Bạc Liêu chú trọng phát triển kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng - an ninh
TCCS - Việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương sẽ tạo cho Trà Vinh sự phát triển mới về kinh tế biển và công tác bảo đảm quốc phòng, làm cho hoạt động khai thác biển và nghề nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng - an ninh
Là một tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu có 56 km bờ biển và một ngư trường rộng lớn với nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế, đặc biệt dọc theo tuyến biển có 3 cửa sông lớn: Cửa Nhà Mát (thị xã Bạc Liêu); Cửa Cái Cùng, (huyện Hòa Bình) và Cửa Gành Hào (huyện Đông Hải), rất thuận lợi cho các tàu thuyền ra vào đánh bắt hải sản trên biển; hơn 100 ngàn hec-ta đất hoang hóa và đất trồng lúa kém hiệu quả ven biển rất thích hợp để nuôi các loài thủy sản.
Cùng với những yếu tố thuận lợi về địa lý, trên địa bàn tỉnh hiện có 15 cơ sở chế biến thủy sản, có khả năng chế biến trên 80% nguồn nguyên liệu thủy sản của tỉnh, làm tăng giá trị mặt hàng này. Với những lợi thế như trên, nếu được đầu tư đúng mức, tổ chức tốt việc nuôi trồng và khai thác, hằng năm sản lượng thủy sản có thể đạt từ 240 ngàn tấn đến 300 ngàn tấn, đủ điều kiện để phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Bạc Liêu.
Nhận thức được lợi thế về biển và vùng đất ven biển, ngày 30-6-1998, Tỉnh ủy xây dựng Nghị quyết số 02 về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển (thời kỳ 1998 - 2005); ngày 01-4-2004, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 06 về định hướng phát triển kinh tế thủy sản đến năm 2010. Đến năm 2007, khi có Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, việc thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển của tỉnh có thêm điều kiện thuận lợi hơn.
Thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy, hoạt động khai thác trên biển từng bước được tổ chức lại theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất và đầu tư nâng công suất các tàu thuyền để đánh bắt xa bờ. Toàn tỉnh hiện có 1.104 phương tiện đánh bắt thủy sản, trong đó có 342 phương tiện có công suất từ 90 CV trở lên, có khả năng đánh bắt xa bờ. Một số tàu thuyền đã được đầu tư đổi mới máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác; 100% số tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh được trang bị máy định vị vệ tinh và hệ thống liên lạc đường dài để kịp thời thông tin, hỗ trợ nhau trên biển và nâng cao hiệu quả đánh bắt. Nếu năm 1998, sản lượng khai thác, đánh bắt đạt 47.000 tấn, thì năm 2009, sản lượng khai thác, đánh bắt đạt 75.746 tấn, trong đó sản lượng tôm đạt 14.489 tấn.
Diện tích nuôi thủy sản ven biển, nhất là nuôi tôm không ngừng phát triển. Năm 2009, toàn tỉnh có 61.763 ha đất ven biển được khai thác nuôi thủy sản, trong đó diện tích nuôi công nghiệp và bán công nghiệp là 9.461 ha; tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt 214.791 tấn.
Các nhà máy chế biến thủy sản được đầu tư nâng cấp, đổi mới thiết bị, công nghệ; sản lượng chế biến và kim ngạch xuất khẩu hằng năm đều tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh. Nếu năm 1998, giá trị hàng thủy sản xuất khẩu đạt trên 58 triệu USD thì năm 2009 con số đó đạt 206,348 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu trực tiếp đạt 173,592 triệu USD.
Hệ thống dịch vụ phục vụ kinh tế thủy sản, như tài chính, tín dụng, thông tin liên lạc, cơ khí, sửa chữa tàu thuyền, cung ứng con giống, thức ăn, hóa chất, ngư cụ, tư vấn kỹ thuật, các cơ sở thu mua... phát triển khá nhanh.
Nhiều công trình phục vụ phát triển kinh tế biển và vùng ven biển đã và đang được đầu tư xây dựng như: Hệ thống cầu, lộ trên đê Biển Đông (thị xã Bạc Liêu - Gành Hào); khu neo đậu, tránh trú bão cho các tàu thuyền ở các cửa sông lớn (Nhà Mát, Cái Cùng và cửa Gành Hào); kè và cảng cá Gành Hào; hệ thống điện, bưu chính viễn thông, các cơ sở y tế, giáo dục...
Cùng với việc quy hoạch, đầu tư phát triển kinh tế biển, Tỉnh ủy luôn quán triệt chủ trương gắn phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh; quan tâm xây dựng hệ thống chính trị ở các xã, phường, thị trấn ven biển; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ ven biển. Tỉnh chỉ đạo việc xây dựng lực lượng tự vệ biển trên các tàu thuyền đánh bắt để vừa khai thác biển, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh - quốc phòng vùng biển và có khả năng phối hợp với các lực lượng vũ trang chính quy làm tốt nhiệm vụ tuần tra, tham gia chiến đấu và chi viện chiến đấu trên biển. Toàn tỉnh hiện có 3 phân đội tự vệ biển (mỗi phân đội có 25 người); 8 tổ liên kết khai thác, đánh bắt hải sản trên biển; có 4 tàu làm nhiệm vụ đánh bắt hải sản kết hợp tuần tra, cảnh giới phát hiện các tàu, thuyền lạ xâm nhập trái phép lãnh thổ... Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng 9 trung đội dân quân cơ động và 18 tiểu đội dân quân tại chỗ tuyến ven biển. Các lực lượng này thường xuyên phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát địa bàn.
Cùng với lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, lực lượng công an các xã, phường, thị trấn ven biển cũng được quan tâm xây dựng củng cố về tổ chức, nâng cao chất lượng chính trị, bảo đảm thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong xử lý các tình huống xảy ra ở cơ sở. Ngoài lưc lượng công an viên thường trực, cảnh sát khu vực, công an phụ trách ấp, các xã, phường, thị trấn ven biển, tỉnh còn xây dựng được 365 tổ an ninh nhân dân, 63 tổ hòa giải, 54 đội dân phòng, 56 ban bảo vệ an ninh trật tự, 6 tổ bảo vệ dân phố và 65 tổ tự quản.
Lực lượng vũ trang các huyện, thị ven biển thường xuyên phối hợp với lực lượng của quân khu, các quân, binh chủng đóng trên địa bàn tuần tra, kiểm soát, bảo vệ an ninh vùng biển; nắm tình hình, trao đổi thông tin về tình hình an ninh chính trị, trật tự trị an tuyến biển; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển; quản lý các đối tượng có liên quan đến an ninh; kịp thời ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động gây mất an ninh trật tự và sự chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh, ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là phát triển kinh tế biển.
Để nâng cao chất lượng công tác quốc phòng - an ninh khu vực biển và ven biển, các công trình đầu tư về kết cấu hạ tầng viễn thông, quan trắc, giao thông, bến cảng... luôn được chú ý bảo đảm tính lưỡng dụng vừa phục vụ phát triển kinh tế biển vừa bảo đảm yêu cầu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh.
Nói chung, chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trên biên và vùng ven biển của tỉnh đáp ứng yêu cầu khai thác tiềm năng biển và vùng ven biển, được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân và các nhà đầu tư...; phù hợp với Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và đã góp phần giữ vững an ninh, tạo môi trường thuận lợi, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh liên tục trong nhiều năm, giá trị ngành thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị tổng sản phẩm xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế biển của tỉnh, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đang gặp không ít khó khăn, thử thách. Công tác điều tra, đánh giá tổng thể về tài nguyên - môi trường chưa được thực hiện; các thông tin, dữ liệu về tài nguyên - môi trường vùng biển của tỉnh còn rất hạn chế... làm ảnh hưởng đến việc quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng vùng biển và ven biển.
Kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, hệ thống cảng các cửa biển; các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; nguồn vốn đầu tư để đóng mới các tàu thuyền đánh bắt xa bờ và nuôi trồng thủy sản... vượt quá khả năng của tỉnh; công suất chế biến, công nghệ sản xuất của các nhà máy mặc dù được đầu tư đổi mới, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu chế biến theo hướng đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa thủy sản; thị trường xuất khẩu không ổn định; việc chế biến sản phẩm cho tiêu thụ nội địa chưa được chú trọng...
Trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, trình độ dân trí của ngư dân và khả năng ứng dụng những tiến bộ về khoa học, công nghệ vào sản xuất còn thấp; việc quan trắc, xác định ngư trường (luồng thủy, hải sản...) để thông báo, hướng dẫn cho ngư dân nhằm nâng cao hiệu quả khai thác còn nhiều hạn chế; nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn giống thủy sản ven bờ, về sản xuất hàng hóa theo yêu cầu thị trường của một bộ phận cán bộ và nhân dân vẫn còn hạn chế, bất cập... đe dọa tính bền vững của quá trình phát triển.
Kết cấu hạ tầng lạc hậu, phát triển chậm khó thu hút được các dự án đầu tư lớn vào khu vực ven biển; bên cạnh đó trong quy hoạch của Chính phủ về xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 gần như không có công trình động lực quan trọng nào trong danh mục đầu tư của Chính phủ trên địa bàn tỉnh...
Mặt khác, việc khai thác tiềm năng mang tầm quốc gia như kinh tế biển đòi hỏi phải có quy hoạch thống nhất và sự phân cấp khả thi về đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cơ bản, công trình động lực... Thực tế cho thấy, để phát triển kinh tế biển có nhiều công trình địa phương không thể thực hiện được như: Công tác điều tra, đánh giá tổng thể về tài nguyên - môi trường biển; xây dựng bến cảng; xây dựng tuyến đê bao ven biển vừa đáp ứng yêu cầu giao thông vừa chủ động hạn chế tác hại của tình trạng nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu...
Cùng với những khó khăn về nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển, công tác bảo vệ an ninh vùng biển của tỉnh cũng đứng trước những thử thách nan giải, cụ thể như: Thiếu các phương tiện hiện đại đáp ứng được yêu cầu công tác tuần tra, bảo vệ trên biển, nhất là vùng biển xa bờ; việc xây dựng lực lượng tự vệ biển còn nhiều hạn chế; chưa có cơ chế quản lý hiệu quả (đa số những người tham gia lực lượng này là những ngư phủ có hoàn cảnh khó khăn, phụ thuộc vào các chủ tàu, thời gian tham gia thực hiện nhiệm vụ tuần tra thiếu chủ động...) và chưa có chính sách đãi ngộ phù hợp.
Các giải pháp phát triển trong thời gian tới
Với quyết tâm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về biển và vùng ven biển, các cấp, các ngành và các huyện, thị trong tỉnh tiếp tục quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa X và Chương trình thực hiện của Tỉnh ủy về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là ngư dân nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng biển của tỉnh; đề cao cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình", "bạo loạn lật đổ" của các thế lực thù địch.
Tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương tiến hành công tác điều tra, đánh giá tổng thể về tài nguyên - môi trường làm cơ sở cho việc quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng vùng biển và ven biển. Trước mắt, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện quy hoạch sản xuất, nhất là nuôi trồng thủy sản, làm muối, trồng rừng; tổ chức lại hoạt động khai thác, đánh bắt trên biển theo hướng liên kết, hợp tác; tiếp tục xây dựng và củng cố lực lượng tự vệ biển. Chủ động quan hệ với các tỉnh lân cận (Sóc Trăng, Cà Mau) xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và hoạt động khai thác, đánh bắt, mua bán thủy sản trên biển...
Đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư vào khu vực ven biển và phát triển kinh tế biển; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào khu vực này. Tiếp tục tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương nâng cấp cảng cá Gành Hào thành cảng biển; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông khu vực ven biển như: cầu, lộ trên đê Biển Đông; đường Hiệp Thành - Gò Cát và các tuyến nối liền với quốc lộ 1A như: Giá Rai - Gành Hào; Xóm Lung - Cái Cùng và triển khai đầu tư giai đoạn 2 mở rộng tuyến đường Hòa Bình - Vĩnh Hậu.
Tích cực triển khai việc quy hoạch và xây dựng hệ thống các công trình trọng điểm về hệ thống cầu, đường; các cụm dân cư ven biển theo mô hình đô thị; mở rộng thị xã Bạc Liêu về phía biển; đầu tư nâng cấp trung tâm xã Vĩnh Thịnh thành thị trấn Cái Cùng; quy hoạch phát triển thị trấn Gành Hào thành đô thị trung tâm kinh tế biển của tỉnh; đầu tư xây dựng cảng cá Hiệp Thành (thị xã Bạc Liêu), cảng cá Cái Cùng (huyện Hòa Bình); xây dựng các bến tàu; bến xe tại các xã, phường, thị trấn ven biển v.v..
Quy hoạch mở rộng khu du lịch Nhà Mát - Hiệp Thành theo hướng đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch; có chính sách khuyến khích đầu tư các công trình, sản phẩm du lịch vào khu vực này để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Quan tâm đúng mức các yếu tố quốc phòng, an ninh trong quy hoạch phát triển kinh tế biển và vùng ven biển; nâng cao khả năng thẩm định các dự án, chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển ven biển bảo đảm tính lưỡng dụng vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vừa đáp ứng yêu cầu tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh trong khu vực phòng thủ...
Tăng cường chỉ đạo các cơ quan quân sự, công an, bộ đội biên phòng chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra nắm tình hình, kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án phòng thủ, tác chiến sát với quy hoạch phát triển kinh tế biển và khu vực ven biển của tỉnh. Kết hợp chặt chẽ việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; đặc biệt là giữ cho được thế trận lòng dân vững chắc. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... góp phần củng cố thế trận lòng dân; giữ gìn sự đoàn kết giữa các dân tộc, các tầng lớp nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự khu vực ven biển.
Bên cạnh sự nỗ lực của tỉnh, Bạc Liêu cần được Chính phủ, các bộ, ngành trung ương quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; các công trình quốc phòng, an ninh khu vực ven biển theo quy hoạch chung và sớm triển khai đầu tư xây dựng tuyến hành lang kinh tế ven biển phía Đông (Bạc Liêu - Gành Hào - Cà Mau - Năm Căn) như Nghị quyết Trung ương 4 khóa X đã xác định. Đồng thời, đầu tư, hỗ trợ các phương tiện hiện đại tuần tra trên biển và các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá... cho các lực lượng có trách nhiệm nhằm nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả công tác bảo vệ an ninh trên biển./.
Mục lục chuyên đề cơ sở số 39 (3-2010)  (29/03/2010)
Hoàn thiện các dự thảo Văn kiện, bước chuẩn bị cơ bản tiến tới Ðại hội XI của Ðảng  (29/03/2010)
Những lắt léo trong “cuộc chiến tỷ giá” Mỹ - Trung  (29/03/2010)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay