến lược đáng tin cậy của Ấn Độ từ năm 1947. Đối với Nga, Ấn Độ là một đồng minh, một đối tác quan trọng, bởi vai trò và ảnh hưởng của nước này ở khu vực châu Á đang ngày càng mở rộng.
Hai nước hiện đang cùng nhau khai thác yếu tố truyền thống nhằm gia tăng quan hệ dựa trên lợi thế so sánh. Năm 2007, Nga và Ấn Độ đã ký 10 hiệp định về năng lượng, công nghệ cao, viễn thông, công nghiệp đóng tàu, quốc phòng... Cũng nhờ sự nỗ lực của cả hai bên, mỗi năm, khối lượng trao đổi thương mại đều tăng: năm 2008 đạt 5 tỉ USD; năm 2009 tăng 5,4 tỉ USD. Hai bên đặt ra mục tiêu đưa khối lượng thương mại song phương lên 10 tỉ USD vào năm 2010, 20 tỉ USD vào năm 2015. Thủ tướng Ấn Độ nói: “Chúng tôi tin tưởng thương mại giữa hai nước sẽ không giới hạn và giá trị thương mại sẽ lớn hơn”.
Ngoài thương mại, dựa vào nguồn tài nguyên giàu có của mình, Nga còn có khả năng bảo đảm an ninh năng lượng cho Ấn Độ. Nhiều dự án lớn hợp tác giữa hai bên đã được triển khai như: Ấn Độ đầu tư khai thác khí đốt tại khu vực Sa-kha-lin và vịnh Ben-gal..., tổ chức thăm dò khai thác dầu tại vùng hồ Bai-can và Xi-bê-ri. Về dịch vụ, ngành ngân hàng của hai nước được tăng cường thông qua việc thành lập các chi nhánh.
Về quân sự, quốc phòng, Nga cung cấp 70% trang thiết bị quân sự cho Ấn Độ. Hai nước đã hợp tác phát triển nhiều loại vũ khí hiện đại, qua đó Ấn Độ tiếp thu công nghệ tiên tiến, nâng cấp các vũ khí chiến lược. Ngoài ra, việc tăng cường hợp tác với Nga giúp Ấn Độ mở rộng ảnh hưởng, đặc biệt là ở Nam Á và Đông Nam Á, bằng việc cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự cho các nước trong khu vực. Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt về năng lượng hạt nhân là trọng tâm của mối quan hệ song phương. Gần đây, hai bên đã thỏa thuận cùng sản xuất máy bay vận tải quân sự cũng như máy bay chiến đấu thế hệ mới. Nga cũng giúp Ấn Độ thành lập cơ sở quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Tát-gi-ki-xtan.
- Hợp tác Ấn Độ - Trung Quốc
Đây là hai quốc gia lớn tại châu Á, đang vươn lên mạnh mẽ, có nhiều điểm tương đồng về chiến lược, lợi ích quốc gia và mục tiêu phát triển. Cả hai cùng cần môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế, vươn lên nắm vị thế quốc tế lớn hơn.
Đối với Ấn Độ, chiến lược của Trung Quốc là tăng cường hợp tác kinh tế, tìm kiếm thị trường; lôi kéo, tranh thủ, không để Ấn Độ rơi vào vòng ảnh hưởng của Mỹ. Với Trung Quốc, Ấn Độ hướng tới mục tiêu tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, hợp tác năng lượng, thúc đẩy các lợi ích chung, nỗ lực tìm giải pháp cho các vấn đề còn tồn đọng. Tháng 1-2008, Thủ tướng Ấn Độ đã sang thăm Trung Quốc, ký văn kiện về “Triển vọng chung Trung Quốc - Ấn Độ trong thế kỷ XXI”, trong đó nhấn mạnh: xây dựng quan hệ hữu nghị và tin cậy trên cơ sở bình đẳng, thấu hiểu mối quan tâm và mong muốn của cả hai bên. Tháng 9-2008, Trung Quốc và Ấn Độ đi đến nhất trí tăng cường quan hệ trên mọi mặt. Hai bên đã đạt được nhiều nhận thức chung, xích lại gần nhau, giải tỏa những căng thẳng để phát triển. Đây là những bước đi đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thời đại, với lợi ích của từng quốc gia. Thế kỷ XXI là thế kỷ của châu Á. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nền kinh tế lớn, do vậy tăng cường quan hệ với nhau là cần thiết. Thủ tướng Ấn Độ nêu rõ, quan hệ hai bên đang phát triển mạnh và có ý nghĩa chiến lược toàn cầu quan trọng.
Quan hệ kinh tế Trung - Ấn đang trong giai đoạn bùng phát. Về thương mại, những năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng đáng kể. Năm 2006, thương mại song phương đạt 25 tỉ USD, đưa Ấn Độ trở thành đối tác thương mại thứ 10 của Trung Quốc. Năm 2007, giá trị trên đạt 37,7 tỉ USD; năm 2008 là 40 tỉ USD. Hai nước đã ký một thỏa thuận đưa thương mại song phương lên 60 tỉ USD vào năm 2010. Đáng chú ý là hai nước đã phát triển cả thương mại biên giới - loại hình thương mại đóng vai trò quan trọng trong quan hệ kinh tế - chính trị hai nước. Hai bên cũng đã mở rộng danh sách những mặt hàng được buôn bán qua biên giới tại Sikkim và Tây Tạng, mở lại “Con đường tơ lụa”... Trung Quốc hiện đang là bạn hàng lớn thứ hai của Ấn Độ và đang phấn đấu trở thành đối tác thương mại hàng đầu trong thời gian tới. Ấn Độ cũng đang đặt mục tiêu vươn lên trở thành bạn hàng lớn thứ sáu của Trung Quốc.
- Hợp tác Trung Quốc - Nga
Quan hệ giữa hai nước lớn này cũng đã được thiết lập từ lâu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hàng chục năm qua quan hệ này đã nguội lạnh và điều đó chỉ chấm dứt khi hai nước ký Hiệp ước “Hữu nghị, láng giềng và hợp tác tốt” vào năm 2001. Một kỷ nguyên mới của quan hệ “chiến lược và thực tế” được bắt đầu. Hai bên đã duy trì quan hệ tốt đẹp và hợp tác có nhiều tiến triển, tiếp tục thúc đẩy các quan hệ phục vụ lợi ích mỗi bên cũng như lợi ích của cả khối. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cho biết, Trung Quốc và Nga đang tăng cường sự tin tưởng chiến lược, nâng quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới. Thắt chặt quan hệ với Nga là một ưu tiên ngoại giao của nước này. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đánh giá quan hệ Trung - Nga đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay và đây cũng là giai đoạn lịch sử quan trọng nhất trong quan hệ của hai nước. Về phía Nga, thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực luôn là nguyện vọng của Nga. Yếu tố địa - chính trị đã gắn kết Trung Quốc và Nga, tạo nên một thể thống nhất, hỗ trợ nhau trong việc “giữ cửa” cho cả hai nước. Mặt khác, cùng là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nga và Trung Quốc có điều kiện để liên kết với nhau chặt chẽ hơn.
Đến nay, hai nước đã xây dựng được sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị, nhanh chóng mở rộng hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ, giáo dục và văn hóa. Quan hệ thương mại là thế mạnh của hai nước. Năm 2008, kim ngạch thương mại song phương đã đạt 56 tỉ USD. Trung Quốc đặt mục tiêu đầu tư vào Nga sẽ đạt 12 tỉ USD vào năm 2020. Về năng lượng, hai bên cam kết là đối tác lâu dài và thỏa thuận sẽ cung cấp dầu thô cho nhau trong 20 năm, thông qua đường ống dẫn dầu Xi-bê-ri - Thái Bình Dương. Về quân sự, Nga vẫn là nước cung cấp chủ yếu vũ khí cho Trung Quốc.
- Hợp tác Bra-xin - Trung Quốc
Mặc dù có sự xa xôi về địa lý, song Bra-xin cũng đã tích cực mở rộng quan hệ với các nước trong BRIC, đặc biệt là với Trung Quốc. Đại sứ Bra-xin tại Trung Quốc nhấn mạnh: hai bên tăng cường quan hệ kinh tế nhằm duy trì tăng trưởng của mỗi nước. Việc hai nước duy trì đối thoại và tăng trưởng bền vững sẽ đóng góp rất lớn cho kinh tế thế giới. Bra-xin còn cho rằng, hai nước sẽ nỗ lực tái thiết hệ thống tài chính thế giới để không xảy ra khủng hoảng kinh tế một lần nữa.
Theo số liệu thống kê, năm 2008, kim ngạch thương mại Bra-xin-Trung Quốc đạt 48,5 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu của Trung Quốc đạt 18,75 tỉ USD, nhập khẩu đạt 29,75 tỉ USD, tăng 64,9% và 62,2% so với năm 2007. Năm 2009, thương mại hai bên tiếp tục phát triển, đưa hai nước trở thành những đối tác quan trọng của nhau. Hai bên cũng đã thảo luận về việc sử dụng đồng nhân dân tệ và đồng real thay cho đồng USD trong thương mại song phương. Bước đầu tiên của kế hoạch này là việc thành lập các chi nhánh ngân hàng tại mỗi nước.
Về năng lượng, với trữ lượng dầu đáng kể, Bra-xin trở thành nước xuất khẩu dầu cho đối tác chính là Trung Quốc. Ngoài ra, hai bên đều tranh thủ khai thác ngày càng nhiều nguồn năng lượng tái sinh. Đặc biệt nguồn điện bằng sức gió, vì Trung Quốc đã phát triển mạnh lĩnh vực này, trong khi Bra-xin mới đang ở giai đoạn đầu.
Về đầu tư, ngày càng có nhiều nhà đầu tư Bra-xin chú ý đến Trung Quốc, đặc biệt là từ sau khi Trung Quốc tổ chức thành công Thế vận hội Olympic Bắc Kinh năm 2008. Cụ thể, Bra-xin đã thành lập các nhà máy sản xuất giày tại Trung Quốc.
- Hợp tác Ấn Độ - Bra-xin
Ấn Độ và Bra-xin là những nước có nhiều điểm tương đồng về cấu trúc và mô hình xã hội. Hai bên cùng có chung mối quan tâm về các vấn đề quốc tế, như: lợi ích của các nước đang phát triển, sự hợp tác đa phương trong thương mại quốc tế, vấn đề môi trường... Bắt nguồn từ quan hệ ngoại giao vào năm 1949, giờ đây, đặt trong khối BRIC, quan hệ này ngày càng có điều kiện phát triển. Thủ tướng Ấn Độ coi quan hệ với Bra-xin là “trụ cột” trong chính sách hướng tới Mỹ La-tinh của họ. Đối với Bra-xin, vai trò của Ấn Độ được nhấn mạnh trong vòng đàm phán Đô-ha.
Thương mại song phương giữa hai nước hằng năm tăng liên tục: năm 2006 đạt 2,4 tỉ USD, năm 2007 là 3,12 tỉ USD và năm 2009 là 5,6 tỉ USD. Hai nước đặt mục tiêu đưa thương mại song phương đạt 10 tỉ USD vào năm 2010. Hiện nay, những sản phẩm chủ yếu xuất khẩu của Ấn Độ sang Bra-xin là dầu đi-ê-den, than, dược phẩm và hóa chất... Trong khi đó, xuất khẩu chủ yếu của Bra-xin sang Ấn Độ là quặng đồng, dầu đậu nành, đường, hóa chất, quặng sắt. Hai bên đã thành lập Cơ chế kiểm soát thương mại (TMM), nhóm họp lần đầu tiên vào tháng 2-2009.
Đầu tư giữa hai bên cũng tăng nhanh chóng. Ấn Độ chú trọng đầu tư và liên doanh với Bra-xin trong ngành dược, công nghệ thông tin, năng lượng... Các công ty Bra-xin quan tâm tới lĩnh vực kết cấu hạ tầng, chế biến nông sản và năng lượng của Ấn Độ. Nhiều công ty phần mềm nổi tiếng thế giới của Ấn Độ như Wipro Technologies... đã xây dựng chi nhánh tại Bra-xin, cung cấp dịch vụ cho nhiều công ty khác của nước này. Trong khi đó, hãng dầu khí khổng lồ của Bra-xin là Petrobas chiếm đến 25% - 30% cổ phần của Tập dầu khí quốc gia ONGC của Ấn Độ. Hai bên cũng đang đẩy mạnh hợp tác sử dụng năng lượng sinh học - một lĩnh vực Bra-xin đang dẫn đầu thế giới. Bên cạnh đó, Bra-xin mong muốn được tiếp cận những kỹ thuật nông nghiệp của Ấn Độ, rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của Bra-xin có nguồn gốc từ Ấn Độ.
- Hợp tác Bra-xin - Nga
Trước đây, Mỹ La-tinh đã từng có quan hệ chặt chẽ với Liên Xô, đặc biệt trong các lĩnh vực dầu khí, vũ khí, năng lượng hạt nhân. Tổng thống Đ.Mét-vê-đép nhấn mạnh, Nga đã trở lại Mỹ La-tinh để mở đầu mối quan hệ hoàn chỉnh. Đây là thời điểm thích hợp để Nga khôi phục những “mối quan hệ đặc quyền” vốn có thông qua hợp tác về quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế. Trong bối cảnh đó, Bra-xin đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Tháng 4-2009, Tổng thống Nga đã có chuyến thăm Bra-xin nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược. Hai bên đã thỏa thuận tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, đường sắt, viễn thông, công nghệ quân sự. Các cơ quan vũ trụ của hai nước cộng tác trong sử dụng và phát triển hệ thống vệ tinh toàn cầu của Nga.
Về thương mại, Bra-xin hiện là đối tác lớn nhất của Nga tại khu vực Tây bán cầu. Bra-xin cung cấp hơn một nửa sản lượng thịt nhập khẩu của Nga. Thương mại song phương giữa hai nước đạt 7 tỉ USD vào năm 2009 và dự kiến sẽ tăng lên 10 tỉ USD vào năm 2010.
Cùng với thương mại, Nga tăng đầu tư vào Bra-xin. Tháng 8-2008, hãng chế tạo máy của Nga (Power Machines) cho biết, họ sẽ cung cấp cho Bra-xin số máy móc trị giá lên tới 10 triệu USD trong dự án về năng lượng hi-đrô. Nhà máy này chính thức hoạt động vào năm 2010. Năm 2009, Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom đã mở văn phòng đại diện tại Bra-xin. Tháng 4-2010, Ngân hàng Ngoại thương Nga và Ngân hàng Phát triển kinh tế xã hội Bra-xin đã bàn thảo về việc liên doanh sản xuất loại máy bay nội địa. Hai bên cũng đã sẵn sàng mở rộng hợp tác nghiên cứu vũ trụ và sẽ xây dựng một trung tâm vũ trụ gần đường xích đạo.
Bên cạnh hợp tác kinh tế, hợp tác quân sự là một thế mạnh của hai nước. Tháng 4-2009, tại căn cứ không quân Pooc-tô Ven-hô (Bra-xin), không quân nước này chính thức tiếp nhận 3 chiếc trực thăng vũ trang thế hệ mới MI-35 do Nga chế tạo. Ngoài ra, Nga là nước nắm nhiều cơ hội để đấu thầu bán 36 máy bay chiến đấu cho Bra-xin với hợp đồng ước đạt từ 4 đến 7 tỉ USD, một trong những vụ đấu thầu trong lĩnh vực quốc phòng lớn nhất thế giới.
Phối hợp đa phương
Ngoài quan hệ song phương như trên, quan hệ ba bên của các nước này cũng đã được hình thành và có vai trò quan trọng, trong đó, chủ yếu là quan hệ Nga - Trung - Ấn. Nhấn mạnh mối quan hệ này, Tổng thống Nga phát biểu: “Chúng tôi nhìn thấy triển vọng lớn trong việc đẩy mạnh quan hệ giữa Nga - Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như giữa Nga - Ấn Độ - Trung Quốc - Bra-xin”.
Ảnh hưởng của Nga, Ấn Độ, Trung Quốc trên thế giới đang tăng lên, đóng góp tích cực cho tiến trình hòa bình, an ninh và ổn định thế giới. Ba nền kinh tế đang phát triển mạnh hơn bao giờ hết, có tiềm năng hợp tác chặt chẽ về thương mại và năng lượng với nhau. Tiếng nói của họ ngày càng có trọng lượng trên diễn đàn quốc tế.
Mặc dù còn có ý kiến khác nhau, song nhiều nhà phân tích cho rằng quan hệ ba bên là cần thiết nhằm thúc đẩy hệ thống thế giới đa cực, tạo nên một đối trọng địa - chính trị thực sự với “thế giới đơn cực” của Mỹ. Có thể chỉ ra một số cơ sở thuận lợi cho mối quan hệ này: Một là, ba nước đều là những nước lớn, nhưng vai trò và vị trí của họ còn hạn chế, vì thế thiết lập trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm là phù hợp với lợi ích của các bên. Hai là, mỗi nước đều có những nguy cơ đe dọa tới an ninh quốc gia, có những khó khăn giống nhau. Ngoài việc khai thác sức mạnh bên trong, hợp tác với nhau để tạo sức mạnh từ bên ngoài là cần thiết. Ba là, trong nội bộ khối, hợp tác song phương giữa các đối tác là khá tốt, giúp cho quan hệ tay ba thuận lợi hơn. Các quan hệ song phương trong tam giác Nga - Trung - Ấn những năm gần đây đã được cải thiện về chất.
Trên thực tế các hoạt động của khối đã được tiến hành nhiều lần, dưới các hình thức khác nhau. Đầu tiên là các cuộc gặp gỡ của học giả ba nước nhằm thăm dò khả năng hợp tác, nhất là tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Các cuộc hội thảo khoa học đã được tổ chức để thảo luận về các vấn đề ba nước cùng quan tâm. Đây là một kênh tiếp xúc khá quan trọng, được lãnh đạo ba nước coi là bước “đột phá” thúc đẩy quan hệ xích lại gần nhau. Tiếp đến là các cuộc gặp cấp Ngoại trưởng từ cuối năm 2001 đến nay. Đáng chú ý nhất là cuộc gặp diễn ra vào tháng 6-2005 tại Nga. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng và chưa từng có trong quan hệ ba nước, bởi đó là cuộc gặp được tổ chức riêng chứ không phải bên lề một hội nghị quốc tế như những lần gặp trước đó.
Hợp tác Nga - Trung - Ấn là một hệ thống đối tác mềm dẻo, chủ yếu là hợp tác đấu tranh chống các thách thức toàn cầu, thúc đẩy kinh tế phát triển. Sự hợp tác ngày càng chặt chẽ của họ trong các công việc quốc tế cũng sẽ tác động mạnh đến cục diện và tính chất các quan hệ quốc tế hiện đại, thúc đẩy sự hình thành một trật tự thế giới đa cực và dân chủ hơn.
Như vậy, từ ý tưởng ban đầu còn bị nhiều nghi ngờ, đến nay, quan hệ Nga - Trung - Ấn không những đã trở thành một thực tế sống động mà còn tác động mạnh ra ngoài phạm vi lục địa Á - Âu, trở thành diễn đàn có quy mô và tính chất toàn cầu. Những tiến triển của các mối quan hệ trong tam giác Nga - Trung - Ấn những năm gần đây là không thể phủ nhận.
Ngoài hợp tác ba bên, hợp tác bốn bên cũng đã hình thành và đi vào hoạt động. Vài năm gần đây, các quốc gia này đã tăng cường đối thoại và hợp tác, thường xuyên trao đổi, chia sẻ những quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế. Đánh giá về quan hệ của BRIC, nhiều ý kiến cho rằng hợp tác giữa bốn nước là hài hòa và ổn định, không phải đối kháng mà là cùng nhau phát triển kinh tế, thúc đẩy tình hữu nghị. Hợp tác bốn nước là mở rộng và công khai, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các nước khác cũng như với các tổ chức quốc tế. Cả bốn nước đã có những đóng góp quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế thế giới hiện nay.
Những năm gần đây, đối thoại và hợp tác giữa bốn nước không ngừng tăng lên. Các cuộc gặp của BRIC là những sự kiện lịch sử, đánh dấu sự xuất hiện chính thức của nhóm này trên vũ đài quốc tế, đồng thời khẳng định ảnh hưởng cũng như vị thế ngày càng lớn của BRIC đối với các vấn đề toàn cầu. Cho đến nay, BRIC đã triển khai hợp tác trên nhiều mặt cụ thể, đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại cấp bộ trưởng trở lên. Tháng 5-2008, BRIC ra Thông cáo chung phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa đơn phương, kêu gọi các quốc gia góp sức xây dựng một hệ thống quan hệ quốc tế mới, dân chủ hơn và đa phương hơn, trên nguyên tắc công bằng và bình đẳng. BRIC cho rằng, sự phát triển bền vững của nền kinh tế thế giới, cũng như các giải pháp cho những vấn đề toàn cầu cấp thiết hiện nay như xóa đói giảm nghèo, chống bệnh tật... chỉ có thể thực hiện được khi các quốc gia tính đến lợi ích của nhau trong một hệ thống kinh tế toàn cầu công bằng.
Từ năm 2006, Ngoại trưởng bốn nước đều có gặp gỡ thường kỳ hằng năm. Tháng 5-2008, Ngoại trưởng bốn nước đã ra Thông cáo chung đầu tiên. Tháng 9-2008, BRIC họp tại Nga để thảo luận những vấn đề như: các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, hợp tác Nam - Nam, vấn đề biến đổi khí hậu, năng lượng và an ninh lương thực; ghi nhận tiến bộ trong hợp tác nông nghiệp, y tế, dược phẩm, cứu trợ thảm họa và kinh tế. Tháng 11-2008, các bộ trưởng tài chính của BRIC đã có cuộc gặp lần đầu tiên. Tháng 5-2009, đại diện cấp cao về an ninh của bốn nước đã họp chính thức lần đầu tiên tại Mát-xcơ-va (Nga).
Ngày 16-6-2009, BRIC họp lần đầu tiên kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra để bàn thảo về các biện pháp khắc phục khủng hoảng, cải cách hệ thống tài chính thế giới, tạo ra đồng ngoại tệ dự trữ mới, giảm lệ thuộc vào đồng USD tiềm ẩn nhiều rủi ro, tăng cường hợp tác năng lượng và bảo vệ môi trường, tăng cường sự thống nhất trong nhóm, đồng thời tìm kiếm vị thế lớn hơn tại các thể chế toàn cầu. Và gần đây, tháng 4-2010, BRIC họp lần thứ hai tại Bra-xin với mục tiêu vạch ra các phương hướng thúc đẩy kinh tế, gia tăng sự hợp tác giữa các nước.
BRIC cho rằng, các nước phát triển và đang phát triển cần giải quyết những vấn đề an ninh lương thực trên nguyên tắc trách nhiệm chung và riêng. Các nước phát triển cần phải giúp đỡ các nước đang phát triển về tài chính và công nghệ để sản xuất lương thực, thực phẩm. BRIC quyết tâm góp phần khắc phục cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, hoan nghênh những sáng kiến do Liên hợp quốc và các tổ chức chuyên trách thực hiện trong lĩnh vực này.
Về an ninh năng lượng, BRIC chủ trương đẩy mạnh hợp tác, tăng cường hành động phối hợp giữa các nước sản xuất, tiêu thụ và vận chuyển nhằm bảo đảm ổn định và bền vững trong việc cung cấp năng lượng; đa dạng hóa các nguồn dự trữ, tạo nguồn năng lượng mới, thành lập kết cấu hạ tầng năng lượng. Nhóm BRIC ủng hộ sự hợp tác quốc tế trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, sẵn sàng đối thoại để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. BRIC phản đối mọi hình thức bảo hộ mậu dịch, ủng hộ việc thiết lập quy chế bình đẳng và công bằng trong thương mại quốc tế; ủng hộ cải cách các thể chế tài chính quốc tế và cho rằng các nước đang phát triển hoặc có nền kinh tế quá độ cần phải có vị thế quan trọng hơn trong các thể chế này./.
Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh tiếp Quốc vương Cam-pu-chia Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni, thăm cựu Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-núc  (24/06/2010)
Bộ đội Biên phòng với việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (24/06/2010)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên