Đồng chí Lê Hồng Phong với việc khôi phục, phát triển Đảng trong thời kỳ khó khăn của Đảng
Lãnh đạo bị bắt, tổ chức bị phá vỡ - những ngày cam go, hiểm nghèo của Đảng
Màn dạo đầu của phong trào cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong những năm 1930 – 1931 mà đỉnh cao là Xô viết – Nghệ Tĩnh bị thực dân Pháp dập tắt. Hòng đàn áp phong trào, thủ tiêu tận gốc lực lượng cách mạng, cuối năm 1931, đầu năm 1932, đế quốc Pháp khủng bố rát, truy lùng gắt gao, bắt cán bộ, phá vỡ hầu hết cơ sở và lực lượng cách mạng. Chỉ trong thời gian ngắn, thực dân Pháp đã bắt giam 246.532 người. Riêng ở Bắc kỳ, từ 1930 – 1933, chúng đã mở 21 phiên tòa đại hình xử 1.094 án, trong đó có 64 án tử hình, 114 án khổ sai, 420 án lưu đày biệt xứ. Năm 1933, Tòa án Sài Gòn đã mở phiên tòa kết án 8 án tử hình, 19 án tù chung thân. Cũng trong những năm 1930 – 1933, ở nhà tù Côn Đảo có 708 chiến sĩ cộng sản bị thực dân Pháp sát hại, ở các nhà tù Đắc Pao, Đắc Pếch có 295 tù nhân sau thời gian ngắn chỉ còn 80 người sống sót. Riêng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của Đảng rất nhiều đồng chí đã bị Thực dân Pháp bắt, ở trong nước có các đồng chí: Trần Phú, tháng 4-1931; Nguyễn Phong Sắc, ngày 3-5-1931; Ngô Gia Tự bị tạm giam từ giữa năm 1930 đã bị đày ra Côn Đảo; Nguyễn Đức Cảnh rơi vào tay địch ở làng Yên Dũng hạ, gần Vinh, bị giải về Hà Nội từ tháng 4-1931; Lương Khánh Thiện bị đày đi Côn Đảo cuối năm 1930. Ở Trung Quốc, thực dân Anh cấu kết với thực dân Pháp bắt giam Nguyễn Ái Quốc vào nhà tù Hương Cảng, tháng 6-1931; Hồ Tùng Mậu, Đỗ Ngọc Du bị bắt tháng 6-1931; Nguyễn Thị Minh Khai, cán bộ Văn phòng Đông Phương Bộ bị cảnh sát Hương Cảng bắt giam; cảnh sát Anh bắt Trương Vân Lĩnh ở Hương Cảng, rồi bị trả cho chính quyền Quốc dân đóng ở Quảng Châu, được thả, rồi lại bị bắt lại vào tháng 1-1932, tháng 4 cùng năm bị kết án khổ sai chung thân; Lý Tự Trọng, người “Tổ trưởng” giao thông đảm nhiệm nhận và chuyển các tài liệu quốc tế đã bị bắt giam ngày 9-2-1931…
Có thể thấy, do sự truy quét, vây ráp, khủng bố vô cùng tàn bạo, dã man của thực dân Pháp nên hầu hết các Ủy viên Trung ương, các xứ ủy viên, đều bị bắt hoặc bị sát hại, hàng trăm cán bộ, hàng ngàn đảng viên bị bắt bớ, tù đày, các tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở hầu hết bị tan rã hoặc tê liệt. Đảng đã ra thông báo: “Ngày 17-4-1931 cơ quan Trung ương bị phá, lần lượt các cơ quan xứ ủy cũng bị phá, cán bộ Đảng bị bắt, bị tù đày rất nhiều, làm cho Đảng ta một thời gian tạm thời mất các mối liên lạc, vì Đảng thiếu cán bộ chỉ huy ra lãnh đạo các cuộc đấu tranh của quần chúng lao khổ, nên chi phong trào cách mạng từ cuối năm 1931 tới năm 1932 ngoài mặt trông như đình đốn và rải rác”(1). Đảng non trẻ phải đối mặt với khó khăn tổn thất quá lớn. Thêm vào đó, lúc này tình hình khủng hoảng kinh tế kéo dài, nạn thất nghiệp trầm trọng, đời sống quần chúng vô cùng cơ cực. Không khí hoang mang, lo sợ bao trùm trong cuộc sống của nhân dân.
