Hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa - nghệ thuật

ThS. Đỗ Thị Thảo Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
16:46, ngày 15-10-2012

TCCSĐT - Năm 2012, Việt Nam và Lào kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1962 - 2012), 35 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác (1977 - 2012) và năm 2012 đã được lấy làm “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào”. Bài viết xin giới thiệu về sự hợp tác của hai nước trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa - nghệ thuật kể từ khi Ủy ban Liên chính phủ hai nước đi vào hoạt động, từ năm 1991 đến nay.


Việt Nam - Lào là hai nước láng giềng vốn có mối quan hệ gắn bó với nhau từ lâu đời. Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do của mỗi dân tộc, mối quan hệ này càng đặc biệt hơn, luôn được hai Đảng và hai Nhà nước coi là mối quan hệ chiến lược có tính sống còn của mỗi quốc gia, là một trong những nhân tố để bảo đảm thắng lợi của cách mạng mỗi nước, vì vậy, nó càng được các thế hệ cách mạng hai nước gìn giữ, vun đắp. Đặc biệt, từ năm 1977, hai nhà nước đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Từ đây, quan hệ giữa hai Đảng và hai Nhà nước chuyển sang một giai đoạn mới: mở rộng toàn diện và không ngừng được tăng cường trên tất cả các lĩnh vực, trong đó hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học kỹ thuật được coi là lĩnh vực hợp tác cơ bản và trọng tâm của mối quan hệ hợp tác toàn diện trên.



Trên cơ sở các thỏa thuận cấp cao của lãnh đạo hai Đảng, hai nhà nước, Việt Nam và Lào đã thành lập Ủy ban hợp tác liên chính phủ và Phân ban hợp tác tại mỗi nước nhằm kiểm điểm, đánh giá tình hình hợp tác văn hóa - giáo dục, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước trong khuôn khổ hợp tác song phương và trong khu vực. Hai bên đã ký kế hoạch hợp tác trung và dài hạn như: Chương trình hợp tác giai đoạn 1992 - 1995, 1996 - 2000, 2001 - 2005, Chiến lược hợp tác giai đoạn 2001 - 2010 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, hai bên tập trung thực hiện 6 chương trình hợp tác lớn bao gồm: giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển bền vững vùng biên giới, văn hóa - thông tin, kết nối cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch đồng thời duy trì hoạt động và nâng cao năng lực các dự án hợp tác.

1. Hợp tác về giáo dục - đào tạo

Đây là lĩnh vực được hai Đảng, hai Nhà nước xác định là nhiệm vụ quan trọng, là lĩnh vực hợp tác chiến lược và là một biểu hiện đặc biệt trong mối quan hệ hữu nghị, gắn bó lâu đời cho nên luôn luôn được ưu tiên hàng đầu. Lĩnh vực này cũng được đánh giá là hợp tác thành công nhất, đã tạo nguồn nhân lực rất quan trọng cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước Lào. Đảng và Nhà nước Lào đánh giá rất cao sự giúp đỡ từ phía Việt Nam.

Để phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ những năm 90 của thế kỷ XX, trong định hướng hợp tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo hai nước đã có chủ trương “không tiếp nhận đào tạo tại Việt Nam LHS (lưu học sinh - người trích) Lào ở bậc phổ thông và bậc trung học chuyên nghiệp, chỉ đào tạo LHS Lào ở bậc đại học, tăng cường số lượng bậc thạc sĩ và tiến sĩ, chú ý cho các ngành mũi nhọn về kinh tế, khoa học kỹ thuật”(1). Với quan điểm đó, trong suốt quá trình đặt quan hệ hợp tác nói chung, trong hai mươi năm trở lại đây nói riêng, Việt Nam đã dành cho Lào một nguồn kinh phí không nhỏ và sự hỗ trợ toàn diện ở lĩnh vực giáo dục - đào tạo, phía Lào đã gửi hàng chục ngàn sinh viên, cán bộ sang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam với cơ cấu bậc học, ngành học đa dạng.

Nếu trong những năm 1991 - 1995 Việt Nam chủ yếu giúp Lào nguồn vốn trên dưới 1 triệu USD/năm (chiếm 69% tổng số vốn) để đào tạo nguồn nhân lực, thì giai đoạn 1996 - 2000, Việt Nam đã nâng khoản viện trợ không hoàn lại này lên gấp 4 lần và chuyển hướng sang nhiều hình thức đào tạo mới. Chủ yếu là kết hợp hình thức đào tạo dài hạn, chính quy với bồi dưỡng và đào tạo ngắn hạn ở nhiều lĩnh vực; kết hợp giữa việc cử chuyên gia sang đào tạo tại chỗ cho Lào với việc mở rộng hình thức đào tạo tại chức cho cán bộ Lào tại Việt Nam. Trong tổng số vốn viện trợ không hoàn lại hằng năm của Việt Nam dành cho Lào giai đoạn này, riêng giáo dục và đào tạo chiếm gần một nửa.

Giai đoạn 1991 - 2000, Việt Nam đã đào tạo cho Lào 3.642 sinh viên đại học và sau đại học. Giai đoạn 1996 - 2000, Việt Nam đào tạo cho Lào 2.184 sinh viên đại học và sau đại học; giai đoạn 2001 - 2005, tổng viện trợ của Việt Nam cho Lào khoảng 500 tỉ đồng, trong đó giáo dục chiếm 38,2%; Giai đoạn 2006 - 2010, mỗi năm có từ 550 đến 560 sinh viên Lào được cử sang Việt Nam để đào tạo. “Theo Bộ Giáo dục Lào, hiện có 3.845 lưu học sinh Lào đang theo học nhiều ngành nghề khác nhau tại hàng chục trường đại học, học viện ở 20 tỉnh, thành của Việt Nam. Trong tổng số trên, có 1.112 sinh viên theo diện Hiệp định, 2.434 theo diện kết nghĩa giữa các tỉnh và cơ sở đào tạo của hai nước và 229 lưu học sinh tự túc”(2). Ngoài ra, hằng năm, Việt Nam đưa chuyên gia về giáo dục sang giúp Lào biên soạn giáo trình giảng dạy, đào tạo các hệ tại chỗ; tài trợ về tài liệu, sách vở; xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú ở 4 khu vực: U-đôm-xay, Xa-va-na-khẹt, Chăm-pa-xăc, Xê-công; xây dựng Trường Trung cấp dạy nghề tỉnh Bó kẹo, Trường Năng khiếu và dự bị đại học dân tộc thuộc Đại học Quốc gia Viêng Chăn, Trường Phổ thông trung học Hữu nghị Lào - Việt… Đồng thời, mở rộng các hình thức đào tạo tại nhiều địa phương ở Lào, góp phần đào tạo và nâng cao trình độ văn hóa cho con em các bộ tộc vùng sâu, vùng xa của Lào.

Giai đoạn 2006 - 2010 “Bộ Giáo dục - đào tạo Việt Nam đã đề xuất 4 quan điểm, 5 phương hướng, 8 nội dung và 10 biện pháp. Bộ Giáo dục Lào cũng có kế hoạch bao gồm 3 điểm”(3). Đồng thời, nhấn mạnh một số giải pháp quan trọng như: nâng cao chất lượng đầu vào của sinh viên và đa dạng hóa loại hình đào tạo cho Lào; tăng cường chất lượng đào tạo, có định hướng thích hợp bằng việc xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với sử dụng; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt, chuyên gia chuyên sâu cho nhiều ngành; trao đổi học viên, sinh viên thực tập, nghiên cứu sinh… dưới hình thức ngắn hạn, dài hạn…

Theo Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào năm 2011, ký tại Hà Nội ngày 09-4-2011, có hiệu lực từ ngày 09-4-2011, Việt Nam sẽ dành cho Lào khoản viện trợ không hoàn lại trong năm 2009 trị giá 320 tỷ đồng, 650 suất học bổng cho số cán bộ, học sinh Lào theo học ở Việt Nam trong chương trình đại học, sau đại học và bồi dưỡng ngắn hạn. Phía Lào dành cho Việt Nam 30 suất học bổng hệ đào tạo chính quy dài hạn tập trung cho cán bộ, học sinh học tập các ngành nghề tại Lào(4).

Hai nước đã ký kết và triển khai Ðề án Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020. Năm 2011, Chính phủ Việt Nam dành 695 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam; Chính phủ Lào dành 40 suất học bổng đào tạo chính quy dài hạn tập trung cho cán bộ, học sinh Việt Nam. Hai ngành giáo dục Việt - Lào đã phối hợp tổ chức tuyển chọn học sinh Việt Nam và Lào sang học tập tại mỗi nước, theo tinh thần hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau vì mục tiêu nâng cao trình độ dân trí và thắt chặt tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.

Đến hết năm 2011, có 127 trường, học viện của Việt Nam có lưu học sinh Lào theo học với số lượng 5.507 người(5). Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam thường xuyên trao đổi các đoàn công tác, đoàn chuyên gia sang giúp đỡ Lào; tổ chức hội nghị bàn về công tác nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực giúp Lào, thúc đẩy hợp tác, giao lưu lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa các tỉnh, thành phố và các trường của hai nước...

Trong vòng 10 năm, từ 2001 đến 2011, thông qua Nghị định thư giữa hai Chính phủ, Việt Nam đã hỗ trợ đào tạo giúp Lào trên 12.000 nhân sự thuộc các trình độ, ngành nghề, cấp bậc quan trọng, cung cấp cho Lào đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia giỏi, chủ chốt trên nhiều lĩnh vực. Hướng tới năm 2020, Việt Nam vẫn sẽ duy trì hỗ trợ 50% vốn viện trợ không hoàn lại cho phát triển giáo dục của  Lào. Mỗi năm, lượng du học sinh Lào gửi sang đào tạo tại Việt Nam được duy trì từ 550 - 650 người, những năm sau đạt tới 1000 người/năm. Đáng chú ý là việc tiếp nhận đào tạo lưu học sinh Lào không chỉ ở các trường đại học, học viện trên địa bàn thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn mà đã mở rộng tới cả các trường cao đẳng, đại học ở các tỉnh có biên giới giữa hai nước như: Đại học Hà Tĩnh, trong năm học 2011 - 2012 đã tiếp nhận 309 lưu học sinh Lào; số lưu học sinh Lào đã và đang được đào tạo tại tỉnh Sơn La là 473 sinh viên, trong đó đã tốt nghiệp trở về nước công tác 231 sinh viên, hiện đang đào tạo 242 sinh viên, hệ đại học có 32 sinh viên, cao đẳng có 108 sinh viên. Những năm gần đây, bằng nguồn vốn của Chính phủ Việt Nam viện trợ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giúp Lào xây dựng 6 trường dân tộc nội trú; 1 ký túc xá cho lưu học sinh nước ngoài tại Đại học Viêng Chăn, 1 trường năng khiếu và dự bị đại học Viêng Chăn; 3 trường phổ thông trung học và 1 khoa dạy tiếng Việt tại Đại học Quốc gia Lào, được hoàn thành năm 2009.

Chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian tới sẽ tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Việt và bồi dưỡng kiến thức phổ thông cho học sinh Lào trước khi chuyển vào các ngành đào tạo chuyên môn ở bậc đại học tại Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục mở rộng hình thức đào tạo theo nhu cầu từ phía Lào như đào tạo dài hạn, ngắn hạn và đào tạo lại; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đối tượng là cán bộ chính trị, quản lý, khoa học; tăng số lượng học bổng lên 10% trong tổng số 650 suất mỗi năm theo Hiệp định đã ký kết. Đặc biệt, tiếp tục duy trì cam kết theo Nghị định thư về hỗ trợ 50% vốn không hoàn lại cho phát triển giáo dục nước bạn Lào. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục đẩy nhanh tốc độ triển khai giai đoạn hai việc xuất bản cuốn Từ điển Việt - Lào.

Ngược lại, mặc dù còn rất nhiều khó khăn về kinh tế, song, để đáp ứng yêu cầu cán bộ cho các chương trình hợp tác, hằng năm, phía Lào vẫn tiếp nhận từ 10 đến 15 sinh viên Việt Nam sang học tập và nghiên cứu tại Đại học quốc gia Viêng Chăn. Hiện nay có 495 học sinh Việt Nam đang học tập tại Lào dưới nhiều hình thức: cam kết theo Hiệp định, kết nghĩa giữa các địa phương, theo đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương và cả hệ tự túc. Tỉ lệ lưu học sinh Việt Nam đạt khá, giỏi luôn chiếm trên 60%.

Trong Chiến lược hợp tác giai đoạn 2001 - 2010 và định hướng đến năm 2020, có 6 chương trình hợp tác lớn mà hai bên tập trung thực hiện thì giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được xếp hàng đầu. Nhìn chung, chất lượng giáo dục được nâng lên đáng kể, số lượng sinh viên khá, giỏi tăng. Số sinh viên và nghiên cứu sinh của Lào được Việt Nam đào tạo, khi trở về nước đã phát huy được năng lực. Đội ngũ này không chỉ là nguồn nhân lực quan trọng, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước Lào mà còn là nhân tố vô cùng ý nghĩa trong việc vun đắp và thắt chặt tình đoàn kết, tăng cường mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào.

2. Hợp tác về văn hóa - nghệ thuật

Lĩnh vực này cũng có nhiều khởi sắc. Phương thức hợp tác chủ yếu là phối hợp hoạt động chuyên môn, phần lớn là Việt Nam vẫn giúp Lào về cơ sở vật chất. Cụ thể, Việt Nam đã giúp Lào nhiều công trình văn hóa từ nguồn viện trợ không hoàn lại, tiêu biểu như: Bảo tàng Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn, Trung tâm lưu trữ phim và hình ảnh động quốc gia, Công trình xây dựng các trạm chuyển tiếp sóng truyền hình ở một số địa phương vùng sâu, xa... Đặc biệt, Việt Nam đã và đang giúp Lào đào tạo chuyên gia về các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật như âm nhạc, múa, xiếc, hội hoạ, thư viện, xuất bản, điện ảnh, phát thanh - truyền hình; tổ chức nhiều hoạt động lớn như sản xuất phim, tổ chức tuần văn hóa Việt Nam tại Lào và Tuần văn hóa Lào tại Việt Nam (7-2007); xây dựng Khu không gian Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa quốc gia Lào ở thủ đô Viêng Chăn; Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam tặng Bộ Văn hóa - Thông tin Lào phòng đọc sách Việt Nam và bộ đĩa DVD “Những bài ca Hữu nghị Việt - Lào” gồm những ca khúc của các nhạc sĩ hai nước sáng tác qua các thời kỳ. Hai bên thống nhất tăng thời gian phát thí điểm phụ đề tiếng Lào trong các chương trình chuyển tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam tại Lào, hoàn thiện dự án xây dựng và phát sóng phát thanh ở Lào, triển khai dự án xây dựng Trường Nghệ thuật âm nhạc quốc gia Lào tại Viêng Chăn; tiếp tục phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch của mỗi nước.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa Lào thường xuyên giao lưu, trao đổi và ký kết hợp tác trong khuôn khổ cấp Bộ. Trong hai năm (2007 - 2008), Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho Lào về khoa học - kỹ thuật và nguồn chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật như: cử đoàn cán bộ kỹ thuật về âm thanh, ánh sáng phục vụ nghệ thuật trong khuôn khổ Đại hội Thể thao quốc gia Lào; cử các chuyên gia sang Lào giúp về mặt chuyên môn lĩnh vực bảo tồn bảo tàng; giúp Thư viện Quốc gia Lào trong việc xây dựng và soạn thảo các văn bản quản lý nhà nước về thư viện, dự thảo đề cương Luật Thư viện, cung cấp một số trang thiết bị và các tài liệu chuyên môn về lĩnh vực thư viện. Các trường văn hóa, nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã và đang tiếp nhận cán bộ, sinh viên Lào sang học tập, đào tạo ngắn hạn và dài hạn; xây dựng phòng đọc Việt Nam tại Thư viện quốc gia Lào.

Ngày 5-3-2009, hai bên đã ký kết hợp tác văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2009 - 2012. Theo đó, việc hợp tác tổ chức chương trình nghệ thuật biểu diễn hằng năm nhân dịp Quốc khánh của mỗi nước trước đây sẽ được thay bằng hình thức phối hợp tổ chức Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào và Tuần Văn hóa Lào tại Việt Nam, luân phiên 2 năm một lần. Hoạt động này sẽ được tổ chức quy mô lớn bao gồm biểu diễn nghệ thuật, triển lãm và chiếu phim...(6). Và Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào lần thứ nhất đã được tổ chức vào cuối tháng 8, đầu tháng 9-2009 - nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Năm Ngoại giao văn hóa 2009. Từ đó đến nay, hằng năm, hoạt động này được duy trì đều đặn.

Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1962-2012), 35 năm ký kết Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (1977 - 2012) và "Năm Đoàn kết hữu nghị Việt - Lào", ngay từ đầu năm 2012 Ban Tuyên giáo Trung ương phát động sâu rộng cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam", Văn phòng Trung ương Đảng hai nước đã phối hợp tổ chức triển lãm quy mô lớn về “Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam giai đoạn 1962 - 2012”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai nước phối hợp tổ chức "Những ngày văn hóa Việt Nam tại Lào" và "Những ngày văn hóa Lào tại Việt Nam" diễn ra đồng thời từ ngày 16 đến 21-7-2012 với quy mô lớn, các chương trình hết sức phong phú và đặc sắc… Trong khuôn khổ "Những ngày văn hóa Lào tại Việt Nam", ở rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm mỹ thuật và giới thiệu điện ảnh của Lào: Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình Giao lưu văn nghệ kỷ niệm 50 năm hợp tác Việt Nam - Lào và triển lãm ảnh "Một thoáng trên đất bạn Lào"; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng tổ chức Triển lãm ảnh tư liệu - nghệ thuật “Quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Lào, từ Viêng Chăn đến Luông-pha-băng”; Thư viện tỉnh Thanh Hóa khai trương phòng đọc tư liệu chuyên đề: Tình hữu nghị và hợp tác Việt - Lào và giới thiệu bộ sưu tập báo chí mang tên: Tình hữu nghị và hợp tác hai tỉnh Thanh Hóa - Hua Phan", Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt - Lào phối hợp tổ chức chương trình Liên hoan Hữu nghị nhân dân Việt - Lào lần thứ III tại Hà Nội, Ninh Bình và Tuyên Quang trong các ngày từ 15 đến 21-7-2012… nhằm ca ngợi mối quan hệ đặc biệt thủy chung, trong sáng Việt Nam - Lào đã trở thành tài sản vô giá của cả hai dân tộc.

Trong thời gian này, trên nước bạn Lào cũng diễn ra những hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi nổi: triển lãm tranh giới thiệu đất nước, con người Việt Nam được mở tại Trung tâm Văn hóa quốc gia thủ đô Viêng Chăn; đợt giới thiệu điện ảnh về Việt Nam, về tình hữu nghị Việt - Lào trên đất Lào, nổi bật là 10 bộ phim truyện, tài liệu và phóng sự của Việt Nam gồm: 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, Con chim vành khuyên, Chom và Sa, Thương nhớ đồng quê, Ngã ba Đồng Lộc, Trăng nơi đáy giếng, Mùi cỏ cháy; Đoàn đại biểu Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc đi dự Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày tuyên bố độc lập của nhân dân Lào; mở Khu trưng bày giới thiệu mỹ thuật, nghệ thuật điêu khắc và trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam; các hoạt động phát triển, quảng bá du lịch Việt Nam cũng được triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố trên đất nước Lào,...

Hai bên thường xuyên tạo điều kiện cho các đơn vị thuộc cấp bộ mở rộng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các tỉnh khu vực dọc biên giới Việt Nam - Lào; hợp tác tổ chức thành công những hoạt động nghệ thuật kỷ niệm Quốc khánh hai nước có hiệu quả, cùng tham gia dự án “Phát triển thư viện công cộng Việt Nam - Lào” do Quỹ SIDA Thụy Điển tài trợ; Ký Thỏa thuận về nội dung hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Thông tin - Văn hóa Lào giai đoạn 2009 - 2010. Đặc biệt, Việt Nam đã giúp Lào toàn diện trong việc chuẩn bị tổ chức SEA Games 25 diễn ra vào tháng 12-2009, từ khâu xây dựng Trung tâm Huấn luyện thể thao đến huấn luyện cho các vận động viên Lào ở nhiều môn thể thao. Đánh giá sự giúp đỡ này, ông Phouthong Seng Akhom - Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Thể thao quốc gia Lào, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia Lào về sự chuẩn bị của ngành thể dục, thể thao Lào cho SEA Games 25 khẳng định:

“Chúng tôi luôn ghi nhận và đánh giá cao sự hợp tác hỗ trợ của Việt Nam. Sự giúp đỡ của Việt Nam đã mang lại hiệu quả nhất định đối với sự phát triển của nền thể dục, thể thao quốc gia Lào, đặc biệt là sự hỗ trợ về vật chất, công tác chuyên môn, kinh nghiệm tổ chức cũng như những ủng hộ về tinh thần trong việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn. Đội ngũ cán bộ chuyên trách của Lào còn nhiều hạn chế, lực lượng mỏng nên công tác chuẩn bị phải nhờ đến sự giúp đỡ của các bạn Việt Nam… Đặc biệt, Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi toàn diện trong việc chuẩn bị tổ chức SEA Games”(7).

Hai bên còn phối hợp nghiên cứu về lĩnh vực lịch sử, địa lý, Việt Nam tổ chức biên soạn lịch sử của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Ngoài ra, Viện Khoa học xã hội Việt Nam cam kết giúp Viện Khoa học xã hội Lào xây dựng Trung tâm thông tin. Tháng 7-2002, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam và Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt tổ chức Hội thảo khoa học: Tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào: truyền thống và triển vọng; tháng 6-2007, Viện Khoa học xã hội hai nước đã tổ chức Hội thảo khoa học: Tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào tại Viêng Chăn,...

Năm 2012 là năm đặc biệt trong quan hệ Việt Nam - Lào với nhiều sự kiện quan trọng của cả hai nước, mở ra triển vọng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững trong những năm tới. Việc thắt chặt hợp tác trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trao đổi giữa các đoàn nghệ thuật, thể thao đã thúc đẩy hợp tác, giao lưu ở lĩnh vực văn hóa ngày càng phát triển, tình hữu nghị giữa hai nước không ngừng được tăng cường, sự hợp tác toàn diện ngày càng đi vào chiều sâu, đưa mối quan hệ Việt Nam - Lào phát triển lên một tầm cao mới, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước./.

-------------------------------------------------

(1) Nguyễn Sĩ Tuấn: "Hợp tác giáo dục và khoa học Việt Nam - Lào vì mục tiêu phát triển nguồn nhân lực", Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3-2004, tr.14

(2) Vũ Dương Huân: "Nhân 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 30 năm ký kết Hiệp ước Hữu nghị: nhìn lại quan hệ đặc biệt Việt - Lào", Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 3 (70), 9-2007, tr.20

(3)  Nguyễn Sĩ Tuấn: Hợp tác giáo dục và khoa học Việt Nam - Lào…, Tài liệu đã dẫn, tr.16

(4) TTXVN, Thứ sáu, 09/01/2009, 01:46 (GM +7).

(5)  Hoàng Anh Thắng: "Hợp tác đào tạo Việt - Lào: Việt Nam đào tạo cho Lào trên 12.000 nhân sự", Báo Đại Đoàn kết, ngày 20-12-2011

(6) TTXVN/Vietnam+: Hợp tác văn hoá nghệ thuật Việt Nam - Lào, 05-03-2009

(7)  Trang tin điện tử thể dục thể thao, 23-2-2009