Từ khi Nguyễn Ái Quốc bị thực dân Anh bắt (tháng 6-1931), thực dân Pháp khủng bố rát nên những tổ chức Đảng, những đảng viên còn lại trong nước hầu như bị tê liệt không thể hoạt động như trước. Giữa lúc này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngày 18-9-1931, đế quốc Nhật mở cuộc tấn công đánh chiếm vùng Đông Bắc Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch không chủ trương kháng Nhật mà diệt cộng. Sau những năm cao trào 1930 – 1931, mối liên hệ và sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản đối với phong trào cách mạng Việt Nam hoàn toàn bị cắt đứt. Có thể thấy, đây là những năm vô cùng khó khăn của Đảng: tổ chức Đảng bị phá vỡ hầu hết, các yếu nhân của Đảng bị bắt, phong trào cách mạng bị dìm trong bể máu, cách mạng lâm vào thoái trào.
Thấy được khó khăn đó, Quốc tế Cộng sản đã kêu gọi: “Những người cộng sản Đông Dương phải đem ý chí Bôn-sê-vích phấn đấu tiến lên, … phải đứng mũi, vượt qua phong ba bão táp do đế quốc và bọn phản động gây ra, kiên trì xây dựng và củng cố phong trào cộng sản ở xứ Đông Dương”(2). Ngày 7-2-1932, Va-xi-li-e-va gửi thư cho Lê Hồng Phong vạch rõ nhiệm vụ quan trọng nhất của các xứ ủy lúc này là tập hợp lực lượng, củng cố hàng ngũ, củng cố bộ máy đảng; bắt tay ngay vào việc xây dựng các tổ, các chi bộ cộng sản ở những nơi có thể củng cố được.
Sự chuẩn bị tiếp nối của ý chí cứu nước
Đồng chí Lê Hồng Phong, sinh ra và lớn lên khi nước đã mất, nhà tan, quê hương bị thực dân giày xéo, nhân dân cơ cực, lầm than. Được truyền thống quê hương, đất nước hun đúc, với tinh thần yêu nước, thương nòi, đồng chí sớm hướng tinh thần yêu nước đó vào con đường hoạt động cách mạng để góp phần cứu dân, cứu nước. Vì căm gét bạo tàn, bất công nên khi đang là người thợ, đồng chí đã vận động công nhân Vinh – Bến Thủy đấu tranh, bị đuổi việc. Từ cuối năm 1923, khi mới 21 tuổi, Lê Hồng Phong cùng Phạm Hồng Thái và một số bạn tâm huyết đã tìm đường xuất dương qua Xiêm, rồi tới Quảng Châu (Trung Quốc), hoạt động sôi nổi trong nhóm Tâm Tâm xã trước khi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện tại đây. Con đường cách mạng gian khổ trải rộng trước Lê Hồng Phong: Tham gia lớp huấn luyện chính trị do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở và tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội do Người sáng lập; tham gia hoạt động Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức, trong Quốc tế đỏ (MOPR), tham gia các cuộc mít tinh, tuần hành, thị uy do Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức tại Quảng Châu; cuối năm 1925 tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố, học tiếp Trường Hàng không Quảng Châu, ngày 10-2-1926 trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Do có kết quả của quá trình học tập xuất sắc, tháng 10-1926, Lê Hồng Phong được cử sang Liên Xô học. Từ tháng 10-1926 đến tháng 12-1927, học Trường Lý luận quân sự không quân (B.B.C) tại Lê-nin-grát, rồi học tiếp Trường đào tạo phi công quân sự tại Bô-rít-xgơ-lép-xcơ, rồi đến tháng 12-1928, Lê Hồng Phong lại vào học tại Trường Đại học Cộng sản của những người lao động phương Đông (KYTB), trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô và ở trong ủy ban tổ chức Đảng nhóm Đông Dương và đã tốt nghiệp khóa 3 năm (1928-1931), sau đó tiếp tục học nghiên cứu sinh năm thứ nhất.
Có thể thấy, đến giữa năm 1931, khi mới 29 tuổi, qua 8 năm được đào tạo liên tục, chính quy, bài bản ở Trung Quốc, Liên Xô và trở thành đảng viên của 2 Đảng Cộng sản: Trung Quốc và Liên Xô. Và cũng đến những ngày này, với ý chí cách mạng sục sôi, lòng quyết tâm cao độ, đồng chí Lê Hồng Phong như một sự chuẩn bị tiếp nối của ý chí cứu nước nên đã có đủ điều kiện trở thành cánh đại bàng vượt lên, lao vào cuộc chiến đấu trên đại ngàn gian khó của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Công việc cần kíp lúc này là gây dựng, phục hồi lại Bộ Tham mưu, người cầm lái của con thuyền cách mạng Việt Nam - Đảng Cộng sản Đông Dương đang bị khủng hoảng cả về tổ chức lẫn lực lượng lãnh đạo.
Sứ mệnh cao cả, trách nhiệm vẻ vang dựng lại Đảng
Cả Quốc tế Cộng sản và bản thân đồng chí Lê Hồng Phong đều nhận thấy tình hình vô cùng khó khăn của Đảng Cộng sản Đông Dương và phong trào cách mạng trước sự khủng bố trắng của thực dân Pháp sau phong trào cách mạng 1930 – 1931, cần phải bổ sung đội ngũ, những người tiên phong nhanh chóng tổ chức xây dựng lại Đảng, đưa phong trào cách mạng Đông Dương vượt qua giai đoạn hiểm nghèo, tiếp tục tiến lên. Để chuẩn bị cho sự phục hồi tổ chức Đảng ở Đông Dương, Quốc tế Cộng sản đã thu hút những người đã và đang học tại Trường Phương Đông vào một nhóm tiến hành những việc cần kíp cho sự trở về nước hoạt động. Được Quốc tế Cộng sản giao giữ vai trò chủ chốt, đồng chí Lê Hồng Phong cùng với những sinh viên Việt Nam đang ở Mát-xcơ-va tổ chức tuyển chọn những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và các tài liệu quan trọng khác rồi dịch sang tiếng Việt. Có thể kể: Bệnh “ấu trĩ” tả khuynh trong phong trào cộng sản của V.I.Lê-nin, ACB chủ nghĩa cộng sản của Bu-kha-rin, Tình hình thế giới và nhiệm vụ của các phân bộ Quốc tế Cộng sản, Đề cương báo cáo tại Hội nghị toàn thể lần thứ 12 Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản của Ku-xin-hen…
Khi biết Tổng Bí thư Trần Phú và hầu hết các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, các xứ ủy bị sát hại, hoặc bị bắt, Quốc tế Cộng sản đã có kế hoạch hỗ trợ tích cực để xây dựng lại Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhiều người lần lượt được đưa về nước hoạt động: Dương Bạch Mai (tháng 9-1931), Trần Văn Giàu (1932), sau đó là Nguyễn Văn Minh về gây dựng lại cơ sở ở Hà Nội… Đồng thời, Quốc tế Cộng sản ủy nhiệm cho đồng chí Lê Hồng Phong về Trung Quốc chắp nối để thành lập Ban Hải ngoại của Đảng. Bản thân đồng chí Lê Hồng Phong cũng đã thấy rõ sứ mệnh cao cả, trách nhiệm vẻ vang dựng lại Đảng của những chiến sĩ cộng sản kiên trung lúc này, trong đó có mình, nên đã sẵn sàng bắt tay vào nhiệm vụ mới.
Tháng 11-1931, đồng chí Lê Hồng Phong lên đường về nước với tấm hộ chiếu mang tên Vương Dật Dân. Cuộc hành trình gian nan, hiểm nguy và mất mát trong sự kiểm soát nghiệt ngã của cảnh sát, mật vụ, mánh lới của lũ trộm cắp ở Thái Lan, Hồng Công. Tháng 4-1932, đồng chí Lê Hồng Phong tới được Nam Ninh (Trung Quốc). Với vỏ bọc một thợ nguội trong xưởng cơ khí Nam Hưng của người đồng hương Bùi Ngọc Thành, đồng chí Lê Hồng Phong đã bắt tay ngay vào khôi phục lại tổ chức Đảng ở Bắc kỳ và chắp nối liên lạc với tổ chức Đảng ở Trung kỳ và Xiêm. Tại đây, đồng chí Lê Hồng Phong đã chủ trì nhiều cuộc thảo luận để đánh giá về tình hình cách mạng Đông Dương, rà soát lại đội ngũ, rút ra những kinh nghiệm, đề ra những việc cần kíp trong thời gian tới. Cùng với các đồng chí của mình, Lê Hồng Phong đã xây dựng bản Chương trình hành động của Đảng, dịch một số tài liệu, viết cuốn sách nhan đề: Tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương kịp làm tài liệu huấn luyện cho đội ngũ cán bộ của Đảng và gửi về nước. Chương trình hành động của Đảng năm 1932 chính là Cương lĩnh tối thiểu trong thời kỳ khôi phục tổ chức của Đảng và thúc đẩy phong trào cách mạng trong nước. Đồng thời, trong khoảng thời gian này, Lê Hồng Phong tìm mọi cách thu hút số thanh niên từ trong nước, mở các lớp huấn luyện chính trị, nâng cao nhận thức lý luận và sự hiểu biết về tình hình thời cuộc và nhiệm vụ cần kíp của cách mạng lúc này. Chi bộ cộng sản được thành lập với những đảng viên nòng cốt ban đầu như Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ… Được sự giúp đỡ của Chấp ủy lâm thời Liên tỉnh Đảng bộ Cao Bằng – Lạng Sơn, đồng chí Lê Hồng Phong đã mở các lớp huấn luyện ngắn ngày, rồi tung số cán bộ này về nước phát triển tổ chức, liên lạc với những đồng chí còn lại ở Bắc Bộ.
Lúc này, đồng chí Lê Hồng Phong cùng một số đồng chí khác đã liên hệ với Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Thái Lan thành lập Đông Dương viện trợ bộ tại Thái Lan. Đông Dương viện trợ bộ đã cử đồng chí Ngô Tuân (tức Ba Đốc) về Nghệ - Tĩnh, xây dựng lại Đảng bộ Trung Kỳ. Khi đã móc nối được với một số cơ sở cách mạng trong nước, đồng chí Lê Hồng Phong đã chỉ đạo thành lập các Ban cán sự Đảng ở Cao Bằng, Lạng Sơn, phân công một số đồng chí đi gây dựng lại cơ sở Đảng ở Hà Nội, Hải Phòng, Hòn Gai. Tháng 6-1933, khi các đồng chí Hà Huy Tập, Svan (tức Nguyễn văn Dực) từ Mát-xcơ-va về Quảng Tây, tìm gặp được đồng chí Lê Hồng Phong, cùng bắt tay ngay vào việc chuẩn bị điều kiện cho Hội nghị thành lập Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó đặc biệt quan trọng là những văn kiện của Hội nghị.
Sau một năm tiếp tục xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, đảng viên và những điều kiện cần thiết cho một tổ chức của Đảng, tháng 6-1934, tại Ma Cao, Hội nghị Ban lãnh đạo Hải ngoại của Đảng được tổ chức, với 5 đồng chí, trong đó có 2 đại biểu từ Xiêm sang. Với nhiệm vụ khẩn trương tổ chức lại tổ chức Đảng các cấp để thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên, Hội nghị đã quyết định tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Đảng vào mùa xuân năm 1935 và nêu rõ nhiệm vụ từ nay tới trước Đại hội phải thành lập xong các xứ ủy để các xứ ủy sẽ cử đại biểu của mình về dự Đại hội toàn quốc của Đảng. Hội nghị đã chính thức bầu ra Ban lãnh đạo hải ngoại có chức năng như một Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng, gồm 3 người, đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập phụ trách tuyên huấn kiêm Tổng Biên tập tạp chí Bôn-sê-vích và đồng chí Svan (Nguyễn Văn Dực) phụ trách kiểm tra. Ngay sau Hội nghị, Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng đã phân công đồng chí Svan về khôi phục lại Xứ ủy Nam kỳ.
Giữa lúc Ban Lãnh đạo hải ngoại đang khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện cho Đại hội lần thứ nhất của Đảng thì tháng 9-1934, đồng chí Lê Hồng Phong được triệu tập đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, dự kiến khai mạc vào cuối năm.
Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất họp tại phố Quan Công, Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935. Đại hội thừa nhận Cương lĩnh chính trị (10-1930) và Chương trình hành động (2-1932). Đại hội khẳng định: “Sự khôi phục hệ thống của Đảng là kết quả công tác có sáng kiến của các Đảng bộ và các chiến sĩ hạ cấp, sự tranh đấu dũng cảm của quần chúng, sự chỉ đạo và giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, của ba Đảng Cộng sản Pháp, Trung Quốc và Xiêm”(3). Đại hội nêu rõ 3 nhiệm vụ trước mắt của Đảng: Một là, củng cố và phát triển Đảng – tăng cường phát triển lực lượng Đảng vào các xí nghiệp, nhà máy, đồn điền. Đồng thời phải đưa nông dân, trí thức cách mạng đã qua thử thách vào Đảng. Hai là, đẩy mạnh cuộc vận động thu phục quần chúng, chú ý các dân tộc ít người, phụ nữ, binh lính. Củng cố các tổ chức quần chúng: Đoàn thanh niên cộng sản, Cứu tế đỏ, Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế. Đại hội nhấn mạnh: “Thâu phục quảng đại quần chúng là nhiệm vụ trung tâm, căn bản, cần kíp”. Ba là, mở rộng tuyên truyền chống đế quốc; tuyên truyền Điều lệ Đảng; thông qua các nghị quyết vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh lính; về công tác mặt trận phản đế; về công tác vận động các dân tộc ít người; về đội tự vệ, cứu tế đỏ…
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 13 ủy viên (9 ủy viên chính thức, 4 ủy viên dự khuyết), trong đó có các đồng chí Lê Hồng Phong, Đình Thanh, Hà Huy tập, Phùng Chí Kiên, Hoàng Đình Giong,… Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư.
Thành công của Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương với những quyết sách của nó đánh dấu thắng lợi căn bản qua 4 năm (1932 – 1935) đấu tranh khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở, từ trong nước ra ngoài, thống nhất được phong trào đấu tranh của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, tạo thành sức mạnh, chuẩn bị những tiền đề chính trị - tư tưởng và cả tổ chức cho bước nhảy vọt trong hoạt động của Đảng những năm 1936 – 1939. Trong thành công đó có đóng góp to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong – một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế - người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng và dân tộc./.
(1) Tạp chí Bôn-sơ-vích, cơ quan ngôn luận của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương, số 10, tháng 2-1935
(2) Văn kiện Đảng 1930-1945, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản 11.1977, t.1, tr.291
(3) Văn kiện Đảng 1930-1945, t. 1, tr. 480
Tăng cường quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ  (03/09/2012)
Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương kiểm điểm, phê bình  (03/09/2012)
Hội nghị hợp tác khu vực sông Mê-kông - sông Hằng  (03/09/2012)
Các nước gửi điện mừng Quốc khánh Việt Nam  (03/09/2012)
Nga khai mạc tuần lễ hội nghị thượng đỉnh APEC  (03/09/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển